MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Liên Hội đồng Giám mục Á châu: Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI)

Để kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate tại châu Á, Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã tổ chức Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI) tại Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Mười Một năm 2015.

Tham dự Hội nghị này có 87 tham dự viên thuộc 17 quốc gia. Giáo hội Việt Nam có 4 tham dự viên gồm 3 linh mục và Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, giám mục giáo phận Cần Thơ, phụ trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung kết của Hội nghị.

***

Tuyên bố chung kết
BIRA VI

KỶ NIỆM 50 NĂM NOSTRA AETATE TẠI CHÂU Á
Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của FABC
Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan
(16–20 tháng 11 năm 2015)

1. Nhờ ơn Chúa và sự quan phòng của Ngài mà 87 người chúng tôi từ 17 quốc gia, đã tham dự Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI), mừng kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate trong bối cảnh châu Á và trong thời đại của chúng ta. Chúng tôi cảm ơn Missio Aachen đã tài trợ để giúp cho Hội nghị này được tổ chức.

2. Trong Hội nghị đầy ân sủng này, chúng tôi đã cùng nhau làm việc như là Giáo hội tại Châu Á dõi lại các bước đi của mình trên con đường đối thoại; cầu nguyện, suy tư và chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của chúng tôi về những điều chúng tôi đã thực hiện cho đến nay và những gì còn phải tiếp tục làm trong lĩnh vực đối thoại liên tôn ở châu Á.

3. Chúng tôi nhìn nhận rằng Nostra Aetate vẫn còn tạo cảm hứng và thách đố chúng ta hiện thực quan điểm về Giáo hội như là dân Thiên Chúa trong cuộc đối thoại vào thời đại của chúng ta, trước thực tại tương thuộc của những ảnh hưởng phức tạp và đa dạng của các cấu trúc xã hội-kinh tế-văn hoá-chính trị toàn cầu hoá, chúng tôi tái khẳng định nhu cầu khẩn thiết của cuộc “đối thoại ba chiều”: với người nghèo, với các nền văn hoá và với các tôn giáo, trong hành trình tiến về Vương quốc của công lý, hoà bình và hoà hợp về sinh thái.

4. Với kinh nghiệm đối thoại và hành động trong năm thập kỷ vừa qua, chúng ta đã học biết rằng đối thoại liên tôn không chỉ là một chiến lược mục vụ cụ thể của Giáo Hội, nhưng còn là một cái nhìn của châu Á về Giáo Hội. Đó là một Giáo Hội tuyên xưng các giá trị của Vương quốc mà không sợ hãi, trong sự hợp tác mang tính đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác.

5. Đấu tranh chống lại mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và chiêu dụ tín đồ, Giáo Hội tại châu Á được kêu gọi làm việc chung với những người khác như những người cùng hành hương. Trong việc bảo vệ người nghèo và môi trường thông qua mạng lưới liên tôn của chúng ta, không phải chúng ta cùng nhau làm công tác xã hội, nhưng là xây dựng một Vương Quốc Thiên Chúa nhiệm hiệp như những hữu thể tương thuộc nhau (trong sự hài hoà của mối tương quan giữa chúng ta với nhau và với toàn thể tạo thành).

6. Giáo Hội tại Châu Á khẳng định rằng chúng ta không thể thực sự đối thoại với người khác nếu không có căn tính rõ ràng - biết mình là ai và không ngừng lớn lên trong đức tin của mình. Trong bối cảnh đa nguyên của châu Á, Giáo Hội, như một “đoàn nhỏ”, được kêu gọi học lấy tinh thần yêu thương và phục vụ theo cung cách kenosis (hủy mình ra không) của Chúa Giêsu Kitô. Chính qua cách tiếp xúc khiêm tốn và cởi mở mới có thể tạo được với những người khác niềm tin tưởng thực sự và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi nhận thức rằng đối thoại liên tôn nơi những người thường dân là quan trọng, cuộc đối thoại này thường bắt đầu từ tình bạn giữa các cá nhân rồi phát triển đến chỗ hành động chung vì công lý và hoà bình.

7. Giáo Hội tại châu Á nhìn nhận những thách đố ngày hôm nay đối với tất cả các tôn giáo là rất nghiêm trọng: nhiều thứ xung đột và bạo lực, rất nhiều người nghèo đói và nạn bất bình đẳng toàn cầu, số người tị nạn và di cư ngày càng gia tăng, ô nhiễm và khủng hoảng môi trường, tham nhũng và suy thoái đạo đức, nạn buôn bán người và xã hội trở nên lỏng lẻo, chủ nghĩa khủng bố và tất cả các hình thức của chủ nghĩa cực đoan.

8. Một trong những thách thức cấp bách nhất ở châu Á là rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, đồng thời vẫn nhìn nhận và tôn trọng những gì là “chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác” (Nostra Aetate, số 2). Là cộng đoàn các môn đệ, chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu qua lối sống yêu thương về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn theo ba cách liên kết với nhau: âm thầm, hiện diện, và kể chuyện. Bằng cách sống âm thầm, chúng ta dốc cạn chính mình và lắng nghe tiếng nói của người khác mà không phán xét, với quả tim yêu thương. Trong thẳm sâu cõi lặng của lòng mình, chúng ta ý thức Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, điều đó cho chúng ta hứng khởi lên đường hành động và đối thoại liên tôn để biến đổi thế giới. Chính khi kể câu chuyện của chúng ta về sự biến đổi nhờ Chúa Giêsu, như những cá nhân và như những cộng đoàn, mà nền văn hoá toàn cầu của sự thờ ơ và chủ nghĩa tiêu thụ vô độ được biến đổi thành nền văn hoá liên đới và chia sẻ của Tin Mừng.

9. Trong cuộc hành trình chung với những người khác, người Kitô hữu chúng ta ở châu Á nhận ra tầm quan trọng của các cộng đoàn cơ bản nơi những người dân thường, là nơi diễn ra sự đối thoại bằng cuộc sống và hành động, đặc biệt là cùng với người dân bản địa. Chính qua các cộng đoàn cơ bản này mà Giáo Hội tại châu Á học biết thế giới quan toàn diện và nền linh đạo thánh thiêng về vũ trụ vốn sẽ thức tỉnh chúng ta trong việc chăm sóc “ngôi nhà chung của chúng ta”. Chúng ta được kêu gọi ra khỏi vùng tiện nghi của mình để khai triển một câu chuyện đối thoại mới, xuất phát từ kinh nghiệm chung của chúng ta, với hy vọng tái khám phá những mối tương quan hài hoà giữa con người, vũ trụ và Thiên Chúa cho thế hệ tương lai.

10. Chúng tôi cam kết hăng say dấn thân đối thoại liên tôn tại châu Á hơn nữa bằng nhiều cách, chẳng hạn:
– Phát triển đối thoại và hoạt động liên tôn tại địa phương trong các cộng đoàn cơ sở.
– Tổ chức các chương trình đào tạo đối thoại liên tôn trong cộng đoàn Công giáo (ví dụ như chủng viện, tu viện và đào tạo giáo dân).
– Thúc đẩy đối thoại giữa các giáo hội Kitô giáo và trong các tổ chức Công giáo.
– Trợ giúp các hoạt động và các diễn đàn đối thoại (ví dụ Tuần lễ hoà hợp các tín ngưỡng của Liên hiệp quốc).
– Ủng hộ đối thoại và hoạt động liên tôn trong lĩnh vực công cộng và không gian mạng.
– Cung cấp sự chuẩn bị đầy đủ và chăm sóc mục vụ cho gia đình liên tôn.

11. Sau những ngày suy tư và chia sẻ kinh nghiệm cùng những hiểu biết về đối thoại liên tôn trong ánh sáng của Nostra Aetate, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một lần nữa chúng tôi lại nhận ra được tầm quan trọng của việc mở ra với mọi người thuộc các tôn giáo khác và vai trò thiết yếu của việc làm chứng cho Nước Thiên Chúa ngày càng phát triển trong tâm hồn của người châu Á. Qua việc chân thành dấn thân đối thoại của chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô sẽ được biết đến, được công nhận và yêu mến nhiều hơn”. (PCID, Đối thoại trong Chân lý và Bác ái, số 39).

Huy Hoàng chuyển ngữ,

(Nguồn: WHĐ)