MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Cảm nghĩ của Giáo hội Châu Á trước tin Đức Thánh Cha từ nhiệm

Châu Á có những cảm xúc khác nhau về việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm.

Giáo sĩ và giáo dân Công giáo trên khắp châu Á đang bàn tán về tuyên bố của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hôm 11-2 rằng ngài sẽ từ nhiệm.

Có người ngạc nhiên trước việc ngài từ nhiệm - đây là sự kiện đầu tiên kể từ khi Đức Giáo hoàng Gregory XII từ nhiệm vào năm 1415.

Có người nói họ không tin triều đại 8 năm của Đức Bênêđictô XVI lại kết thúc theo cách này.

Tuy nhiên, nhiều người nhất trí rằng người kế vị ngài sẽ chú ý đến sức sống và tầm quan trọng ngày càng lớn của châu Á đối với Giáo Hội hoàn vũ.

"Tân Giáo hoàng sẽ cởi mở đối thoại với các giám mục trên thế giới, thiết lập quan hệ tốt đẹp với các ngài, trao quyền cho Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội hoàn vũ về mặt mục vụ" - Đức Tổng Giám mục Dòng Thánh Giá Patrick D'Rozario của Tổng Giáo phận Dhaka cho biết.

Ngài nói thêm rằng hiện nay Giáo Hội cần một người hướng dẫn chứ không phải là một người chuyên quyền.

Muliawan Margadana, Chủ tịch Hội Trí thức và người đã tốt nghiệp đại học Công giáo Indonesia, nói rõ hơn điều này: "Tôi hy vọng trong thời gian tới tân giáo hoàng sẽ chú ý nhiều hơn đến Giáo hội đang phát triển nhanh ở châu Á và châu Phi. Nếu có thể, tôi ước muốn tân Giáo hoàng sẽ là người Á châu hoặc Phi châu".

Đức Tổng Giám mục Joseph Coutts của Tổng Giáo phận Karachi nhận định Đức Bênêđictô XVI đã ủng hộ Giáo hội Pakistan, tình trạng thiểu số của Giáo Hội tại đây thường làm cho Giáo Hội bị lẻ loi giữa số dân đa số theo Hồi giáo.

"Ngài ủng hộ lập trường của chúng tôi về luật báng bổ và những vấn đề liên quan đến cộng đồng Kitô hữu thiểu số" – ngài nói.

Trong khi đó hai hồng y Ấn Độ sẽ tham dự Mật tuyển viện bầu tân Giáo hoàng khen ngợi Đức Bênêđictô XVI đã đóng góp nhiều cho Giáo hội Ấn Độ.

"Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI luôn bày tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với tôi và Giáo hội Công giáo Malankara. Nếu không có ngài, Giáo Hội đã không được công nhận dễ dàng như thế" - Đức Hồng y Baselios Mar Cleemis của Giáo hội Syro-Malankara phát biểu. Ngài được vinh thăng hồng y vào tháng 11 năm ngoái.

Đức Hồng y George Alencherry được nâng lên bậc hồng y vào tháng 2 năm ngoái, không ngạc nhiên trước việc Đức Thánh Cha từ nhiệm và mặc dù ngài nhận thấy sức khoẻ của Đức Thánh Cha suy yếu, nhưng Đức Thánh Cha vẫn là nguồn sinh lực của Giáo hội Ấn Độ.

"Đức Thánh Cha có thể đã yếu do sức khoẻ giảm sút trong những tháng gần đây, nhưng ngài có tầm nhìn và giao tiếp rõ ràng và luôn hết sức quý trọng Giáo hội Đông phương" - ngài nhận xét.

Tại Myanmar, nơi Giáo Hội nỗ lực bắt kịp những cải cách dân chủ khi nước này cố gắng bỏ lại những thập niên nằm dưới chế độ độc quyền, các lãnh đạo Giáo Hội miêu tả hành động từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI là can đảm.

Đức Tổng Giám mục Paul Zinghtung Gawng của Mandalay nói Đức Bênêđictô XVI đã "hết sức can đảm và khiêm tốn" thừa nhận mình không còn khả năng chu toàn bổn phận.

Trong khi thừa nhận nhiều người hy vọng tân Giáo hoàng sẽ là người ngoài châu Âu, Đức Tổng Giám mục Charles Bo của Tổng Giáo phận Yangon cũng thừa nhận việc này là không chắc.

"Rất khó đoán ai sẽ là người kế vị Đức Bênêđictô XVI nhưng tôi nghĩ ngài sẽ là người châu Âu hay Nam Mỹ" - ngài kỳ vọng.

Đối với một số người, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm sẽ tạo cơ hội cho Giáo Hội thay đổi thật sự và phá bỏ truyền thống bầu chọn tân Giáo hoàng.

Linh mục Bartholomew Choi Jae-yong thuộc giáo phận Suwon của Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nhận định Giáo hội đã chịu thiệt thòi khi bầu một giáo hoàng cao tuổi.

"Khi tôi nhìn thấy hình ảnh của một vị Giáo hoàng già nua và yếu ớt trên các phương tiện truyền thông, tôi nghĩ chính Giáo Hội cũng già yếu" - ngài nói - "Chúng ta cần một vị Giáo hoàng trẻ trung lãnh đạo Giáo Hội cách năng nổ".

Đức Hồng y Ricardo Vidal, Tổng Giám mục đã về hưu của Tổng Giáo phận Cebu, Philippines, cũng có cùng cảm nghĩ như thế.

Thể hiện lòng kính phục đối với Đức Bênêđictô XVI, Đức Hồng y Vidal, hiện đã 82 tuổi nên không được tham dự Mật tuyển viện theo Giáo luật, nhận định thế giới đang thay đổi nên cần có sự thay đổi trong hàng lãnh đạo Giáo Hội.

"Chúng ta có thể làm được gì đây? Giáo Hội hiện nay cần một người trẻ trung hơn, thể chất khoẻ mạnh" - ngài nói.

Một người Philippines khác sẽ tham dự Mật tuyển viện sắp tới là Đức Hồng y Antonio Tagle của Manila, được nhiều người dự đoán sẽ là ứng viên sáng giá cho dù là không thể trở thành người kế vị từ khi được nâng lên hồng y vào năm ngoái.

Ở tuổi 55 và nổi tiếng có uy tín với giới truyền thông, Đức Hồng y Tagle dường như là hiện thân cho niềm hy vọng của nhiều người mong có một vị giáo hoàng trẻ trung, tân thời hơn và quan trọng nhất là ở ngoài châu Âu phản ánh số lượng nhân khẩu đang thay đổi trong Giáo Hội.

Nhưng mặc dù có những đồn đoán như thế, tin Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm được đón nhận bằng thái độ bình thản, lòng biết ơn về sự phục vụ của ngài và hy vọng về tương lai khi Giáo Hội tiếp tục đối mặt một số thử thách khó khăn nhất.

Một trong những thử thách đó là Trung Quốc.

Đức Giám mục Joseph Gan Junquiu của Giáo phận Quảng Châu, được chính phủ Trung Quốc và Toà Thánh công nhận, đánh giá Đức Bênêđictô XVI đã tác động lớn đến Giáo Hội gặp nhiều vấn đề và khó khăn tại Trung Quốc.

Trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Rôma chưa bình thường hóa như nhiều người hy vọng dưới sự dẫn dắt của ngài, thế nhưng Đức Bênêđictô XVI đã có hướng dẫn quan trọng qua Thư Mục vụ gửi Giáo Hội ở Trung Quốc năm 2007 "có thể đặt nền tảng cho việc bình thường hoá này trong tương lai" - Đức cha Gan nhận xét.

Đức Hồng y Oswald Gracias, được Đức Bênêđictô XVI nâng lên hồng y năm 2008 và là một trong 11 giám mục châu Á sẽ bầu giáo hoàng kế tiếp, thay mặt nhiều người dân ở châu Á phát biểu trong một thông cáo thừa nhận sự mất mát đối với Giáo Hội khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm và hy vọng Giáo Hội sẽ tìm ra một người lãnh đạo thích hợp để đưa Giáo Hội tiến lên.

"Chúng ta chắc chắn sẽ nhớ một vị lãnh đạo tinh thần vĩ đại trong thời đại hiện nay của chúng ta - một con người có tư tưởng rõ ràng về các vấn đề tôn giáo và thế tục và can đảm không sợ hãi để nói lên sự thật trong các vấn đề đức tin và luân lý" - Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Bombay và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, phát biểu trong thông cáo.

"Vào lúc này chúng ta phải sốt sắng cầu nguyện nhiều hơn cho Giáo Hội để chúng ta có được một vị lãnh đạo thánh thiện, sáng suốt, giàu tình thương và can đảm".

(Nguồn: UCA News)