MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nếu Chúa Giêsu bước vào Hội đồng …

Về những ‘người có kế hoạch vận động hành lang,’ về các luật lệ biện chứng và những động năng của Tin mừng

Hội đồng về gia đình đã diễn ra được hơn 1 tuần, và có vẻ như đang lặp lại bài cũ ‘vận động hành lang’ theo kiểu chiến lược tiền Hội đồng, nhưng còn đi xa hơn. Người ta có thể nhận thấy những thủ đoạn tinh vi hoặc không, của những người đến Hội đồng với ý định biến đây thành một cuộc chơi chính trị trong lòng giáo hội. Nhiều người dường như tập trung vào việc chia phe phái, trước những câu khẩu quyết và quy tắc biện chứng mà truyền thông thúc đẩy, chẳng hạn như ‘chúng ta cần phải kết hợp lòng thương xót và sự thật,’ ‘giáo lý không thể thay đổi,’ ‘chúng ta phải chữa lành các vết thương,’ ‘hãy thăng tiến vai trò của phụ nữ,’ hay ‘trong bất kỳ trường hợp nào, châu Phi sẽ không chấp nhận sự thực dân hóa của thuyết về giới tính.’

Và như thế, không một chớp mắt ngạc nhiên khi các tuyên bố cứng rắn không thể lay chuyển và những xác quyết dứt khoát được trình bày trong sảnh Hội đồng hay trong các bản văn, mà những tuyên bố và trình bày này có vẻ xa hàng dặm với các động năng mới được giới thiệu trong Tin mừng và là những gì đã thúc đẩy Giáo hội chiến đấu qua giáo huấn của mình suốt 2000 năm qua.

Chúng ta có thể thấy một trong những câu kinh điển này, có vẻ giống như một mệnh đề khế ước, trong bản phúc trình của hồng y Peter Erdo. Trong bản văn này, được đọc trong phiên khai mạc của Hội đồng, hồng y người Hungari trích lại đoạn 41 của Văn kiện Làm việc, nói về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ thành Samari, và người phụ nữ ngoại tình, nói rằng, ‘bằng cái nhìn yêu thương với các tội nhân, Chúa Giêsu đưa người đó đến sám hối và hoán cải [‘Hãy đi và đừng phạm tội nữa’] vốn là căn cứ cho sự tha thứ.’

Bằng cách nhắc đến sự hoán cải như là một điều kiện cho sự tha thứ, Văn kiện Làm việc dường như đảo ngược động năng của Kitô giáo, bởi chẳng phải chính Chúa Kitô đã cho chúng ta có thể thấy được mức độ thực sự của tội, cảm nhận nỗi đau, sám hối và hoán cải. Đây là một hành động cứu rỗi độc nhất vô nhị mà thánh Phaolô đã mô tả trong thư gởi tín hữu Roma. ‘Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.’ (Rm 5, 6-11)

Tin mừng theo thánh Luca cũng vậy, khi mô tả cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ tội lỗi được tha thứ, và phản ứng của những người Pharisiêu (Lc 7, 36-52) Chính Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi của người phụ nữ không phải bởi vì cô đã hoán cải trước, nhưng bởi hành động yêu mến của cô, hôn chân và lau chân ngài bằng nước mắt. Chúa Giêsu đã nói với ông Simon người Pharisiêu rằng, ‘Tội của cô đã được tha, bởi cô đã yêu mến nhiều. Nhưng người được tha ít, thì yêu mến ít.’ Và rồi quay sang người phụ nữ, Chúa nói: ‘Tội của con được tha.’ Những người ngồi đồng bàn với Ngài bắt đầu xầm xì với nhau, ‘Người nào là ai mà dám tha tội?’ Và Ngài tiếp tục nói với người phụ nữ, ‘Đức tin của con đã cứu con, hãy đi bình an.’
Cũng những động năng trong lời của thánh Phaolô và thánh Luca, được trình bày hết lần này đến lần khác trong những cuộc gặp gỡ và lời nói trong Tin mừng. Chính động năng mới này, vốn không có gì sánh được, dù là hình mẫu giáo lý và quy luật luân lý do con người tạo ra suốt dòng lịch sử mà Giáo hội đã truyền cho mọi người suốt 2000 năm qua. Đức Ratzinger từng nói điều này trong Năm thánh 2000, khi giải thích nguyên do Giáo hội xin sự tha thứ cho các tội trong quá khứ. ‘Chính sự chắc chắn của sự tha thứ làm cho sự thành thực trong xưng thú được khả dĩ. Không có sự tha thứ, thì còn lại gì nữa đây? Lúc đó, chúng ta không còn có thể giải thích được tội lỗi, và quay ra tìm các nhà tâm lý để làm khuây khỏa tâm hồn. Với tôi, dường như chỉ có sự tha thứ, hành động tha thứ, cho chúng ta có thể nhìn nhận tội lỗi một cách thành thực.’

Chính việc được nếm trước, hay thấy trước sự tha thứ, là một lời hứa trong đời chúng ta, và làm nảy sinh ơn nhưng không là đau đớn vì tội và sự hoán cải. Trong Kitô giáo, đây cũng là một ơn được đón nhận với niềm vui và lòng biết ơn, chứ không phải là hệ quả từ nỗ lực cá nhân tuân theo một loạt luật lệ, hay một sự tự thanh tẩy bản thân. Đây chính là tâm thức mà chúng ta cần phải có khi đến tòa giải tội. Hoán cải là kết quả của một hành động nhưng không mà Thiên Chúa thực hiện trong đời chúng ta, chứ không phải là một ‘ý thức tội lỗi’ truyền từ tổ tông, một ý thức mình sai quấy trong một thế giới hỗn loạn mà chúng ta đang sống. Trong Kitô giáo, nhận thức về tội được thắp lên bởi tình yêu của Chúa Kitô, khi chúng ta nhận ra mình đã phản bội Ngài. Chúng ta ý thức về tội lỗi của mình, không phải bởi chúng ta đã không thể tuân giữ các nguyên tắc nhân bản nhất định hay các luật luân lý. Mà là như thánh Phêrô, người chỉ cảm thấy một ý thức thanh tẩy khi nhìn thấy đôi mắt đầy tình thương của Chúa Giêsu.

Trong Hội đồng cũng thế, cơ hội duy nhất để hạn chế tối đa những bè phái có tổ chức và những xác quyết lập trường mơ hồ, chính là việc nhìn ra những động năng của hành động đạo đức vẽ lên đời sống gia đình bằng đôi mắt đơn sơ của một Kitô hữu. Cách nhìn nhận này luôn luôn nhận ra, trong những bối cảnh cụ thể của lịch sử nhân loại vốn ghi dấu tội tổ tông, rằng tất cả mọi con người đều bị tổn thương bởi naturalibus, những sức mạnh tự nhiên gắn với con người. Và do đó, trong cụ thể mỗi ngày sống, với tất cả những hoàn cảnh, mọi sự đáng ra phải rành rành hiển nhiên, lại có thể và đang trở nên mơ hồ qua thời gian.

Một lăng kính thực tế đầy hi vọng về ơn Chúa, sẽ giúp các tham dự viên của Hội đồng giải quyết các ‘chủ đề nóng’ theo một cách khác. Và điều này cũng sẽ giúp tránh xa nhìn nhận kiểu hệ tư tưởng về ‘gia đình Công giáo hoàn hảo’ vốn tự mãn với sự mạnh mẽ của mình, được thúc đẩy bởi thần học về hôn nhân và được dùng trong các ‘cuộc chiến văn hóa.’ Hình ảnh này về gia đình còn bị lạm dụng bởi những người chống lại ý niệm về một Giáo hội ‘bệnh viện dã chiến’ đang vươn ra để ‘chữa lành các vết thương con người.’

Thay vì chia thế giới thành những người ‘khỏe mạnh’ và những người ‘yếu bệnh’, cách tiếp cận Kitô với ơn gọi và sứ mạng của gia đình có thể đúc rút từ sự thật rằng chúng ta tất cả, những con người sẽ chết, không bao giờ có thể hoàn toàn biểu lộ sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín cho dù con người luôn bất tín. Một cách tiếp cận Kitô có thể rút ra từ kinh nghiệm của các cuộc hôn nhân ‘khỏe mạnh’ và ‘thành công’ vốn là những mẫu gương sống động cho sự thật rằng, sự chung thủy cả đời không thể có được nếu thiếu ơn Chúa. Và khi các cặp vợ chồng thành công được trong chuyện này, thì chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa, nức nở vui mừng vì ơn lớn lao được ban cho chúng ta, một ơn mà chúng ta không xứng.

Gianni Valente (Vatican Insider) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)