MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Trung Quốc: Nhà cầm quyền muốn tăng thêm áp đặt trên các tôn giáo

Nhà thờ Chính tòa Thánh I Nhã ở Thượng Hải
Bắc Kinh, 2015-10-09, (cath.ch-apic) Đảng cộng sản Trung Quốc hình như muốn kiểm soát mạnh hơn nữa Giáo hội công giáo và các tôn giáo khác. Cơ quan báo chí chính thức về tôn giáo của nhà cầm quyền đã nêu rõ chủ hướng “nghiêm túc” của Chủ tịch Tập Cận Bình về tôn giáo.

Lời cảnh cáo của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh có một cuộc “họp thượng đỉnh về các tôn giáo” sắp diễn ra, một cuộc họp đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền từ ba năm nay.

Trong bài xã luận ngày 8 tháng 10, tờ báo chính thức của Đảng “Zhongguo Mingzu Bao” tuy không nêu lên một tôn giáo nào đặc biệt, nhưng đã dùng các chữ “giáo hội” của “hàng tu sĩ” và của “địa phận” như ám chỉ đến đạo công giáo và các Kitô giáo khác. Theo hãng tin công giáo Ucanews, Tập Cận Bình tìm cách giảm ảnh hưởng của nước ngoài trên các thể chế tôn giáo ở Trung Quốc. Dù sao bài báo khẳng định tất cả mọi hình thức thờ phượng phải được các cơ quan trong nước quản lý. “Không có một lý do gì để một vài nhóm hoặc vài cá nhân ở ngoài Trung Quốc lo việc này”, tờ báo viết.

Các dấu hiệu cứng ngắc

“Một linh mục làm việc ở Trung Quốc có tên là “Cha Phêrô” nói với hãng tin Ucanews: “Đương nhiên sự kiểm soát về tôn giáo sẽ bị thắt chặt, những gì trong quá khứ chỉ là lý thuyết hay khẩu hiệu thì bây giờ bắt đầu thực hiện cụ thể”.

Nhắc đến một bài diễn văn chính thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình đọc vào tháng 5 vừa qua, bài của báo “Zhongguo Mingzu Bao” tái khẳng định, “tất cả mọi tôn giáo phải phù với chủ nghĩa xã hội”.

Nhà cầm quyền đã thành lập các “tổ chức yêu nước” cho năm tôn giáo chính của Trung Quốc: Phật giáo, Công giáo, Lão giáo, Hồi giáo và Tin Lành.

Tháng chín vừa qua, “Mặt trận Lao động thống nhất”, một cơ quan quản lý các hoạt động tôn giáo đã loan báo các chỉ thị mới ngăn cản mọi can thiệp từ bên ngoài vào các thể chế tôn giáo ở Trung Quốc và cấm các đảng viên theo bất cứ một tôn giáo nào.

Các luật lệ mới này được đưa ra khi chiến dịch triệt hạ thánh giá đang lên từ hai năm nay ở bang Chiết Giang, một bang thuộc vùng Đông-Nam Trung Quốc. Hơn 1200 cây thánh giá bị hạ. Theo nguồn tin của hãng Ucanews, chiến dịch này chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Nóng và lạnh

Ngược đời thay các bối cảnh này lại xảy ra khi quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Rôma được ấm lên. Trên chuyến máy bay từ Mỹ về Rôma tháng 9 vừa qua, Đức Phanxicô đã khẳng định hai quốc gia có nói chuyện với nhau.

Hồi đầu năm nay, Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán đang tiến hành. Tháng 1-2015, ngài tuyên bố: “Chúng tôi ở trong một giai đoạn tích cực”. Nhưng cuối tháng 4-2015, cũng Đức Hồng y Parolin, ngài nói với một giọng hơi khác hơn một chút. Vẫn hy vọng có cuộc “đối thoại phong phú” nhưng ngài cho rằng thương thuyết giữa hai bên vẫn “không có gì mới”. Về phía Hong Kong, tháng vừa qua Đức Hồng y Gioan Thang Hán tuyên bố với hãng tin Ucanews “bầu khí được tốt hơn” giữa hai bên, dù vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân cho rằng luôn có tình trạng nghi ngờ về sự thành thật của nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ nói họ muốn cải thiện chính sách đối với tôn giáo.

Tháng sáu vừa qua đã có một vụ phong chức giám mục ở Trung Quốc, giám mục này được cả Bắc Kinh và Rôma chấp nhận. Đó là lần đầu tiên từ ba năm nay, kể từ khi Đức Phanxicô được bầu chọn tháng 3 năm 2013 và cũng là lần đầu tiên từ khi có các thương thuyết giữa Rôma và Bắc Kinh tháng 6 năm 2014.

Raphael Zbinden (cath.ch) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)