KINSHASA - Khoảng 1 triệu người Congo đang được đón tiếp và phân phối trong 30 trại tị nạn ở Goma, thủ phủ vùng Bắc Kivu, nằm về mạn đông nước Cộng hoà Dân chủ Congo, nơi có các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội chính quy Congo và các nhóm du kích, trong đó có lực lượng M23.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang mạng của tổ chức bác ái Secours Catholique của Pháp, ông Francois Soulage, chủ tịch tổ chức, đã cho biết như trên. Ông vừa trở về sau một chuyến viếng thăm Goma. Ông nói thêm rằng những người tị nạn phải đốn cây lấy củi để sưởi ấm. Họ không có nguồn lợi tức nào và hoàn toàn tuỳ thuộc vào chương trình lương thực thế giới, gọi tắt là PAM. Tổ chức Caritas địa phương cộng tác chặt chẽ với PAM để bảo đảm việc phân phát thực phẩm cho người tị nạn.
Bắc Kivu là một lãnh thổ rộng lớn phì nhiêu, đủ sức để nuôi sống người dân trong vùng. Tuy nhiên, vì chiến tranh, vì nạn quân du kích cướp bóc súc vật chăn nuôi, các nông dân không có vật dụng cần thiết để trồng cấy cày bừa và phải bỏ hoang ruộng vườn chạy lên tỉnh thành tị nạn. Để đối phó với tình trạng này, Caritas địa phương đã cộng tác với Secours Catholique thành lập những hệ thống dẫn nước nhỏ và nhất là thành lập những cộng đoàn Giáo hội sống động. Đây là những tế bào hoạt động mạnh trong cơ cấu giáo xứ, với khoảng 30 hộ gia đình dưới sự lãnh đạo của một thành viên Caritas địa phương, chia sẻ một phần lợi tức để hỗ trợ những người khó khăn thiếu thốn nhất trong nhóm.
Ông chủ tịch tổ chức Secours Catholique Pháp nhận định: Hiện nay, Giáo hội Công giáo Congo thay thế chỗ của một chính quyền đang bị phá sản. Chỉ có điều khác là Giáo Hội không có những phương tiện của chính quyền. Quả thật Giáo hội Công giáo tại Cộng hoà Dân chủ Congo là một yếu tố phát triển vì các cộng đoàn cơ bản tại đây rất đa điện và uyển chuyển trong hoạt động của mình. (FIDES 6-8-2013)
Mai Anh
(Nguồn: Radio vatican)