Ngày 14 tháng 4 thứ sáu Tuần Thánh vừa qua đã có cuộc quyên góp trong mọi nhà thờ trên toàn thế giới để trợ giúp các kitô hữu tại Thánh Địa. Ngày này đã do các Giáo Hoàng phát động nhằm mục đích “duy trì mối dây liên kết giữa tất cả mọi kitô hữu toàn thế giới với các Nơi Thánh trên quê hương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trợ giúp Thánh Địa cũng có nghĩa là góp phần cụ thể để tái lập hoà bình, đẩy xa chủ trương cực đoan, khủng bố phá hoại và khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau trong tinh thần khoan nhượng. Cuộc lạc quyên năm 2015-2016 cho Thánh Địa đã thu được hơn 5 triệu 275 ngàn dollar Mỹ và hơn 1 triệu 833 ngàn euro.
ĐGH Phaolô VI đã gọi Thánh Địa là “sách Phúc Âm thứ năm”. Đối với chúng ta là các kitô hữu tin nhưng không trông thấy, các Nơi Thánh là việc tiếp cận giúp gần gũi Chúa Giêsu trên bình diện thể lý.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về cuộc lạc quyên trợ giúp Thánh Địa năm nay.
Hỏi: Thưa ĐHY, trong thư gửi các Giám Mục toàn thế giới để phát động việc quyên góp trợ giúp các kitô hữu Thánh Địa, ĐHY đã viết rằng” ngày nay sống đức tin trong vùng Trung Đông thật không phải là điều dễ dàng”, đặc biệt tại những nước như Iraq, Siria và Ai Cập, nơi các cộng đoàn kitô đã sống kinh nghiệm đại kết của máu, và nơi có cám dỗ rất lớn rời bỏ quê hương, nếu không nói là từ bỏ đức tin của mình”. Làm thế nào để duy trì sống động niềm hy vọng của vùng đất khốn khổ này?
Đáp: Tôi không tin rằng việc cho tiền có thể ngăn cản cuộc xuất cư của các kitô hữu Thánh Địa. Chúng tôi cố ý yểm trợ các Giáo Hội này với tình huynh đệ liên đới.
Hỏi: Việc trợ giúp duy trì các Nơi Thánh được thực thi như thế nào thưa ĐHY?
Đáp: Việc giữ gìn và bảo trì các Nơi Thánh cũng như việc trợ giúp và nâng đỡ các cộng đoàn kitô nhỏ địa phương rất là quan trọng. Và chúng tôi làm điều đó qua các trợ giúp cho các trường học công giáo và các cơ sở giáo dục, cả trong nước Israel cũng như trên đất của người Palestin. Tôi nghĩ tới đại học Bếtlêhem, nơi có tới 70% sinh viên là tín hữu hồi, và họ được đối xử y như các sinh viên kitô. Tôi cũng nghĩ tới các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai, là động lực của cuộc sống mục vụ của Giáo Hội. Tôi cũng nghĩ tới các công tác trợ giúp bác ái xã hội, y tế, và tất cả các cơ cấu khác do các kitô hữu Thánh Địa điều hành.
Hỏi: Số tiền quyên góp được phân chia ra sao thưa ĐHY?
Đáp: 65% số tiền lạc quyên hằng năm sẽ được dành cho quỹ Quản thủ Thánh Địa, và 35% dành cho Bộ các Giáo Hội công giáo Đông phương. Trong cả hai trường hợp chúng được sử dụng cho việc bảo quản các đền thánh, các nơi tiếp đón khách hành hương, và các việc cử hành cũng như trợ giúp các cộng đoàn kitô tại Thánh Địa, là các viên đá sống động của Giáo Hội, với các nhu cầu cuộc sống, rao giảng Tin Mừng, thăng tiến xã hội, giáo dục, công lý và hoà bình. Thế rồi cũng để bảo đảm cho việc trợ giúp đào tạo và cho cuộc sống của các linh mục chủng sinh, cho các cơ cấu bác ái xã hội, đặc biệt là tài trợ cho các trường công giáo, trong đó có đại học Bếtlêhem là nơi gặp gỡ của các thế hệ trẻ với 70% là sinh viên hồi. Hàng năm đại học nhận đuợc 200.000 mỹ kim, và tiền quyên góp do các sư huynh La Dalle phát động với sự trợ giúp của các tổ chức công tư khác. Tất cả nhằm thăng tiến con người toàn diện theo tinh thần của Thông điệp Tiến Bộ các dân tộc của ĐGH Phaolo VI, mà chúng ta mừng kỷ niêm 50 năm công bố trong các ngày này.
Hỏi: Trong tình hình hiện nay có vấn nạn rất lớn: liệu các tín hữu kitô có ở lại trong vùng Trung Đông không, thưa ĐHY?
Đáp: Chiến tranh, các bạo lực, khủng bố phá hoại thúc đẩy các kitô hữu di cư. Công tác của Giáo Hội không chỉ được diễn tả qua các liên lạc ngoại giao mà Toà Thánh có với các nước khác nhau và Toà Thánh xin họ làm những gì có thể để bảo đảm an ninh và hoà bình – là những điều kiện tiên quyết để họ ở lại – nhưng Toà Thánh cũng gần gũi họ trên bình diện thiêng liêng và vật chất nữa. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta gần gũi với nước Siria, với dân chúng sống trong thành phố Aleppo, với nước Iraq, với dân chúng sống tại Mossul, thương khóc các nạn nhân, và không phải chỉ thương khóc các nạn nhân kitô mà thôi.
Hỏi: Thưa ĐHY, việc quyên góp cũng được dành để cho việc đào tạo thiêng liêng và nhân bản của hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến. Đây cũng là một câu trả lời cho các nhu cầu của các cộng đoàn kitô vùng Trung Đông, có đúng thế không?
Đáp: Chắc chắn rồi. Chúng tôi nhấn mạnh trên việc đào tạo toàn vẹn cho hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến bằng cách trợ giúp các chủng sinh của các Giáo Hội kitô thuộc nhiều lễ nghi khác nhau hiện diện tại Thánh Địa.
Hỏi: Làm sao có thể hy vọng rằng một linh mục không rời bỏ các nơi thánh này, nếu ngài không có con tim và linh hồn bị đóng đanh vào Thập Giá của Chúa Giêsu? Việc xuất cư của các kitô hữu cũng được biện minh bởi sự kiện các linh mục bỏ đi như đã xảy ra bên Iraq, thưa ĐHY?
Đáp: Nếu các linh mục không được đào tạo toàn vẹn, thì khó mà có thể ở lại với đoàn chiên trong các quốc gia vùng này.
Hỏi: Hiện nay có một cấp thiết ưu tiên đó là việc tiếp đón người di cư tỵ nạn trốn chạy chiến tranh như bên Libăng, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ… Việc dấn thân cứu trợ nhân đạo có thể khiến cho sự chú ý tới công tác giữ gìn các Nơi Thánh bị nới lỏng hơn không thưa ĐHY?
Đáp: Các Nơi Thánh bằng đá gạch thì vẫn còn nguyên đó.
Hỏi: Như vậy có nghĩa là các kitô hữu, cũng như tín hữu các tôn giáo khác không bị lệ thuộc vào các dinh thự đền đài, có đúng thế không thưa ĐHY?
Đáp: Ngày 22 tháng 3 vừa qua chúng tôi đã khánh thành việc trùng tu Thánh Mộ và tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa chúng tôi cũng sẽ trông thấy lễ khánh thành việc trùng tu vương cung thánh đường Giáng Sinh tại Bếtlêhem. Trong việc trùng tu vật chất này, như ĐTC Phanxicô đã nói, chúng tôi phải trông thấy việc trùng tu tinh thần là hoa trái của việc hoán cải cá nhân và việc hoán cải của Giáo Hội.
Hỏi: Thưa ĐHY việc tái mở Thánh Mộ mới đây cho tín hữu và du khách hành hương kính viếng có ý nghĩa gì?
Đáp: Đây đã là một trong các điểm tột đỉnh của nỗ lực giữ gìn, bảo trì và trùng tu các nơi thánh. Và lời cầu nguyện đại kết mà ĐTC Phanxicô đã làm hồi tháng 5 năm 2014 trở thành vĩnh viễn qua ước mong của mọi cộng đoàn kitô hiện diện tại Thánh Địa hoạt động để củng cố cơ cấu của Thánh Mộ. Đã có sự hợp tác của Toà Thánh, qua Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ các Giáo Hội Đông Phương, Toà Thượng Phụ chính thống hy lạp Giêrusalem cũng như Toà Thượng Phụ Armeni, các Giáo Hội Kitô địa phương, các ân nhân và các cơ quan của thế giới hồi giáo, cũng như của quốc vương Giordania. Dấu chỉ này của sự hiệp nhất muốn tiếp tục qua một thoả hiệp mới, dự trù tái thiết nền và vùng chung quanh Thánh Mộ, cho phép bảo đảm việc trùng tu. Cũng đang có việc trùng tu vương cung thánh đường Bếtlêhem nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh. Cả trong trường hợp này nữa Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cũng đóng góp. Con đường còn dài, chính quyền Palestina cũng chú ý tới việc này vì giá trị quốc tế của đền thờ vượt qua các ranh giới quốc gia và lợi lộc riêng tư, như các cây cột của vương cung thánh đường nhắc nhớ chúng ta, vì chúng đi từ thời vua Olaf của Na Uy cho tới thánh Bagio, và biết bao nhiêu vị thánh thuộc nhiều dân tộc và quốc gia khác. Hai công cuộc trùng tu này là dấu chỉ của tương lai nên một mà chúng ta hy vọng có thể được thực hiện, nhất là tại Thánh Địa nơi có một sự hiện diện đa hình dạng của các Giáo Hội Kitô.
Hỏi: Thưa ĐHY, có một yếu tố quan trọng làm thành sức sinh động của Giáo Hội tại Thánh Địa: đó là việc hành hương. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy việc hành hương bắt đầu trở lại, con số tín hữu và khách hành hương giảm sút, vì có các căng thẳng trong vùng và một việc thông tin miêu tả Thánh Địa như là một nơi không an ninh, có đúng thế không?
Đáp: Các chuyến hành hương là một quyên góp trong việc quyên góp. Chúng là một trợ giúp cho các kitô hữu địa phương, trong đó có người làm việc trong lãnh vực du lịch tôn giáo. Số tín hữu hành hương giảm cũng khiến cho việc trợ giúp này gặp nguy hiểm. Chắc chắn là việc miêu tả Thánh Địa như nơi có nhiều căng thẳng có thể ảnh hưởng trên làn sóng hành hương.
Hỏi: Trái lại, sự kiện Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Phanxicô viếng thăm Thánh Địa đã thúc đẩy làn sóng hành hương lên cao. Và nhiều tín hữu hành hương cũng cho biết là tình hình Thánh Địa có an ninh, và việc hành hương các Nơi Thánh gây ra một cú sốc tinh thần, có phải vậy không thưa ĐHY?
Đáp. Vâng, thật là rất đẹp khi thấy một Giám Mục hướng dẫn tín hữu giáo phận đi hành hương Thánh Địa.
Hỏi: Việc trợ giúp các cộng đoàn kitô và các Nơi Thánh là một loại “ngoại giao” của tình liên đới. Hành động này có thể góp phần cho nền hoà bình tại Thánh Địa và cho việc triệt hạ các hình thức cuồng tín tôn giáo dưỡng nuôi các hành động khủng bố phá hoại bên trong và bên ngoài tôn giáo như thế nào thưa ĐHY?
Đáp: Chúng ta phải tìm trở thành những người hoạt động cho hoà bình một cách cụ thể và không chỉ hạn chế trong các lời tuyên bố mà thôi. Yểm trợ Thánh Địa là góp phần cụ thể cho hoà bình, là làm chứng tá rằng có thể sống chung với nhau, trong an ninh và hoà bình tại Israel, tại Palestina, bên Siria, bên Iraq; là đẩy xa khuynh hướng cực đoan và khủng bố, là khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau và khoan nhượng đối với nhau. Trợ giúp các kitô hữu của các vùng đất này là góp phần xây dựng hoà bình. ( SD 14-4-2017; Os.Rom. 12-4-2017)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)