MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Linh đạo thời nay

Lm. John A. Hardon, S.J
Có một mối nguy rõ ràng khi nói về linh đạo thời nay. Người ta có thể nghi ngờ rằng đời sống thiêng liêng mỗi thời mỗi khác, rằng có lẽ ngay cả yếu tính của sự thánh thiện cũng thay đổi theo thời gian. Nhiều người có thể lập luận rằng sự hoàn thiện Kitô giáo, cách nào đó, phụ thuộc vào tính cập nhật, điều mà nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh có nghĩa là xuôi theo thế gian và những giá trị thời thượng của thế gian. Thậm chí cũng có nghĩa là nếu một người trước hết không học nghệ thuật trở nên “phù hợp” (ngày nay từ này xem ra đang rất “ăn khách”), thì người ấy không thể nên thánh.

Tất cả những hàm ý trên cho thấy rằng đối với nhiều người trong chúng ta sự thánh thiện dường như có nghĩa tương đương với sự phù hợp! Chúng ta chợt tự hỏi thật chăng đời sống thiêng liêng của hôm nay vẫn không khác với đời sống thiêng liêng của cách đây 10 năm. Nếu không khác, thì sao lại nói về linh đạo thời nay? Còn nếu khác, thì đời sống thiêng liêng hôm nay có còn là đời sống thiêng liêng mà các bậc thầy trong quá khứ đã mô tả rất rành mạch hay không?

Không ít linh mục, tu sĩ (kể cả tu sĩ chiêm niệm), và giáo dân đang cảm thấy lúng túng. Họ nghe nói về nào là thần học mới, luân lý mới, nào là Giáo Hội sau Công Đồng, nào là những người Công Giáo mãi gần đây vẫn còn thuộc về văn hóa thiểu số nhưng nay đã thoát ra khỏi cái gọi là “vành đai cơ chế” để cuối cùng hội nhập vào dòng chảy của xã hội hiện đại. Người ta bảo với chúng ta rằng Giáo Hội đang lớn lên.

Phải chăng dù với bao nhiêu thay đổi ngoạn mục trong Công Giáo như thế, việc theo đuổi sự thánh thiện vẫn không có gì phải thay đổi? Nghĩa là, chúng ta trở lại với câu hỏi phải chăng hôm nay ta vẫn có thể nói về đời sống thiêng liêng theo ngôn ngữ cách đây một thế hệ hay một thập niên. Câu trả lời dứt khoát là CÓ THỂ, vì bất chấp mọi ồn ào tranh cãi, Đức Kitô vẫn là một hôm qua, hôm nay và ngày mai. Các nguyên tắc mà Ngài đã tuyên bố ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất vẫn có hiệu lực và vẫn cần thiết cho nước Mỹ ở thế kỷ hai mươi.

Thực ra chính những người đương thời của Đức Giêsu nói chung cũng không chấp nhận lời Ngài; và chuyện xảy ra ở Canvê đã làm chứng quá hùng hồn rằng Ngài đã gây thù chuốc oán do những lời Ngài nói, và (tôi vẫn băn khoăn hoài rằng) họ đã thanh toán Ngài chính vì Ngài đã nói những điều ấy. Nhiều người đương thời của chúng ta hôm nay, nói cho cùng, cũng không mặn mà mấy với giáo huấn của Đức Giêsu. Vì thế, việc người ta chấp nhận hay bài bác Kitô giáo, cách riêng sự thánh thiện Kitô giáo, chẳng phải là điều gì mới mẻ. Đức Giêsu thời ấy có các môn đệ và cũng có những người phỉ báng Ngài; thì thời nay cũng y vậy.

Nếu có gì đặc trưng cho thời đại chúng ta, thì đó là dữ kiện này của lịch sử tôn giáo: ngày nay một số người yêu mến Đức Giêsu đến mức hy sinh bản thân mình một cách anh hùng, đồng thời có những người khác gạt bỏ Đức Giêsu, đến mức điên cuồng chống báng chính nghĩa của Ngài. Vậy rốt cục, linh đạo thời nay là gì? Hoặc giả chúng ta phân tách rành mạch hai đàng: đâu là linh đạo Kitô giáo mọi thời, và đâu là – nếu có – nét riêng của linh đạo này trong thời của chúng ta?

Đâu là linh đạo Kitô giáo?

Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: “Linh đạo Kitô giáo là gì?” Đối với một số người, mấy tiếng “linh đạo” hay “đời sống thiêng liêng” xem chừng kỳ quặc. Nghe có vẻ như chia tách thể xác và tâm linh theo kiểu đi ngược lại với điều mà chúng ta biết về con người: con người không chỉ là hồn, mà còn là xác nữa.

Có vẻ như chúng ta thiên lệch ngay từ điểm xuất phát khi tách rời một phần của bản tính mình – tâm linh – và quá tập trung vào đó như thể Thiên Chúa không được phụng sự nơi thịt và máu và mồ hôi và nước mắt của người ta, những thứ hầu chắc là thuộc thân xác chứ không thuộc tinh thần. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề, khi chúng ta coi những từ như “linh đạo”, “tâm linh” là những từ hữu dụng để diễn tả nhiều hơn cái hàm ý chứa trong vỏ từ ngữ đơn thuần của nó.

Quả là con người chúng ta gồm thể xác và tâm linh, nhưng giữa hai đàng, thì tâm linh quan trọng hơn. Nhờ phần này của hữu thể mình mà chúng ta, loài thụ tạo, được thông hiệp với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa, trong tư cách là Thiên Chúa, đâu có thể xác. Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài bằng cách ban cho chúng ta tâm linh, giống như tinh thần của Ngài, với một trí năng cho phép chúng ta suy nghĩ và một ý chí cho phép chúng ta yêu thương. Những gì chúng ta suy nghĩ và yêu mến trong tâm linh của mình sẽ ấn định mọi điều khác, gồm cả những gì chúng ta hành động qua thân xác của mình. Chúng ta quì gối cầu nguyện hay nằm dài trên giường, chúng ta mở miệng để khen ngợi, ủi an, hay để gây tổn thương bằng những lời chỉ trích và miệt thị, tất cả đều tùy thuộc những gì ở bên trong chúng ta.

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng có một ý nghĩa đặc biệt, chứ không chỉ là việc sử dụng đúng đắn trí năng và ý chí thuộc tâm linh mình. Đời sống thiêng liêng mở thêm chiều kích ưu việt cho thực hành luân lý. Đời sống luân lý, nói cho cùng, liên quan tới việc sử dụng tự do riêng của chúng ta. Chúng ta tin rằng con người được dựng nên để ca ngợi, kính tôn, và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu độ linh hồn mình. Chúng ta cũng tin rằng mọi điều khác dưới gầm trời này đã được tạo ra cho con người, nhằm giúp con người đạt được mục đích theo đó mình đã được tạo dựng. Vậy thì, chúng ta sẽ sống một đời sống luân lý tốt (phân biệt với đời sống thiêng liêng) nếu ta sử dụng mọi sự trong cuộc sống mình bao lâu chúng giúp đạt mục đích của cuộc hiện sinh, và loại bỏ chúng một khi chúng cản trở việc đạt mục đích ấy. Đó là luân lý. Đó chưa phải là linh đạo.

Cách nào đó, có thể nói rằng đời sống linh đạo bắt đầu ở chỗ đời sống luân lý kết thúc. Hoặc nhìn từ một góc khác, linh đạo Kitô giáo giả thiết luân lý Kitô giáo, nhưng nó vượt quá nền tảng của luân lý để xây dựng điều mà chúng ta vẫn gọi là công trình của sự thánh thiện – kiểu nói này nghe như phóng đại, nhưng thật chính xác. Sự “vượt quá” này có thể bao hàm nhiều nghĩa, nhưng không có nghĩa nào giải thích thấu triệt ý nghĩa của linh đạo, hay của sự thánh thiện. Chúng ta có thể vượt quá những gì mình bị ràng buộc nghiêm ngặt phải làm để cứu linh hồn mình. Chúng ta có thể vượt quá sự tuân phục các điều răn của Thiên Chúa để thực hành các lời khuyên của Phúc Âm. Chúng ta có thể vượt quá tiếng gọi của bổn phận để phụng sự Thiên Chúa với lòng quảng đại. Chúng ta có thể vượt quá sự nhẫn nại chấp nhận đau khổ để thực sự ưu tiên chọn lựa thập giá. Chúng ta có thể vượt quá những đòi hỏi của luật để đảm nhận cả những thực hành bác ái mà luật không đòi buộc. Chúng ta có thể vượt quá những nghĩa cử bác ái anh hùng ‘năm thì mười họa’, để trao hiến trọn cả cuộc sống mình, suốt đời, dành riêng cho việc phụng sự Đức Kitô và Giáo Hội. Trong tất cả các trường hợp ấy, sự vượt quá những gì tuyệt đối cần thiết để tránh tội (bình diện luân lý) và để trao hiến chính mình cho Thiên Chúa (sự thánh thiện) là một diễn tả đồng thời hai điều. Thứ nhất, nó diễn tả không chỉ ơn thường sủng của Thiên Chúa, ơn mà nếu không có thì không thể nào đạt được sự thánh thiện; thứ hai, nó diễn tả không chỉ sự sẵn sàng thông thường của ý chí để đáp lại ân sủng ấy – nếu không có sự sẵn sàng này thì sự thánh thiện cũng chẳng thể nào sản sinh được.

Lịch sử Kitô giáo từ thời các Tông Đồ là một bằng chứng cho thấy hai yếu tố ấy thường xuyên sống hoạt trong Giáo Hội. Tất cả các thánh và các vị tuẫn đạo, các trinh nữ và các chứng nhân đức tin… chứng minh cho dữ kiện hai mặt này: đó là, với việc Đức Kitô đến và với ân sủng chan hòa của Ngài, con người không chỉ có thể tránh tội mà còn có khả năng nên thánh nữa. Hơn nữa, tất cả những ai cộng tác với ân sủng được ban cho này sẽ vươn lên các đỉnh cao hoàn thiện và đạt được các mục tiêu mà những người khác dù bẩm sinh có giỏi giang đến mấy cũng không đạt được. Tự nhiên (nature) không thể sản sinh ra sự thánh thiện.

Điều mà Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma có thể áp dụng cho tất cả những ai đã học được bí quyết nên thánh: “Những ai chỉ quan tâm đến những sự xác thịt thì không bao giờ có thể làm hài lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối quan tâm của anh em không nằm ở những điều xác thịt, nhưng là ở Thần Khí, vì Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em.” Một cách căn bản, theo các tiêu chuẩn Kitô giáo thì chính việc Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong tín hữu làm cho người ấy thuộc Thần Khí. Và cuối cùng, điều làm cho con người ấy thuộc Thần Khí chính là sự cộng tác tự do và quảng đại của người ấy với Thánh Thần Đấng cư ngụ trong người ấy. Ở đâu mà Thánh Thần Thiên Chúa gặp gỡ một tinh thần nhiệt thành đáp trả nơi con người, thì ở đấy ta có đời sống thiêng liêng. Vì thế, theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, đối lập với Thần Khí là xác thịt, và ai sống theo xác thịt thì không trung thành với lòng tốt cao vời của Thiên Chúa.

Thánh thiện và tội lỗi

Chúng ta thật bất ngờ với sự tương phản trong các bản văn của các Tông Đồ, vì xem ra không có tồn tại một “vùng” nằm giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Phaolô, Gioan, Phêrô, Giacôbê lặp đi lặp lại cùng một điều rằng: các môn đệ Đức Kitô được mời gọi nên thánh; rằng mục tiêu của họ là sự thánh thiện; và rằng không có sự mặc cả nào giữa Đấng Cứu Độ và Satan. Đây chỉ là một âm vọng của điều Đức Kitô tuyên bố rằng chúng ta không thể đồng thời vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ Mammon được, “Ai không theo Ta là chống lại Ta.” Tân Ước không có ý niệm gì về điều mà ngôn ngữ hiện đại của chúng ta gọi là thỏa hiệp hay tương nhượng. Tân Ước chỉ biết có hoặc trắng hoặc đen.

Đâu là nét riêng của đời sống thiêng liêng hôm nay?

Câu hỏi kế tiếp của chúng ta là: “Đâu là nét riêng của đời sống thiêng liêng hôm nay?” Một cách căn bản, đời sống thiêng liêng thời nào cũng vẫn vậy thôi. Thời nay nó có nghĩa không khác với thời Thánh Phaolô, đó là: một sự nhiệt tình đáp trả Thánh Thần của Thiên Chúa. Ai nhiệt tình đáp trả hơn thì thánh thiện hơn. Ai ít nhiệt tình đáp trả hơn thì ít thánh thiện hơn. Và ai không nhiệt tình đáp trả thì không thánh thiện.

Tuy nhiên, nói vậy cũng chưa hết ý, vì thời nào cũng có những nét riêng – và chính những nét riêng này làm cho mỗi giai đoạn lịch sử của Giáo Hội có tính độc đáo của nó. Nhưng trước khi chúng ta đề cập bất cứ điều gì là riêng của thời đại mình, cần phải ghi nhận một điều quan trọng: thế giới vào bất cứ thời điểm nào cũng không đồng nhất ở khắp mọi nơi. Dù chúng ta đang có những phương tiện truyền thông nhanh chóng giữa các dân tộc, các quốc gia, thì tình hình cũng không hẳn như thế tại nhiều vùng trên thế giới. Nam Phi thì không phải là Nam Mỹ, và – như các sinh viên của tôi nói với tôi – Hoa Kỳ thì không phải là Uganda. Trung Quốc và Nga không giống với Canada và Tây Ban Nha, và những khác biệt không duy chỉ ở ngôn ngữ và khí hậu. Vì thế chúng ta cần bảo đảm mình không vồ vập khái quát hóa về thời hiện đại. Bạn phải luôn cần tự hỏi: “Ở đâu?”

Sự sung túc và tâm hướng xã hội

Sau khi lưu ý những điều hiển nhiên ấy, chúng ta có thể nhận diện đặc nét của thế giới phương tây (Âu Mỹ) trong một số điểm tổng quát để giúp chúng ta hiểu hơn những gì nên xác lập là nét riêng của linh đạo ngày nay. Tính tới cả những ngoại lệ, chúng ta có thể mô tả thế giới này, thế giới hôm nay, được đặc trưng bởi sự sung túc và bởi tâm hướng xã hội. Nói vậy tôi không có ý cho rằng mọi người đều sung túc hay đều có tâm hướng xã hội. Nhưng hiện tượng làm giàu và xu hướng về tính cộng đồng là những điều quá rõ không thể chối cãi. Chúng có thể mách với chúng ta một điều gì đó liên quan đến phẩm chất của đời sống thiêng liêng trong thế giới hôm nay.

Sự sung túc và tình trạng nghèo đói có liên quan

Sung túc! Có quá nhiều đoạn Thánh Kinh nói về những nguy hiểm do của cải mà người tín hữu không thể không lưu ý. Quan trọng nhất là những lời tuyên bố của Đức Kitô sau khi Ngài mời một thanh niên giàu có đi theo Ngài. Và như Matthêu cho biết, khi chàng thanh niên nghe những lời này, anh ta đã buồn rầu bỏ đi, bởi vì anh ta có nhiều của cải. Đó là lúc mà Đấng Cứu Thế nói với các môn đệ của Ngài: “Ta bảo thật anh em, người giàu vào Nước Trời thật khó biết bao. Vâng, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Nước Trời.” Khi các môn đệ nghe như vậy, họ sửng sốt. Họ hỏi: “Vậy thì ai có thể được cứu?” Đức Giêsu nhìn các môn đệ và nói: “Với con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.”

Rõ ràng, hiện tượng sở hữu nhiều của cải vật chất tại các nước giàu có hôm nay đặt ra một trách nhiệm to lớn cho bất cứ ai còn muốn đi theo Đức Kitô (chứ không muốn buồn rầu bỏ đi như chàng thanh niên nọ).

Chúng ta được vây quanh bởi cơ man những điều tốt lành của thế giới này. Chúng ta đang sống trong nền văn minh với tuổi thọ của con người được kéo dài nhất và với nhiều phương tiện giải trí nhất so với bất cứ thời nào khác trong lịch sử loài người. Chúng ta đang được bao trùm bởi quá nhiều tiện nghi, quá nhiều phúc lợi, quá nhiều thuốc giảm đau và thuốc tăng lực. Quá nhiều sự dễ chịu và quá nhiều thú vui đang ở trong tầm tay của chúng ta. Chỉ cần nhấn nút là chúng ta có gió mát rượi giữa mùa hè hoặc được sưởi ấm trong mùa đông. Chúng ta có thuốc dưỡng da, thuốc dưỡng tóc, thuốc nhuộm, nào là dạng kem, dạng bột, dạng hơi… Ở Mỹ, đám chó và mèo của chúng ta ăn những thức ăn tốt hơn của hàng triệu người ở Á Châu và Phi Châu. Chúng ta tiêu thụ nhiều thịt hơn, nhiều đường hơn, nhiều rượu hơn, và chúng ta đi lại nhiều hơn với tốc độ cao hơn so với thậm chí những gì mà cách đây một thế kỷ người ta dám tưởng tượng. Đâu có gì phải ngạc nhiên việc các nhà dân số học nhún nhường gọi các quốc gia khác là chưa phát triển, bởi vì theo các tiêu chuẩn của chúng ta, họ không có được sự sung túc như chúng ta.

Chúng ta đừng bảo rằng tất cả những điều này đều không phù hợp với đời sống thiêng liêng hay đều không quan trọng trong cuộc theo đuổi sự thánh thiện. Ở đâu có nhiều của cải, ở đó cũng phải có nhiều hơn tinh thần nghèo khó, nếu chẳng vậy thì chúng ta chỉ nói về sự thánh thiện hay đọc về hạnh các thánh mà thực sự chúng ta không bao giờ lớn lên trên con đường nên thánh.

Tôi xác tín rằng trong khi thời nào thì tiền bạc cũng là gốc rễ của mọi sự dữ, như Thánh Phaolô đã khẳng định mạnh mẽ, thì trong một số nền văn hóa hiện đại hễ sự sung túc lan rộng bao nhiêu, việc thực hành khó nghèo càng cần phải mở rộng bấy nhiêu. Phanxicô Bernadone đã trở thành Phanxicô Assisi, bởi vì trong tư cách là con trai của một thương nhân giàu có, chàng đã bỏ mọi của cải để theo Đức Kitô. Chàng đã trở thành một “Phan sinh”, bởi vì trước hết chàng từng là một người giàu có, bởi vì chàng đã có những địa vị để mà bỏ, để mà hy sinh. Chúng ta cần thứ mẫu gương này hôm nay để lay động, giúp ta tỉnh giấc mê. Khác với Phanxicô, chúng ta có quá nhiều thứ để hy sinh hơn là ta tưởng. Phanxicô có ơn của ngài, chúng ta cũng có ơn của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không học biết chia sẻ những gì mình có dư dật, không học biết hy sinh một điều khi nó làm suy yếu nhiệt tình của mình đối với Đức Kitô, không từ bỏ điều gì đó để có thể đảm nhận thập giá của Ngài,… thì bài học của thời đại sung túc này sẽ bị chúng ta bỏ vụt mất.

Vì thế, nét nổi bật trước hết của linh đạo thời nay là – và phải là – tinh thần nghèo khó. Điều này có nghĩa rằng ta phải có một tinh thần siêu thoát thực sự đối với cơ man những thứ dễ chịu mà xã hội sung túc đang cung ứng cho ta. Dĩ nhiên không nhất thiết chúng ta phải trở nên nghèo nàn trong thực tế, nói cách chung, trừ phi đó là ơn gọi riêng của mình trong đời sống. Các tu sĩ không thể tự thỏa mãn với chỉ một “tinh thần” nghèo khó – họ phải nghèo thực. Tinh thần nghèo khó đòi chúng ta phải biết thời của mình đang sống là thời nào, và biết bổn phận của chúng ta là không được thỏa hiệp với thế giới vốn đang cố lôi kéo mình.

Tâm hướng xã hội và thực hành bác ái phổ quát

Tâm hướng xã hội! Nếu thời của chúng ta là thời tích lũy của cải, thì đây cũng là thời của tâm hướng xã hội. Đây có lẽ là từ ngữ tốt nhất để mô tả cách hàm súc hàng loạt những phẩm chất vốn qui hướng vào bản chất xã hội của con người. Con người vừa là những cá nhân vừa là thành viên của xã hội, và không có giai đoạn nào trong lịch sử mà hai khía cạnh này bị quên lãng. Nhưng con người của thời hiện đại có mối quan tâm cách riêng tới chiều kích xã hội của hiện sinh mình, hơn bất cứ thời nào trước đây, có lẽ vì trước đây con người chưa từng có được những khả năng như thế. Bạn có biết rằng thực tế là mọi khoa học xã hội đều chỉ mới xuất hiện trong chỉ vài trăm năm trở lại đây thôi không?

Một số người sẽ tìm manh mối của ý thức xã hội này ở một phản ứng chống lại chủ nghĩa cá nhân thô kệch vốn là phó sản của cuộc cách mạng công nghiệp. Chắc chắn chủ nghĩa Mác đã đổi tên thành chủ nghĩa cộng sản, như một phản ứng bạo liệt trước những sự lạm dụng rõ ràng của chủ nghĩa tư bản. Và phong trào tiến tới một xã hội tập thể ít nhất phần nào đó được giải thích bởi sự tham lam của những cá nhân trong chính quyền, trong giới tài chánh, kỹ nghệ… sự tham lam mà những người theo chủ trương tập thể tuyên bố rằng mình có khả năng đề kháng. Nhiều người khác thì sẽ nói rằng ý thức xã hội của chúng ta là một câu trả lời cho tiếng kêu khắp nơi hướng vọng nền hòa bình giữa các quốc gia từng trải qua những thống khổ tận cùng của hai cuộc chiến tranh thế giới, và vẫn còn lo sợ một cuộc thế chiến thứ ba, lần này sẽ là chiến tranh hạt nhân, là thảm họa thực sự. Chúng ta hoặc cách nào đó ngồi lại với nhau và dàn xếp những khác biệt của mình một cách hữu nghị, hoặc là chúng ta sẽ tiêu diệt nhau, và như vậy trận chiến cuối cùng sẽ mở màn. Với những tiền đề này, sự chọn lựa sẽ hoặc là liên kết và sống còn, hoặc là đối đầu và hủy diệt toàn thế giới.

Rõ ràng là những yếu tố ấy đã đóng góp vào bức tranh lớn. Nhưng tôi không nghĩ chúng là những yếu tố chủ yếu để giải thích tại sao thế giới hiện đại của chúng ta quan tâm tới con người trong tư cách là hữu thể có xã hội tính đến thế. Tôi tin rằng lý do chính nằm ở sự phát triển liên lạc xuyên qua mọi hình thức truyền thông: điện thoại và điện tín, radio và truyền hình, radar và máy điện toán, phim ảnh và những ứng dụng của nó, và sự liên lạc nhanh chóng của người ta trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Việc đề cập đến tất cả những ‘sự đời’ này trong một thảo luận về đời sống thiêng liêng không hề là một chuyện ngớ ngẩn; chỉ cần chúng ta đọc lại những gì Đức Phaolô VI đã nói liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội. Bản văn, có hai đoạn, cần phải được đọc toàn bộ. Tôi xin trích dẫn:

Các kênh truyền thông xã hội, ngay cả dù chúng nhắm nói với các cá nhân, chúng vẫn tác động đến toàn xã hội. Chúng thông tin cho một đại chúng mênh mông về những gì đang diễn ra trên thế giới và về những thái độ của con người đương thời, và chúng làm công việc đó một cách tức thì.

Điều này hoàn toàn trùng hợp với quan niệm Kitô giáo về cách mà người ta nên sống với nhau. Những tiến bộ kỹ thuật ấy có mục đích tích cực là đem con người lại gần nhau. Bằng cách chuyển trao những niềm hy vọng và những nỗi ưu tư chung, chúng giúp người ta tìm phương giải quyết. Một sự đánh giá mang tinh thần Kitô giáo về sự đóng góp mà truyền thông mang lại cho thiện ích của nhân loại sẽ bắt rễ trong nguyên tắc căn bản này.

Vì thế, sẽ là sai lầm nếu không đánh giá đúng mức các phương tiện truyền thông xã hội như một dấu chỉ của linh đạo thời nay. Linh đạo này, ngay cả ở chiều hướng hướng nội và chiêm niệm nhất, vẫn phải ý thức hơn bao giờ hết đến những con người khác và đồng cảm sâu sắc với các nhu cầu của họ.

Thánh Phaolô, với tất cả những quan tâm của ngài đối với tất cả các giáo đoàn, sẽ nói gì về mối quan tâm mà các môn đệ Đức Kitô hôm nay cần phải có đối với con người ngày nay, khi chúng ta ngày này qua ngày khác được tiếp cận với những thử thách và bi kịch của người ta trên khắp hành tinh này? Các phương tiện truyền thông quả là một xúc tác cho việc thực hành bác ái! Là người đã di chuyển không mệt mỏi để rao giảng Đức Kitô trong thời của mình, Thánh Phaolô sẽ làm gì hôm nay nếu ngài nắm trong tay các phương tiện (mà chúng ta đang có) để có thể tác động đến không chỉ một hay một chục hay thậm chí một ngàn linh hồn, nhưng quả thực là có thể tác động đến toàn thể các dân tộc bằng lời của Tin Mừng và bằng gương sáng đời sống thánh thiện?

Không ai coi nhẹ tầm quan trọng hàng đầu của sự kết hiệp với Thiên Chúa qua cầu nguyện và việc chế ngự các đam mê của mình bằng những hy sinh. Đời sống thiêng liêng phải cắm rễ sâu nếu cành lá của nó muốn vươn rộng. Hay dùng một hình ảnh khác, đời sống thiêng liêng phải nối kết với suối nguồn ân sủng thần linh nếu nó không muốn cạn khô trong các hoạt động tông đồ. Nhưng bên cạnh những gốc rễ hay suối nguồn đó, ngày nay đời sống thiêng liêng còn phải có một tầm nhìn đủ rộng. Nghĩa là, ta không được bó mình trong góc nhìn hẹp hòi, thiển cận.

Trong Sách Linh Thao của ngài, Thánh Inhaxiô đặt vào môi miệng Chúa Kitô những lời sau đây: “Ta muốn chinh phục toàn thể thế giới và tất cả các kẻ thù của Ta, để đi vào trong vinh quang của Cha. Bất cứ ai muốn đến với Ta phải làm việc với Ta, và một khi bước theo Ta trong đau khổ thì người ấy cũng sẽ bước theo Ta trong vinh quang.” Tiếng gọi này của Chúa Kitô Vua vốn đã từng vang lên bằng những lời tương tự cách đây ngót hai ngàn năm. Chúng ta được đặc ân làm cho lời kêu gọi của Ngài phát huy hiệu quả phi thường trong thế giới tương giao và in đậm ý thức xã hội của chúng ta hôm nay.

Điều này có nhiều hàm ý cụ thể. Nó sẽ mở rộng quả tim chúng ta để nhìn quá công việc mình đang làm và hướng tới bao triệu người đã được cứu chuộc bằng chính Máu của Chúa Kitô. Không còn như những thời trước nữa, dân chúng Á Châu và Phi Châu chẳng còn quá xa chúng ta, vì ngày nay khoảng cách không còn đo bằng cây số, mà chỉ bằng số giờ cần để đi đến một nơi. Với những trái tim rộng mở, chúng ta sẽ mở rộng lời cầu nguyện của mình để bao gồm không chỉ một ít mà là nhiều linh hồn, và chúng ta cầu xin ân sủng Chúa, ân sủng vô hạn, tuôn đổ chan hòa trên toàn nhân loại hôm nay.

Một khi chân trời của chúng ta mở rộng, ta tự khắc sẽ hỏi chính mình: “Đâu là vinh quang lớn hơn nữa mà tôi có thể dâng cho Chúa trong bất cứ điều gì mình đang làm? Bằng cách nào tôi có thể tác động đến không chỉ một ít người tiếp xúc trực tiếp với mình, mà vượt quá không gian nhỏ hẹp xung quanh tôi để tác động đến hàng ngàn người khác, những người mà nếu tôi không góp phần giúp họ, họ sẽ biết Chúa ít hơn, hay yêu Chúa ít hơn, hay phục vụ Chúa với ít lòng quảng đại hơn?”

Tôi hiểu rằng nói như vậy có thể nghe lạ lẫm đối với một số người và ngay cả không thể hiểu được đối với nhiều người khác. Không sao. Với tất cả triển vọng của thế giới nối kết hôm nay, tôi sẵn sàng hài lòng dù chỉ một ít người chia sẻ với các thao thức của mình. Bạn hãy xem đi, tầm nhìn của Đức Kitô về tương lai luôn mang tầm vũ trụ đó chứ. Ngài đôn đốc các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngài bảo họ làm chứng cho Ngài cho đến tận cùng trái đất. Và trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, Ngài đưa ra một tiên báo đầy ấn tượng về cuộc chiến đấu để chiếm chủ quyền trên toàn thế giới giữa một bên là các môn đệ Ngài và bên kia là các tay chân của thần dữ. Qui mô toàn cầu này thật ngoạn mục đó chứ, phải không? Ngày nay chúng ta được may mắn có cơ hội để mở rộng linh đạo của mình và kích hoạt nhiệt tâm tông đồ cho đến tận cùng thế giới, hay nói như Thánh Phaolô: “Mang hết mọi dân nước về qui phục đức tin, vì Danh Đức Kitô”.

Thiên Phong dịch từ “Contemporary Spirituality” của Cha John A. Hardon, S.J. ( 2000), Tôi Tớ Chúa.

(Nguồn: Xuanbichvietnam)