Đức Thượng Phụ Louis Raphael I Sako |
Phỏng vấn Đức Thượng Phụ Louis Raphael I Sako về số phận của các kitô hữu Iraq và vùng Trung Đông
Hơn hai năm đã trôi qua kể từ ngày mùng 9 tháng 6 năm 2014, khi các lực lượng hồi cuồng tín của Nhà nước Hồi IS đánh chiếm Mossul và biến nó trở thành pháo đài của Nhà nước Hồi. Họ áp đặt ba giải pháp cho các kitô hữu: thứ nhất muốn sống phải theo Hồi giáo, thứ hai, nếu không theo Hồi giáo thì phải trả thuế, và thứ ba là chết. Để bảo toàn đức tin đã có 125 ngàn kitô hữu lựa chọn bỏ nhà cửa, gia tài sản nghiệp, ruộng vườn, đang đêm bồng bế nhau ra đi, với hai bàn tay trắng, hướng về Erbil là thành phố gần nhất nằm trong vùng Kurdistan. Nhà của họ bị ghi dấu với chữ “N” tức Nasara có nghĩa là Kitô giáo, và cũng để nói rằng chúng có thể bị truất hữu bởi những người ủng hộ nhà nước Hồi IS.
Ngày mùng 8 tháng giêng vừa qua, sau ba tháng giao tranh quân đội của chính phủ Iraq đã tái chiếm khu phố mạn đông thành Mossul, nơi có đa số gia đình kitô hữu sinh sống. Khu phố này có ít nhất 700 nhà của kitô hữu và nhiều nhà đã bị chiếm bởi các dân quân hồi. Một số các dinh thự, kể cả nhà thưong nhi đồng, trong khu phố đã bị phá hủy hay hư hại nặng. Thủ tướng Iraq Haider al Abadi đã xác nhận tin tái chiếm và giải phóng khu phố đông của thành Mossul. Nhưng ông cũng cho biết phiá tây thành phố còn có 750 ngàn dân còn phải sống dưới quyền kiểm soát của các lực lượng của nhà nước Hồi. Liên Hiệp Quốc lo sợ các cuộc hành quân tới để giải phóng toàn thành phố Mossul có thể gây tổn thất cho một số thường dân.
Ngày 26 tháng giêng Đức Thượng Phụ Canđê Louis Raphael I Sako đã hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm vùng bình nguyên Ninive mới được quân đội Iraq giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhà nước Hồi IS. Phái đoàn đã được các giới chức chính trị địa phương tiếp đón. Tại Telkaif Đức Thượng Phụ đã chủ sự một buổi cầu nguyện cho hoà bình toàn vùng và việc trở về của các kitô hữu, trong nhà thờ Thánh Tâm, nơi ngài đã đặt thánh giá trở lại trên nóc nhà thờ, đã bị phiến quân hồi triệt hạ trước đó. Ngài cho biết Giáo Hội đã thành lập các uỷ ban và tài trợ 380 ngàn Euros cho việc tái thiết các nhà thờ và gia cư bị phá huỷ hay hư hại và bỏ hoang trong các năm bị phiến quân hồi chiếm đóng từ tháng 6 và tháng 8 năm 2014.
Trong thông cáo phổ biến trên mạng truyền thông của Giáo Hội ngày 26 tháng giêng Đức Thượng Phụ kêu gọi sự đóng góp quảng đại của các cộng đoàn Canđê trong và ngoài nước cho công tác tái thiết các thành phố vùng bình nguyên Ninivê đã được giải phóng. Toà thượng phụ cũng cho biết thành phố Batnaya là thành phố bị tàn phá nặng nề nhất, trong khi các nơi khác như Tesqopa và Telkaif bị thiệt hại ít hơn. Chính tại Telkaif quân đội chính phủ đã tìm ra bà cụ Georgette Hanna, bị kẹt lại không kịp trốn với gia đình, nhưng được một gia đình hồi giáo hàng xóm che chở. Linh Mục Thabit Mekko, thuộc giáo hội Canđê tỵ nạn với giáo dân tại Erbil, cho biết tình hình vẫn còn rất nguy hiểm, và nhiều gia đình chưa quyết định sẽ phải làm gì, trở lại Mossul hay tiếp tục sống kiếp tỵ nạn.
Phát biểu trong trong đại hội do Hiệp hội Massarat tổ chức trong thủ đô Baghdad về đề tài bảo vệ tự do tôn giáo ngày 21 tháng giêng, Đức Thượng Phụ Sako cho biết việc chờ đợi sự thất bại của các lực lượng phiến quân của nhà nước hồi cũng như các chiến dịch gieo chết chóc kinh hoàng của họ đã cho Iraq dịp lựa chọn một con đường thay đổi, nhằm xây dựng một quốc gia dân chủ dựa trên nguyên tắc quyền công dân. Để đạt mục tiêu ấy cần khởi đầu một tiến trình hòa giải quốc gia theo mô thức đã thực hiện tại Nam Phi, khi nhân dân nước này loại bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc. Ngài cũng cho biết trong cộng đoàn hồi giáo Iraq cũng có các dấu hiệu tích cực diễn tả ý muốn thoát ra khỏi các điều kiện hoá của chủ trương cực đoan. Chẳng hạn dịp lễ Giáng Sinh vừa qua chính quyền Najaf đã ra thông cáo mời gọi tín hữu hồi chia sẻ niềm vui của các anh chị em kitô, việc Bộ tôn giáo củng cố các nỗ lực nhận diện và ngăn chặn các vị giảng thuyết khích động thù hận, cũng như các biện pháp đề ra cho vùng tự trị Kurdistan để tránh mọi diễn văn hay kiểu diễn tả xúc phạm đến các cộng đoàn tôn giáo khác.
Ngày mùng 9 tháng giêng Đảng cộng sản Iraq cũng gửi phái đoàn đến chào thăm Đức Thượng Phụ và cám ơn các nỗ lực của ngài trong việc huy động lôi cuốn mọi giới chức chính trị, chủng tộc, xã hội và tôn giáo tham gia các cơ cấu quốc gia và kiến tạo hoà bình cho đất nước.
Trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin Ankawa.com đăng tải hôm mùng 1 tháng 2 vừa qua Đức Thượng Phụ Sako cho biết không cần phải có các lực lượng vũ trang nước ngoài hay quốc tế che chở các làng mạc và thành phố trong vùng bình nguyên Ninive, nơi trước sau gì các kitô hữu cũng trở lại sinh sống. Đức Thượng Phụ thừa nhận sự can thiệp hữu ích của Liên Hiệp Quốc hay của các quan sát viên của Liên Hiệp Âu châu canh chừng ngăn chặn mọi vi phạm có thể xảy ra để giúp các kitô hữu tỵ nạn hồi hương. Nhưng ngài khước từ mọi can thiệp bạo lực nước ngoài và viễn tượng thành lập các lực lượng dân quân kitô bên ngoài khuôn khổ các cơ cấu dân sự và quân đội quốc gia.
Liên quan tới quyết định của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ưu tiên tiếp nhận các kitô hữu Iraq tỵ nạn, và đình chỉ trong ba tháng không chấp nhận công dân của 7 nước Iran, Yemen, Siria, Sudan, Libia, Iraq, và Somalia vào Hoa Kỳ, Đức Thượng Phụ Sako nói: “Đây là một bẫy sập cho các kitô hữu Trung Đông. Mọi chính sách tiếp nhận kỳ thị những người bị bách hại và khổ đau dựa trên tôn giáo kết cục chỉ làm hại các kitô hữu, bởi ngoài các chuyện khác nó cung cấp các lý do cho mọi quảng bá và thành kiến tấn công các cộng đoàn kitô vùng Trung Đông như là các “cơ thể xa lạ”, các nhóm được các cường quốc tây phương nâng đỡ và bảo vệ. Các lựa chọn kỳ thị này tạo ra và dưỡng nuôi các căng thẳng với các công dân hồi của chúng tôi. Những người đau khổ xin trợ giúp không cần bị chia rẽ dựa trên các nhãn hiệu tôn giáo. Và chúng tôi không muốn có các quyền ưu tiên. Phúc Âm dậy chúng tôi điều đó, và chính ĐTC Phanxicô cũng cho thấy điều ấy, khi ngài tiếp nhận các người tỵ nạn kitô và hồi giáo vùng Trung Đông mà không phân biệt”.
ĐC Antoine Audo, dòng Tên Giám Mục giáo phận Canđê Aleppo, cũng tuyên bố rằng Kitô hữu Siria và toàn vùng Trung Đông không thích bất cứ diễn văn nào phân biệt các tín hữu hồi và các tín hữu kitô, liên quan tới công lý, hoà bình và sự trợ giúp những ai cần được trợ giúp. Các dự trù và luật lệ phải công bằng và được áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người mà không kỳ thị. Và như là kitô hữu chúng tôi xin được trợ giúp không phải để di cư, mà là để có hoà bình và để ở lại trong các quốc gia của chúng tôi, hầu có thể tiếp tục cuộc sống và làm chứng tá trong các vùng đất mà chúng tôi đã sinh ra.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Đức Thượng Phụ Louis Rahael I Sako về tình hình tại Iraq hiện nay.
Hỏi: Thưa Đức Thượng Phụ, Đức Thượng Phụ nghĩ gì về sự hiện quân đội Iraq đã giải phóng một phần thành phố Mossul?
Đáp: Quân đội Iraq đã giải phóng vùng đông bắc thành phố là phần lớn nhất. Bây giờ quân đội bắt đầu giải phóng phần còn lại bên kia sông Tigri, tức là phiá đông nam, là phần phức tạp hơn, vì nhà cửa cổ xưa, có đông dân cư hơn, mà lại không có đường lưu thông, chỉ có các đường nhỏ cho người đi bộ, và xe cộ không thể qua lại. Chính vì vậy nó rất là phức tạp, và tình hình ở đó cũng thê thảm, bởi vì từ gần một tháng nay dân chúng không có nước uống. Chúng tôi không biết rõ tình hình ra sao. Ngày mai tôi sẽ đến thăm khu phố Al Nour cách Mossul 15 cây số và tôi đi thăm nhà thờ Chúa Thánh Linh, đã được giải phóng. Chính tại đây ĐC Raho đã bị bắt cóc, và linh mục Ragheed đã bị ám sát.
Hỏi: Tình hình lúc này ra sao và dân chúng cần những gì nhất thưa Đức Thượng Phụ?
Đáp: Bây giờ trời lạnh lắm. Dân chúng cần có sưởi, nhưng họ không có. Có rất nhiều người sống dưới lều vải. Thế rồi cần có thực phẩm, thuốc men và nước uống. Tình hình thật vô cùng khó khăn.
Hỏi: Thủ tướng Abadi đã khẳng định rằng tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hứa củng cố sự trợ giúp cho Iraq. Đức Thượng Phụ nghĩ sao?
Đáp: Chúng tôi không tin tưởng nhiều, bởi cứ thỉnh thoảng ông lại thay đổi. Và chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không biết, và có lẽ cả họ, tức chính quyền Iraq, cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau nhà nước Hồi. Các vấn đề sẽ không được giải quyết hết, vì sẽ có các vấn đề khác: sự hoà giải, tương lai thành phố Mossul, tương lai vùng bình nguyên Ninive, và tất cả những điều này thật không dễ dàng.
Hỏi: Theo Đức Thượng Phụ thì giờ đây Liên Hiệp Quốc phải làm gì?
Đáp: Ưu tiên là vấn đề an ninh, làm sao để cho phép dân chúng trở về. Rồi có vấn đề chính trị: nhà nước phải có một chính sách toàn diện cho Iraq, trong đó mọi người có thể tham gia, mọi người đều được hội nhập. Tôi hy vọng rằng chính quyền Iraq sẽ là một chính quyền trung lập, trong đó mọi công dân sẽ là các công dân mới. Cả việc tái thiết nhà cửa, các cơ cấu hạ tầng – điện nước, trường học, nhà thương vào cuối mùa hè năm nay phải hoàn tất để dân chúng có thể trở về nhà của họ.
Hỏi: Phía đông của thành phố Mossul đã được giải phóng: cuộc sống tại đây đang trở lại như thế nào trong các ngày này, thưa Đức Thượng Phụ?
Đáp: Trước hết tại Mossul không có các kitô hữu nữa: họ đã trốn chạy lên vùng Kurdistan tại Erbil, Duhok, Baghdad, Kirkuk vv… nhưng cũng có các người Hồi nữa. Đây là một cú sốc rẩt lớn vì các anh chị em hồi này cũng đã mất hết mọi sự. Giờ đây họ là dân tỵ nạn. nhưng cũng còn có nhiều người hồi ở lại nhà của họ. Nhưng họ cũng hầu như thiếu mọi sự.
Hỏi: Đến đây thì tình hình có thể tiến triển như thế nào, thưa Đức Thượng Phụ?
Đáp: Có một hy vọng. Như là Giáo Hội chúng tôi sẽ bắt đầu tái thiết và tu sửa nhà của của những người muốn trở về , nhất là trong vùng bắc Mossul. Trong toàn vùng này các làng mạc đều là làng của tín hữu kitô Canđê, họ có thể trở về. Trong các ngày qua chúng tôi đã lên danh sách các gia đình muốn trở về ngay, và chúng tôi đã quyên góp một ít tiền bạc từ mọi giáo phận canđê để trợ giúp việc trở về này, để sửa chữa nhà cửa và khích lệ dân chúng trở về. Đây là một bắt đầu. Sau đó chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng kêu gọi các Giáo Hội anh em cũng như tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, Caritas, các HĐGM nữa, vì thật là điều đáng tiếc, nếu tất cả các kitô hữu này ra đi và không trở về làng mạc của họ nữa.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)