Thứ Hai Tuần Thánh (02.4.2012), ba anh em chúng tôi lại hẹn gặp nhau tại Giáo xứ Thanh Bình. Lần này đi trong nội thành, nên chúng tôi dùng xe gắn máy cho tiện và kinh tế hơn.
Trời mưa lạnh vì đang bị ảnh hưởng cơn bão số 1 đổ vào các tỉnh phía Nam. Mưa lạnh thế này tự nhiên cũng thấy ngại, nhưng đã quyết tâm thì phải cố gắng thôi!
Trước hết, chúng tôi tới Giáo xứ Nội Hà. Thầy xứ Phêrô Phan Đình Lập bỏ uống café và xem thời sự ra đón chúng tôi. Cha Fx. Đặng Đình Canh, nguyên Tổng Đại diện ra tiếp chúng tôi rất thân tình. Trông ngài kỳ này hồng hào và khỏe hơn, có lẽ nhờ bớt trách nhiệm mà tinh thần thoải mái. Cha Khóa tặng ngài hộp nho khô như gói ghém trọn chân tình của chúng tôi. Món quà không đáng gì, nhưng xem ra ngài cũng rất vui và cảm động! Vì còn phải “chạy xô”, chúng tôi từ giã ngài trong khi cả ngài và chúng tôi như còn trong luyến tiếc, muốn ở lại nói chuyện lâu hơn.
Bỏ Nội Hà, chúng tôi đến Tam Tòa lúc 7h55. Rất may là khi vừa vào trong cổng nhà thờ thì Cha sở Giuse Cao Văn Cường cũng từ trên phòng đi xuống. Ngài vui vẻ dẫn chúng tôi đi tham quan nhà thờ mới một vòng. Tầng trệt tạm xong đang dùng làm lễ. Rộng rãi. Lên tầng hai mới thấy cảnh nhộn nhịp và tấp nập, như một công trường đang hoạt động. Do con đất, nhà thờ xây thành ba cánh. Cung thánh đang được xây dựng sau cùng. Nhà thờ còn có tầng ba, nơi chứa thêm người khi có lễ trọng. Tuy bề ngoài không đồ sộ lắm, nhưng có vào bên trong mới thấy rộng và ngăn nắp, tận dụng mọi không gian. Nhà thờ này có thể chứa 1.100 người ngồi ghế, nếu đứng thì nhiều hơn. Về kinh phí, Cha sở đang lo kinh phí phát sinh nhiều quá. Có lẽ đây là nhà thờ lớn nhất Giáo phận cho tới thời điểm này. Có một điều lạ là dù bận rộn thế, tốn phí vậy, nhưng Cha sở rất bình tĩnh, chuyên viên xây nhà thờ có khác! Cầu chúc Cha luôn an mạnh và may mắn được nhiều ân nhân giúp đỡ để mau hoàn thành nhà Chúa mà mọi người, nhất là giáo dân Tam Tòa hằng mong đợi.
8h20, chúng tôi từ giã Tam Tòa, qua sông đến Giáo xứ Sơn Trà. Trời mưa, mây mù, gió lạnh dường như càng làm cho cầu Thuận Phước thêm dài hơn. 8h30, chúng tôi tới Giáo xứ Sơn Trà. Cửa phòng Cha sở đóng nhưng không khóa ngoài, dù điện trong nhà vẫn sáng. Chúng tôi gọi lớn, nhưng không có tiếng trả lời. Con chó ba chân cứ lừ lừ theo dõi chúng tôi. Qua qua lại lại phía sau nhà xứ hai lần mới thấy tấm bảng nhỏ đề chữ “cha xứ vắng nhà”! Chúng tôi qua thăm cộng đoàn các chị dòng Mến Thánh Giá Huế, cạnh nhà xứ và hỏi thăm cha sở, nhưng các chị cũng không rõ. Chúng tôi mời chị bề trên chụp một tấm hình kỷ niệm. Cha Khóa tặng các chị hộp nho khô để dùng cho vui rồi chúng tôi lên đường. Hơi tiếc một chút, nhưng không sao vì Sơn Trà cũng không xa, sẽ có dịp trở lại.
Chúng tôi tới Nhượng Nghĩa lúc 8h57. Trước có nghe nói Giáo xứ Nhượng Nghĩa đã sửa lại mặt tiền nhà thờ, nhưng khi đến nơi mới thấy Nhượng Nghĩa hôm nay rộng rãi và đẹp hơn trước nhiều. Tiền đường nhà thờ được cơi nới rộng hơn, đẹp hơn. Đặc biệt trước tiền đường có hai tượng lớn: một bên là tượng thánh Phêrô, Quan Thầy của Giáo xứ; bia kia là tượng thánh Phanxicô Xaviê. Cha sở Phêrô Lê Hưng cho biết lý do: khi cung hiến nhà thờ thì Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách có cho bàn thờ xương thánh Phanxicô, nên để nhớ ơn ngài, Giáo xứ đã đặt tượng thánh Phanxicô Xaviê. Còn khuôn viên rộng hơn vì hàng rào nhà thờ đưa ra gần sát đường, nên trông khác trước và đẹp hơn nhiều.
Cha sở thì hiền lành và có lẽ là đẹp lão nhất địa phận. Ngài luôn nhỏ nhẹ và cười nói vui vẻ, nhưng coi chừng “mật ngọt chết ruồi” đó! Ngài tiếp chúng tôi bằng café sữa ngọt thơm và sự vui vẻ vốn có. Quan sát phòng khách của ngài, cha Khóa khen ngài gọn gàng, ngăn nắp. Một cha già nói: “còn phải khen, cha Hưng ở đâu mà không vậy!” Cha Khóa đối lưu bằng một hộp nho khô cho cân xứng với sự tiếp đón nồng hậu của Cha sở.
Bỏ Nhượng Nghĩa, chúng tôi đến An Hải lúc 9h25. Nhà xứ đóng cửa. Chúng tôi nhấn chuông, Cha Tân Tổng Đại diện Phaolô Maria Trần Quốc Việt tiến ra. Thấy chúng tôi đi trong mưa lạnh, ngài mủi lòng, nên lấy trà thơm hảo hạng ra pha chế để tiếp chúng tôi. Vốn chúng tôi đều là dân “nước lã đun sôi”, nên không sành cái khoản trà thơm này. Ngài tha thiết mời, chúng tôi mới nếm thử cho biết. Quả thật, uống vào thấy thơm và có mùi đặc biệt. Quả trà của Cha Tổng có khác! Hỏi ngài bao giờ làm nhà thờ. Ngài bảo đáng lẽ năm nay, nhưng giờ thì không biết tính sao, dù kinh phí đã huy động được một ít rồi. Trộm nghĩ nếu không có Cha Tổng thì chắc nhà thờ An Hải còn lâu mới thực hiện được! Xin đề nghị Cha Tổng thưa Đức Cha để Ban Xây dựng của Giáo phận hoạt động thống nhất, chứ mỗi cha một kiểu thì e lãng phí quá! Ngài cũng tán thành ý kiến chúng tôi. Thấy làm phiền Cha Tổng hơi lâu, nên chúng tôi xin phép tiếp tục lên đường.
9h52, chúng tôi tới Giáo xứ Gia Phước. Cổng nhà thờ khóa, một lát mới có người ra mở cổng, và cho biết Cha sở Antôn Trương Gia Ninh mới đi qua Tòa Giám mục. Từ cổng nhà thờ “chuyên gia” Duy Lượng lấy mấy tấm ảnh nhà thờ và nhà xứ. Cha Khóa gửi biếu cha sở món quà nhỏ: hộp nho khô và lời kính thăm.
Từ Gia Phước đến An Thượng thật gần, chỉ mất 5 phút chạy xe. Cổng Nhà thờ mở, nhưng phòng Cha sở Stêphanô Trần Ngọc Nhơn lại đóng. Rất may, chúng tôi thấy cửa phòng cơm đang mở. Chúng tôi gặp chị của Cha sở, đang ra chơi và ở lại giúp Ngài. Chị vui vẽ đi gọi, và Cha sở đã ra tiếp chúng tôi. Có lẽ vì hôm qua lễ lá, nên trông ngài không được khỏe. Chị ngài tiếp chúng tôi bằng nước bột sắn giây, cho thêm trái quất. Nước sắn giây pha đường ngọt cộng với mùi thơm hơi chua của quất thật đặc biệt! Từ phòng khách nhìn lên ảnh các vị tiền nhiệm thấy hơn mười vị. Tuy mới chính thức lên xứ vào năm 2007, nhưng An Thượng cũng đã có lịch sử gần nữa thế kỷ rồi! Với địa bàn rộng, dân nhập cư đông đúc, An Thượng hứa hẹn sẽ trở thành một Giáo xứ lớn trong tương lai.
Từ giã An Thượng, chúng tôi tới Giáo xứ Hòa Cường lúc 10h40. Rất may, Cha sở Phêrô Nguyễn Hùng đang ở nhà. Ngài mời chúng tôi ra xem hang đá Đức Mẹ mới khánh thành, rồi vào viếng nhà thờ. Cha sở trẻ trung năng động, nên tuy mang rất nhiều bệnh, Ngài không ở yên lúc nào. Mới về Giáo xứ chưa đầy hai năm, mà Ngài đã cho sửa sang lại cung thánh, xây đài Đức Mẹ, biến sân giữa nhà thờ và nhà xứ thành nhà vòm thật độc đáo, để có thể tăng thêm chỗ cho nhà thờ vốn chật. Ngài cho làm sân khấu cao trước đài Đức Mẹ để cử hành Tam Nhật Vượt Qua và Đại lễ Phục Sinh.
Vào nhà xứ thì toàn hồ cá, cây cảnh, phía nhà bếp thì có cả chuồng chó. Hồ cá thì nhỏ lớn được mười ba cái, cây cảnh thì thật giả lẫn lộn, chó thì la sủa rất ồn ào, lại thêm cái mùi “đặc biệt” nữa. Thật hết chịu nỗi!
11h06, chúng tôi tới Hòa Thuận. Cổng nhà thờ mở, cửa nhà xứ đóng, nhưng thư viên thì có mấy em nhỏ đang đọc sách. Hỏi thăm thì biết Cha sở Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh đang bị mệt. Một lát sau, chúng tôi thấy ngài từ tầng trên xuống mở cửa. Trông ngài có vẻ mệt thật, và tự giải thích cho chúng tôi, ngày hôm qua lễ xong, dạy giáo lý nói hơi nhiều! Chúng tôi xin ra nhà thờ viếng Chúa và lấy vài tấm hình kỷ niệm. Ngài mời chúng tôi uống nước và chia sẻ cho chúng tôi mỗi người hai hộp sữa Vinamilk loại lớn. Ngài bảo “có người mới cho con, xin chia sẻ cùng quý cha.” Thấy ngài khá mệt nên chúng tôi cáo từ để ngài nghỉ ngơi. Cầu chúc cha mau khỏe để lo Tuần Thánh.
Bỏ Hòa Thuận, chúng tôi đến Thanh Đức lúc 11h25. Nhà xứ đóng cửa. Chúng tôi đoán các cha đang dùng cơm, nên đi thẳng vào nhà bếp. Lý đoán của các cha già không tồi. Hai cha sở, phó vừa ăn cơm xong. Cha sở hỏi chúng tôi ăn cơm chưa? Chúng tôi nói chưa nhưng không cần thiết. Ngài ra hiệu chị nuôi đưa chuối ra đãi. Chúng tôi không khách sáo! Cha Lượng vội lấy vài tấm ảnh. Tối nay sám hối và giải tội ở Thanh Đức. Thấy cần để hai cha nghỉ để tối nay còn làm việc, chúng tôi cáo từ.
11h47, chúng tôi đến Ngọc Quang, cổng mở, cửa nhà xứ mở, thợ nề đang sửa chửa lại nhà xứ, nhưng Cha Quản nhiệm Phaolô Nguyễn Hữu Trường Sơn đi vắng, nghe nói ngài đang ở Tòa Giám Mục, vì ngài còn là Chánh Văn phòng của Giáo phận nên phải đi đi về về giữa Giáo xứ và Tòa Giám mục. Ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ thay mặt Cha Quản nhiệm tiếp chúng tôi. Dạo quanh một vòng, chúng tôi đều cảm nhận được sự yên bình, rộng rãi và bầu không khí thoáng mát ở nơi đây. Cha cố Khóa buộc miệng: "Nơi này rất hợp lý để xây dựng nhà hưu cho các cha già của Giáo phận." Trước đây Ngọc Quang cũng đã cưu mang các chú dự tu của Giáo phận gần 10 năm, trong số đó đã được chín linh mục và nhiều chủng sinh đang theo học đại chủng viện Huế. Lưu lại mấy tấm hình kỷ niệm, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trời vẫn mưa.
Chúng tôi đến Chính Trạch lúc 12h15. Cổng nhà thờ chỉ khép mà không khóa, chúng tôi vào nhà khách. Chỉ một lát sau, Cha sở Đaminh Đặng Bá Linh xuống tiếp chúng tôi. Biết là đến giờ này không tiện, nhưng thầm nghĩ chắc ngài thông cảm. Cha sở có vẻ hơi mệt, có lẽ phần vì thể tạng của ngài thường xuyên không khỏe, phần vì mới lễ lá hôm qua. Chúng tôi xin ngài vào nhà thờ viếng Chúa và cũng lợi dụng xin vài tấm hình. Ngay chỗ tiếp khách, một bàn thờ có tấm phù điêu Lòng Chúa Thương Xót mà chính ngài là tác giả. Cha sở tuy đau ốm nhưng lắm tài, nổi bật nhất là nghệ thuật. Ngài đã từng là tác giả vài cung thánh của các nhà thờ trong Giáo phận đó!
Từ giã Chính Trạch, chúng tôi đi An Hòa. Cổng nhà thờ đóng, gọi hoài không thấy ai. Định lấy hình ngoài nhà thờ rồi đi, nhưng vì tò mò muốn biết công trình sửa chữa bên trong nhà thờ mới hoàn thành, nên phải đến nhà ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ ở gần đó để xin ông mở cửa cho. Cũng lúc đó, Cha sở Giuse Nguyễn Kim Nhật từ trên tầng hai đi xuống. Cha mới bị sút lưng cách đây hơn một tuần vì khiêng ghế nặng, nhưng ngài chỉ nằm viện hai ngày, rồi ngày thứ ba “chỗi dậy” đi giải tội mùa chay. Trông ngài vẫn còn hơi mệt. Chúng tôi xin ngài cho xem tác phẩm ngài mới hoàn thành. Ngài cho nối cung thánh nhà thờ với phòng họp Giáo xứ và cách ly bằng một cửa cuốn hiện đại. Đồng thời ngài cũng nới cung thánh về phía đối diện, làm cung thánh thành cánh Thánh giá ngắn hơn. Thật đẹp và tiện lợi. Cha Khóa cứ xuýt xoa khen: “Đúng là phép lạ!” Ngài cho biết khi mới về nhận xứ chỉ mới 400 giáo dân, sau 5 năm đã tăng lên 950 rồi! Cái này thì mới đúng là phép lạ nữa. Lên tham quan phòng khách, phòng cha sở trên lầu hai, thấy chỗ nào cũng khang trang, ngăn nắp. Hỏi Ngài về kinh phí, Ngài bảo: “Hoàn toàn do giáo dân đóng góp thôi!" An Hoà cũng lắm phép, công trình nào làm xong cũng còn thừa tiền, như Cha cố Louis Huỳnh Nhẫn trước ngày ở đây vậy. Có lẽ giáo dân rất tinh ý vì họ biết cha sở họ là mục tử sống hết mình vì đàn chiên nên họ không tiếc gì.
Bỏ An Hòa, chúng tôi đến Phước Tường lúc 13h11. Cổng nhà xứ khép nhưng không khóa. Mở cổng bước vào gọi cha sở Phêrô Nguyễn Ngọc Phi, ngài bước ra vui vẻ tiếp chúng tôi. Ngài nấu nước sôi, pha trà, nhưng chúng tôi dùng nước trà Dr Thanh, ăn bánh ngọt. Ngài đem cuốn sách mới xuất bản có tựa đề “Linh mục thánh” tặng chúng tôi. Ngài bảo đây mới chỉ 1/3 cuốn sách ngài đang dịch. Ngài cũng tặng chúng tôi chuyện ngụ ngôn “chú ruồi và ong thợ” mà ngài mới sáng tác. Ngài là một linh mục năng động, nhiều tài: làm nhạc, làm thơ, giỏi chuyên môn sinh hoạt hướng đạo, nhất là mật thư. Nguyên sách dịch và sáng tác cho đến nay đã có trên 30 đầu sách lớn nhỏ, gần đây nhất là cuốn “mật mã cao cấp Ngọc Phi”, khiến ngài khá nổi tiếng trong sinh hoạt giới trẻ và được nhiều nơi mời đến trình bày và hướng dẫn, đặc biệt là các chủng viện và hội dòng. Cầu chúc cha sở luôn vui vẻ lạc quan và sống thánh như tác phẩm ngài vừa chuyển ngữ.
Từ giã Phước Tường, chúng tôi đến Hòa Khánh lúc 13h52. Xe hơi đậu trước nhà. Chúng tôi tưởng có khách, hóa ra là xe của cha sở Phanxicô Assisi Lưu Văn Hoàng, vì có tượng thánh Phanxicô Khó Khăn, quan thầy của ngài, trước mặt tài xế. Ngài ra tiếp và mời chúng tôi vào phòng khách. Có cả cha phó Phêrô Nguyễn Trọng Đường, dòng Ngôi Lời (SVD). Cha Đường vừa ở nhà dòng, vừa ở nhà xứ. Đến Hòa Khánh thì cha Khóa hết quà, đành phải ghé tiệm bánh mua ít hộp bánh ritz, nhưng họ chỉ còn hai hộp. Thấy cha sở đang bận rộn, nên chúng tôi xin phép đến thăm nhà các cha dòng Ngôi Lời.
Cha Đường dẫn lối. Vòng vèo một lúc mới tới. Khu đất của các ngài khá rộng, nhưng mới làm một nhà ở và nhà bếp. Chúng tôi vào viếng Chúa trong nhà nguyện nhỏ nhưng khá đẹp. Ra bàn phía trước nói chuyện, các ngài đem sữa đâu nành Fami ra đãi. Chúng tôi đối lưu bằng bốn bịch sữa vinamilk mà cha sở Hòa Thuận tặng ban sáng. Chúng tôi chia tay lúc 15h. Khi vào thì đi hơi xa, nhưng ra về thì rất gần. Vừa ra khỏi cổng chính ít thước là gặp đường Âu Cơ, đi thẳng ra quốc lộ 1A.
Thế là chúng tôi đi hết một vòng các xứ nội thành. Sáng thì mưa lạnh, chiều thì nắng ấm. Gặp gỡ quý cha sau ngày lễ lá xem ra ai cũng hơi mệt, nhưng luôn vui vẻ phấn khởi! Mọi công tác chuẩn bị cho anh chị em giáo dân bước vào tuần thánh và mừng đại lễ Phục Sinh đã sẵn sàng. Tam nhật vượt qua vói những nghi lễ sốt sắng, cảm động và cũng hơi dài đang chờ đợi quý cha. Vác thánh giá theo Chúa thì cũng vất vả, nhưng bù lại Chúa sẽ ban bình an và niềm vui cho chúng ta. Vì có qua thứ Sáu tuần thánh mới tới ngày Phục Sinh chứ!
Kính chúc quý cha tuần thánh đầy thánh thiện và lễ Phục Sinh tràn ngập niềm vui và ánh sáng của Đấng Phục Sinh! Allêluia.
Nhóm các cha hưu trí.
(Nguồn: giaophandanang.org)