Trong buổi nói chuyện với hiệp hội Romano Guardini, Đức Giáo hoàng trích lại Dostoyevsky và việc tha thứ cho những sai trái. Lịch sử sẽ chỉ ra liệu chúng ta là một dân tộc, hay chỉ là một nhóm các cá nhân không có sự chung nhất.
Chúng ta có thể nhận ra rằng Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, gởi đến cho chúng ta, một châu Âu giàu có, những người đói để chúng ta có thể cho họ ăn, những người khát để chúng ta cho họ uống, những người ngoại kiều để chúng ta chào đón họ, và những người trần truồng để chúng ta cho họ mặc.’
Đưa suy tư của Romano Guardini vào bối cảnh hiện thời, kèm thêm một chút suy tư của Dostoyevsky, Đức Phanxicô nói với các tham dự viên của hội nghị rằng ‘lịch sử sẽ cho chúng ta biết, nếu chúng ta là một dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ chào đón họ như anh chị em, còn nếu chúng ta chỉ là một nhóm các cá nhân, thì chúng ta sẽ có cám dỗ giữ cho mình trước, nhưng như thế thì sẽ chẳng có được sự chung nhất nào.’ Jorge Mario Bergoglio rất mến mộ Guardini, khi đã dành luận văn tiến sỹ để nói về ngài. Thần học gia Romano Guardini cũng là người mà Joseph Ratzinger mến mộ.
Đức Phanxicô nói với 60 tham dự viên của hội nghị diễn ra tại Đại học Giáo hoàng Greogory nhân dịp 150 năm ngày sinh Guardini, ‘Tôi tin rằng Guardini là một tư tưởng gia có rất nhiều điều để nói với, không chỉ các Kitô hữu, mà còn với mọi người của thời đại chúng ta. Hiệp hội của các bạn thi hành việc này, đưa suy tư của Guardini vào trong đối thoại đa điệu với các nhóm chính trị, văn hóa và khoa học thời hiện đại.’
Rồi Đức Giáo hoàng nhắc đến quyển sách của Guardini, ‘Thế giới Tôn giáo của Dostoyevsky’ [Il mondo religioso di Dostoevskij] trích một đoạn từ quyển ‘Anh em nhà Karamazov.’ ‘đoạn này kể về chuyện mọi người đến với tu viện trưởng Zosima để kể về những lo lắng và vấn đề của mình, xin ngài cầu nguyện và chúc lành.
Trong số đố có một phụ nữ nông dân gầy gò, cũng tiến đến xưng tội. Bà thì thầm là bà đã giết người chồng bệnh tật, người đã ngược đãi bà suốt đời. Tu viện trưởng, thấy người đàn bà nhận thức được tội lỗi của mình trong tuyệt vọng, hoàn toàn khép kín bản thân, và không một lời chỉ bảo hay an ủi nào vượt qua được. Người đàn bà này tin chắc mình bị kết án, nhưng tu viện trưởng đã chỉ cho bà một lối thoát. Cuộc đời của bà có ý nghĩa, bởi Thiên Chúa sẽ đón nhận bà ngay khi bà hối lỗi ăn năn. Tu viện trưởng thúc giục bà đừng sợ, bởi không có, không thể có một tội nào trên thế gian mà Thiên Chúa không thể tha thứ cho một con người chân thành hối lỗi, và cũng không thể có một tội nào quá lớn vượt quá tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Khi xưng tội, người đàn bà được biến đổi, và có được niềm hi vọng mới.
Đức Giáo hoàng nói rằng, ‘Những con người đơn sơ nhất hiểu được ý nghĩa này. Họ hiểu sự cao cả chiếu rọi trong khôn ngoan của tu viện trưởng, và hiểu sức mạnh tình yêu. Họ hiểu thánh thiện nghĩa là gì, nghĩa là một sự hiện hữu sống động trong đức tin, có thể thấy Thiên Chúa gần gũi với con người, thấy Ngài nắm sự sống chúng ta trong tay Ngài. Về điều này, Guardini nói rằng, ‘bằng cách đơn sơ đón nhận sự hiện hữu trong bàn tay Thiên Chúa, con người sẽ biến đổi vào trong ý Chúa và như thế, tạo vật không chỉ còn là tạo vât, và Thiên Chúa đích thực Thiên Chúa, sự hiệp nhất sống động giữa con người và Thiên Chúa bắt đầu.’
Với Guardini, sự ‘hiệp nhất sống động’ với Thiên Chúa hệ tại ở mối liên hệ cụ thể của con người với thế giới và với những người khác. ‘Cá nhân cảm thấy mình là một phần của khối dân tộc, một liên hiệp nguyên khởi các con người với nhau, và qua đó quốc gia, cách mạng lịch sử trong đời, cũng như các vận mệnh, là một thực thể độc nhất.’ Guardini xem khái niệm ‘dân chúng’ là ‘tập hợp tất cả những gì đích thực, thâm sâu và quan thiết trong con người. Chúng ta có thể nhận ra trong dân chúng, một ‘cánh đồng cho hành động thiêng liêng.’ ‘Có lẽ chúng ta có thẻ áp dụng suy tư của Guardini vào thời chúng ta, tìm cách để tái khám phá bàn tay Thiên Chúa trong các sự kiện đương thời.
Như thế, chúng ta có thể nhận ra rằng Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, đã gởi cho chúng ta, một châu Âu giàu có, những người đói để cho họ ăn, người khát để chúng ta cho họ uống, người lạ để chúng ta chào đón, và người trần truồng để chúng ta mặc áo cho họ. Lịch sử cho thấy điều này, nếu chúng ta là một dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ chào đón họ như anh em mình, còn nếu chúng ta chỉ là một nhóm các cá nhân, thì chúng ta sẽ có cám dỗ chăm chăm lo cho mình, nhưng như thế chúng ta không có sự chung nhất.’
Iacopo Scaramuzzi (Vatican Insider) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)