MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Hội nhập văn hóa xúc tiến thế nào trong khung cảnh mục vụ

Làm thế nào một nhân viên mục vụ có thể sẵn sàng cho công tác hội nhập văn hóa? Có chăng một phương pháp mục vụ được đề nghị, biết tôn trọng đúng đắn nội dung đã phác họa? Bài viết của tôi đề cập tới vấn đề này trong khía cạnh thực hành hiện sinh. Nó khẳng định rằng trừ phi nhân viên mục vụ có đủ xác tín cần thiết và một phương pháp hữu hiệu, ta tạm gọi là “habitus”, để thiết lập một nhịp cầu giữa “Tin mừng” và nền văn hóa theo một cách thức xuyên suốt việc trình bày và thích nghi, thì tiến trình hội nhập văn hóa mới chỉ thuần túy là lý thuyết mà thôi.

Hội nhập văn hóa xúc tiến thế nào trong khung cảnh mục vụ

I. Công tác mục vụ

Làm thế nào một nhân viên mục vụ có thể sẵn sàng cho công tác hội nhập văn hóa? Có chăng một phương pháp mục vụ được đề nghị, biết tôn trọng đúng đắn nội dung đã phác họa? Bài viết của tôi đề cập tới vấn đề này trong khía cạnh thực hành hiện sinh. Nó khẳng định rằng trừ phi nhân viên mục vụ có đủ xác tín cần thiết và một phương pháp hữu hiệu, ta tạm gọi là “habitus”, để thiết lập một nhịp cầu giữa “Tin mừng” và nền văn hóa theo một cách thức xuyên suốt việc trình bày và thích nghi, thì tiến trình hội nhập văn hóa mới chỉ thuần túy là lý thuyết mà thôi.

Không bao giờ lại có một thứ Kitô giáo không đi kèm với văn hóa, và lại càng không có thứ văn hóa hoàn toàn là Kitô giáo. Như vậy, mọi nhân viên mục vụ đều phải là những nhân viên hội nhập văn hóa, để trở thành trung gian giữa một “Tin mừng” nhất định và một nền “văn hóa” nhất định. Nhưng hiển nhiên là công tác mục vụ này lại càng nặng nề hơn đối với những thừa tác vụ sống trong những nền văn hóa vừa mới có đức tin Kitô giáo, trong những môi trường còn chưa chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khác của Kitô giáo; đó là hoàn cảnh mà tôi canh cánh bên lòng. Nhưng, chưa nói đến tính cách bao la của công tác, mọi nhân viên mục vụ đều phải có những xác tín cần thiết và một lối tiếp cận quả quyết trong việc hội nhập văn hóa.

Mặc dù trong những bài trước đây đã có miêu tả và định nghĩa khá đủ, tôi thấy vẫn cần giải thích vắn tắt mình quan niệm thế nào là “hội nhập văn hóa” xét như công tác mục vụ : đó là một tiền dẫn cần thiết đối với việc tôi đề ra một lối tiếp cận mục vụ để hoàn thành điều đó. Tiền đề mà tôi khởi đi là việc hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo có đối tượng đầu tiên là làm cho nước Thiên Chúa sớm ngự đến tại một nơi chốn và một thời gian đặc thù.

“Nước Thiên Chúa” là một biểu tượng toàn cầu cho chương trình của Thiên Chúa trên mọi tạo vật. Trong truyền thống Híp-ri, chương trình này được tóm tắt trong lối nhìn của Thiên Chúa về shalôm : hòa bình và công lý, tình yêu và tự do, cuộc sống toàn diện và viên mãn cho toàn thể nhân loại, và tính nguyên vẹn nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong niềm tin Kitô giáo, Đức Giêsu đã hiểu chương trình về cuộc đời và công trình của Người như việc thể hiện nước Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa thành toàn khi mà những người đói khát được no nê, khi mà người ta lo lắng cho người nghèo, chữa lành các bệnh nhân, giảng hòa các tội nhân, tái hội nhập những người sống bên lề xã hội, đón tiếp những người vô gia cư, giải phóng những người bị áp bức, người nghèo được nghe Tin mừng yêu thương của Thiên Chúa, và mọi người được dẫn tới đời sống viên mãn (xc Lc 4,16-21; Mt 11,4-6; 25,31-46; Ga 10,10...). Và nơi Đức Giêsu điều răn trọng nhất của nước Thiên Chúa chính là điều răn về công lý trong luật yêu thương toàn diện và triệt để : toàn diện theo nghĩa chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết tinh thần, hết tâm tư, hết linh hồn và hết sức của ta, và yêu người lân cận như chính mình (xc Lc 10,27...); triệt để theo nghĩa là, đối với Đức Giêsu, “người lân cận” không hề biết đến giới hạn và đó lại chính là thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Về phần thực hành của Đức Giêsu, nước Thiên Chúa tượng trưng đối tượng mục vụ của các môn đệ Người và điều đó phải hướng dẫn cũng như đánh giá đường lối hội nhập văn hóa của họ.

Luôn luôn đi với chương trình tiềm ẩn của nước Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, việc hội nhập văn hóa Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ biện chứng giữa một bên là nếp đức tin Kitô giáo đã được ghi khắc nơi một nền văn hóa với một bên là nền văn hóa khác vừa mới đến với đức tin hoặc bao gồm những khía cạnh mà chưa thực sự được đức tin thấm nhập. Xét như “cuộc gặp gỡ”, việc hội nhập văn hóa là một cuộc trao đổi theo hai chiều - từ “Tin Mừng” đến văn hóa và từ văn hóa đến “Tin Mừng” - và xét như “biện chứng”, nó phản ảnh một động lực tam cấp, tức là việc chuẩn y và có thiện cảm, việc từ khước hoặc đặt vấn đề và tiến đến những khả thể mới mẻ, đối với “Tin Mừng” cũng như với nền văn hóa.

Trước hết ta hãy xét biện chứng về phía “Tin Mừng” trong cuộc gặp gỡ. Có những phương diện của một nền văn hóa đặc thù mà đức tin Kitô giáo tiếp nhận và bảo tồn như những gì sinh động và thuộc về nước Thiên Chúa; lại có những phương diện văn hóa mà Kitô giáo có thể từ khước hoặc đánh giá là có thể bài bác khi đứng trên quan điểm nước Thiên Chúa : đức tin Kitô giáo sẽ mời gọi nền văn hóa này làm một cuộc biến đổi lớn hơn nữa vì nước Thiên Chúa. Cũng vậy, về phía nền văn hóa trong cuộc gặp gỡ, có những phương diện của “Tin Mừng” này đã được diễn tả bằng nét văn hóa mà nó tiếp đón và thừa nhận như những yếu tố sinh động và thuộc về nước Thiên Chúa; lại có những phương diện khác mà nền văn hóa này đặt vấn đề hoặc thấy là có thể bài bác trong toàn bộ khung cảnh; và nền văn hóa này sẽ tự kiếm tìm cho mình một kiểu mẫu Kitô giáo để có thể rèn luyện một lối diễn tả của người bản xứ song vẫn giàu tính đức tin Kitô giáo.

Trong biện chứng này, việc làm phong phú nền văn hóa được hỗ trợ bởi Kitô giáo thì không phải là việc phủ nhận nó, mặc dù “Tin Mừng” đã phê bình và đặt vấn đề về những khía cạnh của nó có thể bị bài bác xét trong tương quan với Nước Thiên Chúa. Trái lại, cuộc gặp gỡ hội nhập văn hóa sẽ khẳng định điều gì là chân thực và sống động trong khung cảnh hiện sinh và xây dựng trên những dấu chỉ đó của nước Thiên Chúa vốn đã hiện diện để cung cấp những khả năng mới trong việc biến đổi cá nhân và xã hội. Cũng vậy, cuộc gặp gỡ với một nền văn hóa “khác biệt” sẽ đem lại cho đức tin Kitô giáo một vận may có được lối diễn tả độc đáo về chính mình, và điều này làm phong phú cho toàn thể Thân Mình Chúa Kitô. Quả là hữu ích cho cộng đoàn Kitô giáo phổ quát khi tự kiếm cho mình những khía cạnh của Tin mừng mà trước đó chưa từng được thể hiện như vậy; điều này cho phép mở rộng “ý nghĩa tràn đầy” và giá trị còn tồn đọng trong “kho tàng” nước Thiên Chúa (xc Mt 13,52).

Trong khi tổng hợp những suy tư trên, tôi miêu tả chính xác hơn nữa việc hội nhập văn hóa như một cuộc gặp gỡ biện chứng giữa đức tin Kitô giáo và một nền văn hóa đặc thù, trong đó nền văn hóa được củng cố, bị bài bác và được biến chuyển vì nước Thiên Chúa và trong đó chính đức tin Kitô giáo cũng được củng cố, bị bài bác và được nên phong phú nhờ việc thể hiện độc đáo này. Giờ đây, chúng ta có thể quay về với vấn đề trọng điểm : xúc tiến thế nào việc hội nhập văn hóa trong khung cảnh mục vụ ?

II. Những điều kiện cần có để hội nhập văn hóa

Để làm những nhân viên hoạt động cho việc hội nhập văn hóa, thì ít cần đến phương pháp được chấp nhận cho bằng những xác tín mà người ta đem đến cho tác vụ của mình. Việc hội nhập văn hóa luôn luôn nảy sinh từ jronhsiV hơn là từ telnh, từ sự khôn ngoan thực hành hơn là từ một kỹ thuật riêng biệt. Như Aristote từng nói, sự khôn ngoan thực hành phải được thông tri bởi những nguyên tắc chắc chắn mà người ta coi như những xác tín cá nhân và có thể đưa ra thực hành trong những hoàn cảnh đặc thù 1 . Là một nhân viên mục vụ trong việc hội nhập văn hóa, ít nhất giả định bốn xác tín cốt yếu mà thừa tác viên phải “chiếm hữu” và phải áp dụng cho mỗi trường hợp gặp gỡ giữa Tin mừng và văn hóa.

1. Không bao giờ có Kitô giáo mà không có văn hóa đi kèm, cũng không bao giờ có nền văn hóa không có đức tin.

Trong thực hành, điều đầu tiên trong những xác tín đồng hành phải ngăn cản các nhân viên mục vụ phổ quát hóa một lối diễn tả đức tin kitô giáo, và điều thứ hai nhắc cho họ rằng sự hiện diện và việc mặc khải cứu độ của Thiên Chúa thì luôn luôn “có đó” nơi mọi nền văn hóa, trước cả khi đức tin Kitô giáo đến được đó một cách tỏ tường. Trên tổng thể, chúng khuyến khích việc gặp gỡ và đối thoại chân chính của cuộc hội nhập văn hóa.

Một phần lớn của thực hành mục vụ trong Giáo hội đã không thừa nhận rằng mọi lối diễn tả Kitô giáo đều đã được ghi khắc trong một nền văn hóa, hiểu luôn cả lối diễn tả của những cộng đoàn kitô hữu đầu tiên. Mới gần đây thôi, chúng ta thường giả thiết rằng kinh Crédo, bộ luật và việc thờ phượng của đức tin Kitô giáo coi như siêu việt, vượt lên trên và đứng bên ngoài “những hiệu quả” của lịch sử nhân loại. Các bản văn, các biểu tượng và các nguồn mạch Kitô giáo được coi như vượt qua những điều kiện lịch sử và xã hội, chúng được coi như phản ảnh một “tri thức” phổ quát, khách quan và trung lập. Song việc người thời nay ý thức rằng mọi truyền thống đều chuyển tải nơi mình những “hiệu quả của lịch sử” (Gadamer), rằng mọi kiến thức và mọi căn tính đều bị điều kiện hóa về mặt xã hội, thì điều đó có nghĩa rằng những biểu tượng đức tin Kitô giáo là phản ảnh nền văn hóa của một thời và một nơi đặc thù. Thay vì tương đối hóa đức tin Kitô giáo, việc ý thức về sử tính của mình ngăn cản đức tin đó trở nên một ý thức hệ khô cằn và cho phép nó mãi mãi là một truyền thống “sinh động”. Đặt trí năng Kitô giáo của ta, được đánh dấu bởi một nền văn hóa, vào “mối nguy” cuộc gặp gỡ với một viễn tượng hoặc môi trường “khác biệt”, thì chính điều đó đã đem lại một sức sống mới cho truyền thống.

Về những gì liên quan đến niềm tin “đã từng hiện diện” nơi mọi nền văn hóa, người kitô hữu phải thừa nhận, một lần nữa, rằng trong quá khứ đã có những sai lầm. Các thừa sai Kitô giáo đến những môi trường không Kitô giáo thường coi các dân tộc bản xứ và nền văn hóa của họ tự yếu tính là “tà ngoại”, những tin tưởng và các thực hành tôn giáo của họ bị coi như sai lầm, và các vị đó suy đoán rằng mình đem đến lời và sự hiện diện của Thiên Chúa cho những dân tộc không đức tin đó. Một hình ảnh ưa được dùng để nói về tình trạng xưa của những dân tộc đó chính là hình ảnh “bóng tối”, và các vị thừa sai đã đem đến cho họ “ánh sáng”, chính xác hơn, đó là “ánh sáng Chúa Kitô”.

Trái lại, các Giáo hội đang làm cuộc hội nhập văn hóa đều phải có xác tín rằng Thiên Chúa đã luôn luôn “ở đó”, trong môi trường này, cùng với sự hiện diện cứu độ và ơn mặc khải của Ngài, kể từ rạng đông của lịch sử.

Các thừa sai Kitô giáo “không đem Thiên Chúa” đến cho một ai cả, bởi vì Thiên Chúa thì luôn luôn hiện diện trước mặt những con người đó. Nói khác đi sẽ là phủ nhận hai khía cạnh cốt yếu của đức tin Công giáo, nghĩa là tính cách phổ quát của tình yêu Thiên Chúa và nguyên tắc về tính bí tích. Giả dụ rằng nền văn hóa gặp thấy thì thuần túy và đơn giản là “tà ngoại” và không có đức tin, thì điều đó hàm ý rằng Thiên Chúa hiện diện ở giữa các người kitô hữu và Ngài chỉ hướng dẫn họ mà thôi, còn ngoài ra thì Ngài vắng bóng nơi những con người khác và để cho họ bị lầm lạc : đó hiển nhiên là một ông Thiên Chúa hà khắc và thiên tư chứ không phải là Đấng yêu mến toàn thể nhân loại. Nguyên tắc Kitô giáo, và đặc biệt là Công giáo, về tính bí tích thì diễn tả xác tín rằng Thiên Chúa thông chia cho nhân loại căn tính thần thiêng của Ngài qua trung gian những biến cố thông thường và những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Như Rahner đã viết : “ngay tính cách tầm thường của những sự việc hàng ngày cũng ẩn giấu kỳ quan vĩnh cửu và huyền nhiệm âm thầm của Thiên Chúa và của ân sủng Ngài” 1 . Nhưng điều đó là đúng với “cái thường ngày” nơi mỗi người, chứ đâu chỉ nơi người kitô hữu.

Tuyên ngôn của Vatican II Nostra Aetate về các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã diễn tả nhận định trên như “tinh thần của Giáo hội”. Thông điệp bắt đầu bởi nguyên tắc nền tảng là “việc quan phòng của Thiên Chúa, sự biểu lộ tính thiện hảo và những chương trình cứu độ thì trải đến mọi dân tộc”. Vì vậy, “Giáo hội không bài bác bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện” nơi những truyền thống tôn giáo khác, và Công đồng khẳng định rõ ràng rằng các truyền thống ngoài Kitô giáo “thường phản ảnh một tia sáng của loại chân lý vốn soi chiếu mọi dân tộc”.

Điều này không làm giảm đi tính ưu việt và tính chuẩn mực của Đức Giêsu Kitô đối với đức tin Kitô giáo. Bản tuyên ngôn nhấn mạnh : Giáo hội “loan báo và phải luôn loan báo Đức Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’”. Tuy nhiên, việc khẳng định Đức Giêsu là đỉnh điểm cho mặc khải của Thiên Chúa cũng như hành vi cứu độ của Ngài trong lịch sử nhân loại, thì không ngăn cản người ta đi tìm kiếm mặc khải của Thiên Chúa nơi những truyền thống và các nền văn hóa “xa lạ” (autres) và trân trọng việc mặc khải này. Quả vậy, người kitô hữu phải “đi vào cuộc đối thoại và hợp tác với thành viên của các tôn giáo khác, và trong lúc làm chứng về niềm tin và đời sống Kitô hữu, thừa nhận, gìn giữ và cổ võ những tốt đẹp thiêng liêng và luân lý mà người ta tìm được nơi những dân tộc đó, cũng như những giá trị hiện có trong xã hội và văn hóa của họ”.

Hy vọng những tình cảm trên của Công đồng được bền vững trong công tác mục vụ hội nhập văn hóa ! Chúng khuyến khích cuộc gặp gỡ chân chính giữa “Tin mừng” và nền văn hóa, tức là việc hội nhập văn hóa. Chúng đòi hỏi các nhân viên mục vụ thừa nhận hoàn cảnh văn hóa của mọi lối diễn tả đức tin Kitô giáo và họ phải luôn luôn tỉnh táo để khám phá và cổ võ trong môi trường đó điều vốn phải được củng cố và kích thích như nhân tố thuộc về nước Thiên Chúa. “Tin Mừng” Kitô giáo có thể được xây dựng trên “những dấu chỉ đó” và canh tân chúng, chứ không bao giờ được hủy bỏ hoặc giảm bớt đi.

2. “Trình thuật” và “tầm nhìn” của đức tin Kitô giáo tiếp tục diễn ra qua lịch sử.

Trong thực hành, đức tin Kitô giáo được duy trì như một truyền thống sinh động bằng cách tự thể hiện như một “biến cố thời sự” trong những thời và những nơi mới mẻ. Không thể bảo đảm chứng sinh động của nó chỉ nguyên bằng việc lặp lại hoặc áp dụng nguyên si; sinh động đó đòi hỏi việc bản xứ hóa trong mỗi môi trường văn hóa.

Nếu các nhân viên mục vụ quan niệm mặc khải Kitô giáo như thứ gì “tĩnh” và như lối diễn cảm khép kín của viên mãn chân lý thần thiêng, thì họ đã dẹp bỏ cuộc đối thoại hoặc gặp gỡ chân chính đối với môi trường văn hóa của họ. Hiển nhiên là việc hội nhập văn hóa chân thật đòi hỏi một xác tín là “trình thuật” của đức tin Kitô giáo (nghĩa là tất cả những biểu tượng mà, dọc theo thời gian, diễn tả và chuyển tải chân lý của đức tin) 1 liên tục mở rộng, luôn có những chiều sâu để dò tầm và một “dư tràn ý nghĩa” (Ricoeur) mà người ta không bao giờ múc cạn. Cũng vậy, “tầm nhìn” của truyền thống này (nghĩa là thời hiện tại của chúng ta đang sống điều đó vì nước Thiên Chúa) thì luôn biến hóa và luôn có nhu cầu cải cách; nó luôn nhắc nhủ chúng ta mỗi ngày mỗi trung tín hơn để hoàn thành nước Thiên Chúa. Các Giáo hội đang hội nhập văn hóa cần phải xác tín về ý nghĩa “biến hóa” đó của đức tin Kitô giáo, đức tin của một dân tộc đang hành hương.

Người Do-thái xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn có thể làm điều mới mẻ” (Is 43,19). Kinh Thánh Do-thái thường lấy lại hoặc xây dựng lại những bản văn và những truyền thống cổ xưa hơn, coi như phù hợp với một khung cảnh mới mẻ : người ta nhớ lại cuộc Xuất Hành và giải thích nó cách khác biệt dưới thời quân chủ và trong thời lưu đày. Đức Giêsu cho thấy một âm hưởng đối với tính mẫn cảm trên khi Người tuyên bố rằng “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52). Vào cuối đời, Người còn cho thấy rằng người ta tiến hóa “thêm nhiều” sau khi Người qua đi, nhờ sự trợ giúp của “Thánh Thần chân lý” hướng dẫn “đến sự thật” (xc Ga 16,12-23). Trường hợp nổi bật đầu tiên của việc mở rộng mặc khải diễn ra tại công đồng Giêrusalem. Cộng đoàn kitô hữu thời các tông đồ phải đương đầu với một viễn tượng “khác lạ”, việc các lương dân từ chối những lệnh truyền của Môsê về việc ăn uống và việc cắt bì cho những người đàn ông trở lại đạo. Sau khi cùng nhau phân tích, công đồng đi đến một quyết định “vốn là tốt đối với Thánh Thần và chúng tôi” (xc Cv 15,28), chuẩn trước việc cắt bì : đó là một “thời điểm” quan trọng, một giai đoạn mới cho toàn thể cộng đoàn kitô hữu.

Tinh thần cởi mở cho việc khai triển đó đáp ứng những hoàn cảnh mới và những nền văn hóa mới đã được duy trì suốt lịch sử Kitô giáo. Nó được tóm tắt trong việc khẳng định, nhất là từ phía Công giáo, rằng “truyền thống” vững bền của cộng đoàn đức tin nhất thiết phải đi đôi với Kinh Thánh như là nguồn mạch mặc khải của Thiên Chúa. Như hiến chế Dei Verbum khẳng định, “Thánh truyền và Kinh thánh tạo nên một kho thánh duy nhất của lời Chúa” (DV 10). Và “Thánh truyền là Kinh thánh, cả hai đều phải được đón nhận và tôn kính”, bởi “vì Giáo hội không chỉ nhờ Kinh thánh mà biết cách xác thực những điều mặc khải”. Nhưng trái lại với một thái độ bảo thủ quả quyết rằng truyền thống là một luận cứ chống lại việc “khai triển”, ngay việc tôn kính mà chúng ta có đối với Thánh truyền cũng đã phản ảnh xác tín rằng cách thức chúng ta hiểu và sống “đức tin được lưu truyền” thì cũng đã được khai triển từ những thời Kinh thánh và còn tiếp tục mãi. Đó cũng chính là “tinh thần” của Vatican II.

Dei Verbum bắt đầu bằng cách nhắc lại : “nhiệm cuộc Kitô giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh viễn. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa” (DV 4). Theo nghĩa này thì, ít là dưới hình thức khởi đầu, mặc khải Kitô giáo đã được hoàn tất với cái chết của vị tông đồ cuối cùng. Tuy nhiên, việc chúng ta tiếp nhận và hiểu mặc khải đó vẫn luôn là một dự án bền bỉ được theo đuổi suốt dòng lịch sử. Công đồng khẳng định : “Thánh truyền do các tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Bởi vì có một sự tiến triển trong lối hiểu những thực tại và những lời được lưu truyền cho chúng ta”. Rồi Công đồng tuyên bố : “Qua bao thế kỷ, Giáo hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo hội” (DV 8). Đó là sự việc khá gây sửng sốt khi được thừa nhận bởi một cộng đoàn vẫn luôn quả quyết rằng mình đã chiếm hữu “sự viên mãn của chân lý”.

Nhận định trên của công đồng về việc “Thánh truyền ... được tiến triển” tìm được một bảo đảm trong những bài viết đương thời về việc giải thích. Trước hết, xin cho phép tôi nói lên rằng điều đó không được gây ngạc nhiên, bởi vì tính năng động của việc hội nhập văn hóa thì chủ yếu thuộc về việc giải thích ý nghĩa. Như Ricoeur đã viết : “‘Lấy làm của mình’ điều mà trước đây còn là ‘xa lạ’ đã trở nên mục đích tối hậu của mọi cuộc giải thích” 1. Trọng điểm phải đeo đuổi ở đây là mọi việc giải thích chính thống một “bản văn” của truyền thống trong một hoàn cảnh mới mẻ, quả thực là một thời điểm mới cho việc hiểu biết và một hình thức mới cho truyền thống (Khoa giải thích hiện đại hiểu “bản văn” là toàn thể biểu tượng của ý nghĩa hoặc truyền thống).

Tracy đã dùng hình ảnh soi sáng của từ “kinh điển” đối với những “bản văn” vững bền của truyền thống 2 . Vì có như thế, những gì “kinh điển” thì được đánh dấu bằng “một sự vững bền và một sự phong phú về ý nghĩa”. Bản chất bền vững của những bản văn “kinh điển” muốn nói lên rằng chúng luôn luôn có ý nghĩa “một điều gì đó trình bày được một ích lợi thực sự ở đây và lúc này, trong thời gian này và tại chốn này” : chúng có thể luôn liên hệ đến những hoàn cảnh mới. Việc “phong phú ý nghĩa” của chúng muốn nói rằng chúng luôn luôn có thể “muốn nói lúc này” nhiều hơn chúng “đã từng muốn nói”. Trong lối diễn tả của Ricoeur, chúng có một sự “dư tràn ý nghĩa” hoặc chúng luôn luôn có trước mặt mình cả một “chân trời ý nghĩa”. Và sự “dư tràn” đó được khám phá nhờ những “tiếp nhận luôn luôn đổi thay” nơi những thời và những nơi mới mẻ 1. Giả định là những bản văn kinh điển có sự bền vững và phong phú ý nghĩa, thì chúng “đòi hỏi một sự giải thích, chứ không hề là một việc đơn giản lặp lại” 2 .

Gadamer nối kết việc giải thích với một cuộc “đối thoại” 3. Trong việc “đi và đến” của cuộc gặp gỡ giữa người giải thích và “bản văn”, cả hai bên đều phải được tôn trọng. Trong một tình huống chính xác, muốn hiểu được thì các nhà giải thích phải đặt những “hiệu quả” của lịch sử riêng họ (nghĩa là di sản văn hóa của họ) vào cuộc đối thoại với “lịch sử hữu hiệu” được phản ảnh trong “bản văn”. Đích ngắm là phân biệt không chỉ điều mà “bản văn” đã từng muốn nói, song còn là điều bản văn hiện đang muốn nói, ý nghĩa của nó dành cho một hoàn cảnh nhất định. Xét như thế, đúng theo kiểu Gadamer ghi nhận, khoa giải thích luôn luôn hướng đến việc “áp dụng” 4 . Điều đó không có nghĩa rằng người ta hài lòng với việc áp dụng một ý nghĩa thời quá khứ đã ổn định vào một hoàn cảnh mới mẻ, song đúng ra đó là truyền thống đã cho và nhận một sự sống mới, khi mà ý nghĩa của nó được thể hiện trong một hoàn cảnh mới. Đối với Gadamer, “mọi cố gắng mới để am hiểu, đều phản ảnh ... một hình thức mới của chính truyền thống” 5 .

Nói khác đi, việc am hiểu đúng đắn một bản văn kinh điển thì luôn luôn là một biến cố được định vị từ việc tạo nên truyền thống (traditioning) : “Bản văn ... nếu người ta muốn hiểu nó một cách đúng đắn - nghĩa là theo điều nó muốn nói lên -, phải được hiểu ở mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh cụ thể, theo một cách thức mới mẻ và khác biệt. Ở đây, việc am hiểu luôn luôn là áp dụng” 1 . Việc am hiểu này lại dẫn đến một sự “hòa lẫn các chân trời”, và việc “hòa lẫn” này là một chân trời mới, bao la hơn, đối với “bản văn” cũng như người đang giải thích. Thay vì làm mất đi “độ căng thẳng giữa bản văn và thì hiện tại”, chúng dẫn cả hai đến chân trời ý nghĩa còn đang ở “trước mặt” (sđd 306-307).

Về phần chúng ta đang lo lắng hội nhập văn hóa, những ý tưởng nảy sinh từ việc giải thích ý nghĩa đã chỉ ra rằng một cuộc gặp gỡ đích thực giữa “Tin mừng” và nền văn hóa phải mang lại những khả thể mới mẻ cho cả hai bên. Và điều này đòi hỏi các nhân viên mục vụ phải xác tín về sự tiến triển của trình thuật Kitô giáo và tầm nhìn Kitô giáo, chính họ phải bảo đảm điều đó và mở rộng đến khả năng mà mọi nền văn hóa “khác biệt” có thể đem lại một sức sống mới cho đức tin Kitô giáo qua việc hội nhập văn hóa đó.

3. Mỗi diễn tả văn hóa về đức tin Kitô giáo đều phải là độc nhất một cách sâu sắc, nhưng trong tính thống nhất chủ yếu, lại vẫn liên kết với mọi lối diễn tả khác.

Về mặt thực hành, điều đó đòi hỏi các nhân viên mục vụ phải nghiên cứu và cổ võ điều có thể khuyến khích lối diễn tả của bản xứ, độc nhất, về đức tin Kitô giáo trong nền văn hóa này, và đồng thời, họ cũng phải góp phần duy trì những mối liên hệ với Thân Mình Đức Kitô phổ quát.

Mọi thể hiện cụ thể Kitô giáo công giáo đều phải có mối liên đới sâu đậm trong đức tin, đức cậy và đức mến, và tính thống nhất của chúng trong đức tin phải được thể hiện quanh những chân lý chủ yếu cho căn tính công giáo. Tôi hiểu “chủ yếu” là những niềm tin và những giá trị xây dựng nên Công giáo. Như Công đồng Vatican II đã quả quyết, “có một trật tự hoặc “phẩm trật” các chân lý, bởi chúng có khác nhau trong mối tương quan với nền tảng đức tin Kitô giáo” 1. Các chân lý “chủ yếu” hoặc kiến tạo, thì hiển nhiên là những chân lý ở những bậc thang cao nhất của phẩm trật.

Tính thống nhất trong đức tin là có thể chung quanh điều “chủ yếu”, bởi vì hạt nhân của Kitô giáo Công giáo được kiến tạo bởi những chân lý và những giá trị vốn có thể có dư âm nơi mọi tâm tư con người, mặc dù được tiếp nhận cách khác biệt nhau, nghĩa là có thể có một ý nghĩa đặc thù trong mỗi nền văn hóa nhưng không tự đóng khung ở bất kỳ nền văn hóa nào. Như vậy, những xác tín chủ yếu của đức tin Kitô giáo, mặc dù luôn luôn được diễn tả và được bản xứ hóa nhờ những biểu tượng văn hóa đặc thù, có thể mang tính xuyên lịch sử và xuyên văn hóa. Ví dụ, “mầu nhiệm Phục Sinh” là cảm nghiệm vĩnh cửu của nhân loại; có người nào lại không thấy mình có thể chết, và dẫu sao lại không gắn bó với niềm hy vọng về một đời sống mới mỗi ngày đó sao ? Biểu tượng của việc ngôi hiệp giữa thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu, cho dù theo trực giác thì được quan niệm và diễn tả bằng nhiều cách thức khác biệt nhau, lại có thể được trình bày để kêu gọi đến một điều gì có tính nhân loại sâu sắc nơi mọi dân tộc đang cố gắng đòi hỏi tính cách nhân loại chân chính của họ, tuy nhiên lại vẫn thừa nhận những ước vọng thầm kín nhất cũng như những tiềm năng của họ. Cũng vậy, mặc dù có một sự khác biệt lạ lùng nhân về chủ đề ăn uống và có sự biến thiên rất lớn trong cung cách ngoại giao, thì biểu tượng bữa ăn được chia sẻ vẫn có một ý nghĩa sâu sắc nơi mọi nền văn hóa và sẵn sàng cho một viễn tượng bí tích có tác dụng liên kết được những người cùng tham dự với Đấng thần thiêng. Truyền thống luân lý công giáo về một “luật tự nhiên” phản ảnh xác tín rằng, bất chấp một sự lưu truyền và thích nghi luôn luôn có của lịch sử, mọi dân tộc, “qua chương trình củaThiên Chúa”, đều có khả năng nhận biết những ý hướng của Đấng đã nghĩ đến những chương trình đó. Tóm lại, chính ý hướng về “công giáo tính” của Giáo hội đã nói lên được xác tín rằng các chân lý và giá trị của Kitô giáo có thể được đón nhận bởi nhiều nền văn hóa khác nhau và theo cách thức của những nền văn hóa tiếp nhận chúng, mà vẫn duy trì sự thống nhất sâu xa trong cộng đoàn đức tin phổ quát.

Tính thống nhất này được thể hiện tốt đẹp nhờ tính khác biệt hơn là bằng tính đồng bộ; nó lại càng xác thực hơn khi mỗi một lối diễn cảm của nền văn hóa về đức tin Kitô giáo lại là độc nhất. Mỗi một thể hiện cụ thể đều phải có cái hồn của mình cũng như những tính chất riêng biệt, rèn đúc nên căn tính kín đáo trong lối diễn tả đức tin Kitô giáo. Một châm ngôn xưa của thần học kinh viện cho rằng mọi mặc khải đều được tiếp nhận và diễn tả tùy theo chủ thể đón nhận mặc khải đó. Và, đối với mỗi dân tộc, thì cách thức tiếp nhận lại bao gồm những biểu tượng của nền văn hóa đặc thù của họ. Cũng vậy, để có được đức tin Kitô giáo và đáp ứng bằng một cách thức toàn vẹn cho căn tính của mình, mỗi dân tộc có thể làm điều đó nhờ những biểu tượng và những khuôn khổ tư tưởng bản xứ. Đó sẽ là một lối diễn tả độc nhất về đức tin Kitô giáo.

Đảm bảo thần học của những lối diễn tả văn hóa đặc thù về đức tin Kitô giáo là chính nguyên tắc việc nhập thể vốn ở tâm điểm Kitô giáo. Trong đức tin, chúng ta tin rằng “vào thời sau hết” (Dt 1,2), Lời của Thiên Chúa “đã thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14) nơi Đức Giêsu thành Nazarét. Căn tính của Đức Giêsu đã được nhào nặn bởi môi trường văn hóa Do-thái Palestin ở thế kỷ I. Cũng vậy, những lối diễn tả đầu tiên của Tin mừng đã phản ảnh ngôn ngữ, phong tục và đạo đức của nền văn hóa đó. Kể từ đó, “lời” tức là đức tin Kitô giáo phải luôn luôn “nhập thể” lại trong đời sống mỗi Kitô hữu và trong nền văn hóa mỗi thời mỗi nơi. Cũng như cuộc nhập thể đầu tiên, mỗi một cuộc nhập thể mới, tiếp theo đó, để thực sự là chân thực, cần phải được diễn tả trong nền văn hóa của thời đại và nơi chốn đó.

Do đó, việc hội nhập văn hóa đòi hỏi các nhân viên mục vụ phải khuyến khích dân chúng tiếp nhận và diễn tả đức tin Kitô giáo bằng cách sử dụng những biểu tượng của nền văn hóa riêng của họ. Hơn nữa, họ phải xử sự như “những con người cẩn trọng bảo vệ mối liên hệ” của dân tộc này với toàn thể Thân Mình Chúa Kitô. Hai khía cạnh trên nảy sinh từ trách nhiệm “công giáo”.

4. Những giá trị nước Thiên Chúa phải được phản chiếu ngay trong tiến trình hội nhập văn hóa.

Trong thực tế, điều đó có nghĩa rằng phương pháp tiếp cận và cách thức được các nhân viên mục vụ dùng đến phải nổi bật bởi những giá trị nước Thiên Chúa, và đặc biệt là tình yêu triệt để.

Ở trên tôi đã chỉ ra rằng nước Thiên Chúa tượng trưng cho ý định hội nhập văn hóa. Vì đối với mọi tác vụ Kitô giáo, mục đích của nó là cổ võ công lý và hòa bình, tính cách toàn bộ và viên mãn của đời sống cho mọi dân tộc và tính cách nguyên tuyền công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là ý định biến đổi của việc hội nhập văn hóa của Kitô giáo, đối với đời sống cá nhân cũng như những khung cảnh văn hóa của họ.

Về xác tín thứ tư này, tôi thấy phải trở về với chính tiến trình và việc thực hành hội nhập văn hóa. Những phương pháp tiếp cận mà các nhân viên mục vụ chấp nhận đều phải phản ảnh được những giá trị của nước Thiên Chúa. Chẳng hạn, họ phải hoạt động với đức công chính qua việc tôn trọng nền văn hóa và mở rộng đến quyền lợi và nhân phẩm của mọi người; phá hủy hoặc hạ thấp đều là bất công. Họ phải diễn tiến một cách hòa bình qua việc khuyến khích dân chúng đạt đến việc sắp đặt và diễn tả đức tin Kitô giáo tùy theo văn hóa của mình; áp đặt một hệ thống “xa lạ” sẽ là bạo lực. Lối tiếp cận của họ phải khơi dậy ý thức của dân chúng và đem lại cho người ta khả năng trở nên những vai diễn quả quyết và đầy sáng tạo của lịch sử; một việc “tiếp cận lấy từ kho trữ” (banking approach, theo lối diễn tả của Freire) sẽ xâm thực và chỉ gây thêm sự lệ thuộc.

Nhất là, tiến trình hội nhập văn hóa phải mang dấu ấn của lề luật Kitô giáo tối thượng, lề luật yêu thương, một tình yêu triệt để ở đó “người lân cận” không biết đến luật trừ hoặc thiên vị (favoritisme). Không có tình yêu như thế, các nhân viên mục vụ có thể gây nên sự khiếp đảm hoặc tình trạng phe nhóm cực đoan, nhìn nơi “người khác” một kẻ thù cần phải tiêu diệt, nếu hắn không được thuần thục để trở thành “phe ta”. Tính cách bè phái trên khẳng định tuyệt mức rằng “con người đặc thù” của ta phải thống trị như “người phổ quát”. Ý đồ của nó là thiết lập “đế quốc” hơn là nước Thiên Chúa.

Những dữ kiện lịch sử phải bảo đảm việc đề phòng mọi thứ ngây ngô về chuyện các nhà truyền đạo Kitô giáo rất có thể hỗ trợ tính cách phe phái cực đoan. Chúng ta thường rao giảng “Tin Mừng” theo những phương pháp vốn nhấn mạnh đến lối diễn tả duy nhất về mặt văn hóa của Kitô giáo và, ít là một cách mặc nhiên, đẩy đưa đến sự ghen ghét đối với người và vật gì của “kẻ khác”. Đang khi Giáo Hội đi vào điều mà Karl Rahner đã gọi là “giai đoạn ba” - ra khỏi sự tù túng về văn hóa Âu Châu để trở nên một Giáo Hội đích thực “phổ quát” - và “cựu thế giới” tham gia điều mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là một “cuộc Phúc âm hóa mới mẻ”, thì chúng ta không nên lặp lại cũng một sai lầm như vậy. Việc hội nhập văn hóa Kitô giáo phải cổ võ điều đặc thù xét như một cụ thể hóa cho điều phổ quát, cổ động tính khác biệt như cách thức độc nhất của con người thích nghi từ sự thống nhất. Điều đó đòi hỏi tình yêu triệt để như modus agendi của việc hội nhập văn hóa, đây là điều kiện tối thiểu để thành công.

III. Một Lối Tiếp Cận Mục vụ trong việc hội nhập văn hóa

Căn cứ vào những điều nêu trên, đối với việc thực hành mục vụ trong việc hội nhập văn hóa, chúng tôi đề nghị một phương pháp tiếp cận mà người ta định nghĩa là “đối thoại”.

Tôi đã chỉ ra rằng lý thuyết gia của khoa giải thích đã dùng thuật ngữ này để chỉ điều phải diễn ra giữa một độc giả và một bản văn 1. Gadamer định nghĩa đối thoại như “một hành trình để tiến đến chỗ am hiểu. Để có một cuộc đối thoại thực sự thì mỗi người phải sống cởi mở với người khác, thực sự chấp nhận quan điểm của họ như có giá trị và đặt mình vào chỗ của họ, đến độ hiểu biết, không phải là cá nhân đặc thù, song là điều mà họ nói” 2. Tuy nhiên, có lẽ định nghĩa của Tracy, hơn là của Gadamer, đã nhấn mạnh đến bản chất biện chứng của việc đối thoại; vì thế tôi ưa dùng nó cho tiến trình hội nhập văn hóa. Tracy viết : “Đối thoại là một trò chơi bao gồm những qui luật khó khăn : chỉ nói điều người ta suy nghĩ kỹ, lắng nghe và tôn trọng điều người khác nói, cho dù có khác biệt và xa lạ đến đâu; sẵn sàng để sửa chữa hoặc biện hộ những ý kiến khi chúng bị người đối thoại bài bác; sẵn sàng biện luận nếu cần, và kháng cự nếu phải làm thế, chấp nhận những xung đột cần thiết, dám thay đổi ý kiến nếu những dữ kiện đòi hỏi như vậy” 3.

“Đối thoại” trong việc hội nhập văn hóa đòi hỏi tính lương thiện và liêm chính của cả hai phía, sự kính trọng lẫn nhau và sẵn sàng đi vào một lối lắng nghe mà, nhờ vào việc cảm thông (empathie), vượt qua được những trở ngại. Những người tham dự vào đó phải có quyết tâm suy tư, với tinh thần phê bình, về cách thức mà khung cảnh cũng như những hấp dẫn riêng biệt của họ đã đánh dấu lối nhìn vấn đề của họ, và về việc cởi mở cần thiết để tìm ra được sự thông giao mà trước đây đã bị méo mó hoặc phá đổ. Dĩ nhiên là điều lý tưởng này không bao giờ được thực hiện hoàn toàn, nhưng giống như đối với “kiểu mẫu lý tưởng” của “khả năng thông giao” mà Habermas 1 đề cập đến, trách nhiệm của các nhân viên mục vụ trong việc hội nhập văn hóa là kiến tạo những cuộc đối thoại mà ít nhất là để hai bên gần lại với nhau.

Điều cốt yếu của cuộc đối thoại trong việc hội nhập văn hóa liên hệ đến một nền văn hóa chính xác nào đó và “đời sống” diễn ra ở đó, trình thuật và tầm nhìn của đức tin Kitô giáo, cùng sự thích nghi của hai yếu tố trên nhau - “thế giới đời sống” đó và truyền thống đức tin này - đến độ cả hai đều có sự biến chuyển. Ba đối tượng trên của cuộc đối thoại khơi lên một tính năng động và một phương pháp đặc thù để sử dụng khiến cho mọi việc được dễ dàng. Ở chỗ khác tôi đã bàn chi tiết đến tiến trình đối thoại 2 mà tôi gọi là “một lối tiếp cận thực hành Kitô giáo được chia sẻ”. Khai triển mà tôi nêu lên thì đặc biệt nảy sinh từ việc giáo dục tôn giáo. Tôi nêu lên chuyện này ở đây như một tiến trình phù hợp với công tác hội nhập văn hóa.

Việc thực hành Kitô giáo được chia sẻ đã có năm “phong trào” nguyên mẫu. Mặc dù những động tác này có một mối liên hệ luận lý, chúng là một năng động để thấm nhập cuộc đối thoại hơn là một tiến trình kế tục trước sau. Trong hoàn cảnh hoặc cuộc gặp gỡ mục vụ, rất ít khi những tác động này diễn ra theo thứ tự luận lý, song xen kẽ nhau, lặp lại nhau, phối hợp với nhau, chúng trội hơn hoặc giảm đi, trong mọi kiểu hình thức. Tôi nêu lên chúng ở đây như năm tác động (động từ) thâm nhập tiến trình hội nhập văn hóa một cách hữu ý.

Tác động một: diễn tả. Cuộc đối thoại hội nhập văn hóa luôn luôn dẫn dắt những người trong cuộc diễn tả thế giới đời sống của mình, nghĩa là họ cảm nhận thế nào về điều đã xảy ra nơi họ, trong cuộc đời của họ, trong nền văn hóa và trong môi trường mà họ đang ở đó. Việc phát biểu (“naming” {Freire}) nét “thực hành” của họ trong trần gian có thể diễn ra nhiều cách, song trách nhiệm của nhân viên mục vụ là mời gọi và khuyến khích những người tham dự “nói lên ngôn ngữ riêng của họ” về thế giới đời sống và rồi điều chỉnh tính năng biết lắng nghe và phân biệt cần thiết cho một cuộc đối thoại thực sự.

Tác động hai: suy tư có tính cách phê bình. Suy tư phê bình là tiến trình qua đó người ta khám phá được nguồn cội và tầm mức của nền văn hóa và môi trường của mình. Lối suy tư này vừa hỗ trợ cho việc đối thoại cá nhân cũng như việc thay đổi Giáo hội và xã hội. Các nhân viên mục vụ có thể khuyến khích những người tham dự hãy suy tư phê bình (dĩ nhiên là không quên chính mình) bằng cách đặt những câu hỏi khơi động đến lý trí, ký ức và óc tưởng tượng về những hoàn cảnh lịch sử của họ : lý trí là để phân biệt được điều gì giải thích lối thực hành hiện nay, những lợi ích được theo đuổi, những nguyên tắc và những ý thức hệ nằm ẩn ở đó, v.v...; ký ức là để nhớ lại lịch sử cá nhân và xã hội trong thế giới mà họ sống; tưởng tượng là để mường tượng ra những lối ra có vẻ thực tế và được ưa chuộng khả dĩ thực hiện được, và những khả thể mới mẻ, v.v... Về mặt chủ yếu, suy tư phê bình xét như năng động cho cuộc đối thoại hội nhập văn hóa thì có nghĩa rằng người ta mời gọi dân chúng suy tư về cuộc đời của họ trong khung cảnh trên, nhớ lại lịch sử của họ và tưởng tượng ra tương lai của họ theo một chiều hướng hành động cần thiết để có thể đạt đến điều đó.

Tác động ba: trực tiếp đem lại lối vào trình thuật đức tin và tầm nhìn Kitô giáo. Các nhân viên mục vụ trong việc hội nhập văn hóa luôn luôn có bổn phận lưu ý đến việc làm thế nào để dân chúng trực tiếp đến được với trình thuật và tầm nhìn Kitô giáo. Tôi nói lối vào trực tiếp là bởi vì, khi người ta càng có thể đích thân gặp gỡ những biểu tượng của đức tin Kitô giáo (Kinh Thánh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, v.v...), họ càng có cơ may đem “trình thuật và tầm nhìn” văn hóa của họ để đối thoại với trình thuật và tầm nhìn Kitô giáo. (Để minh họa, tiến trình dạy giáo lý được dùng trong công cuộc phúc âm hóa thời xưa thì không cho phép một lối vào “trực tiếp” như vậy).

Tôi dùng từ “lối vào”, bởi lẽ, thay vì một sự áp đặt hoặc lưu truyền, nó có nghĩa rằng người ta đặt chính những con người vào trong cuộc đối thoại trực tiếp với những biểu tượng của đức tin Kitô giáo. Khi họ có được lối vào đó, nhân viên mục vụ phải luôn luôn khuyến khích những người tham dự để họ có được một sự thích nghi biện chứng chính đức tin Kitô giáo vào trong môi trường văn hóa của họ. Đó là đích ngắm năng động của tác động bốn.

Tác động bốn: thích nghi. Tác động này làm nổi bật tính năng động biện chứng vốn phải thâm nhập mọi thực hành mục vụ trong việc hội nhập văn hóa. Như người ta đã ghi nhận, sự trao đổi diễn ra giữa nền văn hóa và thế giới sống của một dân tộc nào đó, và lối diễn tả đức tin Kitô giáo mang nặng tính văn hóa đã được đem vào môi trường đó. Ở đây, cuộc đối thoại phải có được đầy đủ sức mạnh của cuộc gặp gỡ biện chứng mà tôi đã trình bày ở trên dưới danh hiệu “công tác mục vụ”. Một khi họ phân biệt được điều gì phải được chấp nhận, được đặt thành vấn đề và bị bỏ qua trong nền văn hóa riêng của họ và trong lối diễn tả “Tin mừng” đã đến với họ, thì người ta có thể thích nghi đức tin tùy theo việc tiếp nhận của nền văn hóa riêng họ, và họ sẽ diễn tả đức tin đó trong những biểu tượng của đức tin vốn quen thuộc với nền văn hóa của họ và đã được thích nghi với đức tin Kitô giáo.

Tác động năm: sống đức tin và biến chuyển nó. Việc kêu gọi đến đức tin Kitô giáo luôn luôn là một lời gọi đến tình trạng métanoia, đến việc hoán cải cá nhân, đi theo Đức Giêsu và tham dự vào việc xây dựng nước Thiên Chúa trong môi trường lịch sử của mình. Cuộc đối thoại của việc hội nhập văn hóa phải hàm chứa lời mời gọi trên, tức là sống như các môn đệ : đó là mời gọi người ta quyết định sống đức tin Kitô giáo thế nào, cống hiến thế nào để canh tân Giáo hội và làm biến đổi môi trường xã hội và văn hóa của mình vì nước Thiên Chúa. Lời kêu gọi làm môn đệ phải là lời mời gọi, và các nhân viên mục vụ phải khuyến khích những người tham dự để họ diễn tả lời đáp của mình bằng những phương tiện bản xứ.

Tôi đề nghị “tiến trình tiếp cận việc thực hành Kitô giáo được chia sẻ” này như một kiểu mẫu gợi ý để khuyến khích tính năng động của việc hội nhập văn hóa. Tôi tin rằng có nhiều đường hướng khác nữa. Tuy nhiên, có lẽ cuộc gặp gỡ hội nhập văn hóa đòi hỏi lối tiếp cận quyết liệt đó, tức là “cuộc đối thoại” mục vụ.

K’Bao

(TSTH số 12)

-----------------------------

1 Xc Éthique à Nicomaque, VI, 11.7.

1 Karl RAHNER, Belief Today, New York, Sheed & Ward, 1967, 4.

1 Tôi dùng thuật ngữ “trình thuật” như một ẩn dụ để chỉ toàn thể thực tại đức tin Kitô giáo, quá khứ và hiện tại, như đã được diễn tả trong nhiều hình thức biểu tượng. Những hình thức này gồm : Kinh thánh, Thánh truyền và Phụng vụ; việc tuyên xưng đức tin, các tín điều, đạo lý và thần học; các bí tích và nghi thức; các biểu tượng, huyền thoại, các cử điệu và cấu trúc của ngôn ngữ tôn giáo; các linh đạo, giá trị, luật lệ và những lối sống được mong đợi; những bài ca và âm nhạc, vũ điệu và kịch nghệ; nghệ thuật và kiến trúc, các ghi niệm của dân thánh; việc cử hành các thời gian thánh và việc tôn kính những nơi thánh; cấu trúc cộng đoàn và những hình thức điều hành, v.v... Để thêm chi tiết về lối dùng “trình thuật” và “tầm nhìn”, xin coi Sharing Faith : A Comprehensive Approach to Religious Education and Pastoral Ministry, San Francisco. Harper Collins, 1991, nhất là chương 4.

1 Paul RICOEUR, Interpretation Theory : Discourse and the Surplus
of Meaning, Forth Worth, Texas Christian University Press. 1976, 91.

2 David TRAACY, The Analogical Imagination, New York. Crossroad, 99-153.

1 David TRACY, Plurality and Ambiguity : Hermeneutics, Religion, Hope, San Francisco, Harper Row, 1987, 14.

2 TRACY, The Analogical Imagination, 154.

3 Hans-Georg GADAMER, Truth and Method, New York, Crossroad,
1992.

4 “Giải thích không phải là ... một hành động thản hoặc có thể thêm vào việc hiểu biết : hiểu biết, đó luôn luôn là giải thích; do đó, việc giải thích là hình thức rõ rệt của việc am hiểu” (sđd 291).

5 Geoorgia WARNKE, Gadamer : Hermeneutics, Tradition and Reason, Stanford, Stanford University Press, 1987, 139.

1 GADAMER. Truth and Method, 309.

1 Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về Hiệp nhất)

1 xc TRACY, Plurality and Ambiguity, 18-24.

2 GADAMER. Truth aand Method, 385.

3 TRACY, Plurality and Ambiguity, 19.

1 xc Jurgen HABERMAS, Theory of Communicative Action, vol I,
Boston, Beacon Press, 1984, surtout 285 sqq.

2 xc Thomas H. GROOME, Christian Religious Education : Sharing Our
Story and Vision, San Francisco, Harper & Row, 1980, surtout ch. 9 et 10 : Sharing Faith : A Comprehensive Approach to Religious Education and Pastoral Ministry, San Francisco, Harper Collins, 1991, surtout II e partie.