MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Ngày thứ hai của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Biến cố đầu tiên của ngày thứ hai được báo La Croix tường thuật là vụ biểu tình chống Đức Giáo Hoàng, tại quảng trường Tierso de Molina, giữa trung tâm Madrid, không xa Cửa Trời (Puerta del Sol). Tham dự cuộc biểu tình này là khoảng 5,000 người, do lời kêu gọi của các đảng cánh tả và cực tả, của nhiều tổ chức mà phần lớn là đồng tính luyến ái và của nghiệp đoàn.

Lúc 19 giờ 30, bầu khí trở nên sôi động, nhưng không bạo động. Trong số người biểu tình có Ramon, sắp sửa tới tuổi 60, mang một tấm biển với hàng chữ "Một nhà nước thế tục ngay bây giờ!". Vị y sĩ này cho hay: "Tôi không biểu tình chống đức giáo hoàng hay người Công Giáo. Nhưng chống sự tài trợ cho việc Đức Bênêđíctô XVI tới đây". Ông ta đã mất đức tin từ lâu, tuy nhiên cả gia đình ông ta đều còn là người Công Giáo. "Nếu tôi ở đây, thì chính là vì tôi có đạo đức và tôi trung thành với nền đạo đức ấy."

Xa hơn một chút là Ana, 23 tuổi, tự nhận mình là thành viên của nhóm Bất Mãn (Indignados), một phong trào bình dân xuất hiện hồi tháng 5 vừa qua để phản kháng việc cứu khu vực tài chánh, một việc vốn bị coi là có hại cho nhân dân nói chung. Cô là một sinh viên ngành triết, vừa đi làm vừa đi học. Đối với cô, tôn giáo là "việc tư riêng".

Được hỏi lý do tại sao tới đây, Alba trả lời không hàm hồ: "vì chuyện tiền bạc... Với những thẻ ăn của họ, những người tham dự Đại Hội có thể ăn tại khách sạn Palace, một trong những khách sạn le nhất Madrid, với giá 6 euro. Làm sao không ghen tức được".

Lúc 21 giờ 30, tinh thần người ta nóng dần lên tại Cửa Trời. Một số khách hành hương trà trộn với nhóm Bất Mãn. Ai cũng có cảm tưởng là căng thẳng đang lên cao. Nhưng cảnh sát tỏ ra khá dè dặt. Giữa đám đông, một vị linh mục bị người biểu tình vây quanh, nên các khách hành hương thuộc nhóm của ngài phải hộ tống ngài qua một con phố bên cạnh.

Một phụ nữ trẻ người Madrid nước mắt dàn dụa, phát biểu: "Điều này sẽ không thay đổi chi đối với cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI. Nhưng thật là xấu hổ cho đất nước chúng tôi. Buồn quá. Những người này dùng đức giáo hoàng và Giáo Hội để nói lên sự thất vọng của họ". Còn Laurent, một người vùng Marseilles thì phát biểu: "Họ muốn lòng khoan dung, nhưng nào có khoan dung cho chúng tôi tại thành phố này."

Lúc 22 giờ 00, trong khi phần lớn quảng trường còn lại khá yên tĩnh, thì phần chủ chốt của cuộc biểu tình tập trung quanh lối vào đường xe điện ngầm. Khách hành hương và người biểu tình giáp mặt nhau. Nhóm biểu tình rủa xả chống Đức Bênêđíctô XVI: "giáo hoàng của các anh là quân quốc xã". Gần cửa đường xe điện ngầm, cảnh sát viên túc trực sẵn. Họ khuyên khách hành hương không nên vào quảng trường.


Cố gắng làm dịu các căng thẳng

Nhật báo La Croix cũng cho hay trong nhiều tháng qua, cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước đều đưa ra nhiều cố gắng nhằm làm dịu các căng thẳng. Tưởng cũng nên nhắc lại, nhân chuyến tông du Barcelona hồi tháng 11 năm ngoái, Đức Bênêđíctô XVI có gặp gỡ nhà lãnh đạo của chính phủ Tây Ban Nha là José Luis Rodriguez Zapatero. Ông này cũng sẽ gặp Đức Giáo Hoàng hai lần nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid.

Về phía chính phủ xã hội, dù chống đối, trong nhiều tháng qua, họ cũng đã chơi ván bài hòa dịu và chịu hợp tác với ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Việc đầu tiên của họ là lời tuyên bố: biến cố này mang lại "lợi ích công cộng lớn lao", điều này cho phép các xí nghiệp tư chịu bảo trợ vì việc bảo trợ này được giảm thuế. Sau đó là việc đồng ý để ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới được sử dụng, trong một tuần lễ, cả trung tâm thành phố lẫn hai con đường giao thông chiến lược, cấm xe cộ qua lại cho tới thứ ba tuần tới. Dù làm thế, họ bị người dân Madrid, vốn dĩ bất mãn, phản đối vì cuộc sống hàng ngày và đường xe búyt của họ bị đảo lộn.

Vùng Madrid, cơ quan quản lý các phương tiện giao thông công cộng, hiện do Đảng Bình Dân cầm đầu, cũng chịu nhiều giận dữ, nhất là từ nhóm Bất Mãn đã nhắc trên đây. Nhóm này từng kêu gọi tẩy chay việc mua vé xe điện ngầm và xe buýt. Vì các khách hành hương được hưởng giảm giá tới 80%.

Về phía Giáo Hội, các nhà lãnh đạo cố gắng duy trì thái độ hòa nhã. Bài giảng lễ khai mạc của Đức Hồng Y TGM Madrid, đồng thời cũng là chủ tịch Hội Đồng GM Tây Ban Nha, cho thấy đường lối này. Dù tỏ ra tấn kích đối với thế đứng của Đạo Công Giáo tại Tây Ban Nha, Đức HY đã tránh không hề chỉ trích chính phủ xã hội cũng như các luật lệ do họ đưa ra như hôn nhân đồng tính hay thừa nhận việc phá thai. Giọng điệu thật khác với những bài giảng trước đây của ngài.

Một biến cố lớn đối với Giáo Hội

Trong khi đó, tại cuộc tiếp kiến chung vào ngày hôm qua, 17 tháng 8, Đức Bênêđíctô XVI đã gọi Ngày Giới Trẻ Thế Giới là "một biến cố lớn đối với Giáo Hội". Đã đành, Đức Giáo Hoàng tới Madrid là để gặp gỡ giới trẻ Công Giáo thế giới, theo gương vị tiền nhiệm, nhưng nhật báo La Croix nhận định rằng với cuộc tông du này, Tây Ban Nha trở thành quốc gia duy nhất được ngài viếng thăm tới 3 lần. Lần đầu thăm Valence năm 2006, lần thứ hai thăm Santiago de Compostela và Barcelona năm 2010, và lần này Madrid. Rõ ràng, dưới con mắt của vị giáo hoàng có tinh thần Âu Châu này, Tây Ban Nha có tính biểu tượng cho các cố gắng của Giáo Hội đối với châu lục này, vì đất nước này đang kinh qua làn sóng thế tục hóa tàn bạo và quan yếu nhất trong mấy năm qua.

Việc tham dự ngày Chúa Nhật (26% dân chúng) vẫn còn đặt nước này vào hàng những quốc gia Công Giáo hàng đầu của Âu Châu, nhưng đối với những người dưới 30 tuổi, tỷ lệ ấy chỉ còn là 8.9%. Hiện nay, cứ 1 trong 2 thiếu niên Công Giáo Tây Ban Nha cho biết không thực hành đạo nữa. Ơn gọi đi tu cũng giảm thiểu thảm hại.

Ý niệm Tây Ban Nha như một xứ Công Giáo chỉ là một huyền thoại

Đứng trước chính phủ xã hội của José Luis Rodriguez Zapatero, người từng quyết tâm lấy việc tục hóa xã hội làm một điểm mạnh trong kế hoạch hành động của mình, hàng giám mục Tây Ban Nha, hay ít ra đức tổng giám mục Madrid, đã thực hành một chính sách đối kháng trực diện, kêu gọi giáo dân biểu tình chống lại các đạo luật của chính phủ và không bỏ lỡ một cơ hội nào để phê phán chính phủ. Các cố gắng này xem ra không mấy hiệu quả, đến nỗi nhật báo El Pais (Quê Hương) ngày thứ hai vừa qua nhận định rằng: «thành công duy nhất không ai chối cãi của Zapatero là chiến thắng Giáo Hội ».

Có lẽ vì thế, dù cung cách bề ngoài xem ra Đức Bênêđíctô XVI muốn chứng tỏ cuộc tông du lần này như một thứ tái chinh phục Công Giáo (reconquista catholique), nhưng theo các người thân cận, ngài đã quyết định tránh không đề cập tới các vấn đề chính trị. Điều đáng lưu ý là Vatican ngày nay xem ra đã có cái nhìn khác về Tây Ban Nha vì mới đây, tờ l’Osservatore Romano đã cho in lại một bài đăng trên tuần san Il consulente re của sử gia Vicente Carcel Orti. Ông này cho rằng ý niệm một Tây Ban Nha Công Giáo "luôn luôn là một huyền thoại". Nước này từ lâu vốn bị chia rẽ giữa người Công Giáo và phản Công Giáo...

Ngài đã hoàn toàn đảm nhiệm gia tài của Đức Gioan Phaolô II

Cuối cùng, Đức Bênêđíctô XVI biết rõ: 3 tháng nữa, sẽ có cuộc tuyển cử lập pháp trong khi ấy José Luis Rodriguez Zapatero đã tuyên bố là ông ta sẽ không tranh chức thủ tướng chính phủ nữa. Do đó, Giáo Hội thấy cần phải sẵn sàng để đối phó với một khung cảnh chính trị mới.

Dù sao, đối với Đức Bênêđíctô XVI, dù từng có hai cuộc gặp gỡ ngoại giao, với cả chính phủ lẫn Vua Juan Carlos, mục tiêu chủ yếu của cuộc tông du lần này vẫn không phải là Tây Ban Nha, cho bằng tuổi trẻ. Một điểm hẹn mà ngài lui tới đến nay là lần thứ 3, sau Cologne năm 2005 và Sydney 2008. Người ta vốn cho rằng Đức Bênêđíctô XVI dần dần đã lấy được phong độ của những ngày này, những ngày vốn được khởi diễn và mang dấu tích của vị tiền nhiệm đầy quyến rũ của mình. Thực thế, tại Cologne, trước người trẻ thế giới, Đức Bênêđíctô XVI đã buộc phải bắt đầu gột bỏ những tầng tô trát đầu tiên của triều đại ngài. Lúc đó, ngài tỏ ra không mấy thoải mái trước một đám đông hết sức ồn ào nhưng đầy nhiệt huyết này.

Nhưng với một lòng khiêm hạ rõ rệt, ngài đã uốn mình bước theo thực hành của vị tiền nhiệm. Nhìn như thế, ta thấy quả ngài đã hoàn toàn đảm nhận gia tài của Đức Gioan Phaolô II, ý thức được tầm quan trọng của gia tài ấy đối với Giáo Hội hoàn vũ, điều thực sự là "một biến cố lớn".

Trở về với những điều nền tảng của đức tin

Nhưng Đức Bênêđíctô XVI có cách riêng của ngài. Năm 1989, tại Santiago de Compostela, ngỏ lời với một thế hệ sinh ra trong đối kháng với chủ nghĩa cộng sản, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tới tự do. Rồi để giúp các vị kế nhiệm mình đương đầu với chủ nghĩa phóng túng và các cực đoan của nó, năm 2000, ngài nhấn mạnh tới lòng trung thành và nền luân lý Kitô Giáo như quĩ tích của triển nở.

Đứng trước người trẻ của năm 2011, là thế hệ của khủng hoảng kinh tế, chắc chắn Đức Bênêđíctô sẽ đề xuất một lối sống khác đặt căn bản trên dấn thân, tình huynh đệ và sự tiết độ (sobriety) theo đường hướng của thông điệp Đức Ái trong Sự Thật. Nhưng không hẳn chỉ đọc một sứ điệp, nhân cơ hội này, ngài cũng sẽ mời gọi giới trẻ trở về với những điều nền tảng của đức tin. Chỉ cần nhìn vào chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này: "Bén rễ và xây dựng trong Chúa Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức tin", một câu trích từ Thánh Phaolô, ta sẽ thấy trọn vẹn "chương trình thần học" của Đức Bênêđíctô XVI.

"Ta hãy cùng nhau đi gặp Chúa Kitô"

Giống như ở Cologne, và hơn nữa, ở Sydney, Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra phong độ riêng của ngài bằng cách nhấn mạnh tới những giờ phút cử hành bí tích và tôn thờ Thánh Thể. Năm nay, Đức Giáo Hoàng còn ngồi tòa giải tội cho người trẻ nữa. Điều này đem lại cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới dáng dấp một "bài giáo lý vĩ đại". Để, như ngài từng nói ở Sydney, biến những ngày này thành "đỉnh cao cho con đường trên đó ta đi gặp gỡ nhau, và trên đó ta cùng đi gặp gỡ Chúa Kitô".

Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic News)