Đức Giáo hoàng làm mê hoặc lòng người và người ta hiểu tại sao. Ngài kết thúc chuyến đi Mỹ của mình và được rất nhiều xem đây là chuyến đi thành công vượt bực. Đám đông vỗ tay ở Cuba cũng như ở Mỹ.
Ai cũng diễn giải lời của ngài, điều này khẳng định tầm quan trọng họ đã đặt vào đó. Tại Québec, một tỉnh bang của Canada, nơi đạo công giáo trở nên xa lạ, người ta khó hiểu tầm quan trọng của ngài trên toàn thế giới.
Lời của ngài nổi hẳn lên so với lời của các vị tiền nhiệm của ngài. Đức Gioan-Phaolô II là nhà thần học và cũng là nhà lãnh đạo Quốc gia ngoại hạng, người đã đóng vai trò lớn trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản.
Còn về Đức Bênêđictô XVI, ngài là triết gia siêu đảng, người mà trong những lúc Giáo hội công giáo giao động, đã tập trung sự quan tâm của mình vào điều thiết yếu, tránh xao nhãng trong một thế giới thù nghịch.
Một giáo hoàng cách mạng?
Đức Phanxicô đảo ngược bối cảnh. Có vẻ như ngài ít quan tâm đến trọng tâm của Giáo hội, ngài quan tâm đến ngoại vi, nhất là ngài quan tâm đến những người cảm thấy mình bị Giáo hội loại trừ. Ngài nói chuyện với những người khốn cùng, những người bị xã hội bỏ mặc. Ngài thăm tù nhân. Ngài đưa bàn tay ra cho những người ly dị tái hôn, cho những người đồng tính, cho phụ nữ, cho những ai vì lý do này lý do khác cảm thấy mình không được Giáo hội đón nhận hoàn toàn.
Lời của ngài mang tính ngôn sứ. Ngài khơi đức tin lên nơi đức tin bị ngộp, nơi người ta đi tìm Chúa, nơi người ta không còn đi tìm Chúa trong Giáo hội công giáo. Nếu cứ nằng nặc gán cho ngài một nhãn hiệu chính trị thì người ta sẽ nói đây là một giáo hoàng cánh tả.
Những người bảo thủ nhất trong Giáo hội thì cho ngài là giáo hoàng cách mạng, dù đó không nhất thiết là lời khen.
Dù các cải cách ngài đề nghị có như thế nào, ngài cũng phải cẩn thận. Một thể chế ngàn năm như Giáo hội có biến đổi cũng biến đổi rất chậm.
Tuy nhiên nếu ai thấy mọi sự thay đổi chậm thì họ cũng công nhận Đức Phanxicô là một giáo hoàng đặc biệt, ngài tìm cách cập nhật để Giáo hội với thời đại chúng ta.
Nhưng ý kiến quần chúng thì khi nào cũng quay về một ám ảnh thường xuyên của họ: luân lý tình dục của Giáo hội. Họ chỉ nghĩ đến chuyện này, như thử đạo công giáo trước hết là cẩm nang của những chuyện phong tục tập quán.
Bài bản là như sau: người ta muốn biết giáo hoàng nghĩ gì về vấn đề phá thai. Ngạc nhiên ư! Dĩ nhiên là ngài chống! Chuyện đâu có thay đổi gì từ lần cuối ngài được đặt câu hỏi này? Chỉ là dịp để gióng lên tiếng kêu phẫn nộ. Nghe đến phát chán!
Người ta có thể hoàn toàn không đồng ý với Giáo hội mà không cần phải có mặt trong bài bản này, chỉ cho thấy mình là người luôn say sưa lải nhải một chuyện.
Giáo hội, trục văn minh
Ngược lại với những gì chúng ta nghĩ, sự hiện đại hóa của Giáo hội với Công đồng Vatican II đã không phải là một thành công lớn. Chẳng hạn, sự hy sinh phụng vụ truyền thống cho thấy đây là sự tự sát về mặt văn hóa và đã làm tổn thương một số tín hữu, những người không hiểu vì sao truyền thống phụng vụ của mình bị thay đổi.
Điều chắc chắn, trong tầm cao cả và ngay cả trong những sai lầm của mình, Giáo hội vẫn là trục nền tảng cho nền văn minh của chúng ta. Khi Đức Phanxicô biện hộ cho sự quay lại về vấn đề môi sinh thì ngài vượt lên các giới hạn của chủ nghĩa phù môi sinh, ngài cảnh báo chúng ta chống lại sự không chừng mực của thế giới hiện đại.
Khi ngài vinh danh gia đình, ngài nhắc lại, một cá nhân trơ trọi trên thế giới, họ không tự do, họ bị bỏ rơi.
Ngài xứng đáng để chúng ta nghe ngài.
Mathieu Bock-Côté (journaldemontreal.com) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)