WHĐ (10.05.2012) / LPJ – Theo tin từ trang web vaticaninsider.it của Italia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, Đức Hồng y Ravasi nói rằng ngài muốn tổ chức “Sân Chư dân” tại Giêrusalem.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang vaticaninsider.it, Đức Hồng y Ravasi cho biết ngài muốn tổ chức “Sân Chư dân” tại Giêrusalem, vì nơi đây hẳn là “một khởi điểm lý tưởng” cho cuộc đối thoại giữa người tin và người không tin. Đức Hồng y nói: “Tôi rất vui mừng tổ chức một cuộc gặp gỡ ở Giêrusalem với các nhà trí thức và các nghệ sĩ Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, vì người Do Thái và người Công giáo cùng chia sẻ nhiều giá trị chung”. Và cả hai tôn giáo này đang phải đối mặt với mối lo về “sự bành trướng của chủ nghĩa thế tục hoá của xã hội”. Thực tế là, như Đức Hồng y nhận định, “ngày nay, đối với nhiều người, biết Thiên Chúa hiện hữu hay không cũng chẳng quan trọng”. Đó cũng là khẳng định của Cha Pizzabella, Quản thủ Thánh Địa, khi được hỏi về điều này. Ngài nói ở Thánh Địa “có ít người vô thần hơn những người không tin”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho sự kiện này để không rơi vào nguy cơ chỉ là một “cuộc họp mang tính hàn lâm”, Cha Pizzabella quả quyết một “Sân Chư dân” tại Giêrusalem “có thể là một thúc đẩy rất quan trọng cho việc suy tư và gặp gỡ với những người tin”.
Được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khởi xướng, “Sân Chư dân” là một cơ cấu của Giáo hội Công giáo nhằm đối thoại với người không tin. Tên gọi này có liên quan trực tiếp đến Sân Chư dân ở Đền thờ Giêrusalem, là một khu vực bên ngoài của Đền thờ cũ dành cho dân ngoại. Dưới sự bảo trợ của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá do Đức Hồng y Ravasi làm Chủ tịch, Giáo Hội muốn qua đó củng cố ý muốn giao tiếp với những người coi tôn giáo là điều xa lạ và với những ai có thể muốn tiếp cận một Đấng mà họ không biết. Được chính thức tổ chức vào tháng 3-2011, “Sân Chư dân” lần đầu tiên đã diễn ra tại Paris. Ngay sau đó là tại Bucarest, Firenze, Barcelona và Tirana… và lần gần đây nhất tại Palermo, Sicilia. Mỗi lần hoạt động đều quy tụ các danh nhân văn hoá và tôn giáo, người tin và người không tin, nhằm đề cập đến các vấn đề cụ thể của mỗi quốc gia. Đây là một cách truyền thông tốt đẹp của Mẹ-Giáo Hội trước khi diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hoá vào cuối năm nay.
Minh Đức (Theo Amelie La Hougue, lpj.org)
(Nguồn: WHĐ)