MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô, một ngôn sứ cho mọi việc được thành sự

Tuần trước, tôi trở về nhà sau khi thăm vài người bạn ở Philadelphia, nơi các viên chức thành phố vừa tuyên bố các tiêu chuẩn an ninh mới cho chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 9 này.

Một hàng rào mới được dựng lên quanh bãi cỏ lớn của quảng trường trung tâm thành phố, nơi Đức Giáo hoàng sẽ xuất hiện.

Xe máy không được phép đi lại trong phạm vi này, gây nhiều khó khăn cho các công dân thành phố và những người giao đồ ăn nữa. Vé giao thông công cộng giờ khó kiếm như xổ số và chắc là nhiều người sẽ phải đi bộ đường dài. Mọi trường học và văn phòng chính quyền sẽ đóng cửa.

Ngay cả khi người dân Philadelphia là những người Công giáo nhiệt thành nhất, tôi vẫn tự hỏi không biết những phiền toái này có làm giảm nhiệt tình của họ hay không. Trong khi các chuẩn bị thấu đáo về an ninh là điều cần thiết trong một thế giới từng trải qua vụ 11/9, thì có vẻ như họ đang có khuynh hướng thúc đẩy một kiểu ‘thần tượng giáo hoàng’ đáng buồn.

Nhưng mặt khác, nếu có giáo hoàng nào xứng đáng được tung hô, thì đó chắc chắn là Đức Phanxicô.

Giáo hoàng của chúng ta là một con người mục vụ lạ thường, với nhiệt tâm dành cho những người ngoài rìa xã hội và muốn chúng ta dùng tài sản giáo hội để lo cho họ.

Nhưng ngài còn hơn một mục tử nữa.

Đức Phanxicô là một sự kết hợp giữa người ngôn sứ và người điều hành khôn ngoan, các đặc tính hiếm khi có cả hai trong một con người.

Đức Phanxicô là ngôn sứ lên án một chủ nghĩa tư bản vô lương tâm, bóc lột môi trường, và chai đá làm ngơ những người di dân tuyệt vọng.

Trong giáo hội, ngài thách thức các giáo sỹ hãy vứt đi lớp vỏ xa hoa và phải khao khát ‘mang lấy mùi của chiên.’

Những việc ngài làm để phân quyền các quyết định mục vụ, và tăng cường cho các hội đồng giám mục địa phương, đã tạo nên một thời khắc Magnificat ‘hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người thấp hèn.’ (Lc 1, 46-56) Và chuyện này đến vào thời điểm quyền lực giáo hội đang tập quyền về Vatican hơn bao giờ hết.

Những việc ngài làm phản ánh lý tưởng mang tính ngôn sứ của Lời Chúa.

Nhưng để những lý tưởng ngôn sứ được thực sự thực hiện lại là chuyện khác.

Và Đức Phanxicô xuất hiện, một nhà điều hành với lý lịch cho đến nay nổi bật về sức lay chuyển và thực hiện.

Một biểu hiện là quá trình làm sạch sẽ ngân hàng Vatican. Trong nhiều thế kỷ, ngân hàng Vatican đã bí mật chuyển các khoản, đôi khi hợp luật, cho các dòng tu đang cần lo lót cho các nhà nước tham nhũng để tạo thuận lợi cho việc chăm lo người nghèo và người bị bóc lột.

Nhưng, quá thường xuyên, là chuyện các bàn tay ám muội lợi dụng ngân hàng để rửa những đồng tiền máu, và trốn thuế.

Sau vụ 11/9, các ngân hàng thế giới không còn làm việc với bất kỳ ngân hàng nào không minh bạch.

Nhưng ngân hàng Vatican vẫn cho thấy sự ngoan cố chống lại mọi cải tổ. Cuối cùng, ngân hàng Ý quốc phải ra lệnh cho các chi nhánh của mình loại bỏ hết các tài khoản của Vatican. Ngày 01/1/13, ngân hàng Deutsche của Đức đã đóng cửa tất cả máy ATM và thẻ tín dụng ở Vatican, cho dù việc này khiến họ mất đi doanh thu 40.000 eurô một ngày.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã cố gắng cải tổ ngân hàng Vatican, nhưng đều bị phá hoại do tay các thuộc cấp ích kỷ, hay có thể nói là tham lam. Ngài thoái vị vài tuần sau tuyên bố của ngân hàng Deutsche.

Rồi Đức Phanxicô đến, được bầu lên với một ủy lệnh là làm sạch ngân hàng, dựa vào các hồng y nằm ngoài một giáo triều đấu đá và tham nhũng.

Ngài mở đầu bằng việc cắt đi khoản thưởng thường niên 25.000 euro dành cho 5 hồng y giám sát của ngân hàng. Rồi ngài đưa vào các cố vấn điều hành, bao gồm cả một bà mẹ của 7 người con, Elizabeth McCaul. Từng là giám sát các ngân hàng tiểu bang New York, bà McCaul đã giúp ổn định ngành công nghiệp nhà băng sau vụ tấn công 11/9.

Là thành viên của nhóm tài chính Promontory, bà đã đưa 25 chuyên viên giám sát đến Vatican với mục tiêu là xem xét lại từng tài khoản một. Các cố vấn tìm thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm việc không áp dụng các quy trình nghiêm ngặt, thiếu kiểm soát về tiền mặt, và thiếu minh bạch bởi không rõ ai là người thực sự kiểm soát nhiều tài khoản trong ngân hàng.

Sau khi các chuyên gia tài chính đệ lên các kiến nghị của mình, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Hồng y người Úc George Pell trông coi tài chính Vatican. Hồng y Pell đã thành công trong việc chỉnh đốn hệ thống tài chính ở tổng giáo phận Melbourne và Sidney. Ngài cũng là một trong 9 hồng y cố vấn của Đức Phanxicô.

Dù được trao quyền lực rất lớn, hồng y Phanxicô vẫn phải chịu trách nhiệm giải trình với một hội đồng cố vấn, mà chủ tọa là môt thành viên khác trong nhóm G9 của Đức Phanxicô, hồng y Reinhard Marx, tổng giám mục Munich.

Trong khi hồng y Pell nổi tiếng là bảo thủ, thì hồng y Marx lại có khuynh hướng tự do, điều này thể hiện khả năng phi thường của Đức Phanxicô trong việc tách riêng và cân bằng các quyền lực trong Vatican.

Cho dù nhiều người cố gắng hạ uy tín của hồng y Pell, Đức Phanxicô vẫn tin tưởng ủng hộ các cải cách của ngài.

Nếu ngân hàng Vatican là ví dụ thứ nhất, thì ví dụ thứ hai về một Đức Phanxicô ngôn sứ/ điều hành, chắc chắn là tông thư Laudato Si, lời kêu gọi can đảm của ngài về tình yêu mến và bảo vệ trái đất trong một thời đại biến đổi khí hậu trầm trọng.

Do bởi tông thư Laudato Si, mà các giáo phận và tổ chức Công giáo ở Hoa Kỳ, phải xem xét rút vốn hàng triệu mỹ kim đã đầu tư vào ngành khai thách khoáng sản hóa thạch. Một năm trước, Đại học Dayton của Dòng Đức Bà đã hứa là rút vốn khỏi các công ty dầu lửa. Vào tháng 6 vừa qua, một chiến dịch do các sinh viên khởi xướng đã thuyết phục Đại học Georgetown tuyên bố từ nay không còn đầu tư trực tiếp vào các công ty khai thác than nữa.

Tổng giáo phận Chicago mới đây đã cho Reuters biết là mình đang xem xét lại 100 triệu mỹ kim đầu tư vào ngành khai khoáng hóa thạch.

Ken Hackett, đại sứ Hoa Kỳ ở Vatican, tin rằng buổi hội kiến của tổng thống Obama với Đức Phanxicô hồi tháng 3, 2014 đã thêm động lực cho quyết định hôm 03 tháng 8 vừa qua nhằm giảm 32% khí thải carbon cho đến năm 2030.

Có lẽ cũng không phải tình cờ khi Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu GCCM vừa khai mạc ở Phi Luật Tân, với sự chủ trì của hồng y Luis Antonio Tagle hôm 07-7, chỉ 3 tuần sau khi tông thư Laudato Si của Đức Giáo hoàng được phát hành.

Hồng y Tagle được Đức Phanxicô yêu mến, và cũng là một nhân vật có tầm đại chúng lớn. Mới đây, Đức Giáo hoàng đã bổ nhiệm hồng y Tagle làm một trong 3 đồng chủ tịch của Hội đồng sắp tới về Gia đình.

Khởi xướng mới của GCCM là một liên minh của 140 tổ chức Công giáo nhắm đến thu thập 1 triệu chữ ký trước thềm Hội nghị về khí hậu của Liên hiệp quốc tổ chức tại Paris vào tháng 11 này. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tán thành chiến dịch thỉnh nguyện thư này khi ngài gặp các đại diện của phong trào hồi tháng 5 tại Vatican.

Để chung lòng với tuyên bố của Đức Phanxicô muốn ngày 01/9 thành ‘Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm lo Tạo vật,’ GCCM đã mở các hoạt động và buổi cầu nguyện, nhằm nâng cao nhận thức và ủng hộ.

Với sự giúp đỡ của các hồng y cùng chí hướng như Tagle, Đức Phanxicô hiện nay đang khéo léo liên kết các phong trào bình dân ủng hộ ưu tiên hàng đầu của triều giáo hoàng của ngài.

Có lẽ trong số những thành tựu của Đức Phanxicô, chúng ta nên thêm vào danh xưng ‘người tổ chức cộng đồng’ nữa.

Tôi chắc là tổng thống Obama thực sự thích điều này.

Với hai người, chúng ta có thể truyền hứng khởi cho những người dân thường trên khắp trái đất để tôn vinh và bảo vệ ngôi nhà chung đẹp đẽ của chúng ta.

Xơ Christine Schenk, thuộc dòng Con cái Thánh Giuse, là y tá hộ sinh phục vụ các gia đình thành thị trong suốt 18 năm, sau đó xơ đồng sáng lập tổ chức Giáo hội Tương lai, và phục vụ suốt 23 năm qua. Xơ có bằng cử nhân điều dưỡng và thần học.

Sr. Christine Schenk (National Catholic Reporter Aug. 20, 2015) / J.B. Thái Hòa chuyển dich

(Nguồn: phanxico.vn)