Kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa, hải cảng to lớn Ôn Châu là nơi có chiến dịch bài trừ Kitô giáo chưa từng có trong lịch sử. Đảng cộng sản nghi ngờ Kitô giáo là “tình báo nước ngoài” ngầm phá hoại ý thức hệ của họ.
Cây thánh giá đỏ bằng sắt tự hào vươn cao lên trên ba chiếc vòm màu xanh xám đàng sau ngọn đồi um tùm. Trước cánh cửa sắt, từng khối đá chồng lên chặn lối ra vào. “Nhà thờ Chính tòa” Fuyin Jang là nhà thờ bị quản thúc ở vùng quê ẩm ướt Chiết Giang. “Chúng tôi không biết chúng tôi còn cự được bao lâu. Cây thánh giá là biểu tượng của Chúa Giêsu Kitô. Không có cây thánh giá, chúng tôi không thể sống đức tin của mình”, ông Lin giải thích, ông ở bên trong ngôi nhà thờ bị biến thành trại canh. Dưới máy quạt chạy vù vù, một giáo dân nằm trên tấm nệm dã chiến ngáy kho kho trong tiếng nhạc thánh ca êm dịu. “Phía đàng sau, chúng tôi có con sông che chắn. Họ đặt máy thu hình để chờ dịp thuận tiện. Mỗi đêm chúng tôi thay phiên nhau ngủ ở đây để ngăn chận mọi xâm nhập”, một tín hữu giải thích, ông thuộc cộng đoàn 500 giáo dân Tin Lành, một cộng đoàn đã ở vùng này từ hơn một thế kỷ và giữ vững được đức tin Kitô giáo. Một ý chí kiên cường quyết đương đầu có từ hai mươi tháng nay khi vào tháng 5 năm 2014, nhà cầm quyền muốn dùng xe cần cẩu để hạ cây thánh giá to lớn của nhà thờ. Cộng đoàn kháng cự lại như đa số nhà thờ ở quận Pingyang, cách phía Tây Ôn Châu bốn mươi phút xe. Hải cảng này có 9 triệu dân, được mệnh danh là “Giêrusalem của Trung Quốc”, là mục tiêu của một chiến dịch bài Kitô giáo chưa từng có kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa, khi các nhà thờ bị quân đội Mao Trạch Đông phá hoại. Theo Hiệp hội Kitô hữu tỉnh Chiết Giang cho biết, từ năm 2013, nhà cầm quyền đã hạ 1 200 cây thánh giá và phá hủy nhiều nhà thờ, trong đó có ngôi nhà thờ lớn nhất thành phố. Tỉnh bang ven biển ở vùng Đông-Nam Trung Quốc có 300 000 giáo dân Công giáo và 1 triệu giáo dân Tin Lành, họ đã ở đây từ năm 1860 khi các nhà truyền giáo người Anh đầu tiên đến hải cảng thương mại lộng gió này. Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền, một trong các cộng sự trung tín của ông là Hạ Bảo Long trở thành Bí thư Tỉnh ủy, ông lên chiến dịch săn đuổi các vụ “xây cất bất hợp pháp”, cấm thiết lập các cây thánh giá trên nóc nhà thờ, đòi hỏi các cây thánh giá không được quá một phần mười bề cao tòa nhà và phải tuân theo luật mới được ấn định hồi tháng 5-2015. Các cây thánh giá to cao này làm “chướng mắt” người không có đạo, nhật báo Global Times của Đảng cộng sản cho biết.
Lấy thân che
Nhưng nhà cầm quyền đứng trước sự kháng cự mãnh liệt của nhiều cộng đoàn, họ thành lập biển người bao quanh nhà thờ. Cũng như làng Wuxi ở cuối phi trường nơi các nông dân Tin Lành vừa dựng lên lại cây thánh giá đỏ vào ngày 20 tháng 8, mười ngày sau khi cây thánh giá cũ bị hạ, mỗi đêm họ canh chừng lực lượng an ninh. Từ mùa hè qua, nhà cầm quyền đã thay đổi chiến thuật, họ ngang nhiên cũng như âm thầm bắt giữ các người cầm đầu. Theo các chứng tá báo Le Figaro ghi nhận được tại địa phương, từ tháng 7-2015, ít nhất có 19 tín hữu bị “biến mất” không để lại dấu vết. Như mục sư Huang Yizi bị bắt tại nhà ở làng nhỏ Shitau vào đầu tháng 9. “Những người đàn ông gõ cửa, họ nói họ là thợ sửa nhà và họ bắt mục sư đi. Từ đó gia đình không có tin tức gì”, một giáo dân cho biết, ông vẫn còn bị sốc.
Linh mục Zhang Chongzhu ở Mapou bị mất tích khi cha lái xe từ Thượng Hải về, cha bị một xe bí mật theo dõi. Ở Xian Quiao cách đó vài cây số, thinh lặng bao trùm căn nhà màu đất bốn tầng bên bờ ruộng, cạnh ngôi nhà thờ cao. Dưới chân nhà thờ là một cây thánh giá to bằng bê tông như bị rơi từ tháp chuông xuống một cách thảm hại. Cây thánh giá này là điều bất hạnh cho anh Zhang Zhi, cha của một em bé mới hai tháng và là một nhà truyền giáo nhiệt thành. Ngày 4 tháng 9-2015, anh thanh niên ngoài ba mươi tuổi đã trái lệnh nhà cầm quyền, anh dựng biểu tượng đức tin của mình lên mái nhà thờ. Ba ngày sau, vào hừng đông, năm người đàn ông mặc thường phục đến nhà anh khi anh rửa mặt và đem anh đi không một lời giải thích. “Chân anh không chạm đất, họ phải khiêng anh đi vì anh không chịu đi”, một người hàng xóm chứng kiến cảnh này kể lại, ông xin giữ ẩn danh. Vụ bắt này là do lực lượng an ninh phối hợp với quận, họ cấm vợ anh không được tiếp xúc với báo chí nước ngoài. Từ đó cô vợ trẻ bị nhốt kín trong nhà với đứa con, cô không có một tin tức nào của chồng mình, chồng cô bị giam ở một nơi bí mật tại Wenzhou.
Một người đàn ông đứng trước cảnh đổ nát của một nhà thờ ở Pinyang gần Ôn Châu. Từ năm 2013, nhà cầm quyền đã hạ 1200 cây thánh giá và phá hủy nhiều nhà thờ. Didi Tang/AP/SIPA/Didi Tang/AP/SIPA |
Giựt điện
Vụ bắt lạ lùng nhất là vụ bắt ngày 26 tháng 8 ở trung tâm thành phố. Trước nửa đêm, một nhóm đàn ông mặc đồ dân sự leo tường phía đàng sau nhà thờ Xia Ling và đột nhập trong bóng tối, họ lên đến tầng thứ tư. Vài phút sau, họ đi ra mang theo luật sư Zhang Kai, dưới lệnh của một người đội mũ kết cảnh sát, hình ảnh của máy thu hình gác nhà thờ cho thấy. “Tôi không nghe gì”, người canh gác của cộng đoàn bàng hoàng cho biết, cộng đoàn này có 400 tín hữu. Luật sư Zhang đứng đầu các vụ bênh vực tín hữu để họ đương đầu với nhà cầm quyền trước lệnh triệt hạ thánh giá. “Tòa án nói là chúng tôi không có quyền nhờ đến luật sư”, một tín hữu giải thích, cộng đoàn của anh chống việc triệt hạ thánh giá. Thang cấp bị hư hại ở khuôn sân nhà thờ cho thấy có xô xát. Luật sư là tín hữu Kitô giáo, ông ở Bắc Kinh, ông thường đến Ôn Châu để bảo vệ cho các tín hữu, đêm hôm bị bắt đó. Từ đó, ngay cả thân sinh của ông cũng không có tin tức gì về ông. Cơ quan an ninh cho biết luật sư Zhang bị kết tội “phá hại trật tự công cộng” và “tiết lộ bí mật Quốc gia”. Loại kết án này rất nặng nên nhà cầm quyền phải bí mật giam luật sư trong vòng sáu tháng. Các phương pháp bắt giữ này nhắc lại một luật sư Kitô giáo khác, người được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông Cao Trí Thịnh, ông vừa kể ông bị tra tấn bằng cách giựt điện vào mặt trong khi ông bị giam ở một nhà tù Tân Cương. Ông cũng bị “mất tích” năm 2009, bị lực lượng an ninh bắt giữ khi ông bảo vệ các nhà thờ Kitô giáo và môn phái Pháp Luân Công.
Một làn sóng mất tích
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, một làn sóng “bắt cóc” gây hoang mang trong dân chúng vì nó cho thấy quyết tâm mới của chế độ trong việc kiểm soát tôn giáo. “Trong quá khứ chúng tôi đối diện với việc bắt giam vài ba ngày nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy có những vụ biến mất ở đây”, một người trưởng một cộng đoàn ở Pingyang giải thích. Đối với một số người, đây là tham vọng chính trị của vợ chồng Bí thư Đảng ủy Hạ Bảo Long, người sốt sắng theo đạo Phật, họ muốn làm vui lòng Chủ tịch Tập Cận Bình, họ từng làm việc với Tập Cận Bình khi ông này còn cai trị bang Fujian bên cạnh. Với một số khác thì cho rằng đây chính là mưu đồ của chính Tập Cận Bình, nếu thành công thì sẽ đem áp dụng cho cả nước. “Một cách chính thức thì Bí thư Đảng ủy cầm đầu chiến dịch này, nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, và chiến dịch này ở một quy mô rộng lớn. Mục đích thật sự của họ không phải là hạ các cây thánh giá nhưng là Trung Quốc hóa Kitô giáo theo chủ nghĩa Mao”, ông Lin giải thích. Từ khi lên nắm quyền “đế quốc đỏ”, Tập Cận Bình áp đặt lại ý thức hệ, khóa miệng tất cả tiếng nói đối lập, những tiếng nói có nguy cơ lấn tiếng nói của Đảng, từ báo chí đến môi trường đại học và đến cả phạm vi nghệ thuật. “Chúng ta phải đưa các tôn giáo vào khuôn khổ của xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố như trên vào tháng 5 vừa qua trước các đại diện tôn giáo, tất cả đều dưới quyền kiểm soát của một Đảng vô thần. Một chiến dịch không dám nói rõ tên chiến dịch ở Chiết Giang, nơi chính quyền nhờ đến những người vũ trang và cảnh sát mặc dân sự. “Họ không có một lệnh viết chính thức nào!” ông Lin nói.
Sách lược nhập nhằng
“Họ biết là họ không có lệnh của trung ương, vì như thế sẽ kéo theo phản ứng của quốc tế”, một người lãnh đạo của cộng đoàn Pingyang giải thích. Vì Đảng luôn nghi ngờ Kitô giáo là “tình báo nước ngoài” ngầm phá hoại ý thức hệ của họ. Một đe dọa làm day dứt Tập Cận Bình, người có “giấc mơ Trung Quốc” quay trở về với Khổng giáo và kéo tiếng chuông báo động chống “lực lượng thù nghịch Phương Tây liên tục thấm nhập vào phạm vi ý thức hệ”, theo một tài liệu nội bộ phổ biến cho các cấp cao năm 2013. Kitô giáo được mến chuộng ở Ôn Châu, nơi có rất nhiều công chức và cấp cao là thành viên của các Giáo hội giàu có nhờ các giáo dân thịnh vượng. Dưới mắt tín hữu của đa số các nhà thờ “chính thức” dù họ phải ở dưới quyền kiểm soát của Đảng thì các nghi ngờ này chỉ do cuồng hoảng lo sợ. “Nhà cầm quyền sợ vì giáo dân Kitô giáo rất đông ở Ôn Châu và có thể thoát khỏi sự thống trị của họ. Nhưng chúng tôi không chống Đảng. Nước Chúa Giêsu ở trên trời, Nước Chúa không ở trần gian này”, một giáo dân giải thích, ông đang chuẩn bị thêm một đêm canh thức nữa.
Sébastien Falletti (lefigaro.fr) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)