MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thông tin kết quả bầu Giáo hoàng như thế nào?

WHĐ (13.03.20123) – Mặc dù ngày càng biết đến nhiều hình thức truyền thông hiện đại hơn, Toà Thánh vẫn trung thành với các phương pháp truyền thống để thông báo kết quả bầu Giáo hoàng: phát tín hiệu khói và đổ chuông.

Với một cung cách tương tự, Phòng Báo chí Toà Thánh cũng không công bố tức thời một bản tin chính thức, thông báo bằng email, bằng tin nhắn SMS hoặc dùng Twitter để thông tin cho hơn 5.000 phóng viên đang tác nghiệp chính thức tại Vatican, ngoài cách công bố trực tiếp “Habemus papam”.

Cha Federico Lombardi, người phát ngôn và là Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết ngài muốn mọi người “sống thời khắc ấy” và tự mình nhìn thấy khói có màu gì “hơn là nhận được một thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh”.

Cha nói: “Vì vậy, tôi sẽ không mất thời gian gửi tin nhắn SMS vào lúc đó; tôi tin rằng chúng ta cần sống thời khắc ấy”. Các phóng viên đã vỗ tay hoan hô phát biểu trên đây của Cha Lombardi trong cuộc họp báo vào ngày 9-3 vừa qua.

Đây là một phản ứng đáng ngạc nhiên của giới truyền thông vốn hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần với đủ loại phương tiện kỹ thuật số. Từ lâu họ vẫn bất bình với Vatican, là nơi vẫn còn sử dụng fax, tổ chức hầu như tất cả các cuộc họp báo ở Italia và thường đóng cửa văn phòng từ 2g đến 6g chiều.

Có lẽ những người vỗ tay tán thưởng quan điểm này đã không biết rằng, thật khó nhận ra màu sắc của làn khói trên bầu trời cao của Roma.

Bảo rằng đó là khói trắng (bầu cử thành công) hay khói đen (chưa thành công) không hề là chuyện dễ dàng, ngay cả vào hồi Mật tuyển viện năm 2005, khi Toà Thánh Vatican bắt đầu dùng hóa chất để tăng thêm màu sắc của khói.

Ngay cả Cha Lombardi cũng nói rằng ngài không chắc chắn khói có màu gì khi những làn khói xám thoát ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistine để thông báo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đắc cử.

Ngoài các hoá chất được pha chế, Toà Thánh cũng quyết định cho đổ chuông Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô khi cuộc bỏ phiếu thành công, để thêm chắc chắn về kết quả. Tuy nhiên, vào năm 2005, sau khi khói đã bốc lên khoảng 10 phút, tiếng chuông mới bắt đầu vang lên.

Cha Lombardi nhớ lại rằng ngài đã gọi điện thoại cho các viên chức ở Vatican để biết xem chuông có đổ hay không; ngài nói rằng “tính không chắc chắn” thực sự đã làm nên “vẻ đẹp của những sự kiện này”.

Cha Lombardi nói: “Thật là đẹp và việc nhầm lẫn chỉ kéo dài trong vài phút. Tôi thấy cách thông tin này còn thú vị hơn là mọi thứ cứ chạy trơn tru và có thể đoán được giống như một chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ”.

“Hãy xem lần này điều gì sẽ xảy ra. Rõ ràng là mọi người đều cố làm hết sức mình để kết quả việc bầu Giáo hoàng được thông báo khá nhanh chóng, mặc dù cũng cần phải có “một chút hồi hộp chờ đợi”.

Cha Lombardi cho biết Truyền hình Vatican sẽ đặt một camera cách ống khói Nhà nguyện Sistine khoảng 9m để mọi người có thể nhìn thấy làn khói được phát đi trực tiếp như “ngay ở trước mặt mình”.

Nếu không thể xem truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Thánh Phêrô, có thể vào trang mạng của Trung tâm Truyền hình Vatican CTV [http://player.rv.va] hoặc mạng xã hội Twitter tại các trang @PapalSmokeStack, @ConclaveChimney, @ConclaveStove và @PopeAlarm.

Cũng có thể vào trang PopeAlarm.com, đăng ký một tài khoản để được thông báo qua email ngay khi có kết quả bầu giáo hoàng, hoặc qua tin nhắn SMS (riêng cho người dùng ở Hoa Kỳ).

Minh Đức (Theo CNS)

(Nguồn: WHĐ)