MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tin vui từ Thạnh Mỹ

Đã từ lâu lắm và cũng có thể là chưa bao giờ, vùng đất thị trấn Thạnh Mỹ có ngày vui của cộng đoàn Công giáo như hôm nay. Hai Cha mới, Gioan Nguyễn Hoàng Long và Gioan Baotixita Trần Văn Thọ thuộc Cộng đoàn Thừa sai Mẹ Thiên Chúa về dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại ngôi nhà nguyện nhỏ mất hút trong núi tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam – ngày xưa gọi là huyện Giằng, cách thành phố Đà Nẵng 60 km về hướng Tây.
Vùng đất này, trong chiến tranh và mấy chục năm sau chiến tranh, có thể nói là “vùng trắng”, hoàn toàn thiếu bóng dáng linh mục và ngay cả giáo dân. Từ khi đường Trường Sơn được nâng cấp và nối liền với quốc lộ 1, vùng núi tỉnh Quảng Nam bắt đầu phát triển, các khu dân cư nhanh chóng hình thành, dân chúng từ Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An vào lập nghiệp. Từ năm 2003, hai huyện Hiên và Giằng được tách thành 3 huyện mới: Đồng Giang, Tây Giang và Nam Giang, trung tâm của các huyện miền núi này ngày càng phát triển, đặc biệt là thị trấn Khâm Đức của huyện Phước Sơn, thị trấn Thạnh Mỹ của huyện Nam Giang, thị trấn Prao của huyện Đông Giang.

Giáo họ Thạnh Mỹ vì thế cũng được hình thành, và giáo dân sống rải rác vùng Khâm Đức, Prao, Sông Kôn, Trung Mang, A Ting cũng bắt đầu được qui tụ. Từ năm 2005, Giáo xứ Hoằng Phước được chính thức tái lập với Giáo họ Thạnh Mỹ trực thuộc. Năm 2012, hai Giáo xứ Việt An và Đông Vinh cũng được thiết lập. Cha Quản xứ Việt An kiêm nhiệm mục vụ huyện Phước Sơn và Cha Quản xứ Đông Vinh chăm sóc mục vụ hai huyện Đông Giang và Tây Giang.

Bản đồ mục vụ truyền giáo miền Tây Giáo phận Đà Nẵng giáp Vương quốc Lào dần dần được hình thành rõ nét, với sự quan tâm của các cấp Chính quyền địa phương để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, cũng như sự nhiệt thành quán xuyến của các Cha và giáo dân các giáo xứ liên hệ. Việc phong chức linh mục cho hai tu sĩ thuộc Cộng đoàn Thừa sai Mẹ Thiên Chúa cũng nằm trong chương trình phục vụ cho anh chị em giáo dân định cư ở vùng đất mênh mông hoang sơ này, và phần nào cũng chung tay xây dựng cuộc sống người dân nơi đây.

Sau Thánh lễ truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng ngày 04/8, vào ngày 08/8, hai Cha mới Gioan và Gioan Baotixita về dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại Giáo họ Thạnh Mỹ. Giáo xứ Hoằng Phước và giáo dân từ hai huyện Hiên Giằng núi non hiểm trở ngày xưa, nay nhờ hệ thống đường Trường Sơn kết nối, đã tập trung về Nhà thờ họ đạo Thạnh Mỹ để cùng Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, các linh mục trong Giáo phận, Tu sĩ nam nữ, cách riêng là hai Cha mới và thân hữu, cũng như quý quan khách đạo đời, hiệp mừng và tạ ơn cùng với Giáo phận và hai Tân chức.

Niềm vui hôm nay không chỉ dành riêng cho người Công giáo, còn cho vùng núi quê hương xa xôi đang gọi mời này. Bà con lương dân và nhất là đại diện Chính quyền Mặt trận địa phương tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đại Lộc, xã Đại Hồng kế cận cũng đến dự lễ, chung vui và tặng quà cho hai Tân Linh mục. Anh Hòa, một giáo viên Công giáo, đại diện cho giáo dân Giáo họ Thạnh Mỹ đã phát biểu trong bài chào mừng: “Cả trong giấc mơ, chúng con cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến ngày hôm nay”.

Chủ sự phần Phụng vụ Lời Chúa lễ Thánh Linh mục Đaminh hôm nay, Đức Giám mục Giáo phận đã nhắc lại lời tiên tri Isaia trong bài đọc thứ I với giọng tràn ngập cảm xúc: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ…” (Is 52,7). Ngài cũng nhắc lại lời Thánh Phaolô trong thư gửi cho môn đệ Timôtê trong bài đọc II, “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2), và chia sẻ niềm xác tín với cộng đoàn phụng vụ: “Đây là lúc thuận tiện. Đây là ngày cứu độ”. Đặc biệt hướng về các quan chức Chính quyền hiện diện, Ngài nhắc đi nhắc lại một câu trong Tin Mừng Thánh Mathêu hôm nay: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được” (Mt 5,14b). Ngài chia sẻ cho mọi người rằng việc “lên núi” của Giáo Hội không phải để làm điều gì tăm tối hay bất chính, vì “một thành xây trên núi không tài nào che giấu được”, nhưng để “đem ánh sáng đến cho trần gian”. Ngài minh xác với mọi người: “với sự hiện diện của linh mục, với sinh hoạt đạo đức thường xuyên trên núi này, tôi bảo đảm là người dân sẽ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn”.

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Tân, cùng cộng đoàn với hai Tân chức, đã đại diện anh em nói lên lời cám ơn Thiên Chúa và tri ân mọi người.

Thánh Lễ Tạ Ơn được kết thúc bằng tiệc vui được tổ chức trên lưng chừng đồi, nơi ở của anh em cộng đoàn bằng các gian nhà “tiền chế” đơn sơ. Lời chúc mừng chen lẫn trong tiếng nói tiếng cười và tiếng hát tiếng cồng chiêng làm rung động núi rừng và lòng người.

Niềm vui nào rồi cũng qua đi, nhưng biến cố hôm nay đã nói lên bao điều và ươm gieo bao niềm hy vọng, đặc biệt là đời sống tôn giáo của đồng bào các dân tộc tại vùng núi thuộc Giáo phận Đà Nẵng.

Đức Giám mục Giáo phận trong lời cám ơn quý cấp Chính quyền đã đặt vấn đề thẳng thắn: cuộc lễ hôm nay là một đóng góp và bổ túc nho nhỏ của Giáo hội Công giáo vào Quyết định số 2905/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ký ngày 24/9/2013 về “phê duyệt đề án phát triển khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020”. Văn kiện không nói gì đến tôn giáo, nhưng một khi nhu cầu tinh thần và tôn giáo của người dân được Chính quyền quan tâm đáp ứng như Hiến pháp minh định, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ được hạnh phúc hơn, làm nền tảng chắc chắn cho việc phát triển các lãnh vực khác trong đời sống xã hội.

Ước mong ngọn lửa ấm áp của Thạnh Mỹ hôm nay sẽ được nhen nhúm và lan rộng trên vùng núi cao một thời ám khí chiến tranh, nay đượm thắm tinh thần hòa bình.


Bài: BTTGP - Hình : Caritas GPĐN

(Nguồn: GPĐN)