MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo hoàng cộng sản?

Bạn đọc: Nhân chuyến thăm ba nước châu Mỹ Latinh (Ecuador, Bolivia, Paraguay) của Giáo hoàng Francis vừa qua (từ 5 đến 13 tháng 7), trong bài “Hàng trăm nghìn giáo dân chào đón Giáo hoàng thăm Bolivia”, Vietnam+ ngày 11-7-2015 đã viết: “Cùng ngày (9-7-2015 - Người hỏi), người đứng đầu Tòa thánh Vatican đã tiếp các linh mục, dự lễ bế mạc Hội nghị các phong trào xã hội và nhân dân thế giới. Tại hội nghị với sự tham gia của đại biểu đến từ 40 quốc gia diễn ra tại Santa Cruz, Giáo hoàng thay mặt nhà thờ xin lỗi các giáo dân về những tội ác mà chế độ thực dân đã gây ra với các dân tộc bản địa châu Mỹ những thế kỷ trước.” Xin cho hỏi: Tại sao Giáo hoàng lại xin lỗi thay cho chế độ thực dân? Xin cảm ơn ông. Đào Đình Thông (Cầu Giấy, Hà Nội)

Học giả An Chi: Đoạn văn 84 chữ trên đây của Vietnam+ có hai cái sai. Thứ nhất, từ lâu tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân đã nhất trí dịch “Church” (tiếng Anh), “Eglise” (tiếng Pháp) và “Iglesia” (tiếng Tây Ban Nha), với “c” hoa (C), “é” hoa (E) và “i” hoa (I) thành “Giáo hội” chứ không phải “Nhà thờ.” “Nhà thờ” thì dùng để dịch các từ trên khi viết với “c” thường, “é” thường và “i” thường và nhà thờ thì … có vô số chứ Giáo hội (Công giáo) thì chỉ có một. Thứ hai là Đức Giáo hoàng chẳng có lý do “danh chánh ngôn thuận” nào để thay mặt cho chế độ thực dân mà xin lỗi bất cứ ai cả. Tại Hội nghị các phong trào xã hội và nhân dân thế giới ỏ Santa Cruz (Bolivia) chiều 9-7 vừa qua, Ngài còn phê phán và lên án nó nữa chứ làm gì có chuyện xin lỗi thay cho nó. Thì đây, Ngài đã nói:

“Chủ nghĩa thực dân, mới và cũ, khiến các nước nghèo trở thành những nguồn chuyên cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ; [điều này] sản sinh bạo lực, nghèo đói, di cư ngoài ý muốn và tất cả mọi nỗi bất hạnh đi đôi với nó. Chính vì sử dụng vùng ngoại vi cho lợi ích của trung tâm mà chủ nghĩa thực dân khước từ quyền phát triển lẽ ra phải có của các nước đó. Đó là sự bất công và sự bất công sinh ra bạo lực mà không có sự trợ giúp nào của cảnh sát, quân đội hay tình báo có thể chấm dứt được.

Chúng ta hãy khước từ các hình thức cũ hoặc mới của chủ nghĩa thực dân. Chúng ta hãy ủng hộ sự gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Chân phúc cho những người kiến tạo hòa bình.”

Chẳng những Ngài đã nói như thế chiều ngày 9-7 tại Santa Cruz, mà trước đó, tại Cuộc gặp gỡ các phong trào nhân dân (trên) thế giới ở Roma, ngày 28-10-2014, Ngài cũng đã nói:

“Cuộc gặp gỡ này của các phong trào nhân dân là một dấu hiệu, một dấu hiệu trọng đại: các bạn đến để trình bày trước Chúa, trước Giáo hội, và trước những con người, một thực tế thường bị lờ đi. (Thực tế đó là) người nghèo chẳng những phải hứng chịu sự bất công mà họ còn đấu tranh chống lại nó. Họ đâu có hài lòng với những lời hứa hão huyền, những lời xin lỗi, những thủ đoạn tráo trở. Họ cũng không khoanh tay chờ đợi sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, của những chương trình cứu trợ hoặc của những giải pháp không bao giờ đến còn nếu nó có đến thì cũng chỉ nhằm hoặc ru ngủ, hoặc thuần phục mà thôi và điều này thì còn nguy hiểm hơn. Các bạn cảm nhận được rằng người nghèo không chờ đợi nữa và muốn trở thành những người chủ lực; họ tự tổ chức, nghiên cứu, hoạt động, yêu sách và nhất là thực hiện sự đoàn kết đặc biệt tồn tại giữa những ai đau khổ, giữa những người nghèo mà nền văn minh của chúng ta có vẻ như đã lãng quên, hoặc ít nhất cũng rất muốn quên đi.”

Rồi Ngài tố cáo:

“Người ta không thể đối đầu với sự điếm nhục về nạn nghèo đói bằng cách xúc tiến những chiến lược kiểm soát; (điều này) chỉ nhằm xoa dịu và biến người nghèo thành những kẻ bị thuần phục và vô hại. Thật đáng buồn mà thấy rằng, đằng sau những việc từ thiện được coi như là vị tha, người ta lại đẩy kẻ khác vào thế bị động, người ta chối bỏ kẻ khác, hoặc tệ hơn, đằng sau nó là những việc làm ăn và những tham vọng cá nhân: Đức Jesus gọi đó là những thói đạo đức giả. Ngược lại, thật là đẹp khi được thấy dân chúng đang chuyển động thành những phong trào, nhất là những thành viên nghèo nhất và trẻ nhất của nó. Ở đó, ta thực sự cảm nhận được ngọn gió của sự hứa hẹn (nó) thổi bùng lên niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Cầu cho ngọn gió đó trở thành bão táp của hy vọng. Đó là ước nguyện của tôi.”

Chính vì quan điểm của Ngài là như thế mà có một số kẻ đã cho rằng Ngài là Giáo hoàng… cộng sản và tại đất nước “Cờ Hoa” - xứ sở của xã hội tiêu thụ “nom-bờ-oan” - thì sự kính mộ đối với Ngài cũng suy giảm ít nhiều. Radio Vatican ngày 13-1-2015 đã ghi lại lời giải thích của Ngài như sau:

“Sự quan tâm đến người nghèo đã có trong sách Phúc Âm và trong truyền thống của Giáo hội; đây không phải là một sự phát minh của chủ nghĩa cộng sản và ta không nên biến nó thành ý thức hệ (…) Giáo hội mời gọi người ta khắc phục tệ toàn cầu hóa thói thờ ơ; Giáo hội không dính dáng đến lợi ích chính trị nào và ý thức hệ nào (…) Giáo hội muốn hiến dâng sự đóng góp của mình vào việc xây dựng một thế giới trong đó người ta che chở và chăm sóc lẫn nhau.”

Đức Francis đã nói như thế và chính vì muốn tránh mọi sự hiểu nhầm mà ngay từ đầu cuộc nói chuyện chiều ngày 9-7, Ngài đã xác định:

“Trước nhất, chúng ta hãy bắt đầu thừa nhận rằng mình đang cần một sự thay đổi. Tôi muốn nói cho rõ ràng để tránh những sự hiểu lầm; tôi đang nói về những vấn đề chung cho tất cả những người Mỹ La tinh và nói chung, cho toàn thể nhân loại. Những vấn đề (đó) có một căn nguyên toàn cầu mà ngày nay không có bất cứ quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được. Sau khi đã nói rõ như trên, tôi đề nghị chúng ta hãy đặt những vấn đề sau đây:

- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy trong một thế giới mà có không biết bao nhiêu là nông dân không có đất, không biết bao nhiêu là gia đình không có mái nhà, không biết bao nhiêu là người lao động không có quyền lợi, không biết bao nhiêu là con người mà nhân phẩm bị tổn thương?

- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy khi mà bao nhiêu cuộc chiến tranh phi lý đang nổ ra và bạo lực huynh đệ tương tàn đang xâm nhập vào khu dân cư của mình?

- Chúng ta có thừa nhận hay không rằng mọi việc đều không trôi chảy khi mà đất, nước, không khí và mọi sinh vật của Đấng Sáng tạo đều bị đe dọa thường xuyên?

Nếu đúng là như vậy thì, tôi nhấn mạnh, chúng ta hãy nói lên mà không sợ sệt: Chúng tôi cần một sự thay đổi, một sự thay đổi thật sự, một sự thay đổi của các cấu trúc. Ta không thể chấp nhận thêm nữa cái hệ thống đó, nông dân không chấp nhận nó, người lao động không chấp nhận nó, các cộng đồng không chấp nhận nó, các dân tộc không chấp nhận nó.”

Và chính là trên tinh thần đó mà chiều 9-7 tại Santa Cruz, Ngài đã nói:

“Ở đây, tôi muốn dừng lại [để nói] về một đề tài quan trọng. Vì có thể có người sẽ nói một cách có lý rằng “khi giáo hoàng nói về chủ nghĩa thực dân thì ông ta quên mất đi một số hành động của Giáo hội.” Với nỗi khổ tâm, tôi xin nói với họ: Nhân danh Chúa, những tội lỗi nghiêm trọng, mà cũng không ít, đã được thực hiện đối với các dân tộc bản địa châu Mỹ. Các vị tiền nhiệm của tôi đã thừa nhận điều này, CELAM (Hội đồng Giám mục Mỹ La tinh) đã nói đến và tôi cũng muốn nói đến điều này. Giống như Thánh John-Paul II, tôi cũng yêu cầu Giáo hội quỳ xuống trước Chúa và cầu khấn để được tha thứ về những tội lỗi đã qua và hiện nay của những đứa con của Người.

Và tôi cũng muốn nói, tôi muốn mình (nói) thật rõ ràng, như Thánh John-Paul II: - Tôi khiêm tốn xin lỗi, không chỉ vì những sự xúc phạm của chính Giáo hội, mà còn về những tội ác đối với các dân tộc bản địa trong suốt thời kỳ gọi là công cuộc chinh phục châu Mỹ nữa.”

Cứ như trên và nếu hiểu một cách tế nhị, thì trong công cuộc chinh phục châu Mỹ, đã có sự thông đồng của Giáo hội Công giáo Roma. Đấy Đức Francis xin lỗi là xin lỗi về những chuyện như thế chứ đâu có chính thức nhân danh chế độ thực dân mà xin lỗi.

An Chi

(Nguồn: Năng lượng Mới 444)