MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tình hình bách hại các Kitô hữu tại Nigeria

Đức cha Ignatius Kaigama, Giám mục Jos
Trong 2 ngày 29 và 30-4-2012, tổ chức Boko Haram đã lại mở các vụ tấn công các Kitô hữu tại hai tỉnh miền bắc Nigeria là Kano và Maiduguri.

Vụ khủng bố tại Kano đã khiến cho 17 người chết, đang khi họ tham dự một lễ nghi phụng vụ trong nhà nguyện đại học. Vụ thứ hai xảy ra tại Maiduguri khiến cho 4 tín hữu và một mục sư bị thiệt mạng. Họ bị bắn trong một nhà thờ bởi một toán người vũ trang chắc chắn thuộc tổ chức Boko Haram. Trong cùng ngày 30-4-2012, Bộ Tài chính tại Jalingo, thủ phủ tiểu bang Taraba, cũng bị đặt bom khiến cho 11 người chết. Mục tiêu cuộc khủng bố chắc hẳn là để giết vị chỉ huy cảnh sát có văn phòng làm việc gần trụ sở bộ tài chánh.

Bạo lực cũng đã không buông tha cho miền nam Nigeria, vì vào cuối tuần trước đã có 3 nhà báo bị thiệt mạng trong một tai nạn lưu thông, khi các nhà báo có mặt trong đoàn xe đi theo xe của ông Adams Oshiomhole, Thống đốc bang Edo. Ông Oshimhole đã yêu cầu điều tra tai nạn này, vì ông cho rằng đây là một hành động nhằm mưu sát ông. Hôm 30-4-2012, người ta cũng nhận được tin Cha Nwila Gbinu, linh mục Công giáo, đã bị một nhóm người vũ trang bắt cóc tại Onne, trong bang Rivers ở miền nam Nigeria.

Mặt khác, trong thủ đô Nairobi của Kenya trong ngày Chúa Nhật 29-4-2012, một linh mục đã thiệt mạng và 10 tín hữu bị thương, vì các người khủng bố đã ném một trái lựu đạn vào trong nhà thờ.

Bình luận về các biến cố này, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã bày tỏ âu lo đối với các vụ tấn kích các Kitô hữu ngày càng gia tăng và nói: “Chúng ta đang sống trong sự bất khoan nhượng gia tăng, một sự bất khoan nhương đối khi tàn bạo đối với các Kitô hữu. Chúng tôi lo âu, bởi vì các tín hữu Kitô sống tại các vùng biên giới của trái đất này là một yếu tố của sự quân bình, hoà giải, hiệp nhất chứ không phải của sự xung khắc. Thật lạ lùng khi có một cuộc đấu tranh của sự bất khoan nhượng và gây hấn mạnh mẽ như vậy đối với các tín hữu Kitô, là những người góp phần vào sự hoà giải, hoà bình, công bằng và liên đới”.

Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã định nghĩa các vụ tấn kích này là các hành động khủng bố “kinh hoàng và ghê tởm. Chúng là các hành động đáng bị lên án với tất cả sự cương quyết nhất”. Cha cũng kêu gọi dân chúng địa phương thuộc mọi tín ngưỡng đừng nhượng bộ cám dỗ rơi vào vòng luẩn quẩn của thù hận sát nhân không lối thoát.

Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, thì nói: “Rất tiếc là việc bách hại tôn giáo không phải là một sự kiện mới lạ. Nhưng người ta đã hy vọng nó là điều thuộc qúa khứ, tuy nhiên tại một vài vùng trên thế giới lại không phải là như vậy”. Đức Hồng Y khẳng định: “Kiểu phản ứng của các tín hữu Kitô là dấu chỉ của sự mạnh mẽ, của niềm hy vọng, chứ không phải là sự co cụm vào trong chính mình và ý muốn báo thù. Và đây là một bài học lớn cho chúng ta là người Tây phương và Âu châu”. Trong khi đó, Đức Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milano, thì nhấn mạnh: “Việc bách hại các tín hữu Kitô và mọi cuộc bách hại tôn giáo đều là những điều không thể chấp nhận được, không phải chỉ trên bình diện tôn giáo, mà nhất là vì lý do việc bảo đảm và bênh vực công lý và tự do. Chúng ta tin tưởng nơi lập trường mạnh mẽ của các giới chức chính quyền dân sự quốc gia và quốc tế”.

Tổng thống Goodluck Jonathan cũng đã mạnh mẽ lên án các kẻ sát nhân tồi bại, và hứa làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tình trạng nghiêm trọng này.

Thật ra có nhiều lý do giải thích các vụ bách hại tín hữu Kitô tại Nigeria. Một trong những lý do đó là quan niệm sai lạc của các nhóm Hồi cuồng tín. Họ cho rằng các Kitô hữu đại diện cho Tây phương và các giá trị của nó từ việc đề cao sự khoan nhượng cho tới thăng tiến sự thoát ly của nữ giới, từ việc phát huy giáo dục cho tới thái độ tôn trọng người khác cũng như việc đối thoại liên tôn.

Lý do thứ hai là vì tổ chức Al Qaeda mất lãnh tụ Osama Bin Laden và đang gặp nhiều khó khăn tại Irak và Afghanistan, nên trong các năm qua đã chọn Phi châu làm nơi chinh phục. Tại Somalia thì có nhóm khủng bố Hồi Al Shabaab, trong khi tại Nigeria có nhóm Boko Haram, và tại Mali có các nhóm khủng bố Hồi liên hệ với tổ chức Al Qaeda trong vùng Magreb Hồi.

Lý do thứ ba có tính cách kinh tế vì Nigeria có mỏ dầu hoả và là quốc gia sản xuất nhiều dầu hoả nhất Phi châu. Nhưng phần lớn các mỏ dầu nằm tại miền nam, là vùng có đa số dân theo Kitô giáo. Do đó, các nhóm Hồi muốn tiêu diệt các Kitô hữu để có thế làm chủ các mỏ dầu hoả này.

Lý do sau cùng là ý thức hệ của nhóm Hồi cuồng tín Boko Haram. Boko Haram có nghĩa là “giáo dục Tây phương là một tội”. Người thành lập phong trào này là Imam Mohammed Yusuf. Phong trào Boko Haram chủ trương áp đặt luật Sharia của Hồi giáo trên tất cả 36 tiểu bang của Nigeria.

Tổng thống Napolitano của Italia đã mạnh mẽ lên án các vụ sát hại Kitô hữu nói trên, và nhấn mạnh rằng Italia sẽ tiếp tục lên tiếng để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo. Chính quyền Italia cũng yêu cầu đưa việc bảo vệ tự do tôn giao vào trong thông cáo chung kết của Hội nghị Thượng đỉnh của khối G8 tại Washington.

Ngoại trưởng Italia, ông Giulio Terzi, đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Âu châu hành động và không bỏ rơi các Kitô hữu Nigeria. Phải thảo luận vấn đề này khắp nơi trên thế giới. Và ai thinh lặng là kẻ đồng loã.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn vài nhận định của Đức cha Ignatius Kaigama, Giám mục Giáo phận Jos, về tình hình bách hai các Kitô hữu tại Nigeria.

Hỏi: Thưa Đức cha Kaigama, các cuộc tấn kích và sát hại các Kitô hữu tại miền bắc Nigeria chẳng những không thuyên giảm, mà xem ra ngày càng gia tăng, có đúng thế không?

Đáp: Thật ra, không phải chỉ có các Kitô hữu là nạn nhân của các tấn kích bách hại, mà là toàn dân Nigeria. Bạo lực không phân biệt ai cả, và cũng có biết bao nhiêu người Hồi giáo bị giết chết. Tất cả chúng tôi đều đau khổ vì nạn khủng bố phá hoại. Họ tấn công Giáo Hội vì theo tổ chức Boko Haram, Giáo Hội đại diện cho nền văn hoá Tây phương mà họ muốn nhổ tận gốc rễ. Vì thế, Giáo Hội là một biểu tượng bao gồm 2 mặt, và rõ ràng là khi tấn kích Giáo Hội thì họ tạo được tiếng vang rộng lớn, vì mọi người đều đề cập đến.

Hỏi: Làm thế nào để sống trong một tình hình nguy hiểm bất ngờ như thế, khi biết rằng việc lui tới các nơi thờ tự có thể nguy hại tới tính mạng, vì không biết người ta sẽ ném bom lúc nào, thưa Đức Cha?

Đáp: Người dân luôn sống trong sợ hãi. Nhưng tôi có thể minh xác rằng đức tin của dân chúng lại càng mạnh mẽ hơn. Tôi thấy có rất nhiều Kitô hữu tuy có nguy hiểm nhưng họ tìm mọi cách để tụ tập nhau và cầu nguyện. Người ta có thể tấn công chúng tôi trên bình diện vật lý, nhưng không thể lấy mất đi sức mạnh đức tin của chúng tôi.

Hỏi: Cuồng tín, ngu dốt. Sự thù hận chống lại dân chúng vô tội không được bảo vệ này phát xuất từ đâu, thưa Đức Cha?

Đáp: Các cá nhân này cho rằng khi chống lại các Kitô hữu và Tây phương, họ xác tín rằng họ thanh tẩy Hồi giáo. Họ tưởng tượng ra một nước Nigeria tinh tuyền. Nhưng cung cách hành xử của họ là một sự cuồng tín, không định hướng, vô lý, không tư tưởng. Họ không hành động như con người.

Hỏi: Đức Cha thấy có thể đối thoại với họ không?

Đáp: Làm sao mà đối thoại với những người vô hình được? Chúng tôi chỉ trông thấy họ, khi họ đã chết, vì bị giết bởi chính các vụ khủng bố của họ. Dĩ nhiên là đàng sau họ có bóng của những người địa phương và người nước ngoài. Có những người tổ chức và lèo lái họ với tham vọng Hồi giáo hoá Phi châu. Nhưng đức tin, tôn giáo không phải là một vấn đề chinh phục về mặt địa lý. Họ sẽ được lợi lộc gì, khi chúng tôi tất cả đều bị bắt buộc trở thành tín hữu Hồi?

Hỏi: Thưa Đức Cha, theo Đức Cha thì phải làm gì để chặn đứng bạo lực tại Nigeria?

Đáp: Chính quyền liên bang có các dụng cụ để can thiệp. Nhiệm vụ của chúng tôi, các người lãnh đạo tôn giáo, là cầu nguyện, nói chuyện với dân chúng và rao giảng hoà bình. Có biết bao nhiêu tín hữu Hồi tốt lành, cũng như có các imam và các sceich muốn điều thiện chứ không muốn điều ác. Chúng tôi biết là có một số rất ít người trong chúng tôi sống trong sự dữ. Bổn phận của chúng tôi là làm những gì có thể để thuyết phục, làm cho họ biết rằng tôn giáo không phải là một khẩu súng giết người, nhưng là thiện ích cho hoà bình và thịnh vượng.

(Avvenire 1-5-2012)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)