VATICAN. “Giáo hội không gắn bó với tiền của và quyền lực, không ‘tôn thờ hối lộ’. Sức mạnh và niềm vui của Giáo hội chính là Lời Chúa.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ những lời trên đây trong thánh lễ sáng hôm thứ 6 ngày 20.11, tại nhà nguyện thánh Marta.
Bài giảng của Đức Thánh Cha khởi đi từ bài đọc một trích sách Ma-ca-bê, tường thuật niềm hoan hỷ của dân chúng khi thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh: “Nơi Thánh ấy trước đây đã bị dân ngoại xúc phạm làm cho ra ô uế vì tôn thờ những ngẫu tượng thế gian. Đoàn dân Chúa cử hành lễ cung hiến trong niềm hoan hỷ, vì họ đã tìm lại được căn tính đức thực của mình. Sự mừng vui của dân Chúa là điều mà thế gian không biết đến và cũng không thể có được. Thế gian chỉ biết tạo ra những trò vui chơi, tiêu khiển cốt làm sao cho thật sôi động và phấn khích; còn niềm vui đích thực mà đoàn dân Chúa cảm nghiệm chỉ đến từ sự trung tín với Giao Ước.
Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu đuổi những kẻ đang buôn bán ra khỏi Đền Thờ: ‘Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!’ Trong thời đại của anh em nhà Ma-ca-bê, dân ngoại đã chiếm cứ Nơi Thánh và thay thế việc thờ phượng Thiên Chúa Hằng Sống bằng các ngẫu tượng thế gian. Ngày hôm nay, chuyện ấy lại xảy ra theo một cách thức khác.
Như bài Tin Mừng thuật lại, các thượng tế và kinh sư đã thay đổi nhiều thứ. Họ đã xâm phạm và làm ô uế Đền Thờ. Đền Thờ tượng trưng cho Giáo hội. Giáo hội luôn phải chịu đựng những cám dỗ của tinh thần thế gian và quyền lực. Thứ quyền lực này, Đức Giêsu không hề muốn thấy tồn tại nơi Giáo hội. Đức Giêsu không nói: ‘Các ngươi đừng có buôn bán ở đây. Hãy ra ngoài kia mà buôn bán’. Nhưng Ngài nói: ‘Các người đã biến Nhà Ta thành sào huyệt của bọn cướp!’ Và một khi Giáo hội đi vào tiến trình suy thoái, tức là dính bén với tiền của và quyền lực, thì kết cục sẽ rất tệ hại.
Luôn có nguy cơ tham nhũng trong Giáo hội. Điều này xảy ra khi Giáo hội, thay vì trung thành với Đức Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình của niềm vui và ơn cứu độ, lại bị chi phối bởi tiền của và quyền lực. Đây chính xác là điều mà bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Các thượng tế và kinh sư đã bị chi phối bởi tiền của và quyền lực; họ đã lãng quên Thần Khí. Và để hợp lý hóa hành động của mình, họ đã khoác lên người ‘tấm áo đạo đức giả’. Trong Tin Mừng Mathêu, chương 23, Đức Giêsu đã nói về thói đạo đức giả này. Đây là nhưng người đã đánh mất cảm thức thánh thiêng, và thậm chí đánh mất ngay cả khả năng vui mừng, khả năng tán dương Thiên Chúa. Họ không biết làm sao để thờ phượng, ca ngợi Thiên Chúa, vì bị chia lòng chia trí với tiền của và quyền lực.
Đức Giêsu không đuổi khỏi Đền Thờ các thượng tế và kinh sư mà là những người đang buôn bán, kinh doanh, những thương gia Đền Thờ. Nhưng cách nào đó, các thượng tế và kinh sư ấy cũng có dính líu đến việc làm ăn này. Đây chính là ‘hối lộ thánh’. Họ nhận tiền hối lộ và các thương gia được vào buôn bán trong Đền Thờ. Tin Mừng tường thuật rất rõ: ‘Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Đức Giêsu, cả các thân hào trong dân cũng vậy.’ Nhưng tại sao lại thế? Lý do là: ‘Toàn dân say mê nghe Đức Giêsu.’ Sức mạnh của Đức Giêsu chính là ở lời nói, việc làm và tình yêu mến. Ở đâu có Đức Giêsu, thì nơi đó không có tinh thần thế gian, không có chỗ cho tham nhũng hối lộ. Đây là thách đố cho mỗi người chúng ta và cũng là cuộc chiến mà Giáo hội phải đối diện hằng ngày. Chúng ta hãy luôn ở bên Giêsu, say mê nghe tiếng Người và đừng bao giờ tìm kiếm sự an toàn từ những ‘ông chủ khác’. Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: Chúng ta không thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa hoặc tiền của, quyền lực.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội và hãy ấp ủ nơi trái tim chúng ta hình ảnh của biết bao vị tử đạo. Các ngài không hề bị thấm nhiễm bởi tinh thần thế gian, tiền của và quyền lực; nhưng lại sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cái chết. Ngày này trong Giáo hội lại càng có nhiều các vị tử đạo hơn trước kia. Chúng ta hãy ghi nhớ điều đó. Chúng ta cũng xin ơn để không rơi vào cạm bẫy của tinh thần thế gian và đừng bị ám ảnh bởi của cải và quyền lực” (SD 20.11.15).
Vũ Đức Anh Phương
(Nguồn: Radio Vatican)