MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo Hội không chấp nhận bất kỳ tín hữu nào phủ nhận Vatican II

WHĐ (08.05.2012) / CNS – “Giáo huấn của Công đồng Vatican II, đặc biệt là về Do Thái giáo và các tôn giáo khác, bắt nguồn từ thần học Kitô giáo truyền thống và Kinh Thánh, và Giáo Hội Công giáo sẽ không nhân nhượng những ai không chấp nhận giáo huấn của Công đồng”, đó là phát biểu của Đức ông David Jaeger – một tu sĩ Phanxicô người Israel, hiện đang làm thẩm phán tại Toà Thượng thẩm Rôma.

Đức ông David Jaeger lo ngại về một xu hướng “nơi này nơi khác trong đạo Công giáo, tỏ ra khoan dung với những nhóm lạc giáo – những nhóm này ở bên lề nhưng cũng được nhiều người biết đến – phủ nhận giáo huấn của Công đồng, gồm cả tuyên ngôn Nostra Aetate về quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Đức ông Jaeger, người sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, đã nói về “Nostra Aetate” trong một hội nghị về Công đồng Vatican II diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng Năm tại Đại học Thánh giá ở Rôma do Opus Dei điều hành.

Đức ông nói: “Giáo huấn của Hội Thánh trong Nostra Aetate tuy được coi là hết sức mới mẻ nhưng lại hoàn toàn tương hợp với những trực giác rất lâu đời của thần học Kitô giáo khi khẳng định ‘nơi các tôn giáo khác, nhất là trong những trường hợp đặc biệt, có thể có những yếu tố chân lý và sự thánh thiện’. Ngoài ra, địa vị đặc biệt của Do Thái giáo, đã từng được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư gửi tín hữu Roma, cũng đã được nhấn mạnh trong văn kiện này”.

Nostra Aetate giải thích giáo thuyết của Giáo hội về Do Thái giáo, là tôn giáo duy nhất có nguồn gốc trong mạc khải Kinh Thánh, dù không nhìn nhận Chúa Kitô; đó là lý do tại sao Giáo Hội không coi Do Thái giáo đơn giản chỉ là một tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhưng lại dành cho tôn giáo này một địa vị độc đáo.

Dù vẫn công nhận mối quan hệ độc đáo và đặc biệt giữa Thiên Chúa và dân Do Thái, nhưng Công đồng đã không nói rằng Do Thái giáo cũng là một “con đường song song” đem lại ơn cứu độ và không phủ nhận rằng một cách nào đó, cuối cùng, mọi ơn cứu rỗi sẽ được hoàn tất nhờ Đức Kitô.

Rõ ràng là vì những vụ thảm sát kinh hoàng, và những đối xử bất công và đàn áp người Do Thái trong nhiều thế kỷ của những người tự xưng mình là Kitô hữu - và vì thế cũng tin rằng mình có thể biện minh cho sự tàn bạo ấy - Tuyên ngôn Nostra Aetate lên án nghiêm khắc thái độ ấy và nêu rõ rằng việc viện dẫn Kitô giáo để ủng hộ thái độ ấy là hoàn toàn không hợp pháp.

Đức ông cho rằng: “Ngày nay còn đặt vấn đề Tuyên ngôn Nostra Aetate mang lại hiệu quả như thế nào thì thật kỳ lạ”.

Đức ông nói: “Tuy nhiên phải tận dụng cơ hội này để nghĩ xa đến việc không nhân nhượng với những ai phủ nhận giáo huấn của Công đồng, cũng như không có chuyện thỏa hiệp với việc chấp nhận một cách nửa vời, môi mép đối với giáo huấn của Công đồng Vatican II nói chung, và với tuyên ngôn Nostra Aetate nói riêng, hoặc nói năng, suy nghĩ về giáo huấn còn quá thận trọng”.

Đức ông nhấn mạnh: “Không bao giờ được lãng quên hay xem nhẹ những gương xấu rất tệ hại của những kẻ lạm dụng Danh Chúa Kitô, tự xưng là Kitô hữu để bức bách và đàn áp những người Do Thái trong nhiều thế kỷ”.

(Cindy Wooden, CNS, 05-05-2012)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)