MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các lãnh đạo chính trị Ireland kêu gọi Đức Hồng y Brady từ chức

Đức Hồng y Sean Brady
Các lãnh đạo chính trị hàng đầu ở Ireland trong đó có phó thủ tướng kêu gọi Đức Hồng y Sean Brady cân nhắc việc từ chức sau khi BBC hôm 1-5 đưa ra những bằng chứng mới về vai trò của ngài trong cuộc điều tra các vụ buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành viên năm 1975 của cố Linh mục Brendan Smyth, người lạm dụng nhiều trẻ em trong hơn 40 năm. Thủ tướng Ireland Enda Kenny, phát biểu với báo giới chiều 3-5, kêu gọi Đức Hồng y “suy nghĩ về kết quả của chương trình BBC này”.

Chương trình BBC tường thuật rằng khi còn là một linh mục trẻ, Hồng y Brady có tham gia cuộc điều tra của Giáo hội năm 1975 được một cậu thiếu niên 14 tuổi cho biết cậu và một số trẻ em khác bị cha Smyth lạm dụng. Cậu bé kể tên các em đó và cha Brady đã trình báo cáo lên giám mục nhưng không hề thông báo với bố mẹ của các em, và các em đã bị linh mục này lạm dụng trong 13 năm sau đó.

Đức Hồng y Brady khẳng định trong thông cáo hôm 2-5 rằng BBC đã “miêu tả hết sức sai lệch” về vai trò của ngài trong cuộc điều tra đó, đó là vai trò của một công chứng viên hoặc người ghi chép. Ngài đã trình lên đức giám mục bản báo cáo đầy đủ về lời khai của cậu thiếu niên đó, và cảm thấy ngài đã làm tròn bổn phận theo yêu cầu của giáo luật. Vì ngài không có quyền trong vụ đó, ngài không theo dõi nó nữa. Nhiều năm sau, ngài thất vọng và ‘cảm thấy bị phản bội’ khi biết các chức sắc trong Giáo hội đã không ngăn chặn Smyth. Chương trình BBC châm ngòi cho người ta kêu gọi ngài từ chức.

Phó thủ tướng Eamon Gilmore phát biểu với Dail (hạ viện trong quốc hội Ireland) hôm 3-5 rằng ông luôn tin có sự tách rời giữa Giáo hội và Nhà nước. Nhưng ông nói thêm những điều tiết lộ về các vụ lạm dụng trẻ em sau đó của Brendan Smyth là “một điều thất bại nặng nề nữa của các thành viên cấp cao trong Giáo hội Công giáo trong việc bảo vệ trẻ em”.

Gilmore, còn là ngoại trưởng, khẳng định: “Cá nhân tôi cho rằng bất kỳ người nào không can thiệp xử lý mức độ lạm dụng mà chúng ta chứng kiến trong vụ lạm dụng này thì không nên nắm quyền hành”.

Michael Martin, lãnh đạo Fianna Fail, chính đảng đối lập chính trong Dail, cũng kêu gọi Đức Hồng y “suy nghĩ” vì mức độ và tầm cỡ của vụ lạm dụng do cha Smyth gây ra.

“Tôi nghĩ Đức Hồng y Brady nên suy nghĩ và xem xét vị trí của mình, nhưng đó là vấn đề đối với Giáo Hội. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ quyền lực của ngài đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những điều đã xảy ra” – Martin nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ruairí Quinn cũng nói Đức Hồng y nên xem xét địa vị của mình, đặc biệt là người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Ireland, vốn là người đỡ đầu cho 92% trong số 3.200 trường tiểu học trong nước. Ông nói Giáo Hội nên xem xét có thích hợp để cho một người đã từng “không thể bảo vệ trẻ em” đứng đầu Giáo hội hay không.

Bộ trưởng thứ nhất của Bắc Ireland Martin McGuinness nói ông từng nói với Đức Hồng y rằng ngài nên từ chức khi chuyện này bắt đầu nổ ra vào năm 2010 và giờ đây với những tiết lộ mới này và “nói theo quan điểm cá nhân”, ông nghĩ Đức Hồng y nên xem xét lại.

“Tôi nghĩ nhiều người Công giáo trong đó có tôi, các linh mục Công giáo trong đó tôi có nhiều bạn tốt và công chúng nói chung sẽ thất vọng về những tố giác mới này”, McGuinness nói.

Bình luận về toàn bộ vụ việc, một viên chức cấp cao của Toà Thánh phát biểu với Vatican Insider rằng “ở đây dường như có sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Giáo Hội đối với những người khẳng định họ muốn có sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước, vốn không giúp giải quyết vấn đề”.

“Tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ trẻ em, và Giáo Hội phải xem xét vấn đề đặc biệt này kỹ lưỡng, nhưng đưa toàn bộ chuyện này lên diễn đàn công khai theo cách này sẽ có nhiều yếu tố khác phát sinh, khiến cho tình hình phức tạp hơn nhiều”, ông nói.

Gerard O'connell từ Rôma

(Nguồn: UCAN)