MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay


Lời Chúa trên Địa Cầu
Từ ít lâu nay, Giáo hội như chao đảo trước sức tấn công vũ bão của giới truyền thông.

Vụ tấn công thứ nhất nhằm vào bản thân Đức Biển Đức XVI và giáo triều của Ngài nhân một vụ tuyệt thông, một vụ giải tuyệt thông và một câu trả lời phỏng vấn : a) tuyệt thông đối với những ai tham gia vào việc phá thai cho một bé gái Brasil 9 tuổi bị bố dượng cưỡng hiếp nhiều lần; b) giải tuyệt thông cho nhóm Lefebvre ly giáo bởi chống đối cải cách Vatican II, khi mà liền sau đó một trong những giám mục vừa được tha vạ đã công khai lên tiếng chống Do Thái; c) câu trả lời phỏng vấn trên máy bay của Đức Giáo chủ : bao cao su không phải là giải pháp tốt nhất chống AIDS.

Vụ tấn công tiếp theo nhằm vào hàng giáo sỹ Công giáo Âu Mỹ vì những vụ lạm dụng tình dục và kiện cáo xoay quanh.

Nếu nhìn vấn đề một cách sâu xa hơn, sẽ thấy những vụ bêu xấu ấy là hậu quả của phong trào Thế tục hóa (secularization) thời tân đại (modern), rồi chủ nghĩa Duy thế tục (modernism) thời hậu-tân đại (post-modern)

Từ Âu Tây, thái độ chống giáo sỹ, rồi thờ ơ với tôn giáo và luân lý, đã lan rộng và lan nhanh nhờ những phương tiện truyền thông tối tân và cao trào toàn cầu hóa. Vì thế Công giáo chúng ta không thể bước vững giữa môi trường thù nghịch nói trên nếu không tìm hiểu những xu hướng của thời đại và tìm phương ứng phó hữu hiệu.

Xu hướng duy thế tục

Bên Tây phương, lúc mà tục quyền tách khỏi giáo quyền cũng là lúc các ngành và tổ chức xã hội khác, như khoa học và trường học, rời bỏ sự chỉ đạo của Tòa thánh. Đây mới chỉ là Thế tục hóa (secularization). Sự thế tục hóa ấy rồi sẽ mở vào chủ nghĩa Duy thế tục (secularism). Không những độc lập đối với giáo quyền, lắm chính phủ còn chống tôn giáo, thậm chí cấm cầu nguyện tập thể và bắt bớ giáo sỹ nữa, như tại Mêhicô vào đầu thế kỷ XX. Vâng, xã hội Tây phương thời ấy chỉ chấp nhận tôn giáo như việc tư riêng của mỗi người.

Còn Đấng Tối cao? Ngài có hay không cũng không quan trọng. Chỉ cần Ngài không động tới thế giới của con người là đủ. Thái độ lạnh nhạt này có thể dẫn tới một cực đoan : Thiên Chúa đã chết, và loài người như một tập thể (Humanité) đang thay thế Ngài như đối tượng thờ tự của một tôn giáo mới (Auguste Comte). Ngoài ra, chẳng có gì là thiêng liêng cả. Ngay cả loài người cũng do vật chất tiến hóa mà nên. Thế là từ vô thần, người ta chuyển sang duy vật.

Không những vô thần, người ta còn thù ghét Thiên Chúa luôn. Và những loại sách châm biếm tôn giáo trở thành best-seller, như Da Vinci code (2003), Nhân bản Đức Kytô (2005), DNA của Thiên Chúa, v.v.

Thế nhưng xa lìa Thiên Chúa và tôn giáo chân chính, do cảm thức thần thiêng đòi hỏi, lắm người lại trở nên cuồng tín, hoặc bám lấy những hình thức tín ngưỡng thời cổ (fundamentalism), hoặc kết thành các tân giáo phái để rút cuộc tự sát tập thể hay rải chất độc sarin giết người.

Xu hướng hưởng thụ và coi thường luân lý

Nếu không còn sự kiểm soát của một Đấng Tối cao và nếu con người chỉ còn là vật chất, thì việc chi tôi phải buộc mình vào những khuôn khổ luân lý chứ? Thế là người ta đi tìm hưởng lạc. Và để tha hồ hưởng thụ, người ta chủ trương phát triển kinh tế tối đa và tạo ra tiện nghi đủ thứ. Chỉ cần không đụng chạm đến kẻ khác, để khỏi gây xung đột quyến lợi, thế là đủ. Vâng, pháp luật chỉ còn chức năng là bảo vệ quyền lợi cá nhân và sự yên ổn của mọi người!

Vì sống chỉ là để hưởng thụ, người ta cũng không coi quốc gia là quê hương, nên thấy bên Âu Mỹ kiếm tiền dễ thì người ta tìm hết cách nhập cư. Vì xem quan hệ nam nữ chỉ như một lạc thú, người ta cũng không coi gia đình là thiêng liêng nữa, nên thích nhau thì ở, không thích thì bỏ đi, mặc con cái ra sao thì ra. Vào cuối thế kỷ XX, bên Anh có tới 1/3 gia đình ly dị, và 20% trẻ nhỏ phải đau đớn chứng kiến sự bỏ nhau bất thần của bố mẹ chúng.

Không những thế, không mấy cha mẹ còn muốn mang gánh nặng nuôi con, nên hoặc không sinh, hay trót mang thai rồi thì phá bỏ một cách không thương tiếc. Sự sống con người không còn được tôn trọng nữa, nên những kẻ tàn bạo như Hitler sẵn sàng giết cả chục triệu người chỉ cốt để giữ sự “thuần chủng Aryen” của dân Đức.

Tự do và cá nhân chủ nghĩa

Thuở xưa, cá nhân không được đếm xỉa tới giữa lòng một bộ lạc, kế đó bị các lãnh chúa rồi các ông vua đè nén. Nay thì không ai là không ý thức về quyền tự do và biết bao quyền lợi khác được cả thế giới công nhận trong bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đây là điểm son của nền văn minh hiện đại.

Có điều nói đến tự do mà không kèm theo trách nhiệm, đề cao quyền lợi mà không nhắc tới bổn phận (trừ bổn phận tôn trọng lợi quyền kẻ khác), thì đạo đức hẳn không còn chỗ đứng. Hơn thế, người ta chỉ đặt các cá nhân bên nhau, cá nhân tách khỏi cộng đồng của gia đình, thôn xóm, đô thị, quốc gia. Và đây là cá nhân chủ nghĩa, trong đó mỗi người thu mình vào cái vỏ sò của mình, không muốn kẻ khác can thiệp vào đời sống riêng tư. Hơn thế, cảm nhận và đánh giá về mọi thứ là quyền của riêng tôi. Và đây là Duy tự do chủ nghĩa (liberalism), là chủ trương không có chân lý tuyệt đối, cũng không có các nguyên tắc phổ cập (universal) chúng bó buộc hết mọi người. Vâng, việc gì phải nhận là đúng hay sai, xấu hay tốt nếu xung quanh hay người xưa nghĩ thế.. Và thế là duy tự do chủ nghĩa dẫn sang tương đối chủ nghĩa (relativism). Tất cả là tương đối, tương đối cả các giá trị luân lý luôn.

Không quan tâm đến cộng đồng, và chẳng cần dựa vào cộng đồng để sống, dù cộng đồng ấy là gia đình, nên con người hôm nay, tuy thừa mứa những tiện nghi, mà vẫn cảm thấy lẻ loi, buồn chán. Quả vậy, không còn hơi ấm tỏa ra từ những mái nhà, người ta thấy sống thật vô nghĩa. Chính do đó, mà tỷ lệ tự tử lại hình như cao nhất ở các nước có đầy đủ an sinh xã hội và bảo hiễm y tế, như Bắc Âu.

Những xu hướng duy tự do và cá nhân chủ nghĩa, kèm theo có tương đối chủ nghĩa, đã lan rộng khắp năm châu nhờ trào lưu toàn cầu hóa hôm nay.

Trào lưu toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đã khởi phát ngay từ thế kỷ XV, XVI sau khi Colombo khám phá Châu Mỹ, và Vasco de Gama tìm ra đường biển mới vượt sang Á Châu, nhờ đó các đoàn tầu buôn và tầu chiến dọc ngang bốn bể, vừa để khai thác tài nguyên và bán buôn làm giàu, vừa mang nền văn minh vật chất Âu Tây đến tận cùng trái đất.

Việc toàn cầu hóa rồi sẽ tăng tốc mạnh khi máy bay phản lực giúp ta vòng quanh trái đất chỉ trong một ngày đường, khi tivi, internet,v.v… đưa tin tức và hình ảnh khằp thế giới vào đến tận phòng ngủ, phòng ăn… Và thế là mọi thói tục và cách nhìn đời Âu Mỹ được phổ biến thật nhanh, tới tận núi rừng và các ngõ hẻm. Một cuộc nhào nặn văn hóa lớn, mà văn hóa địa phương như mất tăm trong đó. Cuối cùng, chỉ còn thứ văn hóa của hưởng thụ và chủ nghĩa tương đối thôi. Ngoài ra, khi mà các hàng rào kinh tế bị bãi bỏ, thì các đại gia trong ngành tài chính và sản xuất sẽ gián tiếp làm chủ các quốc gia gọi là “đang phát triển”.

Giữa cái thế giới đang chuyển mình thành xác thịt và thế gian, thành đồng minh của ma quỷ như thế, Nước Chúa sẽ hoạt động ra sao đây?

Những khe hở cho hoạt động Nước Thiên Chúa

Chúa và Trẻ Em
Tuy thuần phong mỹ tục không còn, truyền thống luân lý và niềm tin tôn giáo sa sút, và tuy toàn cầu hóa khiến những xu hướng ấy lan đi rất nhanh, nhưng dầu sao, lương tri con người vẫn còn đó. Chính vì thế mà những tin sốt dẻo về bất công xảy ra ở bất cứ vùng trời nào cũng khiến người người phẫn nộ. Như năm 2010 bức ảnh trên bìa tạp chí Time chụp người thiếu phụ Afghanistan bị nhà chồng xẻo mũi vô tội vạ vì một chuyện không đâu đã khiến cả thế giới sửng sốt. Như năm 2011 những hình ảnh về cảnh tang thương do động đất và sóng thần ở Nhật khiến người người đau xót, và ngay tại Việt Nam nghèo túng, biết bao cá nhân và tổ chức đã “của ít lòng nhiều” góp gửi sang cứu trợ.

Đối lại, những con người như Mẹ Têrêsa Calcutta dâng hiến cả cuộc đời cho người đói khổ, để an ủi những ông bà già hấp hối trên các ngà ba đường mà không một người thân kề bên, vâng, những con người như thế không ai là không hết lòng ngưỡng mộ. Và người ta cũng xúc động như thế khi thấy những tỷ phú như Bill Gates và Warren Buffett đã biết nghĩ đến người khác, đã dành phần lớn tài sản lập quỹ giúp các nước nghèo và tìm thuốc chữa bệnh nan y… Vâng, tuy Thiên Chúa xem như vắng bóng đấy, nhưng con người vẫn dễ mủi lòng khi thấy đồng loại chịu khổ, lúc mà trước đây có bao kẻ siêng năng đi nhà thờ mà vẫn bưng tai giả điếc trước thương tật của anh em :”Kẻ không yêu nổi người anh em mà hắn thấy, sao hắn có thể yêu Thiên Chúa mà hắn không thấy?” (1Yo.4.20)

Chính vì con người được quan tâm và tình thương người còn đó, nên các tổ chức nhân đạo ùn ùn tự mọc lên, bắt đầu từ trong các nước Kytô giáo kỳ cựu, như hội Hồng thập tự, tổ chức Lương nông (FAO), tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch),v.v…Ngoài ra, không chỉ có những siêu sao bóng đá, siêu sao người mẫu và siêu sao phim ảnh là được hoan hô, ưa chuộng, mà được ca tụng còn có anh hùng bác ái như Mẹ Têrêsa Calcutta, anh hùng hy sinh vì nhiệm vụ như 50 công nhân quyết ở lại cứu nhà máy điện nguyên tử đang nổ trong vụ động đất bên Nhật vừa rồi.

Riêng trong Công giáo, tuy ơn gọi linh mục và tu sỹ sa sút trong các nước văn minh cao, nhưng nhiều giáo dân ở đó lại muốn tiến sâu vào đạo dù không đi tu, tự nguyện làm linh thao dài ngày cũng như hăng say trong tông vụ. Từ đó, nhiều tổ chức giáo dân tông đồ và cầu nguyện mọc lên, như khối AA (trợ tá tông đồ) và các phong trào Thánh Linh. Không những họp nhau để cầu nguyện và làm tông đồ, nhiều nhóm còn muốn sống chung phần nào nữa, và đây là các Cộng đồng cơ sở (communautés de base).

Vả lại, một khi người ta còn có thể “tôn thờ” những mẫu gương bác ái và xả thân vì đồng loại, như đã nêu trên, thì người ta vẫn có thể say yêu những lý tưởng cao đẹp, và do đó sẽ có nhiều người theo chân Charles de Foucauld đi tu ẩn, hay theo chân Phan sinh Xavier đi gieo hạt giống Phúc âm.

Tuy quan hệ gia đình từ lâu đã trở nên lỏng lẻo, nhưng trong nhiều khu vực, quan hệ ấy còn khá vững chắc. Và đây là những vùng Công giáo mạnh, và những vùng Đông Á còn tôn trọng gia phong, với truyền thống gia dình ở đó mở rộng hàng ngang đến họ hàng và hàng dọc đến ông bà, tiên tổ. Vâng, người Công giáo mộ đạo luôn tôn trọng luật đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (không chấp nhận ly dị). Còn bên Việt Nam, người có họ với nhau thường thích sống quây quần bên nhau; thậm chí trong nhiều gia đình, có những bà cô hay bà dì độc thân ở chung với. Do đó khi vợ chồng cãi nhau luôn có người can, không dễ gì bỏ nhau nổi. Ngoài ra khi còn hương khói trên bàn thờ ông bà, thì người ta cảm thấy phải bảo vệ gia phong và không dám thích gì làm nấy..

Truyền Thông Siêu Kỹ Thuật
Đó là những khe hở mà len lách qua đó, Nước Chúa vẫn có thể tiến lên và tác động vào thế giới. Dĩ nhiên là Tảng đá Phêrô không sức mạnh nào phá nổi, nhưng chúng ta vẫn cần hợp tác với ân Chúa bằng cách lợi dụng những khe hở nói trên vào công cuộc tái thiết sau cơn động đất. Hãy đi từ con người để dẫn loài người tới Thiên Chúa. Hãy yêu thương nhau và phục hưng đời sống cộng đồng trong Giáo hội, để căn cứ vào dấu hiệu ấy, người ta nhìn ra nguồn gốc siêu nhiên của Đạo Chúa lập ra (Gio.13.35).

Satan đang sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để tấn công Nước Chúa. Chúng ta hãy dùng chính những phương tiện ấy để phản công, và đây là báo chí, truyền hình và internet. Hãy trước tác những tiểu thuyết hay, sản xuất những phim ảnh hấp dẫn. Hãy tuyên dương những con người dũng cảm dám hy sinh vì đồng loại dù trên mặt trận tôn giáo hay nhân đạo!

Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý, SJ

(Nguồn:http://vietwellness.net)