MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Linh mục người Ý đưa ra lời khuyên về rao giảng Tin Mừng trên không gian mạng

Lm. Antonio Spadaro, S.J.
EMTY (Rôma, Ý, 1-8-2012, CNA) - Ngài là linh mục Dòng Tên người Ý được gắn liền với từ “Cybertheology” (Thần học Không gian mạng) và hiện đang cố gắng huấn luyện những người Công giáo về cách truyền giáo tốt nhất thông qua Internet.

“Giáo Hội được mời gọi có mặt ở những nơi nào có con người hiện diện, và ngày nay con người cũng hiện diện trên Internet”, Cha Antonio Spadaro, S.J., nói với CNA tại Rôma. “Vì vậy, những nỗ lực của tôi nhằm mục đích thử nghiệm và hiểu biết thế giới để hiểu được động lực của nó, cũng như được hiện diện với tư cách là người con của Giáo Hội, để giúp người khác cũng được hiện diện như thế trong môi trường này”.

Cha Spadaro, 46 tuổi, là giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Gregorian của Dòng Tên tại Rôma và cũng là chủ bút tờ La Civiltà Cattolica của dòng. Sự nghiệp khoa bảng của Cha bao gồm lĩnh vực triết học, thần học và cả truyền thông xã hội. Các lĩnh vực đó hỗ trợ lẫn nhau giúp ngài hoàn thành tác phẩm “Thần học Không gian mạng; Tư duy Kitô giáo trong thời đại Net”, được xuất bản ở Ý hồi tháng 3 năm nay (2012).

“Thần học Không gian mạng, như cách tôi gọi nó, bao gồm suy tư về đức tin trong thời đại thông tin này. Khi mà những thời đại khác trao đổi thông tin rất khó khăn, thì ngày nay thông tin thật sự đang bao trùm chúng ta. Bạn có thể nói đó là tình trạng quá tải về thông tin. Thông tin đang tràn ngập chúng ta”.

Do đó, những bài viết của ngài cố gắng giúp Kitô hữu hiểu, thấm nhuần và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội sao cho có hiệu quả hơn. “Đối với tôi, đó là một vinh dự tuyệt vời để áp dụng công việc của mình trong lĩnh vực này về Giáo Hội hoàn vũ, và tôi tìm cách đáp ứng những nhu cầu cần kíp đang phát sinh trong Giáo Hội ngày nay”.

Những bài viết của ngài cũng đăng trên trang web có tên tương tự www.cyberteologia.it. Được cập nhật thường xuyên, những bài viết mới nhất của ngài có thể trở thành những lời chỉ dẫn hữu hiệu cho các nhà truyền giáo đang tìm cách rao giảng Tin Mừng qua các trang mạng xã hội như Facebook chẳng hạn.

“Câu hỏi về Thiên Chúa là một câu hỏi nghiêm túc, và chúng ta thấy nó ở khắp mọi nơi, ngay cả trên các mạng xã hội. Một niềm khao khát về cầu nguyện đang nảy sinh”, Cha nhận xét. Do đó, mong muốn của ngài là “hiểu và phân tích” những gì đang diễn ra và sau đó giúp người Công giáo sử dụng công nghệ cách tốt nhất để diễn giải về Chúa Giêsu Kitô cho cộng đồng trực tuyến.

Mai Trang

(Ngun: empty.org)