MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Suy niệm Đàng Thánh Giá trọng thể do Đức Thánh Cha cử hành

Bài suy niệm năm nay do bà giáo sư Anne-Marie Pelletier, người Pháp, chuyên gia Kinh Thánh, biên soạn. Bà năm nay 73 tuổi (1946) và là phụ nữ đầu tiên được giải thưởng Ratzinger hồi năm 2014. Bà cũng từng giảng dạy môn thần học về hôn phối tại Đại học Công Giáo Paris.

14 chặng đường Thánh Giá được bà Pelletier suy niệm không theo thứ tự truyền thống, nhưng phản ánh những biến cố hoặc sự kiện mà tác giả cho là ý nghĩa nhất trong hành trình của Chúa Giêsu trên đường tiến về đồi Golgota.

Dẫn nhập

Giờ đã đến. Con đường của Chúa Giêsu trên những nẻo đường đầy bụi của miền Galilea và Giudea, gặp gỡ những thân người và con tim đau khổ, do sự cấp thiết phải loan báo Nước Trời, con đường ấy dừng lại ở đây, ngày hôm nay, trên đồi Golgota. Ngày hôm nay, thập giá chặn lối con đường ấy. Chúa Giêsu sẽ không đi xa hơn. Không thể đi xa hơn! Tình thương của Thiên Chúa nhận được nơi đây mức độ viên mãn, không bến bờ. Ngày hôm nay, tình thương của Chúa Cha, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi nhờ Con của Ngài, đi đến cùng, tại nơi chúng ta không còn lời nói, nơi chúng ta bị ngỡ ngàng mất định hướng, nơi mà lòng đạo đức của chúng ta bị tràn ngập quá nhiều tư về Thiên Chúa. Thực vậy, tại Golgota, chính là sự sống, mặc dù những vẻ bề ngoài cho thấy ngược lại. Và đó cũng là hòa bình. Đây không còn là vương quốc của sự ác mà chúng ta quá rõ, nhưng là chiến thắng của tình thương. Misericordia et misera. Lòng thương xót và người lầm than. Và dưới chân của cùng thập giá, là thế giới của chúng ta, với tất cả những sa ngã và đau đớn, những tiếng gọi và những nổi loạn của nó, tất cả những gì kêu lên Thiên Chúa, ngày hôm nay, từ những phần đất lầm than hoặc chiến tranh, trong các gia đình bị xâu xé, nơi các nhà tù, trên những con thuyền đầy chật người vượt biên. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu lầm than trong chén mà Chúa Con uống thay cho chúng ta. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu lầm than không bị mất hút trong đại dương của thời gian, nhưng được thu lại, để biến đổi trong mầu nhiệm của tình thương trong đó sự ác bị nuốt chửng. Đồi Golgota đó chính là lòng trung tín vô địch của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó là một sự khai sinh đang diễn ra ở nơi đó! Chúng ta phải dám nói rằng niềm vui Tin Mừng, Evangelii gaudium, chính là sự thật lúc ấy! Nếu cái nhìn của chúng ta không nhận thức chân lý ấy, thì chúng ta tiếp tục là tù nhân trong mạng lưới đau khổ và chết chóc. Và chúng ta làm cho cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trở nên vô ích.

Kinh nguyện

Lạy Chúa, đôi mắt chúng con u tối, làm sao đồng hành với Chúa đi xa dường ấy? “Lòng thương xót” là tên của Chúa. Nhưng tên ấy là một sự điên rồ. Ước gì những bình cũ của tâm hồn chúng con vỡ tung. Xin chữa lành cái nhìn của chúng con để cái nhìn ấy được soi sáng nhờ Tin Mừng của Phúc Âm, trong lúc chúng con đứng dưới chân thập giá của Con Chúa. Và chúng con sẽ thể cử hành “chiều dài, chiều rộng, chiều cao” (Ep 3,18) của tình yêu Chúa Kitô, với con tim được an ủi và soi sáng rạng rỡ.

Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Trích tin mừng theo thánh Luca và Marcô: Khi trời vừa sáng, Hội đồng kỳ mục của dân nhóm họp, với các thượng tế và luật sĩ. Họ dẫn Chúa Giêsu tới trước tòa án ấy (Lc 22,66). Tất cả đều tuyên bố Người đáng chết. Rồi vài người bắt đầu khạc nhổ vào Người, và khi tát vào mặt Người họ nói: “Hãy nói tiên tri đi”. Và những người đầy tớ đánh đập người. Tiếp đến, sau khi trói Người, họ điệu Người tới dinh Quan Philatô (Mc 14, 66-66)

Suy niệm

Các thành viên Thượng Hội đồng Do thái không cần phải thảo luận nhiều để tuyên án. Từ lâu vụ này đã được xét xử. Ông Giêsu phải chết! Điều ấy đã là ý nghĩ của những người muốn xô đẩy Người xuống từ trên vách ngọn đồi, trong ngày mà, tại Hội đường Do thái, Chúa Giêsu mở cuốn sách và công bố những lời của sách ngôn sứ Isaia và áp dụng về Ngài (Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi, thánh hiến tôi… để loan báo một năm hồng phúc của Chúa” - Lc 4,18.19) Và khi Người chữa lành người bất toại ở hồ tắm Betzatà, khai mạc ngày sabbat của Thiên Chúa Đấng giải thoát mọi tù nhân, thì những lời lẩm bẩm sát nhân chống lại Ngài đã được thốt lên (Ga 5,1-18). Và đoạn đường chót, khi Chúa lên Jerusalem nhân lễ Vượt Qua, gọng kìm đã được quyết liệt xiết lại: Ngài sẽ không thoát khỏi những kẻ thù của Ngài. Nhưng chúng ta cần phải có trí nhớ sâu hơn nữa. Từ Bethelhem, trong ngày Ngài sinh ra, vua Hêrôđê đã ra lệnh giết Ngài. Lưỡi gươm những quân lính của nhà vua tiếm vị đã tàn sát các hài nhi ở Bethlehem. Hồi đó Chúa Giêsu đã thoát khỏi cơn thịnh nộ của họ. Nhưng chỉ trong một thời gian mà thôi. Ngài chỉ là một sinh mạng được tạm treo đó. Trong những tiếng khóc than của Rachel vì con cái của bà không còn nữa, có âm vang, qua những tiếng thổn thức, lời tiên báo đau đớn mà cụ già Simeon nói với Mẹ Maria (Xc Mt 2,16-18; Lc 2,34-35)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, là Chúa Con yêu dấu, đã đến viếng thăm chúng con, làm bao nhiêu điều thiện khi sống giữa chúng con, trả lại sự sống cho những người ở trong bóng tối sự chết, Chúa biết những con tim quanh co của chúng con. Chúng con tuyên bố mình là bạn của sự thiện và muốn sự sống. Nhưng thực ra chúng con là kẻ tội lỗi và đồng lõa với sự chết. Chúng con tuyên bố mình là môn đệ Chúa, nhưng chúng con lại đi theo những con đường xa lìa tư tưởng của Chúa, xa cách công lý và lòng từ bi của Chúa. Xin đừng bỏ mặc chúng con trong những bạo lực của chúng con. Ước gì lòng kiên nhẫn của Chúa đối với chúng con không bị cạn. Xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ! “Hỡi dân Ta, Ta đã làm gì cho ngươi? Ta đã làm gì để ngươi buồn? Hãy trả lời Ta đi.

Chặng thứ 2: Chúa Giêsu bị Phêrô chối bỏ

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Khoảng một giờ sau, một người khác nhấn mạnh rằng: “Chắc chắn rồi, chính ông này cũng ở với hắn; hơn nữa, ông này là người xứ Galilea”. Phêrô đáp: “Tôi không biết ông muốn nói gì”. Và ngay sau đó, khi Phêrô còn nói thì gà gáy. Chúa Giêsu quay lại, nhìn Phêrô; và Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với ông trước đây: “Ngày hôm nay, trước khi gà gáy, con đã chối Thầy 3 lần”. Phêrô đi ra ngoài, và khóc lóc cay đắng (Lc 22,59-62)

Suy niệm

Chung quanh đống củi cháy trong sân của Thượng Hội đồng Do thái, Phêrô và vài người khác đang sưởi trong những giờ lạnh lẽo của đêm trường, họ đi lại chờ đợi. Bên trong, số phận của Chúa Giêsu sắp được quyết định, đối diện với những kẻ cáo Ngài. Họ sắp đòi kết án tử cho Ngài. Như thủy triều dâng cao, sự thù nghịch cũng gia tăng chung quanh Ngài. Như sợi dây gai bén lửa cháy to, oán ghét cũng bùng cháy lên. Chẳng bao lâu đám đông la to đòi quan Philatô tha Baraba và kết án Chúa Giêsu. Thật là khó tuyên bố mình là bạn của một kẻ bị kết án tử mà không cảm thấy rùng mình. Lòng trung thành không lay chuyển của Phêrô không kháng cự nổi những lời nghi ngờ của người nữ tỳ canh cổng. Nhìn nhận mình là môn đệ của ông thầy người xứ Galilea, điều này đòi phải trung thành với Chúa Giêsu hơn là với mạng sống của mình! Khi lòng trung thành đòi can đảm như thế, thì sự thật khó lòng tìm được những nhân chứng.. Con người là thế nên nhiều người chẳng thà nói dối, và Phêrô cũng là con người như chúng ta. Ông đã phản bội 3 lần. Rồi ông gặp cái nhìn của Chúa Giêsu. Nước mắt của ông chảy xuống, cay đắng nhưng dịu ngọt như nước rửa sạch bợn nhơ. Chẳng bao lâu, trong vài ngày nữa, bên một đống lửa khác, bên bờ hồ, Phêrô sẽ nhận ra Chúa phục sinh, Ngài sẽ ủy thác cho ông nhiệm vụ chăm sóc các chiên của Ngài. Phêrô sẽ học được vô tận sự tha thứ mà Đấng Phục Sinh bày tỏ đối với tất cả những phản bội của chúng ta. Ông sẽ tham phần vào lòng trung thành, từ nay làm cho ông chấp nhận cái chết của mình như hy tế được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã muốn chính Phêrô, người môn đệ phản bội và được tha thứ, lãnh trách vụ hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin ghi tạc vào lòng chúng con niềm tín thác và vui mừng được biết rằng, nơi Chúa, chúng con có thể bước qua những hố rãnh của sợ hãi và bất trung. Xin ban cho tất cả cac môn đệ Chúa, được Phêrô chỉ dẫn, trở thành những chứng nhân về cái nhìn của Chúa đối với những thiếu sót của chúng con. Ước gì không bao giờ những cứng cỏi hoặc thất vọng của chúng con làm cho sự sống lại của Chúa Con trở nên vô ích! Lạy Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, lạy Chúa Kitô sống lại cho chúng con được sống, chúng con cầu xin Chúa, xin thương xót chúng con.

Chặng thứ 3: Quan Philatô

Trích Tin Mừng theo thánh Marcô và Mathêu: Sau khi giao nạo Người cho quan Philatô, họ gia tăng những lời cáo buộc Ngài. Quan Philatô muốn làm hài lòng đám đông, nên tha Baraba và, sau khi truyền đánh đòn Chúa Giêsu, ông giao Người cho họ để đóng đanh (Mc 15,1.3.15) Philatô lấy nước rửa tay trước mặt đám đông và nói: “Tôi vô tội về máu người này; các người liệu lấy!” (Mt 27,24)

Trích sách Isaia: “Tất cả chúng ta, như đoàn chiên, chúng ta lang thang, mỗi người theo con đường của mình, và Chúa đã làm cho tội lỗi chúng ta đổ xuống trên Người” (Is 53,6)

Suy niệm

Đế quốc Roma của Hoàng đế Cesare Augusto, quốc gia văn minh, với những binh đoàn viễn chinh đánh chiếm các dân nước, để mang lại cho họ những thiện ích trật tự công chính của mình! Roma cũng hiện diện trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu nơi con người của quan Philatô, đại diện hoàng đế, người bảo đảm luật pháp và công lý ở nước ngoài... Nhưng chính quan Philatô, người tuyên bố mình không thấy điều gì gian ác nơi Chúa Giêsu, lại là người hôm nay phê chuẩn việc kết án tử hình cho Ngài. Trong dinh quan tổng trấn nơi Chúa Giêsu bị xét xử, sự thật tỏ tường: công lý của dân ngoại không cao hơn công lý của Thượng Hội đồng Do Thái! Chắc chắn Người Công Chính này, - vị tập trung vào mình một cách lạ thường những tư tưởng sát nhân của tâm hồn con người,- lại là vị hòa giải người Do thái với dân ngoại. Người làm điều đó trong lúc này, bằng cách là cho người Do thái và dân ngoại trở nên đồng lõa với nhau trong việc giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sắp đến lúc Vị Công Chính này sẽ hòa giải họ một cách khác, qua Thập Giá và qua sự tha thứ, liên kết tất cả họ với nhau, Do thái và dân ngoại, cùng chữa lành họ khỏi sự hèn nhát và giải thoát họ khỏi bạo lực chung của họ. Một điều kiện duy nhất để tham dự vào hồng ân ấy là tuyên xưng sự vô tôi của vị Vô Tội duy nhất này, là Chiên Thiên Chúa bị sát tế vì tội lỗi trần thế, là từ bỏ sự tự mãn đang lẩm bẩm trong chúng ta: “Tôi vô tội đối với máu người này”, điều kiện ấy là nhìn nhận tội của mình, trong niềm tín thác nơi một tình thương vô biên bao phủ tất cả chúng ta, Do thái và dân ngoại, và Thiên Chúa muốn biến tất cả mọi người, Do thái và dân ngoại, trở thành con cái của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, đứng trước Chúa Giêsu bị giao nộp và kết án, chúng con không biết làm gì hơn là chữa mình và cáo buộc người khác. Trong thời gian lâu dài, Giáo Hội của Chúa đã chất trên dân Israel của Chúa gánh nặng của sự kết án tử cho Chúa. Trong thời gian dài, Giáo Hội đã cố tình không biết rằng tất cả chúng con phải nhìn nhận mình đồng hòa trong tội lỗi, để tất cả được cứu rỗi nhờ máu của thập giá Chúa Giêsu. Xin ban cho chúng con nhận ra nơi Chúa Con vô tội, là Đấng duy nhất vô tội trong tất cả lịch sử của chúng con. Ngài đã chấp nhận trở thành “tội lỗi vì tất cả chúng con”, để qua Ngài, Chúa có thể tìm lại chúng con, nhân loại được tái tạo trong sự vô tội trong đó Chúa đã tạo dựng nên chúng con và trong đó Chúa đã làm cho chúng con trở nên con cái Chúa. Lạy Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?

Chặng thứ 4: Chúa Giêsu vua vinh hiển

Trích Tin Mừng theo thánh Marcô: Quân lính đưa Người trong trong dinh... Họ mặc cho Người áo đỏ rồi, sau khi biện một vòng gai, họ đặt trên đầu Ngừơi. Họ bắt đầu chào Người: “Chào Vua Do Thái” (Mc 15,16-18).

Trích sách Isaia: Chẳng đẹp đẽ sáng sủa, cũng chẳng có vẻ đáng yêu, đối tượng bị người đời khinh rẻ và chê bỏ, như những người khi người ta thấy thì che mặt chẳng nhìn, Người bị khinh khi và coi rẻ. Và chúng ta cho rằng Người bị trừng phạt, bị Thiên Chúa đánh và hạ nhục (Is 53,2-4).

Suy niệm

Sự ác trở thành điều tầm thường. Có vô số những người nam nữ, cả trẻ em, bị bạo hành, hạ nhục, tra tấn, ám sát, dưới mọi bầu trời, trong mỗi thời đại của lịch sử. Không tìm kiếm sự chở che trong thân phận thần linh của Ngài, Chúa Giêsu tháp nhập vào trong dòng khổ đau kinh khủng mà con người gây ra cho đồng loại. Ngài chịu tình cảnh bị bỏ rơi của những người bị nhục nhã và quên lãng nhất. Nhưng sự đau khổ của một người vô tội có ích gì thêm cho chúng ta? Người ấy, một người trong chúng ta, trước tiên là Con yêu quí của Chúa Cha, Người đến để thi hành trọn vẹn công lý qua sự vâng phục của Người. Và bất chợt, mọi dấu hiệu đảo lộn. Và kìa những lời nói và cử chỉ chế nhạo của những kẻ hành hình Ngài tỏ cho chúng ta thấy một sự thật không lường - một điều nghịch lý tuyệt đối: chân lý về vương quyền đích thực, duy nhất, được biểu lộ như vương quyền của một tình thương không muốn điều gì khác hơn là thánh ý Chúa Cha và mong ước của Chúa cứu độ tất cả mọi người. “Cha không muốn hy tế, lễ vật, vì thế con nói: Này con đến để thi hành thánh ý Cha” (Tv 40. 7-8) Ngài công bố giờ này của Thứ Sáu Tuần Thánh: chỉ có một vinh quang duy nhất trong trần thế này và trong đời sau, đó là nhận biết và chu toàn thánh ý Chúa Cha. Không ai trong chúng ta có thể đòi hỏi một phẩm giá cao cả hơn phẩm giá được làm con Đấng đã vâng phục cho đến chết trên thập giá vì chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, chúng con cầu xin Chúa, trong ngày Thánh hoàn tất mạc khải hôm nay: xin Chúa lật đổ những thần tượng nơi chúng con và trên thế giới của chúng con. Chúa biết quyền lực của chúng trên tâm trí chúng con. Xin lật đổ nơi chúng con những hình tượng dối trá của thành công và vinh quang. Xin phá đổ nơi chúng con những hình ảnh về một thứ Thiên Chúa theo những tư tưởng của chúng con, những hình ảnh ấy không ngừng tái xuất hiện, đó là thứ Thiên Chúa xa xăm, ngược với khuôn mặt được mạc khải trong giao ước và ngày hôm nay được biểu lộ trong Chúa Giêsu, vượt lên trên mọi tiên đoán, vượt lên trên mọi hy vọng. Ngài là Đấng chúng con tuyên xưng là “Sự chiếu tảa rạng ngời của vinh quang Chúa” (Dt 1,3). Xin đưa chúng con vào trong niềm vui vĩnh cửu, làm cho chúng con được tung hô Chúa Giêsu mặc áo đỏ và đội mão gai là vua vinh quang mà thánh vịnh xướng lên: “Hỡi các cửa hãy nâng trần lên, hãy nâng cao những cánh cửa vĩnh cửu, để vua vinh hiển ngự vào” (Tv 24,9) “Hỡi các cửa hãy nâng trần lên, hãy nâng các cánh cửa đời đời lên, để vua vinh hiển ngự vào”

Chặng thứ 5: Vác thập giá

Trích sách Ai Ca: Hỡi tất cả những ai qua đường, hãy nhìn xem có đau đớn nào bằng đớn đau đang hành hạ tôi không .. (Ac 1,12)

Trích Thánh Vịnh 146: Phúc ai những ai nương tựa nơi Thiên Chúa của Giacóp và đặt hy vọng nơi Chúa là Thiên Chúa của họ.. Chúa giải thoát những người bị xiềng xích, cho người mù được thấy, cho người còng được đứng thắng, Chúa bảo vệ người khách lạ, nâng đỡ kẻ mồ côi và góa bụa (Tv 146, 5…9)

Suy niệm

Trên con đường gồ ghề dẫn đến Golgota, Chúa Giêsu không vác thập giá như một chiến công! Ngài không hề giống những anh hùng chúng ta tưởng tượng, đè bẹp chiến thắng quân thù ác độc. Từng bước một, Chúa bước đi, thân thể ngày càng nặng nề và chậm chạp. Ngài đã cảm thấy thân xác bị cây gỗ khổ hình chà xát, đôi chân yếu liệt dưới sức nặng của khổ giá. Thế hệ này qua thế hệ khác, Giáo Hội đã suy niệm con đường này với những bước vấp ngã. Chúa Giêsu ngã xuống, rồi chỗi dậy, rồi ngã tiếp, Ngài tiếp tục hành trình mệt nhoài, có lẽ dưới những roi đòn của quân canh đi kèm Ngài, vì người ta vẫn ngược đãi như thế đối với những người bị kết án trên thế giới chúng ta. Đấng đã nâng những thân xác bị tê liệt, làm cho người phụ nữ còng lưng được đứng thẳng, đã kéo người con gái bé nhỏ của ông Giairô khỏi giường chết, đã làm cho bao nhiêu người bị đè nén được đứng thẳng, vậy mà ngày mai, Ngài ngã quỵ trên nền đất bụi bặm. Đấng Tối Cao ngã xuống đất. Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu. Qua Ngài, Đấng Tối Cao dạy chúng ta rằng lạ quá, Ngài cũng là người thấp nhất, sẵn sàng xuống cùng chúng ta, ngày càng thấp nếu cần, để không một ai bị mất hút trong thẳm sâu lầm than của mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa xuống thẳm sâu đêm đen của chúng con, mà không đặt giới hạn cho sự tủi nhục của Chúa, vì chính trong sự tủi nhục ấy, Chúa đi tới phần đất nhiều khi vô ơn, nhiều khi bị hoang tàn, của đời sống chúng con. Chúng con nài xin Chúa ban cho Giáo Hội Chúa được làm chứng rằng Đất Tối Cao và Đấng thấp nhất là một khuôn mặt duy nhất nơi Chúa. Xin cho Giáo hội được mang Tin Mừng cho tất cả những người sa ngã: không có sự sa ngã nào có thể kéo chúng con ra khỏi lòng thương xót của Chúa. Không có sự hư mất, vực thẳm nào quá sâu đến độ Chúa không thể tìm lại được người lầm lạc. Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa.

Chặng thứ 6: Ông Simon xứ Xirênê

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Khi điệu Người đi, họ bắt được một người tên là Simon xứ Xirênê, cha của Alessandro và Rufo, từ ngoài đồng trở về nhà và họ bắt ông mang thập giá theo Chúa Giêsu (Lc 23,26)

Trích Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Khi nào chúng con thấy Chúa đói mà cho Chúa ăn, khát mà cho Chúa giải khát, là khách ngụ cư và đón tiếp Chúa, trần trụi mà cho Chúa mặc, bệnh tật hoặc bị cầm tù mà đến thăm Chúa?” (Mt 25,37-39)

Suy niệm

Chúa Giêsu lảo đảo trên đường, lưng bị thập giá nặng đè bẹp. Nhưng Người còn phải tiến bước, còn phải bước đi tiếp, vì chính đồi Golgotha, Núi Sọ khét tiếng, ở ngoài thành, mới là mục tiêu của toán lý hình đang thúc đẩy Người đi. Một người tình cờ đi qua đó, có đôi cánh tay lực lưỡng. Hiển nhiên, ông xa lạ đối với những biến cố hôm ấy. Ông đang trở về nhà, không biết gì về chuyện Rabbi Giêsu, khi ông bị quân canh trưng thu để vác thập giá. Ông biết gì về tử tội đang bị lính canh đẩy tới nơi hành hình? Ông có thể biết gì về người “không còn hình dạng con người nữa”, như Người Tôi Tớ bị biến dạng mà Isaia đã nói tới? Chúng ta không được nói gì về sự ngạc nhiên của ông, và có lẽ về sự phản đối, hoặc về lòng thương xót của ông. Tin Mừng chỉ giữ lại tên của ông là Simon, người xứ Xirênê. Nhưng Tin Mừng cũng muốn truyền lại cho chúng ta tên của người xứ Libia ấy, và cử chỉ cứu giúp của ông, để dạy chúng ta rằng khi thoa dịu nỗi cơ cực của một tử tội, Ông Simon đã làm dịu bớt cơ cực của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng gặp ông trên đường trong thân phận tôi tớ, thân phận mà Ngài mang lấy vì chúng ta, vì ông, vì phần rỗi của thế giới, mà ông không biết điều đó.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con thấy nơi mỗi người nghèo, trần trụi, bị giam cầm, khát nước, chính Chúa xuất hiện cho chúng con, và chính Chúa đón nhận, viếng thăm, cho y phục hoặc giải khát cho chúng con: “Ta là kẻ ngoại kiều và các con đã đón tiếp Ta, trần trụi và các con đã cho Ta mặc, bệnh tật và bị cầm tù, các con đã thăm viếng Ta” (Mt 25,39) Mầu nhiệm cuộc gặp gỡ của Chúa với nhân loại chúng con! Chính như thế Chúa đến gặp tất cả mọi người! Không ai bị thiếu cuộc gặp gỡ ấy, nếu họ đồng ý trở thành một người có lòng xót thương. Chúng con dâng lên Chúa, như một lễ vật thánh, tất cả những cử chỉ tốt lành, đón tiếp, tận tụy, được thực hiện mỗi ngày trong thế giới của chúng con. Xin Chúa đoái nhận những cử chỉ ấy như sự thực về nhân tính của chúng con, nhân tính nói to hơn tất cả những cử chỉ loại bỏ hoặc oán ghét. Xin Chúa đoái thương chúc lành cho những người nam nữ có lòng cảm thương, họ chúc tụng vinh quang Chúa, dù họ chưa biết tuyên xưng danh Chúa. Lạy Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng con. Lạy Chúa Kitô đã sống lại để chúng con được sống. Chúng con cầu xin Chúa thương xót chúng con

Chặng thứ 7: các phụ nữ thành Jerusalem

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Dân chúng đông đảo đi theo Người, và các phụ nữ đấm ngực, than van cho thân của Người. Nhưng quay lại họ, Chúa Giêsu nói: “Hỡi các phụ nữ Jerusalem, đừng khóc thương tôi, nhưng hãy khóc thương chính mình và các mình.. vì nếu người ta xử với cây xanh như thế này, thì cây khô sẽ bị xử như thế nào” (Lc 23,27-28.31).

Suy niệm

Những tiếng khóc mà Chúa Giêsu ủy thác cho các phụ nữ Jerusalem như một hoạt động cảm thương, những tiếng khóc ấy của các phụ nữ cũng không thiếu đối với thế giới chúng ta. Những giọt lệ âm thầm chảy xuống trên đôi má các phụ nữ. Nhưng thường đó là những giọt lệ vô hình, trong tâm hồn họ, như những giọt lệ máu mà thánh nữ Catarina thành Siena đã nói đến. Không phải vì các giọt lệ là điều thuộc về các phụ nữ như thể số phận họ là những người khóc lóc thụ động và bất lực, giữa một lịch sử mà nam giới là những người duy nhất mô tả. Vì những giọt lệ của họ trước tiên cũng là tất cả những giọt lệ mà họ thu thập, xa những cái nhìn và các buổi lễ, trong một thế giới có nhiều điều phải khóc than. Tiếng khóc của các em bé kinh hãi, của những người tị thương trên chiến trường gọi mẹ, những tiếng khóc cô đơn của các bệnh nhân và những người sắp qua đời trước một ngưỡng cửa bất định. Những tiếng khóc vì bối rối, chảy xuống trên khuôn mặt thế giới chúng ta được tạo thành, trong ngày đầu tiên, cho những giọt lệ vui mừng, trong niềm hoan lạc của người nam và người nữ cũng nhau. Và cả Etty Hellesum, người phụ nữ can đảm của Israel vẫn đứng thẳng trong cơn lốc của cuộc bách hại do Đức quốc xã, bà bệnh vực cho đến cùng sự tốt lành của cuộc sống, bà thì thầm vào tai chúng ta bí quyết mà bà đoán được với cuộc hành trình của bà: có những giọt lệ an ủi trên khuôn mặt của Thiên Chúa, khi Ngài khóc thương sự lầm than của con cái. Trong hỏa ngục nuốt chửng trần thế, bà dám cầu nguyện với Thiên Chúa rằng: “Con sẽ tìm cách giúp đỡ Chúa”. Thật là một sự táo bạo rất nữ tính và rất thành linh!

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thên Chúa chúng con, “Thiên Chúa dịu dàng và thương xót, Thiên Chúa đầy tình thương và trung tín”, xin dạy chúng con, trong những ngày hạnh phúc, không coi rẻ những giọt lệ của người nghèo đang kêu lên cùng Chúa, và đang kêu cứu với chúng con. Xin dạy chúng con không lãnh đạm bước đi gần họ. Xin dạy chúng con dám khóc với họ. Xin cũng dạy chúng con trong đêm đen của những cơ cực, cô đơn và thất vọng của chúng con nghe được lời ân phúc mà Chúa tỏ lộ cho chúng con trên núi; “Phúc cho những người khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi”. Lạy Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng con. Lạy Chúa Kitô đã sống lại cho chúng con được sống, chúng con cầu xin Chúa, xin thương xót chúng con.

Chặng thứ 8: Quần áo Người

Trích Tin Mừng theo thánh Gioan: Chúng lấy áo xống và chia làm bốn phần, mỗi người một phần . Họ lấy cả áo dài nữa. (GI 19-23) Từ sách ông Gióp: Con Người ra đi như khi Người đến. Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, Người ra đi như khi Người đến. (Gb 1,21)

Suy niệm

Thân xác bị hạ nhục của Chúa Giêsu bây giờ treo trên thập giá: Trưng bày cho người đời chê cười và nhạo báng. Thân xác Đức Giêsu đầy những vết thương và chờ đợi khổ hình cuối cùng là đóng đinh thập giá. Nói theo nhân loại, thì còn gì có thể làm được để không thêm phần vào sự nhục nhã của Người? Nhưng Chúa Thánh Thần đến để giúp chúng ta vượt thắng sự bối rối của chúng ta. Chúa Thánh Thần dạy cho chúng ta nghe ngôn ngữ của Thiên Chúa, ngôn ngữ của KENOSÍ, của sự hạ mình của Thiên Chúa để đến với chúng ta nơi chúng ta đang ở. Đó chính là thứ ngôn ngữ của Thiên Chúa mà nhà thần học chính thống Christos Yannaras đã nói hộ chúng ta như sau: Ngôn ngữ của sự lột bỏ chính mình (KENOSIS) Chúa Giêsu hài đồng trần trụi trong máng cỏ, trần trụi trong dòng sông, nhận phép rửa tội như một người đầy tớ, bị treo trên thập giá, trần trụi, như một tên tội phạm. Chính qua tất cả những điều này mà Chúa biểu lộ tình yêu của Người dành cho chúng ta Đi sâu vào mầu nhiệm ân sủng ấy, chúng ta lại có thể mở mắt ra nhìn lên thân xác bị đọa đầy của Chúa Giêsu. Lúc ấy chúng ta có thể nhận ra những điều mà con mắt chúng ta đã không thấy: sự trần trụi của Người tỏa sáng, một thứ ánh sáng huy hoàng tựa như ánh sáng phát xuất từ bộ áo của Ngài khi biến hình trên núi. Thứ ánh sáng đẩy lui mọi bóng tối. Thứ ánh sáng không thể cưỡng lại được của tình yêu hiến dâng cho đến chết.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Chúa chúng con, chúng con xin đặt dưới mắt Chúa đám đông vô tận những người phải chịu tra tấn, đoàn người lê lết thân xác bị nhục hình, run rẩy đau khổ trước roi đòn đang giáng xuống, đang hấp hối trong những xóm nghèo bẩn thỉu hèn hạ. Hãy nhận lấy những lời than van của họ, chúng con khẩn cầu Chúa. Sự dữ đã làm cho chúng con không còn tiếng nói và phương thế cứu chữa nữa. Nhưng Chúa, Chúa biết những điều chúng con không được biết. Chúa biết tìm ra con đường giữa cảnh hỗn độn và trong cái đen tối của sự dữ. Người biết tỏa ánh sáng ngay lúc này, trong cuộc Khổ nạn của Con yêu dấu Chúa, ánh sáng sự sống phục sinh. Xin tăng cường lòng tin trong chúng con! Chúng con cũng xin đưa ra trước mặt Chúa sự điên cuồng của những kẻ tra tấn và những người ra lệnh tra tấn. Sự cuồng điên ấy cũng làm cho chúng con không thốt nên lời. Chúng con chỉ còn biết khẩn cầu lên Chúa và kêu van Chúa trong nước mắt với lời kinh mà Chúa đã dạy chúng con: Xin cứu chúng con khỏi sự dữ Lạy Cha chúng con... Lạy Chúa Ky tô đã chết vì tội lỗi chúng con Lạy Chúa Kitô đã sống lại để cho chúng con được sống Chúng con cầu xin Chúa, xin thương xót chúng con.

Chặng thứ 9: Chúng đóng đinh Người

Trích Tin Mừng theo thanh Luca: Khi đến nơi, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng với hai tên gian phi, một tên ở bên phải, một tên ở bên trái. Bấy giờ Chúa Giêsu nói: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. (Lc 23. 33-34) Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53,5)

Suy niệm

Quả thật Thiên Chúa đã ở nơi không phải là chỗ của Người! Người Con yêu dấu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, lại là thân xác treo trên cây thập giá tội tình, trưng bày cho sự hổ nhục. Hình ảnh con người khổ đau làm người đời quay mặt. Nói cho đúng, như những lần người ta quay mặt không nhìn bao nhiêu con người biến dạng khác mà chúng ta gặp trên đường đời. Ngôi Lời Thiên Chúa mà trong đó mọi sự được tạo thành, chỉ còn là một thân xác bất động và đau đớn. Sự tàn bạo của nhân loại chúng ta đã tung hoành trên thân xác ấy và đã chiến thắng. Phải Thiên Chúa đã hiện diện ở đó, nơi không phải là chỗ của Người và mặc dù thế, cũng là nơi mà chúng ta cần Người ở đó biết bao. Người đã đến, không phải để chết, nhưng là để chia sẻ với chúng ta sự sống của Người. Hãy cầm lấy. Chẳng phải Người không ngừng cống hiến sự lành bệnh cho người đau yếu, sự thứ tha cho những con tim lạc loài, chính thân mình Người cho bữa tiệc Phục Sinh. Nhưng Người lại nằm trong tay chúng ta, giữa mảnh đất đầy chết chóc và bạo lực, là những điều đang làm chúng ta sửng sốt trong tình hình thế giới hiện nay, là những điều đang âm ỉ trong con người chúng ta. Các sư huynh Tibhirine biết rất rõ điều ấy khi thêm vào lời cầu nguyện của các thầy: Hãy tước bỏ vũ khí của họỂ hay là khi van xin Hãy tước bỏ vũ khí của chúng con. Cần phải để cho tình yêu Thiên Chúa viếng thăm địa ngục của chúng ta, vìi đây là phương thế duy nhất để giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Cần phải để Chúa Giêsu Ky tô đem lòng yêu mến vô tận của Thiên Chúa đổ đầy con tim tội lỗi của thế giới. Cần phải có điều ấy, để một khi được hưởng nhờ sự sống của Thiên Chúa, sự chết sẽ phải lùi bước và sụp đổ, như một kẻ thù phải đối diện với kẻ mạnh hơn mình và phải tan biến vào hư không.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa chúng con, xin đón nhận lời ngợi ca âm thầm của chúng con. Như những vị vua đã không thốt nên lời trước kỳ công của kẻ tôi tớ như lời tiên tri của Isaia đã mạc khải, chúng con cũng kinh ngạc sửng sốt trước Con Chiên Thiên Chúa bị sát tế cho sự sống của chúng con và của toàn thế giới. Chúng con xác tín rằng nhờ những vết thương trên thân xác Chúa, chúng con đã được lành lặn. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Con xin nâng chén mừng ơn cứu độ. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn và kêu cầu thánh danh Đức Chúa (Ps 115, 12-17) Lạy Cha chúng con.. Lạy Chúa Ky tô đã chết vì tội lỗi chúng con Lạy Chúa Ky tô đã sống lại để cho chúng con được sống Chúng con cầu xin Chúa, xin thương xót chúng con.

Chặng thứ 10: Hãy tự cứu mình đi

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Các thủ lãnh buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác. Thì bây giờ hãy cứu lấy mình đi, nếu quả thật hắn là Đấng Ky tô của Thiên Chúa, là Người được tuyển chọn. Bọn lính tráng cũng chế nhạo Người. Chúng nói: nếu ông là Vua Do Thái thì tự cứu lấy mình đi. Một trong hai tên gian phi bị treo thập giá cũng nhục mạ Người: Ông không phải là Đấng Ky tô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với! (Lc 23, 35-39) Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hóa bánh điẨNếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình từ đây xuống điẨVì đã có lời chép rằng :Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng gìn giữ bạnẨ(Lc 4,3 và 9-11)

Suy niệm

Chúa Giêsu có thể nào bước xuống khỏi thập giá không? Chúng ta chỉ dám hình dung câu hỏi này mà thôi. Phúc Âm đã chẳng đặt câu hỏi ấy nơi miệng những kẻ tội lỗi hay sao? Thế nhưng câu hỏi này luôn ám ảnh chúng ta, tùy theo mức độ chúng ta còn thuộc về thế giới cám dỗ mà Chúa Giêsu đã đối diện trong 40 ngày ở giữa sa mạc, là hành lang và cửa ngõ dẫn vào sứ mạng của Người Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi, hãy gieo mình từ tầng cao đền thờ xuống điẨ vì Thiên Chúa luôn gìn giữ bạn của Người.. Nhưng tùy theo mức độ mà chúng ta, những kẻ đã được rửa tội trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Ky tô, đang tiến bước theo Ngài trên con đường Chúa đi, các thách thức của kẻ dữ sẽ không còn hiệu lực trên chúng ta nữa. Chúng bị biến thành hư không, sự dối trá của chúng bị lật tẩy. Và thế là người ta khám phá rằng Chúa Giêsu “cần phải” kiên nhẫn và sốt sắng dạy cho những kẻ đang đi trên đường Emmaus. Chúa Giê su cần phải tự hạ vâng lời và bất lực như thế, để đến với chúng ta trong sự bất lực ở chính nơi mà chúng ta đã không vâng lời. Và chúng ta mới bắt đầu hiểu được rằng chỉ có một Thiên Chúa yếu đuối mới có thể cứu rỗi chúng ta, như mục sư Dietrich Bonhoeffer đã viết vào những tháng cuối đời trước khi bị ám sát, rằng chỉ khi nào cảm nhận được cho tới cùng quyền lực của sự dữ, ông mới có thể thâu lượm được trong cái chân lý đơn sơ và cao siêu choáng ngợp này, lời tuyên xưng lòng tin kitô.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa chúng con, ai sẽ là người giải thoát chúng con khỏi những cạm bẫy của quyền lực thế gian? Ai sẽ giải thoát chúng con khỏi uy lực bạo tàn của sự dối trá, đang làm cho chúng con ca ngợi kẻ mạnh và xúi dục chúng con chạy theo vinh quang phù hoa giả tạo? Chỉ có Chúa mới hoán cải được con tim chúng con. Chỉ có Chúa mới khiến chúng con yêu thương được những con đường của sự khiêm hạ. Chỉ có Chúa và một mình Chúa thôi mới mạc khải cho chúng con bà chỉ có chiến thắng thực sự trong tình yêu và tất cả mọi sự khác đều là rơm rác bị gió cuốn đi, là ảo ảnh sẽ tan rã dưới chân lý của Chúa. Lạt Chúa, chúng con van xin Chúa hãy đánh tan những dối trá đang muốn ngự trị trên con tim chúng con và trên toàn thế giới. Hãy giúp chúng con biết sống theo con đường của Chúa, để thế giới nhận biết quyền năng của Thập Giá. Lạy Cha chúng conẨ.. Lạy Cha, lạy Cha, sao cha bỏ con?

Chặng thứ 11: Dưới chân Thánh giá, Mẹ Người

Trích Tin Mừng theo thánh Gioan: Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cleôphát, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh , Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là Mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27)

Suy niệm

Cả Mẹ Maria nữa, Mẹ cũng đã đi đến cuối con đường. Giờ đây Mẹ đã đến cái ngày mà cụ già Simeon đã nói. Khi ấy, cụ bồng lấy hài nhi từ đôi tay run rẩy của Mẹ Maria và nhờ hồng ân cụ đã nói tiên tri những lời bí ẩn, những lời cùng nhau dệt lên bi kịch và hy vọng, đau thương và cứu chuộc. Này đây, cụ tuyên bố, trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu cũng sẽ còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và cả bà nữa một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua hồn bà, để như thế những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ hé lộ ra. (Lc 2, 34-35) Trước đó, cuộc viếng thăm của Thiên thần đã làm vang dội trong tim Mẹ Maria lời Truyền Tin không thể nào tin nổi: Thiên Chúa đã chọn Mẹ để làm nở hoa tin vui mới đã hứa với nhà Israel, điều mà mắt chưa bao giờ thấy, tai chưa bao giờ nghe. Vầ Mẹ đã chấp nhận dự phần vào chương trình cứu độ thần thiêng ấy, bắt đầu bằng cách đảo lộn thân xác Mẹ, rồi đồng hành với người Con sinh ra từ lòng Mẹ trên những con đường bất ngờ, không nhìn thấy trước được. Dọc dài những chuỗi ngày thường nhật ở Nazareth, rồi vào thời hoạt động công khai, khi phải nhường chỗ cho một gia đình khác, gia đình của các môn đệ, của những người lạ mà Chúa Giê su gọi là anh, chị, mẹ của mình, Mẹ đã gìn giữ mọi sự trong tim. Mẹ đã xếp đặt tất cả trong niềm kiên nhẫn vô hạn của lòng tin. Bây giờ là thời điểm thành toàn. Lưỡi đòng đâm sâu cạnh sườn Người con cũng xuyên qua trái tim của Mẹ. Cả Mẹ Maria cũng chìm sâu vào một lòng tin không nơi nương tựa, nơi đó Chúa Giê su sống cho đến cùng sự vâng phục Chúa Cha. Mẹ đứng đó. Mẹ không trốn chạy. Stabat Mater. Mẹ biết, đêm đen, nhưng chắc chắn rằng Thiên Chúa giữ lời hứa. Mẹ biết đếm tối, nhưng chắc chắn rằng Chúa Giê su là lời hứa và là sự thành toàn lời hứa đó.

Cầu nguyện

Maria, Mẹ Thiên Chúa và một phụ nữ dòng dõi loài người, Mẹ đã sinh ra tất cả chúng con trong người Con mà Mẹ đã cho chào đời, hãy củng cố đức Tin của chúng con trong những giờ phút đen tối, dạy cho chúng con học biết tiếp tục hy vọng chống lại mọi hy vọng. Xin Mẹ gìn giữ toàn thể Giáo Hội trong một đêm vọng trung thành, như lòng trung thành chờ đợi của Mẹ, khiêm hạ ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa, đưa chúng con đến nơi mà không bao giờ chúng con dám tưởng nghĩ, giúp chúng con vượt lên trên mọi tiên đoán để góp phần vào công cuộc cứu chuộc. Lạy Cha chúng con Kính chào Nữ Vương, Mẹ thương xót, sự sống, sự âu yếm và hy vọng của chúng con, kính chào Mẹ.

Chặng thứ 12: Mọi sự đã hoàn tất

Trích Tin Mừng theo thánh Gioan: Chúa Giê su nói: Ta khát. Ở đó có một bình đầy dấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy dấm buộc vào một nhành hương thảo rồi đưa lên miệng Người. Nhấp xong ít dấm, Chúa Giê su nói: Thế là đã hoàn tất. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. Khi đến gần Chúa Giê su, bọn lính thấy Người đã chết, chúng không đánh dập ống chân Người, nhưng một trong những người lính ấy, dùng ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu và nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực, và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. (Ga 19, 28-35)

Suy niệm

Giờ đây. Mọi sự đã hoàn tất. Sứ mệnh của Chúa Giêsu đã thành toàn. Người đã rời khỏi Chúa Cha để thực hiện sứ mạng thương xót. Sứ mạng này đã được hoàn tất với một lòng trung tín cho đến cùng của tình yêu. Tất cả đã hoàn tất, Chúa Giê su trao lại Thần Khí người trong tay Chúa Cha. Xét theo bề ngoài, thì quả thực điều hiển nhiên là dường như tất cả đã chìm đắm vào trong âm u thinh lặng của sự chết phủ xuống đồi Golgotha và trên ba cây thập giá cao vọt. Trong ngày ấy, ngày Khổ Nạn đang đi đến kết cục,đối với những ai tình cờ đi qua con đường này, họ có hiểu được điều gì khác ngoài sự thất bại của Chúa Giê su, sự sụp đổ của niềm hy vọng đã làm sôi sục lại con tim của bao nhiêu người, an ủi kẻ nghèo khó, nâng dậy người bị hạ nhục, đã làm cho các môn đệ mơ ước rằng thời đã đến, thời mà Thiên Chúa thành toàn những điều mà các tiên tri đã nói? Tất cả những điều ấy xem ra đã biến mất, đã tiêu tan, đã sụp đổ. Mặc dù thế, ở giữa bao nhiêu thất vọng, vậy mà thánh sử Gioan đã khiến đôi mắt chúng ta đăm đăm dừng lại ở một cho tiết thật nhỏ bé và nhìn nó cách thật trang trọng: nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Đấng bị đóng đinh. Ôi ngạc nhiên thay! Vết thương do ngọn giáo của người lính mở ra đã trở thành lối ngõ để máu và nước chảy ra, để nói với chúng ta về sự sống và sự sinh ra. Sứ điệp này thật là kín đáo, nhưng đồng thời cũng thật hiển nhiên đối với những con tim còn gìn giữ một ký ức. Từ thân xác Chúa Giê su đã vọt ra một nguồn nước mà vị tiên tri đã thấy vọt ra từ Đền Thờ. Nguồn nước lớn mạnh mãi và trở thành một dòng sông hùng mạnh, đưa dòng nước chữa lành và làm đơm hoa kết trái mọi vật khi nó động chạm đến khi chảy qua. Chúa Giê su đã chẳng một ngày nọ ám chỉ rằng thân xác của Người sẽ trở thành một đền thờ mới hay sao? Và rồi Máu Giao Ước đi cùng nước. Chúa Giê su đã chẳng nói rằng Thịt và Máu Người sẽ trở thành của ăn cho sự sống vĩnh cửu đó sao?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê su, trong những ngày thánh nhật của mầu nhiệm Phục Sinh này, xin hãy canh tân trong chúng con niềm vui ngày lễ Rửa tội. Khi chiêm ngắm máu và nước vọt ra từ cạnh sườn Chúa, xin hãy dạy cho chúng con biết nhận thức rằng từ nguồn nước đó, chúng con đã được sinh ra, từ tình yêu đó, Giáo Hội của Chúa được xây dựng lên để mang niềm hy vọng mà Chúa đã gọi chúng con và gửi chúng con đi vào sẻ chia cho thế giới. Chính đây là nguồn sự sống rửa sạch hoàn vũ, chảy ra từ cạnh sườn Chúa Ky tô. Xin cho phép Rửa Tội trở thành vinh quang duy nhất của chúng ta, trong một tâm tình cám tạ tràn đầy kinh ngạc thán phục. Lạy Cha chúng con. Xứng đáng biết bao Con Chiên bị sát tế để nhận lãnh quyền năng, sự sang giàu, sự khôn ngoan, sức mạnh, vinh quang danh dự và ngợi ca từ thế kỷ nầy sang thế kỷ khác cho đến muôn đời! Amen!

Chặng thứ 13: Thương xót

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Hạ xác Người xuống, ông Joseph liệm trong tấm vải gai, rồi đặt xác Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. (Lc 23,53)

Suy niệm

Đây là những cử chỉ sốt sắng và danh dự dành cho thân xác bị xúc phạm và hạ nhục của Chúa Giê su. Bao người nam và người nữ đang đứng dưới thân thập giá Chúa. Joseph người gốc xứ Arimathie, người tốt lành và công chính, đã đến gặp Philato để xin thi hài Chúa, như thánh sử Luca ghi nhận, ông Nicodemo người viếng thăm lúc chiều tối, như thánh sử Gioan nói thêm. Và bao nhiêu là phụ nữ nhất quyết trung thành, đang đứng nhìn. Trong suy niệm của mình, Giáo Hội vẫn thường nghĩ rằng cả Đức Trinh Nữ Maria nữa cũng ở đó trong lúc ấy. Mẹ Maria, Mẹ thương xót, đang đỡ lấy trong vòng tay xác thân đã sinh ra từ lòng Mẹ và đã được Mẹ âu yếm kín đáo tháp tùng suốt bao nhiêu năm dài, như một người Mẹ luôn lo lắng cho con mình. Nhưng giờ đây, chỉ còn là một thân xác vĩ đại mà Mẹ đón nhận, cùng với niềm đau và cùng với nhận thức sự sáng tạo mới đang sinh ra đam mê tình yêu mới xuyên thấu qua con tin cua Con và của Mẹ Người. Trong cái im lặng gần như tuyệt đối sau bao ồn ào gào thét của bọn lính, bao chế nhạo xì xào của người qua đường và tiếng động của sự đóng đinh, những cử chỉ bây giờ chỉ nhuộm đầu êm ái, vuốt ve tôn trọng. Ông Joseph hạ xác xuống, thi hài buông thả trong tay ông. Ông liệm xác Người trong tấm vải gai, đặt vào trong ngôi mộ mới, đang đợi khách ở trong một ngôi vườn gần đó. Chúa Giê su đã được đoạt khỏi tay những kẻ đã giết Người. Từ nay, trong sự chết, Người đang ở giữa những kẻ dịu dàng âu yếm vầ xót thương. Cái bạo tàn của loài người sát nhân đã lùi ra rất xa. Sự dịu dàng âu yếm đã trở lại thế chỗ khổ hình. Sự dịu dàng âu yếm của Thiên Chúa và của những người thuộc về Thiên Chúa, những con tim hiền dịu mà Chúa Giê su đã hứa ban đất đai một ngày kia cho họ. Êm ái dịu hiền của sự sáng tạo và của con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Sự dịu hiền của kết cuộc, khi mọi nước mắt sẽ được lau khô, trong khi chó sói sẽ sống chung với cừu non, bởi vì nhận thức về Thiên Chúa sẽ được ban cho mọi xác thịt trần gian. Ngợi ca Mẹ Maria. Ôi Lạy Mẹ Maria, Mẹ đừng khóc nữa: Con của Mẹ, Chúa chúng con, đang ngủ yên trong an bình. Và Thiên Chúa Cha, trong vinh quang sánh chói, mở mọi cánh cửa sự sống! Ôi lạy Mẹ Maria, hãy vui mừng hoan hỉ: Chúa Giêsu Phục Sinh đã chiến thắng cái chết. Lạy Cha chúng con! Lạy Chúa, trong an bình của Chúa, con nằm xuống và đi vào giấc ngủ. Con thức dậy: Chúa là sức mạnh bảo trì con.

Chặng thứ 14: Các bà chuẩn bị dầu và thuốc thơm

Trích Tin Mừng theo thánh Luca: Trong khi ấy, các phụ nữ đã theo Chúa Giê su từ Galilea đi theo ông Joseph; các bà nhìn ngôi mộ và xem xác Chúa được chôn táng thế nào. Rồi các bà về nhà và chuẩn bị dầu và thuốc thơm và ngày thứ bảy, các bà nghỉ lễ như luật truyền. (Lc 23, 55-56)

Suy niệm

Các phụ nữ đã trở lại. Người mà các bà đã đồng hành, đã đi theo cách dẻo dai liên tục và đầy từ tâm trên các nẻo đường Galilea, Người ấy không còn nữa. Người chỉ còn để lại cho các bà vào buổi chiều tối hôm ấy ký ức về ngôi mộ và tấm vải liệm trong đó xác Người đang an nghỉ.Ký ức nghèo hèn và quý giá của những ngày sốt sắng đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Đơn côi và im lặng. Mặt khác, ngày thứ bảy đang đến gần, luật buộc Israel nghỉ việc, như là Thiên Chúa cũng nghỉ việc khi công cuộc sáng tại đã hoàn tất, đã thành toàn dưới sự chúc lành của Người. Đây là một sự thành toàn khác ngày hôm nay. Trong lúc này, bí ẩn và không thể thấu nhập được. Ngày thứ bảy hôm nay là ngày bất động, trong tưởng niệm tâm hồn và ký ức nhật nhòa nước mắt. Trong lúc chuẩn bị dầu và thuốc thơm để ngày mai, lúc trời vừa hừng sáng, các bà sẽ xức lên xác Người như là nghi lễ bày tỏ lòng kính trọng sau cùng. Nhưng với cử chỉ này, phải chăng các bà cũng đang chuẩn bị ướp hương thơm cho cả lòng hy vọng của các bà? Và nếu Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một câu trả lời cho sự ân cần của các bà, câu trả lời mà các bà không thể nào đoán trước, hình dung hay cảm nhận được. Khám phá ra một ngôi mộ trống tin báo cho biết Người không còn ở đây nữa, bởi vì Người đã phá tung những cánh cửa của sự chết.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Chúa chúng con, Hãy đoái nhìn và chúc lành cho những cử chỉ của các phụ nữ đang làm vinh danh trong thế giới này những thân xác dòn mỏng mà các bà đang săn sóc với bao dịu hiền âu yếm và danh dự. Và cả chúng con nữa, chúng con đã từng đồng hành với Người trên con đường tình yêu này cho đến cùng, xin hãy giữ gìn chúng con, cùng với các phụ nữ trong Phúc Âm, trong lời cầu nguyện và trong lúc chờ đợi những gì chúng con biết sẽ được chuẩn nhận bởi sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà Giáo Hội đang chuẩn bị cử hành trong niềm hân hoan của đêm Phục Sinh. Lạy Cha chúng con. Lạy Cha kính dâng lên Cha mọi vinh quang và quyền lực từ thế kỷ này sang thế kỷ kia cho đến muôn đời! Amen!

G. Trần Đức Anh O.PMai Anh dịch



(Nguồn: Radio Vatican)