1. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi thông điệp bằng video về quê hương
Dù không thể có mặt tại Buenos Aires, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tham gia tích cực vào lễ kỷ niệm của Á Căn Đình nhân lễ kính Thánh Cajetan, vị thánh bảo trợ bánh mì và công ăn việc làm.
Ngài đã gửi một video lặp lại chủ đề năm nay, một chủ đề rất gần với trái tim ngài là tiến ra và gặp gỡ với những người có nhu cầu.
Đức Thánh Cha nói:
"Chủ đề này đề cập đến những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta nhất. Những người cần chúng ta nhìn họ với tình cảm, những người cần chúng ta đồng hoá với họ trong những đau đớn và âu lo trước những vấn nạn của họ. Nhưng điều quan trọng nhất là không nhìn họ từ xa hoặc giúp họ từ xa. Không, không. Chúng ta cần phải gặp họ. Đó là con đường Kitô Giáo! "
Trong bài phát biểu dài năm phút, Đức Thánh Cha Phanxicô đi xa hơn nữa, giải thích rằng toàn bộ cộng đồng phải làm việc để tạo ra một nền văn hóa của những cuộc gặp gỡ với những người nghèo. Ngài mời gọi các tín hữu bước theo gương Chúa Giêsu và Thánh Cajetan, là một linh mục Ý dành toàn bộ cuộc đời mình cho người nghèo, bệnh tật và trẻ mồ côi.
Đức Thánh Cha nói:
"Tâm hồn anh chị em, khi bạn gặp gỡ với những người quẫn bách, trở nên ngày càng lớn hơn! Bởi vì những cuộc gặp gỡ làm gia tăng tình yêu tha nhân bội phần. Hãy tiếp tục như thế!"
Đức Giáo Hoàng kết thúc thông điệp video của ngài với một lời đề nghị đơn giản, nhưng đã trở thành một nét độc đáo trong triều đại giáo hoàng của ngài là: yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho ngài.
2. Buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 4 tháng 8
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên sau Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại chuyến đi thành công của ngài đến Rio de Janeiro và cảm ơn tất cả những người trẻ tham gia vào biến cố này. Ngài cũng yêu cầu các tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô hiệp ý với ngài cầu nguyện cho những người trẻ đã tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Đức Thánh Cha nói:
"Tôi muốn xin anh chị em hãy cầu nguyện với tôi, để những người trẻ tham gia trong Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ có thể đưa những kinh nghiệm đức tin này vào cuộc hành trình hàng ngày của họ, trong ứng xử hàng ngày, và họ sẽ có thể áp dụng trong hầu hết những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống của họ, đáp lại lời mời gọi được gởi đến từng người của Chúa."
Đức Giáo Hoàng nói rằng thông điệp mà những người trẻ nhận được từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ giúp họ chống lại những ảnh hưởng của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa tiêu thụ, mà ngài mô tả như một "chất độc của hư vô." Ngài nói thêm rằng niềm vui, thông qua Giáo Hội và Chúa Giêsu, có giá trị thực sự và là tiêu chuẩn đánh giá cuộc sống của một người.
“Sự giầu có đích thực là tình yêu của Thiên Chúa được chia sẻ với các anh chị em khác. Tình yêu đến từ Thiên Chúa và khiến cho chúng ta chia sẻ nó giữa chúng ta và giúp đỡ nhau.
Ai sống kinh nghiệm này thì không sợ cái chết và nhận được niềm an bình của con tim.”
Ngài đặc biệt chào tất cả các cha sở và các linh mục trên toàn thế giới, vì ngày mùng 4 tháng 8 là lễ thánh Gioan Maria Vianney, Bổn Mạng của các cha sở.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại ngày lễ Chúa Hiển Dung mùng 6 tháng 8 cũng là ngày kỷ niệm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời vào ban chiều cách đây 35 năm.
3. Đích thân Đức Giáo Hoàng đã gởi thư cho người Hồi Giáo nhân kết thúc tháng chay Ramadan
Mỗi năm, khi người Hồi Giáo kết thúc tháng chay Ramadan, Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn thường gởi một sứ điệp cho người Hồi Giáo. Năm nay, đứng trước tình trạng bạo lực tôn giáo ngày càng leo thang tại Trung Đông và nhiều nơi trên thế giới, đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi sứ điệp này.
Lần cuối cùng đích thân vị Giáo Hoàng ký tên vào sứ điệp là vào năm 1991 với chữ ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trong sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục việc tăng cường giáo dục nhiều hơn nữa nhằm thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa người Hồi giáo và các Kitô hữu.
Trong sứ điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đề cập đến vị thánh trong tông hiệu của ngài, Thánh Phanxicô Assisi, với tinh thần hòa bình để kêu gọi đối thoại liên tôn giữa hai tôn giáo.
Ngài cho hay cuộc cuộc đối thoại như thế phải dựa trên sự giáo dục và thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo, nhất là với những thế hệ trẻ. Trong sứ điệp của mình, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự đau đớn của ngài trước các cuộc tấn công nhắm vào các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ tự.
4. Những con số chính thức của Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil
Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil đã thành công vượt quá lòng mong ước của nhiều người. Dưới đây là những con số chính thức do Ban Tổ Chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil đưa ra:
Mặc dù chỉ có 427,000 người hành hương đã đăng ký chính thức, lễ khai mạc ngày Giới Trẻ Thế giới hôm thứ ba, 23 Tháng Bảy, đã thu hút 600,000 người. Đến ngày thứ Sáu, số lượng khách hành hương tăng lên đến 2 triệu.
Đêm Canh Thức hôm thứ Bảy 27 tháng 7 với buổi cầu nguyện tại bãi biển Copacabana đã thu hút con số đáng kinh ngạc là 3.5 triệu người. Thánh Lễ Chúa Nhật là sự kiện lớn nhất, với 3.7 triệu người tham dự.
Gần nửa triệu người hành hương đến từ 175 quốc gia, và 60 phần trăm trong số họ ở độ tuổi từ 19 đến 35. Những nước có số lượng đông đảo người đăng ký tham dự là Brazil, Á Căn Đình, Mỹ, Chile và Ý.
Có hơn 7800 linh mục tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Các tín hữu nhận Thánh Thể hơn 4 triệu lần, trong các Thánh Lễ khác nhau trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Các khách hành hương đã chi tiêu khoảng 1,8 tỷ Reais, tức là 784 triệu Mỹ Kim.
5. Một đứa bé 9 tuổi tại Rio De Janeiro đã làm Đức Thánh Cha rơi lệ
Hình ảnh và video cuả một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha rơi lệ đã gây xúc động mạnh tại Brazil cũng như trên thế giới.
Câu chuyện diễn ra hôm thứ Sáu ngày 26 tháng 7 khi xe cuả Đức Thánh Cha đi qua các phố xá của Rio De Janeiro. Một cậu bé 9 tuổi tên là Nathan de Brito, mặc áo thun cuả đội tuyển Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh. Được bế lên, em ôm lấy ngài và noí trong nước mắt: "Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục cuả Chúa Kitô, làm đại diện cho Chúa Kitô"
Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất xúc động, Ngài nói với em rằng:"Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin con cũng cầu nguyện cho Cha", sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em và nói, "Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi cuả con là chắc chắn nhé".
Phải khó khăn lắm người ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo em xuống.
Cậu bé Nathan còn tiếp tục tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh dỗ dành em và đưa em về với gia đình.
Theo tin từ Brazil cho biết thì Nathan là một cư dân cuả khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.
Hãng truyền hình O Globo TV mô tả rằng: "Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục cuả em và muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ."
Bạn bè của em thì hãnh diện vì 'một trong những người cuả chúng' đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy "rất may mắn."
Còn cảm tưởng cuả em?
"Em cần phải học thêm thần học", cậu bé nói với một nụ cười. Em nói thêm rằng sẽ sẵn sàng làm "tất cả mọi thứ" để theo đuổi ơn gọi làm linh mục cuả mình.
Keyla Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm tốt.
"Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng hạn như đức vâng lời," cô nói.
Còn Cha Xứ Valdir Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng cuả em "sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục."
Kể từ khi em lên năm hay sáu tuổi, "em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục," Cha Mesquita nói. "Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim cuả em và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em."
Nhắc lại sự việc này trong bài phát biểu tại buổi họp ngày 30 tháng 7 để cảm ơn các nhân viên Ngày Giới trẻ Thế giới 2013, Đức Tổng Giám Mục Orani Tempesta của Rio de Janeiro cũng nói rằng tình cảm của cậu bé (dành cho Đức Thánh Cha) "là điển hình của toàn thể người dân Brazil."
6. Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tham dự lễ tưởng niệm Hiroshima
Ngày 06 Tháng Tám năm 1945, một máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, của Nhật Bản. 90 phần trăm thành phố đã bị huỷ diệt và hơn 80,000 người bị giết chết ngay lập tức, hàng chục ngàn người khác chết sau đó vì nhiễm độc phóng xạ.
Ba ngày sau đó, một trái bom nguyên tử thứ hai đã được ném xuống Nagasaki, giết chết thêm khoảng 40,000 người.
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã đến thăm Nhật Bản trong tuần này, để tham dự vào chương trình "Mười Ngày Hòa bình" để kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Trong bài giảng Thánh Lễ cử hành tại Hiroshima ngày 05 tháng 8, Đức Hồng Y Turkson đã nói về vai trò của Giáo Hội trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới.
Ngài nói:
Sau khi nhận được sự bình an tha thứ và hòa giải của Chúa Phục Sinh, các môn đệ được sai đi và với những đặc sủng của Chúa Thánh Thần, các ngài rao giảng cho một sứ vụ tha thứ và hòa giải.
Ngay tại địa điểm quý vị đang thấy đây xưa kia đã từng một thời là Vương Cung Thánh Đường của thành phố Nagasaki. Ngôi nhà thờ cũ đã bị đánh sập thành bình địa, ngôi nhà thờ mới được xây lại phía bên dưới địa điểm này.
Nhà thờ sập có thể xây lại nhưng đất nước của 434 vị tử đạo đã được tuyên phong giờ đây 99% dân số là vô thần.
7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở nên rất nổi tiếng trên Twitter. Một nghiên cứu của Reputation Metrics, là “cơ quan đánh giá mức ảnh hưởng trên công chúng”, cho thấy ngài là một trong số các nhà lãnh đạo trên thế giới có ảnh hưởng nhất trên phương diện kỹ thuật số. Tài khoản @pontifex của Đức Giáo Hoàng hiện có hơn 8 triệu người theo dõi thường xuyên, và trong những ngày diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013, Đức Thánh Cha đã đưa ra hơn 100 tin nhắn mà từ chuyên môn gọi là tweet.
Ngài được coi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội, vì các tin nhắn của ngài được re-tweet nhiều nhất. Tính trung bình mỗi tweet được re-tweet khoảng 22,000 lần.
Trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, số người đăng ký nhận tin nhắn của Đức Thánh Cha đã đột ngột tăng đến 161%. Trong tháng 3, có 3 triệu người nhận tin. Một thời gian ngắn sau cuộc bầu Giáo hoàng, tài khoản này có thêm hơn 800,000 người chỉ trong vòng 4 ngày. Đến cuối tháng 7 đã có hơn 8 triệu người đăng ký nhận tin.
Tài khoản của Đức Thánh Cha bận rộn nhất vào những buổi yết triều chung ngày thứ tư hằng tuần, cũng như buổi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật. Trung bình mỗi tuần Đức Thánh Cha viết 5.3 lời nhắn.
Sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Tweeter ghi nhận số người sử dụng tiếng Bồ Đào Nha đã tăng lên rất nhiều.
Theo nội dung, những từ khoá xuất hiện nhiều nhất trong số 100 từ thường dùng là “Thiên Chúa”, “sự sống” và “tình yêu”.
Những chủ đề phổ biến nhất là Chúa Giêsu, tình yêu, lòng thương xót và lòng nhân hậu của Chúa.
Như thế, không chỉ ở ngoài đời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thu hút dân chúng ngay cả trong thế giới ảo.
8. Lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả
Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả được tổ chức mỗi năm vào ngày 05 tháng 8. Trong thánh lễ được cử hành bởi Đức Hồng Y Santos Abril, Giám Quản Đền Thờ, mái nhà của nhà thờ được mở ra, và các cánh hoa hồng được thả rơi đầy bàn thờ để đánh dấu phép lạ tuyết rơi đã xảy ra ngay vào mùa hè trên đồi Esquiline hồi thế kỷ thứ 4.
Bất chấp thời tiết nóng bức của Tháng Tám, hôm thứ Hai 5 tháng 8, đông đảo khách du lịch và gia đình đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả để mừng lễ cung hiến đền thờ phương Tây đầu tiên được dành kính Mẹ Thiên Chúa.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Santos Abril nói rằng Đức Mẹ, là bổn mạng dân thành Rôma, đã được nhiều vị Giáo Hoàng sùng mộ đặc biệt. Đức Thánh Cha Phanxicô, là vị Giáo Hoàng ngay từ ngày đầu tiên của triều Giáo Hoàng, đã đến viếng Đức Mẹ để xin Mẹ hướng dẫn ngài trong triều đại của mình.
9. May áo lễ cho Đức Giáo Hoàng
Lan Vy xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một tiệm may tại Rôma với một công việc rất độc đáo là may áo lễ cho Đức Giáo Hoàng. Họ đã may các phẩm phục phụng vụ cho các triều đại giáo hoàng kể từ triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Chị Mari Carmen LATRE cho biết:
"Mỗi lần Đức Giáo Hoàng lên truyền hình, là chúng tôi dán mắt vào xem ngài có mặc những phẩm phục do chúng tôi làm không. Cũng hơi khó nói, vì thường những hình ảnh không rõ nét lắm. Nhưng trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vừa qua có thể khẳng định, đó là phẩm phục chúng tôi đã tặng cho ngài. Tại Rio áo lễ của ngài thường được quay cận cảnh, vì vậy chúng tôi hoàn toàn chắc chắn đó là một trong phẩm phục do chúng tôi thực hiện. "
Tiệm may Sorgente được thành lập tại Rome vào năm 1965 do các nữ tu "Vita et Pax" trông nom. Vita et Pax, nghĩa là Cuộc Sống và Hòa Bình, là một tu hội được thành lập từ những năm 1940 bởi linh mục Cornelio Urtasun người Tây Ban Nha. Hàng may mặc của các chị được làm bằng tay tại một xưởng tại Alboraya, gần Valencia ở Tây Ban Nha. Người ta thường nhái theo các kiểu quần áo do các chị làm ra.
Chị Leonor Casiano cho biết thêm:
"Phẩm phục do chúng tôi làm được sử dụng hàng ngày trong các nghi lễ tại Vatican và ở những nơi khác. Nhiều người nhái theo kiểu chúng tôi. Ý tôi muốn nói, là một số cũng được thực hiện rất khéo, nhưng một số khác thì rất kém. Nhưng chính chúng tôi là những người đưa ra những kiểu mẫu này này. Đó là một thực tế. "
Áo lễ thường đòi hỏi nhiều hơn một tuần để thực hiện vì được làm theo kiểu thủ công và giá bán dao động từ 250 đến 1,000 đô la. Nhưng mỗi áo lễ được may như vậy có thể dùng suốt đời.
Chị Leonor Casiano nói:
"Tôi có thể nói những áo lễ này về cơ bản dùng được cả đời. Đôi khi một linh mục đến đây và nói: "ah, tôi đã mua áo này khi tôi còn là một sinh viên. .."
Từ Tây Ban Nha đến Rôma, những phụ nữ thánh hiến này sản xuất lễ phục phụng vụ xuất khẩu trên toàn thế giới.
10. Đức Hồng Y Leonardo Sandri bày tỏ lo ngại về số phận của các linh mục Dòng Tên tại Syria
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, đã chia sẻ mối quan ngại của dòng Tên tại Trung Đông khi lên tiếng về số phận của Cha Paolo Dall'Oglio, một linh mục Dòng Tên người Ý.
Cha Paolo Dall'Oglio nổi tiếng với những lời chỉ trích chế độ Assad về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bây giờ ngài lại bị bắt cóc bởi phiến quân thánh chiến Hồi Giáo.
Theo thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, Đức Hồng Y Sandri bày tỏ "sự gần gũi trong lời cầu nguyện" của mình với dòng Tên về "sự im lặng tuyệt đối đè nặng lên về số phận của hai Giám Mục Chính Thống Giáo và hai linh mục vừa mới bị bắt cóc, cũng như số phận của nhiều người khác, cả người Syria lẫn người nước ngoài, đang trong tình trạng hết sức đáng quan ngại"
Dòng Tên ở Trung Đông cũng lưu ý rằng Cha Frans van der Lugt đang bị mắc kẹt trong Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria, trong bối cảnh cuộc giao tranh dữ dội đang diễn ra giữa lực lượng chính phủ và phiến quân.
11. Người Công Giáo Ai Cập lo sợ trước những cuộc tấn công khủng bố của người Hồi Giáo
Phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập đã nói với Đài phát thanh Vatican rằng các Kitô hữu của quốc gia đang sống trong một không khí sợ hãi vì các cuộc biểu tình liên tục của những người ủng hộ vị Tổng thống đã bị lật đổ là ông Mohamed Morsi.
"Có rất nhiều thành viên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo trong lực lượng dân quân, chiếm đóng nhiều trọng điểm ở Cairo và các thành phố khác của Ai Cập," Cha Rafic Greiche nói. "Họ ném lựu đạn Molotovs vào các tín hữu và đôi khi cả vào bên trong nhà thờ, họ viết những khẩu hiệu đe dọa và chửi bới trên tường và cửa các nhà thờ, đặc biệt là thóa mạ Đức Giáo Chủ Coptic Tawadros /ta wa drô/. Họ gặp các linh mục và gọi các ngài là những kẻ phản bội, về hùa với quân đội."
"Đó là một môi trường bạo lực," ngài nói thêm, "và mọi người đang sợ hãi."
Tiếp theo những cuộc biểu tình của đông đảo người dân Ai Cập, hôm 03 Tháng 7 năm 2013 quân đội Ai Cập đã đảo chính lật đổ tổng thống Mohamed Morsi.
Vào đêm 03 tháng bảy, quân đội Ai Cập đã ra một tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Mohammed Morsi, hiến pháp của Ai Cập bị tạm đình chỉ. Họ hứa rằng một cuộc bầu cử tổng thống sẽ sớm được tổ chức.
12. Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tháng Tám
Tháng Tám này, ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tập trung vào các cha mẹ và thầy cô, cũng như Giáo Hội Công Giáo tại Châu Phi.
Ý cầu nguyện chung tập trung vào cha mẹ và thầy cô bởi vì vai trò của họ trong việc giúp khuôn đúc những thế hệ trẻ, cũng như truyền đạt đức tin và các giá trị kitô giáo.
Đối với ý cầu nguyện cho việc truyền giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cầu nguyện cho sự tăng trưởng của Giáo Hội Châu Phi, và công việc cổ võ hoà bình và công lý trên đại lục này.
13. Âm nhạc Brazil trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Brazil nổi tiếng về âm nhạc. Tuy nhiên, những nhấn mạnh quá đáng về những loại nhạc kích động và cuồng nhiệt như Lambada có thể dẫn đến một cái nhìn méo mó về âm nhạc của quốc gia này.
Trong kỳ Đại hội Giới Trẻ Quốc tế, rất nhiều thể loại âm nhạc của Brazil đã được trình bày gây xúc động mạnh trong lòng những người trẻ. Chẳng hạn, nghi thức bế mạc đã được đánh dấu bằng một vũ điệu cộng đồng flash mob đông đảo, khi hàng triệu người nhảy múa theo bài hát mang tên “Phanxicô”.
Những ngày trước đó, giai điệu cổ điển hơn đã được cất lên trong các nhà hát của thành phố Rio, chẳng hạn bài ca chính thức của Đại hội Giới Trẻ Quốc tế đã được một ban nhạc chơi, để chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô trên sân khấu.
Trong đêm canh thức cầu nguyện tại bãi biển Copacabana với Đức Thánh Cha, những giai điệu mạnh mẽ đã được trình diễn. Âm nhạc cổ điển là một phần không thể nghi ngờ gì nữa của cuộc tụ họp đám đông.
Cũng có những trình diễn sống động, những bài solo chẳng hạn.
Trong số các tài năng âm nhạc, những trẻ em cũng đóng một vai trò then chốt. Đôi khi, dường như có một bài hát không chuẩn bị sẵn, để làm cho đám đông sẵn sàng đón tiếp Đức Giáo Hoàng.
Những giây phút cảm động, chẳng hạn cảnh này khi một nhạc quỳ gối hát và cầu nguyện trong buổi chầu Mình Thánh Chúa, được khắp thế giới nhìn thấy.
Nhưng có lẽ bài hát in đậm trong tâm trí quần chúng là bài hát tên “Phanxicô” bằng tiếng Bồ Đào Nha. Giai điệu lôi cuốn, được xác nhận là bài hát ưa thích, với hàng triệu người, ca lên suốt kỳ Đại hội Giới Trẻ Quốc tế.
14. Đức Giám Mục giáo phận Maiduguri khen ngợi các linh mục và anh chị em tín hữu về lòng trung tín với Chúa Kitô
Đức Giám Mục Oliver Doeme của Maiduguri - thành phố phía đông bắc Nigeria, một nơi đã từng là trung tâm các hoạt động khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram - đã lên tiếng ca ngợi các linh mục và giáo dân của mình đã nhất quyết trụ lại tại điạ phương bất chấp những khủng bố của người Hồi Giáo.
"Dẫu có nguy hiểm chết người và các mối đe dọa, các linh mục của chúng tôi đã ở lại trong giáo xứ của các ngài và tiếp tục thực hiện sứ vụ của mình," vị giám mục đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ. Ngoài ra, các giáo dân "rất can đảm làm chứng cho đức tin của họ," ngài nói thêm.
Dù nằm trong khu vực đa số là người Hồi giáo, giáo phận vẫn có đến ba mươi giáo xứ, 30 chủng sinh, và 8 thầy vừa mới được thụ phong linh mục.
15. 28 thiếu nữ gia nhập Dòng Đa Minh Thánh Cecilia
28 thiếu nữ trẻ sẽ gia nhập dòng các nữ tu Đa Minh Thánh Cecilia tại Giáo phận Nashville đúng vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 8 tới đây.
Trước đó, hôm 22 tháng 7, 11 nữ tu đã cử hành nghi thức vĩnh khấn, và vào ngày 25 tháng 7, 12 tập sinh đã cử hành lễ tiên khấn. Vào ngày 27 tháng 7, 16 thỉnh sinh đã bắt đầu chương trình nhà tập của họ.
Các nữ tu dòng Đa Minh Thánh Cecilia tại Giáo phận Nashville đảm trách việc giảng dạy tại 40 trường học tại thành phố Nashville, Hoa Kỳ.
16. Krakow ra mắt trang Web Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ được diễn ra tại Krakow, Ba Lan vào năm 2016. Chỉ vài giờ sau khi Đức Thánh Cha đưa ra tuyên bố ở Brazil, trang web chính thức của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 đã được khai trương.
Đức Hồng Y Stainslao Dziwisz, từng là thư ký riêng của Chân Phước Gio-an Phao-lô II, đã cho ra mắt video này, với mục đích nhắc nhở mọi người rằng vào thời điểm đó, Đức Gio-an Phao-lô II đã được phong thánh.
Trang web này gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và Ba Lan.
Trang web này cũng được dành để tôn vinh Đức Gioan Phao-lô Đệ Nhị, người đã dành hầu hết cuộc đời cho Krakow. Tại thành phố này, ngài đã theo học ở một chủng viện bí mật và đã từng phục vụ với tư cách là một linh mục và sau đó là giám mục.
Trang web này cũng có một video về những đền thờ chính ở Krakow, như đền kính Lòng Thương Xót Chúa, hay trung tâm giáo hoàng “Đừng Sợ”, được xây dựng để vinh danh Đức Gio-an Phaolô II. Tại trung tâm đó, có cả một bảo tàng viện về Đức Giáo Hoàng Ba Lan.
Qua video này, người sử dụng có thể được giúp đỡ để biết nhiều hơn về thành phố này, nơi sẽ diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016.
17. Đức Thánh Cha cầu nguyện trước mộ của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và gặp gỡ với nhóm hành hương ơn gọi
Hôm thứ Tư 7 tháng 8, sau khi cầu nguyện trước mộ của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón một nhóm khách hành hương, từ Brescia của Ý là sinh quán của Đức Phaolô Đệ Lục. Ngày 6 tháng 8 năm nay đánh dấu 35 năm kể từ khi ngài qua đời.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp nhóm hành hương bên ngoài nhà trọ Casa Santa Marta của Vatican. Tất cả họ đều rất vui mừng được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.
Một người hành hương nói:
"Bây giờ con có thể chết trong bình an."
Đức Thánh Cha nói:
"Đừng nói thế! Đây là chuyện nhỏ thôi không thể sánh với cuộc sống. "
Theo yêu cầu của nhóm, Đức Giáo Hoàng đã làm phép cho bức ảnh Đức Mẹ Loreto, được nhóm mang theo trong suốt cuộc hành trình.
Liên quan đến chuyến tông du gần đây của Đức Giáo Hoàng tại Brazil, một người hành hương nói lớn:
"Chúc mừng Đức Thánh Cha từ Brazil. Cảm ơn Đức Thánh Cha về Ngày Giới trẻ Thế giới và tất cả mọi điều ngài đã làm cho chúng con. "
Đức Thánh Cha cười và nói khôi hài
"Người Brazil không đi bộ đâu, họ nhảy nhót ngay cả trên đường phố."
Sau đó, Đức Giáo Hoàng chào từng người một, khích lệ họ tìm ra con đường ơn gọi của mình.