Ngày 15-1-2015, trên chuyến bay dài hơn 6 tiếng đồng hồ từ thủ đô Colombo của Sri Lanka đến Manila, Philippines, ĐTC Phanxicô đã dành 45 phút để trả lời các câu hỏi của một số đại diện trong số 76 ký giả tháp tùng ngài. Từ vấn đề tự do ngôn luận, báo chí, cho đến Thông điệp ngài sắp công bố về môi sinh, vấn đề hòa giải tại Sri Lanka, và nạn lạm dụng trẻ em..
Chống lạm dụng tự do ngôn luận để mạ lỵ tôn giáo
Trả lời câu hỏi của một ký giả Pháp xin ngài nhận định về những vụ khủng bố gần đây tại Paris, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, ĐTC nói:
"Cả hai tự do này đều là những quyền căn bản của con người. Kẻ nào chủ trương giết người nhân danh Thiên Chúa thì rơi vào lầm lạc, và cũng sai lầm như thế những kẻ nào xúc phạm tôn giáo nhân danh quyền được nói những gì mình muốn. Về tự do ngôn luận: mỗi người không những có tự do và có quyền, nhưng còn có nghĩa vụ nói điều mà mình nghĩa có thể giúp xây dựng công ích. Nếu một đại biểu không nói điều mà họ nghĩ là con đường chânthực phải theo, thì không cộng tác vào công ích".
"Nhưng chắn chắn là không thể dùng bạo lực để phản ứng lại sự xúc phạm, nhưng cũng không thể khiêu khích.. "Không thể mạ lỵ tín ngưỡng của người khác, không thể chế nhạo đức tin, vì tự do ngôn luận có một giới hạn, đó là phẩm giá của mỗi tôn giáo".
ĐTC cũng nói rằng người ta có nguy cơ bị những phản ứng xấu khi lăng mạ điều thánh thiêng đối với người khác, tương tư như thế, người ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của thiên nhiên khi khai thác thiên nhiên thái quá.
Thông điệp về môi sinh
Đó cũng là một đề tài được đề cập đến trong cuộc họp báo: thông điệp về môi sinh mà ĐTC loan báo sẽ công bố. Thông điệp này sẽ hoàn tất vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Ngài cho biết cuối tháng 3 sắp tới, ngài sẽ dành một tuần để kết thúc dự thảo thông điệp. Sau dự thảo thứ I do ĐHY Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đệ trình cho ngài, ngài đã duyệt lại dự thảo thứ II với sự cộng tác của các chuyên gia, và dự thảo thứ III được soạn với sự đóng góp của các nhà thần học và những đóng góp xây dựng khác từ Bộ giáo lý đức tin, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh và LM thần học gia tại Phủ giáo hoàng. Thông điệp này sẽ là một đóng góp cho Hội nghị thượng định sắp tới ở Paris về việc bảo vệ môi sinh. Hội nghị thượng đỉnh lần trước tại Peru đã làm ngài thất vọng vì "thiếu can đảm".
Phong thánh theo thể thức tương đương
Được hỏi về việc phong thánh ở Sri Lanka, ĐTC giải thích tại sao gần đây ngài dành ưu tiên cho việc phong hiển thánh theo thể thức tương đương, trong trường hợp đó là những vị chân phước đã được tôn kính từ nhiều thế kỷ, như trường hợp Chân phước Joseph Vaz Tông đồ tại Sri Lanka. Còn trong trường hợp các chân phước Angela da Foligno, Pierre Favre SJ, Anchieta SJ và những vị khác, ngài quyết định phù hợp với quan điểm của ngài Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii gaudium): ngài muốn "những nhà đại truyền giáo". Cũng vậy trong cuộc viếng thăm vào tháng 9 tới đây tại Hoa Kỳ, ngài sẽ tôn phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra, dòng Phanxicô, là vị đã mang Tin Mừng vào miền tây nước Mỹ.
Chống lạm dụng trẻ em trong các vụ khủng bố tự sát
ĐTC mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng ngày càng gia tăng đối với các trẻ em nam nữ trong các vụ khủng bố tự sát, một thảm trạng cũng đã từng xảy ra tại Sri Lanka trong thời nội chiến. Ngoài những vấn đề tâm lý, ĐTC coi đó là là một sự thiếu quân nơi những người tự sát để giết người. Một kẻ khủng bố tự sát là một người hiến mạng sống nhưng làm không đúng, trái ngược với tấm gương của bao nhiêu thừa sai, cũng hiến mạng sống, nhưng là để xây dựng. Vì thế, đối với ĐGH, đặt bom ở lưng một trẻ em không là gì khác hơn là một cách thức kinh khủng biến em ấy thành một nô lệ.
Vatican có thể bị khủng bố?
Trả lời câu hỏi về vấn đề: có thể có khủng bố chống bản thân ngài và Vatican hay không, ĐTC mỉm cười nói ngài chỉ sợ cho sự an toàn tính mạng của những ngừơi đến gặp ngài. Ngài cho biết là ngài đối đầu với nguy hiểm này bàng "một liều 'vô thức'! Cách tốt nhất để đáp lại bạo lực là sự dịu dàng.
Viếng thăm chùa Phật giáo
Trả lời câu hỏi tại sao ngài bất ngờ đến viếng chùa Phật giáo chiều ngày thứ tư, 14-1-2015 ở Colombo, ĐTC cho biết đó là một cuộc viếng thăm đáp lễ đối với vị sư trụ trì chùa ấy. Vị sư đã ra phi trường chào đón ngài. Ngoài ra ngài cũng muốn nhìn nhận giá trị của sự liên tôn.. đặc tính này cũng được biểu lộ ở Đền thánh Đức Mẹ Madhu ở miền bắc Sri Lanka, đây không phải chỉ là nơi gặp gỡ và cầu nguyện của các tín hữu Công Giáo mà thôi.
Ủng hộ ủy ban sự thật và hòa giải
Được hỏi về việc ngài ủng hộ Ủy ban sự thật và hòa giải trên thế giới, như Ủy ban ở Sri Lanka, ĐTC cho biết ở Argentina, ngài cũng đã từng ủng hộ tất cả những cố gắng quân bình giúp mọi người đồng ý với nhau, và không tìm kiếm sự báo thù. ĐTC nhắc lại lời tân tổng thống Sirena của Sri Lanka và cho biết ngài ngưỡng mộ ý tưởng của Tổng thống muốn đi đến cùng công việc kiến tạo hòa bình và hòa giải, nhất là kiến tạo sự hòa hợp nơi dân chúng ở Sri Lanka.. Nhưng để đạt được mục tiêu này cần phải "đi vào tâm hồn dân chúng" (SD 15-1-2015)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)