WHĐ (14.01.2015) – Ngày thứ nhất trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka đã kết thúc với cuộc gặp gỡ các đại diện các tôn giáo tại Trung tâm Hội nghị quốc tế BMICH ở Colombo diễn ra vào lúc 18g15 thứ Ba 13-01.
Các cộng đồng tôn giáo chính ở Sri Lanka là Phật giáo (70% dân số), Ấn giáo (12,6%), Hồi giáo (9,7%) và Công giáo (7,16%). Theo dòng lịch sử, Ấn giáo là tôn giáo chính tại đảo quốc này cho đến khi các nhà truyền đạo Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên; hiện nay các tín đồ Ấn giáo sống tập trung ở khu vực phía bắc và phía đông Sri Lanka, và phần lớn thuộc sắc tộc Tamil.
Phật Giáo nguyên thủy đến đảo quốc này vào khoảng năm 246 trước Công nguyên, và được tuyên bố là quốc giáo vào khoảng năm 200 trước Công nguyên; từ giữa thế kỷ XIX trở đi, Phật giáo được hồi sinh nhờ các phong trào ái quốc. Từ thế kỷ XV, Hồi giáo được truyền bá nhờ các thương gia Ả Rập, họ kiểm soát các tuyến đường thương mại ở Nam Ấn Độ Dương, cho đến khi các nhà thừa sai Phanxicô xuất hiện cùng với người Bồ Đào Nha. Truyền thống nói rằng Thánh Tôma đã đặt chân lên đảo vào thế kỷ thứ I sau khi vượt qua Kerala ở miền nam Ấn Độ. Tuy nhiên, các tài liệu sớm nhất của Kitô giáo trên đảo quốc này có niên đại 1322, khi tu sĩ Phanxicô Odorico da Pordenone đến ở đây một thời gian ngắn, và sau đó từ năm 1517, có các nhà thừa sai Phanxicô.
Khoảng một ngàn đại biểu các cộng đồng tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và các hệ phái Kitô giáo) đã chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường BMICH. Cuộc gặp gỡ mở đầu với bài tụng kinh cầu an Pirith của Phật giáo, tiếp theo là lời cầu phúc của Ấn giáo, của Hồi giáo và lời cầu nguyện của nhóm đại kết.
Sau phát biểu chào mừng của Hoà thượng Vigithasiri Niyangoda Thero là diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha khẳng định Giáo hội vẫn luôn rất tôn trọng các tôn giáo khác, và ngài nhắc lại rằng, muốn có hoà bình, không bao giờ được lợi dụng niềm tin tôn giáo để biện minh cho bạo lực và chiến tranh.
“Tôi đã đến Sri Lanka theo bước chân của những người tiền nhiệm của tôi là các Đức giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II để chứng minh lòng yêu mến và mối quan tâm lớn lao mà Giáo hội Công giáo dành cho Sri Lanka. Thật là một ân sủng đặc biệt cho tôi khi được đến thăm các cộng đồng Công giáo ở đây, để củng cố họ trong đức tin Kitô giáo, để cầu nguyện với họ và chia sẻ niềm vui và đau khổ của họ. Và cũng là ân sủng cho tôi khi được hiện diện cùng với tất cả các bạn, những người thuộc các truyền thống tôn giáo vĩ đại, và đã chia sẻ với chúng tôi niềm khaio khát sự khôn ngoan, sự thật và thánh thiện”.
“Tại Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo đã tuyên bố lòng chân thành tôn trọng các tôn giáo khác luôn mãi. Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Giáo hội kính trọng lối sống, giới luật và giáo lý của họ. Về phần tôi, tôi muốn tái khẳng định lòng tôn trọng chân thành của Giáo hội đối với quý vị, truyền thống và niềm tin của quý vị”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chính trong tinh thần tôn trọng này mà Giáo hội Công giáo mong muốn hợp tác với quý vị và với tất cả những người thiện chí để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người Sri Lanka. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của tôi sẽ giúp khuyến khích và đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên tôn và đại kết đã được thực hiện trong những năm gần đây”.
“Những sáng kiến đáng khen này đã tạo cơ hội cho đối thoại, vốn là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết và tôn trọng nhau. Nhưng, như kinh nghiệm cho thấy, để cuộc đối thoại và gặp gỡ ấy mang lại hiệu quả, nó phải được xây dựng trên việc trình bày các xác tín của chúng ta cách đầy đủ và thẳng thắn. Chắc chắn, đối thoại như thế sẽ cho thấy các niềm tin, truyền thống và thực hành của chúng ta khác nhau ra sao. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của mình, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy rõ hơn những gì chúng ta có chung với nhau. Và sẽ mở ra những lộ trình mới cho việc trọng lẫn nhau, hợp tác và hữu nghị thực sự”.
“Những phát triển tích cực như vậy trong các mối quan hệ liên tôn và đại kết mang một ý nghĩa đặc biệt và cấp bách ở Sri Lanka. Quá nhiều năm rồi người dân của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột xã hội và bạo lực. Điều cần thiết lúc này là chữa lành và đoàn kết, không còn xung đột và chia rẽ nữa. Chắc chắn việc thúc đẩy chữa lành và đoàn kết là một nhiệm vụ cao quý đó và là phận sự của tất cả những ai mang trong lòng mình lợi ích của quốc gia, và thực sự là của cả gia đình nhân loại. Tôi hy vọng rằng sự hợp tác liên tôn và đại kết sẽ chứng tỏ rằng để sống hoà hợp với anh chị em mình không cần phải từ bỏ căn tính sắc tộc hay tôn giáo của mình”.
“Có biết bao cách thức để các tín đồ của các tôn giáo khác nhau có thể thực hiện công việc này! Có biết bao nhu cầu phải được chăm sóc bằng thứ dầu chữa lành của tình liên đới huynh đệ! Đặc biệt tôi nghĩ đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người nghèo, người cùng khốn, những người cần một lời an ủi và hy vọng. Ở đây tôi cũng nghĩ đến nhiều gia đình vẫn còn thương tiếc những người thân yêu của họ đã mất đi”.
“Trên hết, vào thời điểm này của lịch sử đất nước quý vị, có biết bao người thiện chí đang tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức của toàn xã hội! Mong sao tinh thần hợp tác ngày càng gia tăng giữa các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau được thể hiện nơi việc dấn thân hoà giải mọi người dân Sri Lanka trong từng nỗ lực đổi mới xã hội và các cơ cấu của xã hội. Muốn có hoà bình, không bao giờ được lợi dụng niềm tin tôn giáo để biện minh cho bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát trong việc đòi hỏi các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hoà bình và chung sống có nơi mỗi tôn giáo, và lên án những hành vi bạo lực khi chúng xảy ra”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của mọi người và bày tỏ mong muốn cuộc gặp gỡ huynh đệ này “giúp tất cả chúng ta thêm vững mạnh khi nỗ lực sống hoà hợp và toả lan ân phúc bình an”. (VIS)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)