MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chiến tranh từng mảng

Các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công ở Paris ngày 13-11-2015
Các vụ tấn công ở Paris làm cho lời của Đức Phanxicô vang vọng lên một cách nghiêm trọng: “Thế Chiến Thứ Ba từng mảng”. Được hỏi về vấn đề này ngay ngày hôm sau vụ đánh bom, Đức Phanxicô cho rằng thảm kịch này là “một mảng” của cuộc chiến tranh này. Chính Ngài cũng đã tuyên bố nhiều lần về việc này.

Lần đầu tiên là buổi họp báo khi ngài từ Hàn Quốc về ngày 18 tháng 8-2014. “Hôm nay, chúng ta đang ở trong một thế giới có chiến tranh khắp nơi!” ngài lo lắng trước báo chí: “Có người nói với tôi: ‘Thưa Cha, cha biết chúng ta đang ở trong Thế Chiến Thứ Ba, nhưng một thế chiến phân tán không?” Đức Giáo hoàng chống loại chiến tranh này cũng như loại chiến tranh cổ điển ngày xưa, được cho là ít hung ác hơn: “Tôi không nói chiến tranh cổ điển là chuyện tốt, không. Nhưng ngày nay, bom ném và giết người vô tội, xem người vô tội là tội phạm, trẻ con với đàn bà, với bà mẹ… chiến tranh giết tất cả”.

Một tháng sau ở vùng Bắc Ý, ngày 13 tháng 9-2014, trong lễ tưởng niệm 100 năm ngày bắt đầu Thế Chiến Thứ Nhất, Đức Phanxicô lại nhấn mạnh: “Ngày nay, sau thất bại lần thứ hai của một cuộc thế chiến khác, người ta có thể nói một Thế Chiến Thứ Ba đang xảy ra “từng mảng”, với những tội ác, những vụ thảm sát, những vụ phá hủy.”

Cũng trong chiều hướng này, trong bài phỏng vấn với báo Thập Giá tuần này, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cũng giải thích, thế chiến này cũng như hai cuộc thế chiến trước đều đánh vào những người vô tội ở mọi lứa tuổi. Một cuộc chiến tranh “không tuyên bố”, Đức Hồng y mô tả, một cuộc chiến phân tán đến mức không ai biết “mảng” sắp tới sẽ xảy ra ở đâu.

Ngày 12 tháng 4, trong thánh lễ tưởng niệm 100 năm vụ diệt chủng người Armênia, Đức Phanxicô tuyên bố: “Có vẻ như sự nhiệt thành sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt đang dần dần biến mất và không còn. Gần như gia đình nhân loại không muốn học những sai lầm của chính mình trong quá khứ, bị gây ra do luật của kinh hoàng; và như thế, cho đến ngày nay, vẫn còn người muốn diệt đồng loại với sự trợ giúp của người này và sự im lặng đồng lõa của người kia, họ là khán giả đứng xem”.

Từ ngày 13 tháng 11, các “khán giả” trở thành nạn nhân. Cái gì trước đây xem là chuyện khủng khiếp, thì bây giờ gần như chuyện bình thường ở Bêirut, ở Tel-Aviv, và bỗng thình lình cũng xảy ra ở Paris. “Các bọt xà phòng của chúng ta”, những bọt mà Đức Phanxicô đã điểm ra từ chuyến đi Lampedusa tháng 7-2013 đang vỡ ra tất cả.

Các khái niệm “văn hóa của đối thoại và của tình huynh đệ” mà Ngài lặp đi lặp lại từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của mình đã mang một âm hưởng mới. Nó nói lên một nhu cầu bức bách cho tình trạng của thế giới ngày hôm nay.

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Ngài có được xem là nghiêm túc hơn không? Hay đây là nghịch lý trong bối cảnh chiến tranh hiện nay? Ý nghĩa sâu đậm của lòng thương xót ló lên. Người ta có thể dám nói, vì thế người ta mới hiểu được lòng thương xót từng mảng. “Tôi tin chắc toàn thể Giáo hội đều cần nhận lòng thương xót, bởi vì tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, chúng ta sẽ tìm trong Năm thánh này niềm vui để tái khám phá lại và để làm phong phú lên lòng thương xót của Chúa, với lòng thương xót này, chúng ta tất cả được gọi để mang sự an ủi đến cho từng anh chị em chúng ta ở thời buổi này”, Đức Jorge Bergoglio đã giải thích như trên khi lần đầu tiên ngài trình bày về chương trình Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 13 tháng 3 vừa qua.

Năm Thánh gắn liền với câu nói danh tiếng của ngài về Giáo hội “như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh”. Từ sau các cuộc tấn công ở Paris, ẩn dụ này mang nghĩa đen. Và đây là điều ngài giải thích trong phần đầu cuộc phỏng vấn của tạp chí Dòng Tên mùa hè năm 2013: “Tôi thấy rõ ràng, điều mà Giáo hội ngày nay cần nhất, đó là khả năng băng bó các vết thương, sưởi ấm tâm hồn tín hữu, gần gũi và cùng sống trong tinh thần đồng đội với nhau. Tôi thấy Giáo hội như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Sẽ vô ích để hỏi một người bị thương nặng xem lượng mỡ, lượng đường trong máu của họ có cao không! Chúng ta phải săn sóc các vết thương. Sau đó chúng ta mới xem các chuyện khác sau. Săn sóc các vết thương, săn sóc các vết thương… Phải bắt đầu từ dưới trước”. Và đó là điều ngài mong khi tiến hành Năm Thánh, khi mở Cửa Thánh. Không phải chỉ mở ở đền thờ Thánh Phêrô nhưng ở khắp nơi, Paris, Gaza hay Bangui.

Sébastien Maillard (rome-vatican.blogs.la-croix.com) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)