Điều gì khiến cha ngạc nhiên về Hoa Kỳ, và những gì cha thấy khác với những gì cha từng hình dung về điểm nào? Giáo hội Hoa Kỳ đang đối diện với thách thức nào?
Đây là lần đầu tiên tôi đến đây. Tôi chưa ở đây lần nào. Tôi ngạc nhiên vì sự nồng hậu của người dân, mọi người quá thân thiện, thật là đẹp, và có đôi chút khác biệt, khi ở Washington, tôi được đón tiếp nồng hậu nhưng hình thức nghiêm trang, còn New York thì sự nồng hậu tuôn tràn và Philadelphia, thì mọi người đều tràn đầy cảm xúc. Đây là ba dạng khác nhau của sự chào đón. Tôi xúc động trước sự tốt lành và lòng hiếu khách mọi người đã dành cho tôi, và cũng xúc động bởi sự sốt mến trong các buổi phụng vụ, bạn có thể thấy mọi người cầu nguyện thế nào rồi đấy. Tạ ơn Chúa vì mọi chuyện tốt đẹp, không có khiêu khích, lăng mạ, không có chuyện gì phức tạp xảy ra. Thách thức của Giáo hội Hoa Kỳ là, chúng ta phải tiếp tục làm việc với các tín hữu như lâu nay đã làm, trong những thời điểm vui mừng cũng như khó khăn. Nếu như không làm việc, là đổ bệnh đấy. Thách thức ngày nay, cũng là thách thức mà Giáo hội luôn phải đối diện, đó là gần gũi với người dân Hoa Kỳ. Đừng xa cách, nhưng hãy gần gũi dân. Và đây là một thách thức mà Giáo hội Hoa Kỳ đang nhận thức rất rõ.
Ở Philadelphia có những thời điểm rất khó khăn liên quan đến tai tiếng xâm hại tình dục. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy trong bài diễn văn với các giám mục ở Washington, cha đã có những lời an ủi với Giáo hội Hoa Kỳ. Cha có thấy cần phải tỏ lòng cảm thông với các giám mục không?
Ở Washington, tôi nói chuyện nhắm đến tất cả các giám mục ở Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy cần phải bày tỏ sự cảm thông của tôi với các ngài, bởi đã có một chuyện khủng khiếp xảy ra, và nhiều người đã phải chịu đựng rất nhiều bởi họ không biết gì về chuyện đó, và khi tất cả mọi chuyện ập đến, họ phải đau khổ rất nhiều, họ là những con người của Giáo hội, con người của cầu nguyện, những mục tử đích thực. Tôi dùng một từ trong sách Khải Huyền mà nói với các ngài: Tôi biết các cha đã đi qua gian truân lớn. Những gì đã xảy ra là một cuộc gian truân thử thách. Rồi còn những từ tôi nói với những người bị xâm hại: Đây như là một sự phạm thượng! Sự xâm hại này xảy ra ở mọi nơi, trong gia đình, trong hàng xóm, ở trường học, trong phòng tập. Nhưng khi một linh mục phạm tội xâm hại này, thì đây thực sự là chuyện rất nghiêm trọng, bởi ơn gọi của linh mục là dạy dỗ cho cô bé cậu bé đó yêu mến Thiên Chúa, để các em lớn lên thành những người tốt. Nhưng người đó đã tàn phá các em bằng sự dữ này, và phản bội ơn gọi của mình, phản bội tiếng Chúa. Những người trong Giáo hội mà che đậy cho những vụ xâm hại, cũng có tội, và trong đó có cả các giám mục. Thật là khủng khiếp, và thông điệp tôi muốn nói qua những lời với các giám mục không phải là kiểu: đừng có lo, không có gì đâu. Không phải. Mà ý là: Đây là một chuyện khủng khiếp, tôi hình dung các cha đã phải khóc rất nhiều vì chuyện này.
Với giám mục Hoa KỳCha nói rất nhiều về sự tha thứ. Có nhiều linh mục không xin tha thứ khi bị đưa ra ánh sáng vụ việc xâm hại. Cha có tha thứ cho họ không. Và cha nghĩ gì về các gia đình không sẵn sàng để tha thứ cho chuyện này?
Khi một người phạm một hành động tội lỗi, họ ý thức về những gì mình đã làm, và lại không xin tha thứ. Thì tôi xin Chúa nhận lấy người đó, tôi tha thứ cho người đó, nhưng chính bản thân người đó không đón nhận sự tha thứ này bởi đang khép kín. Tất cả chúng ta có trách nhiệm tha thứ bởi tất cả chúng ta đều được tha thứ. Đón nhận sự tha thứ là một chuyện khác. Nếu một linh mục cứ khép kín, thì người đó không nhận lấy sự tha thứ, bởi đã khóa cửa linh hồn mình từ bên trong. Tât cả những gì chúng ta có thể làm là xin Thiên Chúa mở cánh cửa đó ra. Không phải ai cũng có thể đón nhận sự tha thứ, cũng không phải tất cả đều biết cách đón nhận hay sẵn sàng đón nhận. Điều này giải thích lý do vì sao người ta chấm hết cuộc đời trong đường sự dữ và không thể cảm nhận sự ân cần âu yếm của Thiên Chúa.
Tôi hiểu việc các gia đình không thể tha thứ cho chuyện này. Tôi cầu nguyện cho họ, tôi không phán xét ho. Tôi hiểu họ. Có một bà từng nói với toi rằng, khi mẹ con nhận ra là con bị xâm hại, mẹ nguyền rủa Thiên Chúa, mẹ mất đức tin và trở thành người vô thần. Tôi hiểu bà ấy. Và Thiên Chúa, Đấng tốt lành tột bậc, hiểu bà ấy. Tôi chắc rằng Thiên Chúa đã nhận lấy bà này, bởi chính máu thịt của bà, thân xác của con gái bà bị xâm hại. Tôi không phán xét những ai không thể tha thứ. Nhưng Thiên Chúa, Ngài là Đấng giỏi nhất trong việc tìm ra cách để tha thứ.
Chúng ta nghe nhiều về chuyện tiến trình hòa bình cho Colombia. Bây giờ, đã có một thỏa ước lịch sử giữa chính phủ Colombia và phiến quân FARC. Cha có thấy mình có phần trong thỏa ước này hay không?
Khi tôi nghe tin rằng vào tháng 3, hòa ước sẽ được ký, tôi nói với Chúa, ‘Lạy Chúa, xin giúp chúng con sớm đến tháng 3.’ Thiện chí này đến từ hai bên. Chính ở đó, ngay cả trong một nhóm nhỏ, mọi người đồng thuận với nhau. Chúng ta phải đạt được tháng 3 này, phải đạt được hòa ước chắc chắn cuối cùng, là điểm biểu lộ công lý quốc tế. Tôi rất hạnh phúc và tôi cảm thấy như mình có phần trong đó, bởi tôi luôn ước muốn có việc này. Tôi đã nói với tổng thống Santos (của Colombia) hai lần về vấn đề này, và không chỉ tôi, mà cả Tòa Thánh cũng hướng về việc này. Tòa Thánh, chứ không chỉ riêng tôi, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và làm những gì có thể.
Cha cảm thấy thế nào khi máy bay cất cánh khỏi đất nước mà cha vừa viếng thăm?
Nói thật lòng, khi máy bay cất cánh sau chuyến viếng thăm, tôi thấy nhiều gương mặt lướt qua trước mắt mình, và tôi cảm thấy thúc giục phải cầu nguyện cho họ và nói với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, con đến đây để làm vài việc, để làm tốt, có lẽ con đã làm chuyện gì đó sai, xin Chúa tha thứ cho con, nhưng xin bảo vệ tất cả những người đã gặp con, những người suy nghĩ về những gì con nói, những người lắng nghe con, ngay cả những người chỉ trích con.’
Con muốn hỏi cha về cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu: nhiều nước đang lắp đặt hàng rào kẽm gai nơi đường biên giới. Cha phải nói gì về việc này?
Bạn vừa nhắc đến từ ‘khủng hoảng.’ Chuyện này đã trở thành tình trạng khủng hoảng sau một quá trình kéo dài. Trong nhiều năm, quá trình này đã bùng phát, bởi chiến tranh mà những người này phải bỏ nhà chạy trốn, và đây là những cuộc chiến đã dấy lên trong nhiều năm. Nạn đói. Và là nạn đói trong nhiều năm. Khi tôi nghĩ về châu Phi, có lẽ hơi chút đơn giản hóa, tôi nghĩ đây như là ‘châu lục bị bóc lột.’ Đây là nơi người ta từng đến để bắt nô lệ, rồi lại đến để chiếm tài nguyên, và bây giờ là chiến tranh, vì lý do bộ lạc hay lý do khác. Nhưng những chuyện này xảy ra vì lợi ích kinh tế ẩn đàng sau. Và tôi nghĩ rằng, thay vì bóc lột một châu lục, hay một quốc gia, hãy nên đầu tư để người dân ở đó có công ăn việc làm. Làm được như thế sẽ tránh được cuộc khủng hoảng này.
Bạn hỏi tôi về các hàng rào chắn. Bạn biết chuyện gì xảy ra cho mọi bức tường không. Tất cả. Tất cả bức tường đều sụp đổ. Hôm nay, ngày mai, hay 100 năm nữa, chúng sẽ sụp đổ. Đây không phải là một giải pháp. Các bức tường không phải là một giải pháp. Ngay lúc này, châu Âu đang thấy mình lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, thật sự là như vậy. Chúng ta phải thông minh. Tìm giải pháp không phải là chuyện dễ. Nhưng đối thoại giữa các quốc gia có thể dẫn đến giải pháp. Các bức tường không bao giờ là một giải pháp. Nhưng cầu nối thì có, và luôn luôn là vậy. Những gì tôi nghĩ là, các bức tường tồn tại được một thời gian ngắn hay dài, nhưng chúng không phải là giải pháp. Vấn đề vẫn cứ còn đó, và thậm chí giải quyết kiểu như thế chỉ gây thêm lòng oán ghét mà thôi.
Về Hội đồng, chúng con muốn biết liệu trong tấm lòng mục tử, cha có thực sự muốn một giải pháp cho vấn đề li dị rồi tái hôn. Và liệu tự sắc của cha về việc thúc đẩy nhanh tiến trình tiêu hôn đã khép lại thảo luận này hay chưa. Cuối cùng, cha phản ứng thế nào với những người lo sợ rằng với sự cải cách này, sẽ tạo nên, một cách không chính thức, cái gọi là ‘li hôn của Công giáo’?
Với việc cải cách thủ tục tiêu hôn, tôi khép lại cánh cửa cho con đường hành chính, con đường mà việc li hôn có thể len lỏi vào. Những ai nghĩ rằng điều này tương đồng với ‘li hôn của Công giáo’, thì họ đã lầm, bởi văn kiện mới nhất này đã khép lại cánh cửa mà việc li hôn có thể len vào. Việc li hôn sẽ dễ hơn nhiều nếu theo lộ trình hành chính. Sẽ luôn luôn có lộ trình tòa án. Đa số các nghị phụ trong Hội đồng năm ngoái, đã kêu gọi tổ chức lại tiến trình này, bởi có những trường hợp phán xử đến 10 năm hoặc hơn. Có một phán quyết, rồi lại phán quyết khác, và sau đó là xin phúc thẩm, và lại phúc thẩm khác. Nó cứ triền miên không bao giờ dứt. Phán quyết đôi được đưa vào từ thời Đức Lambertini, Bênêđictô XIV, bởi ở Trung Âu, có một vài sự vi phạm, và ngài đưa điểm này vào để chặn đứng các vi phạm đó, nhưng đây không phải là một sự nhất thiết phải có. Thủ tục thay đổi, luật học thay đổi, trở nên tốt hơn. Tự sắc của tôi làm thuận tiện hóa cho tiến trình này, và cả về thời gian nữa, nhưng đây không phải là li hôn, bởi hôn nhân là bất khả phân ly khi được cử hành theo bí tích. Và Giáo hội không thể thay đổi điều này. Đây là giáo lý. Đây là bí tích bất khả phân ly.
Tòa án pháp lý là để chứng minh rằng, những gì có vẻ là bí tích lại không phải là bí tích, bởi thiếu sự tự do chẳng hạn, hay thiếu sự chính chắn, hay vì chứng bệnh thần kinh, hay vì rất nhiều lý do khác dẫn đến việc tiêu hôn, sau một cuộc nghiên cứu, một cuộc điều tra. Và kết luận là đó không phải là bí tích. Ví dụ như, khi người đó không tự do. Một ví dụ khác, dù bây giờ không phổ biến lắm, đó là ở một vài nơi, ít nhất là ở Buenos Aires, có những cuộc hôn nhân vì người phụ nữ lỡ mang thai, ‘con phải cưới thôi.’ Tôi kiên quyết khuyên các linh mục của tôi, và gần như ngăn cấm các cha, không được cử hành các lễ cưới thuộc tình trạng này. Chúng ta gọi đây là ‘cưới chạy.’ Họ cưới để giữ thể diện. Rồi đứa trẻ được sinh ra, và một số thì sống tốt với nhau, nhưng khi cưới, thì không có sự tự do. Nhiều người khác thì cuộc hôn nhân ngày càng tệ hơn, họ li thân và nói rằng: ‘Tôi bị buộc phải cưới, bởi vì chúng ta phải che đậy tình trạng này’ và như thế, đây là một lý do để tiêu hôn.
Còn về vấn đề cuộc hôn nhân thứ hai, nghĩa là những người li hôn, rồi có cuộc hôn nhân mới, thì hãy đọc Văn kiện Làm việc của Hội đồng. Với tôi, có vẻ hơi đơn giản hóa khi nói rằng giải pháp cho những người này là việc có thể cho họ được rước lễ. Nhưng, những người li dị rồi tái hôn không phải là vấn đề duy nhất, còn có vấn đề của các cặp tân hôn và những người trẻ không muốn lập gia đình. Một vấn đề khác nữa là sự chính chắn cảm xúc để kết hôn, là đức tin: ‘Liệu tôi có tin hôn nhân là vĩnh viễn hay không?’ Để làm linh mục, cần có 8 năm chuẩn bị, nhưng để kết ước cả đời với ai đó qua hôn phối, thì tất cả những gì cần chuẩn bị lại chỉ là 4 khóa học tiền hôn nhân. Nghĩ về cách nào để chuẩn bị cho hôn nhân, thật là chuyện khó khăn.
Nhưng ‘li hôn của Công giáo’ là chuyện không tồn tại. Tiêu hôn thì được, bởi sự liên kết đó chưa bao giờ tồn tại. Nhưng nếu có tồn tại, thì cuộc hôn nhân đó là bất khả phân ly.
Chúng con biết là cha đã đến thăm các Tiểu muội của Người nghèo, và chúng con cũng được nghe là cha muốn thể hiện sự nâng đỡ của mình cho trường hợp đi kiện của các xơ. Thưa Đức Thánh Cha, cha có ủng hộ các viên chức nhà nước, những người nói rằng họ không đúng lương tâm khi ký hôn thú cho những cặp đồng tính?
Tôi không nhắc lại mọi trường hợp cụ thể của việc cự tuyệt do bởi lương tâm. Nhưng những gì tôi có thể nói, cự tuyệt vì lương tâm là một quyền con người. Và nếu một người không cho phép người khác được cự tuyệt vì lương tâm, thì đó chính là bác bỏ quyền của họ. Cự tuyệt vì lương tâm phải có trong mọi cơ cấu pháp chế, bởi đây là quyền con người. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng là chúng ta tự mình quyết định xem quyền là thế nào, kiểu như, ‘quyền này có giá trị, quyền kia thì không.’ Khi còn nhỏ, tôi luôn xúc động khi đọc Hùng ca Roland, trong đó có đoạn những người Hồi giáo xếp hàng dài trước bình nước rửa tội hay thanh gươm đoạt mạng. Và họ phải chọn. Cự tuyệt vì lương tâm không phải là việc được cho phép hay không. Mà đây là quyền, và nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình, thì phải tôn trọng mọi quyền.
Tại Liên hiệp quốc, cha đã dùng một lối nói rất mạnh để lên án sự im lặng của thế giới trước nạn bách hại các Kitô hữu. Tổng thống Hollande đã bắt đầu cho ném bom quân ISIS ở Syria. Quan điểm của cha về việc này như thế nào?
Tôi có nghe chuyện này cách đây vài ngày, và tôi không hoàn toàn theo kịp tình hình hiện thời. Khi tôi nghe về những từ như ném bom, chết chóc, máu me, thì tôi xin lặp lại những gì đã nói trước Lưỡng viện và Liên hiệp quốc, đó là chúng ta phải tránh những điều này. Nhưng tôi không thể phán xét tình hình chính trị, bởi tôi không biết đủ về chuyện này.
Ignazio Marino, thị trưởng Roma, thành phố của Năm Toàn xá, nói rằng ông đến Đại hội Gia đình Thế giới vì cha đã mời ông …
Tôi không mời thị trưởng Marino, rõ ràng chứ? Và tôi cũng không bảo các nhà tổ chức mời ông. Ông đã tuyên xưng mình là người Công giáo, ông đến theo ý muốn của ông.
Con muốn hỏi cha một câu về mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, cũng như về tình hình nước này, vốn khá là khó khăn cho Giáo hội Công giáo. Quan điểm của cha về việc này như thế nào?
Trung Quốc là một nước lớn, đem lại cho thế giới một nền văn hóa vĩ đại, và quá nhiều điều tốt đẹp. Tôi từng nói trên chuyến bay ngang qua Trung Quốc, trên đường về từ Hàn Quốc, rằng tôi rất thích đến Trung Quốc. Tôi yêu người dân Trung Quốc, và tôi hi vọng sẽ có khả năng thiết lập quan hệ tốt đẹp. Chúng tôi đang liên lạc, nói chuyện, tiến tới. Nhưng với tôi, viếng thăm một đất nước thân thiện như Trung Quốc, với văn hóa phong phú và quá nhiều cơ hội là việc tốt, sẽ là một niềm vui.
Những lời của cha nói về các nữ tu ở Hoa Kỳ thật đánh động. Một số đang yêu cầu phong linh mục cho nữ giới. Chúng ta sẽ thấy các nữ linh mục trong Giáo hội Công giáo như trong các Giáo hội Kitô giáo khác chứ?
Các xơ ở Hoa Kỳ đã làm những điều tuyệt vời trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Người dân Hoa Kỳ yêu mến các xơ, tôi không biết họ mến các linh mục đến đâu nữa (cười) nhưng họ mến các xơ, họ yêu các xơ rất nhiều. Các xơ là những người tuyệt vời, rất rất, tuyệt vời. Đó là lý do vì sao tôi thấy phải cảm ơn những gì các xơ đã làm. Một nhân vật quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ đã nói với tôi cách đây vài ngày rằng: ‘Sự giáo dục tôi có được, là đều nhờ các xơ.’ Các xơ có những trường học ở mọi nơi, dù là khu giàu hay nghèo. Họ làm việc với người nghèo và trong bệnh viện.
Về vấn đề linh mục nữ giới, chuyện này là không thể được. Thánh Gioan Phaolô II đã nói rất rõ ràng. Không phải bởi phụ nữ không có năng lực. Trong Giáo hội, phụ nữ quan trọng hơn đàn ông, bởi giáo hội là một người nữ: Trong tiếng Ý, Giáo hội là “la chiesa”, chứ không phải “il chiesa”. Giáo hội là tân nương của Chúa Giêsu Kitô. Và Đức Mẹ thì quan trọng hơn các giáo hoàng, giám mục và linh mục. Tôi phải thừa nhận rằng chúng ta hơi chậm trễ trong việc soạn một thần học về nữ giới. Chúng ta phải tiến tới về thần học này. Đúng thật là thế.
Chuyến công du Hoa Kỳ của cha là một thành công. Cha có cảm thấy mình quyền lực hơn sau tất cả những đám đông quây quần bên cha hay không?
Tôi không biết liệu tôi có thành công hay không. Nhưng tôi lo cho mình, bởi nếu tôi lo lắng về bản thân mình thì tôi luôn luôn ít cảm thấy lo về chuyện mình thiếu quyền lực. Quyền lực là thứ phù du, đến hôm nay, và ra đi ngày mai. Nó quan trọng nếu như bạn có thể làm việc tốt với quyền lực trong tay. Và Chúa Giêsu đã định nghĩa quyền lực là gì, quyền lực đích thực là phục vụ, phục vụ cách khiêm nhượng nhất. Và tôi vẫn phải tiến thêm trên con đường phục vụ, bởi tôi cảm giác rằng tôi đang không làm mọi sự mà tôi có thể làm.
Đức Thánh Cha, cha đã thành một ngôi sao ở Hoa Kỳ. Có tốt cho Giáo hội không khi Giáo hoàng trở thành một ngôi sao?
Bạn có biết tước hiệu của giáo hoàng là gì không? Là Nô bộc của mọi nô bộc của Chúa. Điều này hơi khác với một ngôi sao. Ngôi sao thì đẹp để chúng ta ngắm nhìn. Tôi thích ngắm sao vào mùa hè khi bầu trời quang đãng. Nhưng giáo hoàng phải là nô bộc của mọi nô bộc của Chúa. Và còn một sự thật nữa là. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu ngôi sao rơi rụng. Đây là chuyện phù du thôi. Nhưng là nô bộc của mọi nô bộc của Thiên Chúa thì không phải là chuyện thoáng qua.
Andrea Tornielli (Vatican Insider 28/9/2015) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)