MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

ĐTC Phanxicô: Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh

Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh. diện đối diện. Cuộc gặp gỡ này với Chúa là đích điểm của chúng ta. Chúng ta không chờ đợi một thời gian hay một nơi chốn, nhưng chúng ta đi gặp gỡ một người: đó là Chúa Giêsu. Vì thế vấn đề không phải khi nào xảy ra các dấu chỉ báo trước thời sau hết, nhưng là phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ấy.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 15-11-2015. . Ngài cũng đã tái mạnh mẽ lên án các hành động khủng bố bạo lực tại Paris khiến cho 129 người chết và 352 người bị thương. ĐTC tái chia buồn với toàn dân Pháp và nói:

Tôi muốn bầy tỏ nỗi đớn đâu sâu thẳm của tôi đối với các vụ tấn công khủng bố chiều tối ngày thứ sáu đã khiến nước Pháp đổ máu, gây ra nhiều nạn nhân. Tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa với tổng thống và mọi công dân của Cộng Hòa Pháp. Tôi đặc biệt gần gũi gia đình những người đã mất mạng sống và nhũng người bị thương. Biết bao nhiêu dã man khiến cho chúng ta kinh hoàng, và người ta tự hỏi làm sao trái tim con người lại có thể nghĩ ra và thực hiện các biến cố kinh khủng như thế, không chỉ đảo lộn nước Pháp mà còn đảo lộn toàn thế giới nữa. Trước các hành động bất khoan nhượng như vậy, không thể không lên án việc xúc phạm tới phẩm giá con người một cách xấu hổ như thế. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng con đường của bạo lực và thù hận không giải quyết được các vấn đề của nhân loại và dùng tên của Thiên Chúa để biện minh cho con đường này là một sự phạm thượng.

Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với lời cầu nguyện của tôi: chúng ta hãy phó thác cho lòng thương xót Chúa các nạn nhân không được bênh đỡ của thảm cảnh này. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của lòng thương xót, dấy lên trong con tim của mọi người các tư tưởng của sự khôn ngoan và các ý hướng hòa bình. Chúng ta hãy xin Mẹ che chở và canh thức trên quốc gia Pháp thân yêu, trưởng nữ của Giáo Hội, trên Âu châu và trên toàn thế giới. Chúng ta tất cả cùng nhau cầu nguyện một chút trong thinh lặng, rồi cùng đọc một kinh Kính Mừng.

Trước đó trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật thứ 33 thường niên năm B, liên quan tới diễn văn của Chúa Giêsu về sự thành toàn của Nước Thiên Chúa (x. Mc 13,24-32). Đây là một diễn văn Chúa nói tại Giêrusalem trước lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài. Nó chứa đựng vài yếu tố khải huyền như chiến tranh, đói kém, các tai ương trong vũ trụ. Chúa nói: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyền” (Mc 13,24-25). Tuy nhiên, các yếu tố này không phải là điều nòng cốt của sứ điệp. Nhân tố chính, mà diễn văn của Chúa Giêsu xoay quanh, là chính Ngài, mầu nhiệm con người của Ngài, cái chết, sự phục sinh và việc Ngài trở lại vào thời sau hết. ĐTC giải thích thêm:

Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh. Và tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ tới điều này? Sẽ có một ngày kia tôi sẽ gặp gỡ Chúa diện đối diện. Đó là đích điểm của chúng ta: cuộc gặp gỡ này với Chúa. Chúng ta không chờ đợi một thời gian hay một nơi chốn, nhưng chúng ta đi gặp gỡ một người: đó là Chúa Giêsu. Vì thế vấn đề không phải khi nào xảy ra các dấu chỉ báo trước thời sau hết, nhưng là phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ấy. Vấn đề cũng không phải là biết các điều đó sẽ xảy ra như thế nào, mà là biết chúng ta phải hành xử ra sao, hôm nay, trong lúc chờ đợi các điều đó. Chúng ta được mời gọi sống hiện tại, bằng cách xây dựng tưong lai của chúng ta với sự thanh thản và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Dụ ngôn cây vả đâm chồi, như dấu hiệu của mùa hè gần tới (x. cc28-29) nói rằng viễn tượng của ngày sau hết không cất chúng ta ra khỏi hiện tại, nhưng làm cho chúng ta nhìn các ngày sống của mình trong một lăng kính của niềm hy vọng. Đó là nhân đức thật khó mà sống được: đức cậy, nhân đức bé nhỏ nhưng là nhân đức mạnh mẽ nhất. Và niềm hy vọng của chúng ta có một gương mặt: đó là gương mặt của Chúa phục sinh, đến trong “quyền năng lớn lao và vinh quang” (c. 26), nghĩa là Ngài tỏ lộ tình yêu bị đóng đanh được hiền dung của Ngài trong sự phục sinh. Chiến thắng của Chúa Giêsu vào thời sau hết sẽ là chiến thắng của Thập Giá, là việc chứng minh cho thấy rằng sự hiến tế chính mình vì yêu thương tha nhân và noi gương Chúa Kitô, là quyền lực chiến thắng duy nhất và là điểm vững chắc duy nhất giữa các đảo lộn và các thảm cảnh của thế giới.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Chúa Giêsu không chỉ là điểm tới cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, nhưng là một sự hiện diện thường hằng trong cuộc sống chúng ta: ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta. Vì thế khi Ngài nói tới tương lai và dự phóng chúng ta về tương lai, đó là để dẫn đưa chúng ta trở lại hiện tại. Ngài chống lại các ngôn sứ giả, các thị nhân thấy trước ngày tận cùng của thế giới gần kề, và chống lại thuyết định mệnh. Chúa ở bên cạnh chúng ta, bước đi với chúng ta, yêu thương chúng ta. Ngài muốn kéo các môn đệ thuộc mọi thời đại của Ngài khỏi sự tò mò muốn biến các ngày tháng, các tiên báo, các lá số tử vi, và tập trung sự chú ý của chúng ta trên ngày hôm nay của lịch sử. Tôi muốn hỏi anh chị em – nhưng xin đừng trả lời, mỗi người hãy trả lời trong chính mình thôi – có bao nhiêu người trong anh chị em đọc lá số tử vi mỗi ngày? Im lặng nhé! Mỗi người hãy tự trả lời đi. Và khi bạn muốn đọc lá số tử vi, thì hãy nhìn lên Chúa Giêsu, đang ở với bạn. Làm như thế thì tốt hơn cho bạn. Sự hiện diện này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chờ đợi và tỉnh thức. Chúng loại trừ biết bao thái độ mất kiên nhẫn cũng như ngủ quên, biết bao trốn chạy về phía trước, biết bao tình trạng bị giam cầm trong thời gian hiện tại và trong tinh thần thế tục.

Cả trong thời đại chúng ta nữa cũng không thiếu các tai ương thiên nhiên và tai ương luân lý, cũng không thiếu các thù nghịch và sai lạc đủ loại. Mọi sự đều qua đi – Chúa nhắc cho chúng ta biết thế - chỉ có Ngài, Lời ngài còn lại như ánh sáng dẫn đường, trao ban can đảm cho các bước chân của chúng ta, và Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta, bởi vỉ Ngài ở bên cạnh chúng ta. Chỉ cần nhìn Chúa và Ngài thay đổi con tim chúng ta. Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi Chúa Giêsu, là nền tảng vững vàng của cuộc sống chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta tươi vui kiên trì sống trong tình yêu của Chúa.

Tiếp đến ĐTC đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Chào các tín hữu sau kinh Truyền Tin ĐTC nhắc cho mọi người biết ngày 14 tháng 11 vừa qua tại Três Pontas trong tiểu bang Minas Gerais bên Brasil, cha Francisco de Paula Victor, linh mục Brasil gốc phi châu, con của một phụ nữ nô lệ, đã được phong chân phước. Ngài đã là một cha xứ quảng đại, nhiệt thành trong việc dậy giáo lý và ban phát các Bí Tích, và nổi bật nhất là sự khiêm nhường của Ngài. Xin cho chứng tá ngoại thường của ngài là mẫu gương cho biết bao linh mục, được mời gọi là các tôi tớ khiêm nhường của dân Thiên Chúa.

ĐTC đã chào tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Italia và trên thế giới, đặc biệt là đông đảo các tín hữu các nưóc Tây Ban Nha, San Salvador và Malta, cũng như Hiệp hội các người tháp tùng hành hương các đền thánh Đức Mẹ trên thế giới, và Tu hội đời “Chúa Kitô Vua”.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)