MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Vòng quanh Giáo phận (5-kỳ cuối)

Hôm nay thứ 4, ngày 04.4.2012, chúng tôi khởi hành hơi trễ vì một lý do ngoài ý muốn. Gần 9h chúng tôi từ nhà Cha Lượng lên đường đi Hội An và đến nơi lúc 9h30. Cha sở Hội An Antôn Nguyễn Trường Thăng và Cha phó Phaolô Trần Ngọc Hoàng đang cùng anh chị em giáo dân trang hoàng chuẩn bị các ngày đại lễ sắp tới. Các ngài bỏ dỡ công việc, mời chúng tôi vào phòng khách uống nước. Cha Antôn nói với chúng tôi về ngôi nhà truyền thống hai tầng ngài đang chuẩn bị khởi công, và tặng chúng mỗi người tôi một tấm hình bản vẽ của công trình. Phòng khách nhà xứ Hội An thì khó tìm ra được chỗ trống vì được bày biện đủ thứ: nào trống đồng, cồng chiêng, hình ảnh, bản đồ… thôi thì đủ thứ, nhưng chủ yếu vẫn là đá. Dưới mắt cha sở vốn là nghệ nhân, cục đá nào cũng là một hình người, hình con vật… nhưng chúng tôi thì chỉ thấy mờ mờ hay chẳng thấy gì! Thật mầu nhiệm!




Cha sở đưa chúng tôi ra nhà thờ viếng Chúa và hướng dẫn chúng tôi ý nghĩa cung thánh vừa mới đại tu. Nhà chầu theo mô hình mặt tiền nhà thờ Hội An xưa. Bàn thờ với đá chạm khắc năm chiếc bánh ở giữa và hai con cá ở hai cây cột hai bên. Đặc biệt lư hương đồng. Đây là sự tổng hợp “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Hai quai lư hương là hai thiên thần. Lư hương hình cầu tượng trưng cho trời được đặt trên đế hình vuông tượng trưng đất. Hai chân đèn hai bên lư hương mang hình nhân là hai người nam nữ đang cầm nến cao. “Nam tả nữ hữu” đàng hoàng. Ngài gọi đó là lư hương hội nhập văn hóa!



Hai tòa hai bên dành cho Đức Mẹ và Thánh Giuse làm theo phong cách cổ, sơn son thiếp vàng. Chúng tôi nghe ngài giải thích thì mơ mơ hồ hồ, nhưng nếu ai am tường nghệ thuật thì chắc là thích thú lắm! Cái đầu của ngài thật đa hệ! Cầu chúc ngài thực hiện được mộng ước để đem lại ích lợi cho Giáo phận và Giáo hội Việt Nam. Cha Khóa tặng cha sở và cha phó món quà nhỏ! Cha sở còn muốn dẫn chúng tôi đi xem nhiều công trình khác và mời ăn cơm nữa, nhưng chúng tôi cám ơn ngài và cáo từ trong sự luyến tiếc!


Lúc 10h5, chúng tôi rời Hội An đi thăm Phước Kiều, họ đạo thuộc Giáo xứ Hội An, nơi Chân phước Anrê Phú Yên đã làm chứng cho đức tin vào ngày 26/7/1644. Đây cũng là nơi được coi là chiếc nôi của chữ Quốc ngữ, với Cha Pina dòng Tên, đã làm việc và qua đời tại đây vào năm 1625.



Trong năm chuyến đi có tới bốn lần bị lạc đường. Chỉ có một lần đi trong nội thành Đà Nẵng là chính xác. Đây là lần thứ bốn bị lạc, mà bị lạc tới hai vòng! Khi tới ngã ba Hội An đi Vĩnh Điện hay Đà Nẵng, chúng tôi rẽ lối Vĩnh Điện, nên khi tới bờ sông thì biết là lạc rồi! Hỏi người ta chỉ đi lối Đà Nẵng thì đi ngược lại mới ra quốc lộ 1A ở Vĩnh Điện. 10h30 chúng tôi tới Phước Kiều. Vì đã được Cha phó Hội An, đặc trách Phước Kiều gọi điện thoại báo trước nên anh Phúc, người trông coi nhà thờ đã mở cổng và đợi chúng tôi. Vào nhà thờ viếng Chúa, chúng tôi trở ra tham quan chung quanh. Cha phó mới xây cổng nhà thờ khá hoành tráng. Ngài cũng cho xây bức tường hướng Tây Bắc của khuôn viên nhà thờ. Trong khu đất nhà thờ hiện còn ba ngôi mộ cổ được phát hiện năm 2007 khi tôn tạo khuôn viên nhà thờ, trước khi được Đức Cha Giuse nâng lên thành Đền Thánh dâng kính Chân phước Anrê vào ngày 26/7/2007. Những ngôi mộ “vô danh” được tôn tạo giữ gìn chu đáo, vì chắc chắn có liên quan đến lịch sử không những của họ đạo này, mà còn đến lịch sử truyền giáo tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 1615 với phái đoàn dòng Tên do Cha Buzomi từ Macao đế Đà Nẵng-Hội An. Nhà vuông hiện nay do do Cha cố Khóa mua lại và tân tạo, nay dùng làm nhà họp Giáo họ và các đoàn thể như Legio Mariae.


Nếu đủ nhân sự, Phước Kiều với một lịch sử lâu đời và quan trọng như thế, đáng được Giáo phận nâng lên hàng xứ, mặc dù giáo dân hiện nay chỉ trên dưới 100 người. Nơi đây cần được đầu tư nhiều hơn nữa, để thành nơi hành hương thường xuyên, nối kết với Trà Kiệu về hướng Tây và Hội An về hướng Đông, là những địa danh văn hoá lịch sử quan trọng cả đời lẫn đạo.

10h46, chúng tôi đến Trà Kiệu, Cha phó Simon Nguyễn Can Trường đi Đà Nẵng, nhưng may mắn Cha sở Phaolô Đoàn Quang Dân, đồng thời là cha Hạt trưởng Hạt Trà Kiệu và thầy xứ Antôn Lâm Trọng Thi ở nhà. Cha sở mời chúng tôi ăn trưa và giới thiệu món đặc sản hấp dẫn: canh rau đay. Nhưng sợ lỡ chương trình, chúng tôi cám ơn và hẹn ngài dịp khác. Ngài đem chocolat xuất xứ từ nước Bỉ ra đãi chúng tôi. Chocolat rất đặc biệt: hộp đen, mỗi thỏi có hình thù khác nhau, ăn vào vừa thấy ngọt, vừa thơm, vừa bùi, vừa muốn... thêm miếng nữa! Ngon thật! Cha Khóa xin biếu lại hai hộp nho khô cho hai cha, quà chẳng đáng chi, nhưng tình cảm thì vô cùng.




Chúng tôi đến Lệ Sơn lúc 12h15. Cha sở Simon Hứa Thanh Tuyên vừa ăn trưa xong, mới nghỉ trưa vội ra tiếp chúng tôi. Vì đã quá trưa nên chúng tôi bỏ “của ăn đàng” ra, chỉ xin nước sôi để dùng cháo dinh dưỡng, nhưng bà cố của cha sở lại tặng thêm món mì xào spagetti Ý-Việt. Mì thì rõ là Việt Nam nhưng gia vị thì đúng là của Ý. Thế là ngoài cháo dinh dưỡng, mì gối và phó mát, chúng tôi có thêm món spagetti Ý-Việt và hai món tráng miệng: dưa hấu đỏ ngọt và dâu ta hơi chua. Ngồi ở nhà khách Giáo xứ, gió mát từ cánh đồng lúa phía sau lùa vào, làm khách không mời cứ muốn ngồi mãi, nhưng cuối cùng cũng phải “nhổ rể” thôi. Ra viếng Chúa ở nhà nhờ, thăm đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse... Thấy khuôn viên nhà thời rộng rãi, khang trang, cha cố Khóa luôn miệng khen các cha trẻ bây giờ giỏi quá!





Chúng tôi bỏ Lệ Sơn về Cẩm Lệ lúc 13h45. Giáo xứ vừa ngắm đèn lần 3 xong. Cha sở Gioakim Trần Kim Thượng, Hạt trưởng Hạt Hòa Vang, thông công với giáo dân nên vẫn còn đang mặc áo dòng đen khá chỉnh tề. Một số ít anh em đang chuẩn bị treo ảnh Chúa Phục Sinh trước tiền đường nhà thờ và một số đang làm bàn hôn Thánh Giá. Ngài vui vẻ tiếp chúng tôi. Ngài thuộc tuýp người đi đây đi đó nhiều, nên có vẽ am hiểu nhiều lĩnh vực. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chúng tôi nói chuyện cả một giờ đồng hồ rồi cáo từ. Thấy tường rào nhà thờ đang tạm bợ, sau khi được chính quyền cấp thêm đất lề đường, có người hỏi khi nào xây tường rào, ngài nói sau lễ Phục Sinh hay hè tới là cùng, sẽ đem hang đá Đức Mẹ ra phía trước và chỉ mở một cổng vào nhà thờ thôi. Cầu chúc cha Hạt mạnh giỏi để thực hiện những dự tính tốt đẹp cho Giáo xứ.



14h54, chúng tôi trực chỉ Giáo xứ Cồn Dầu qua ngã cầu Hòa Xuân mới được xây dựng nối liền Cồn Dầu với Thành phố Đà Nẵng.

Qua cầu, thấy con đường mới xây rộng rãi, hai bên trồng cây thẳng tắp, xe camry chúng tôi phóng thoải mái. Nhưng khi ngoảnh lại thấy nhà thờ Cồn Dầu với ngọn tháp cao đã ở đàng sau, chúng tôi biết đã đi quá rồi. Quay xe trở lại gần đầu cầu thì thấy con đường mòn rẽ vào làng. Vào sân nhà thờ, thấy nhà xứ đóng cửa, một chị đang làm vệ sinh chung quanh nhà thờ cho biết cha sở Emmanuel Nguyễn Tấn Lục có ở nhà. Chúng tôi gõ cửa thì ngài đang có khách. Chừng 5 phút sau, ngài ra đón và đưa chúng tôi vào phòng khách trò chuyện.





Thấy quang cảnh giáo xứ kẻ đi người ở cũng hơi buồn. Chúng tôi hỏi thăm ngài bao nhiêu nhà còn lại? Ngài nói còn gần 100 hộ. Hỏi còn bao mộ trong nghĩa trang Giáo xứ chưa di dời? Ngài nói chừng 200 mộ, tất cả 1.700 mộ, đã dời 1.500 mộ rồi. Xa xa trước mặt nhà thờ là khu dân cư mới quy hoạch, nhà phố đang mọc lên như nấm. Chỉ trừ xóm nhà thờ còn khá yên ắng, còn chung quanh đều là công trường rất nhộn nhịp. Đất nền đổ cao lút quá đầu. Thêm một cây cầu nối liền Thành phố với khu đất này đang được xây dựng, nghe nói nối liền Đà Nẵng với Hội An.

Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông và hứa cầu nguyện cho cha sở và giáo dân Cồn Dầu, chóng được “an cư lạc nghiệp”. Chúng tôi ra nhà thờ viếng Chúa. Cha sở chỉ cho chúng tôi thấy cây sưa ngài mới mua trồng chung quanh nhà thờ trông rất đẹp. Hoan hô tinh thần cha sở và cầu chúc cha luôn an lành, vui vẻ, vững vàng và tràn đầy ơn hoan lạc của Chúa Phục Sinh. Từ giã ngài lúc 15h30, kết thúc một ngày tốt đẹp. Tạ ơn Chúa!



Sứ điệp mùa Chay 2012 của Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI có chủ đề: “chúng ta hãy quan tâm đến nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10, 24). Trong mấy ngày tĩnh tâm năm, mấy anh em hưu trí còn “cựa quậy” chúng tôi thấy mình thật vô dụng, nên rủ nhau quyết chí sau tĩnh tâm sẽ đi thăm các cha một vòng quanh Giáo phận. Nay chúng tôi “đã đến và đã thấy”. Dù bất ngờ, các cha đều tiếp đón chúng tôi thật chân thành, thắm thiết tình huynh đệ. Ở đâu, chúng tôi cũng thấy lòng nhiệt thành tông đồ của quý cha, thật đáng khâm phục. Cùng với những ơn lành tinh thần và vật chất Chúa ban, các cha đã đem hết khả năng để xây dựng Giáo xứ của mình. Đến đâu chúng tôi cũng thấy Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đang hoạt động mạnh mẽ, nhất là các Giáo xứ vùng sâu vùng xa.

Được đến thăm quý cha, nhưng chúng tôi phải nói lời cám ơn Quý Cha, vì cảm thấy chính chúng tôi được quan tâm và khích lệ hơn nhiều. Sau một thời gian dài phục vụ đó đây trên cánh đồng của Giáo phận Đà Nẵng này, qua bao nhiêu khó khăn trăn trở, chúng tôi rất an lòng trước một đội ngũ linh mục kế thừa thật nhiệt thành, đầy hồn tông đồ, hứa hẹn một mùa bội thu cho Giáo phận nhà, nhất là trong năm cử hành Đại Hội Dân Chúa 2012 này, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận (18/01/2013) và 400 năm loan báo Tin Mừng (18/01/2015).

Nguyện xin Chúa Phục Sinh chúc lành cho quý Cha và mọi công việc quý cha làm.

Nhớ nhau trong kinh nguyện mỗi ngày.

Trân trọng kính chào

Nhóm linh mục hưu dưỡng


(Nguồn: giaophandanang.org)