MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nếu để các ‘lợi ích riêng’ thắng thế, thì đó là thảm họa

Đức Giáo hoàng được tổng điều hành của trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Nairobi, Sahle-Work Zewde tiếp đón, rồi ngài ký sổ vàng, trồng một cây biểu tượng trước khi vào sảnh hội nghị, nơi 3000 người đang chờ nghe ngài nói.

Đức Phanxicô khuyến khích ‘sự tận tâm của các tổ chức quốc tế và các tổ chức dân sự đang làm việc để hướng sự chú ý chung đến các vấn đề môi trường, đưa ra những việc hợp tác quan thiết, sử dụng các biện pháp tạo sức ép hợp pháp, bảo đảm rằng chính phủ thực hiện trách nhiệm đúng đắn và không thể chối bỏ của mình trong việc gìn giữ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước, mà không chịu khuất phục trước những lợi ích quốc tế hay địa phương.’

Rồi Đức Giáo hoàng nhắc cho mọi người hiện diện về hội nghị COP21 sắp diễn ra. ‘Trong vài ngày nữa, một hội nghị quan trọng về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra ở Paris, nơi cộng đồng quốc tế sẽ một lần nữa đương đầu với các vấn đề môi sinh này. Thật đáng buồn, và tôi dám nói là thật tai họa, nếu như các lợi ích riêng thắng lợi ích chung, và dẫn đến việc bóp méo thông tin nhằm bảo vệ các kế hoạch và dự án kinh doanh của họ.’

Đức Phanxicô nhắc lại rằng, ‘việc sử dụng sai và hủy hoại môi trường cũng đi kèm với một tiến trình loại trừ không ngừng’ và ngài xem COP21 là một bước quan trọng trong tiến trình phát triển một hệ thống năng lượng mới, ít dùng nhiên liệu hóa thạch hơn,nhắm đến một năng lượng hiệu quả và sử dụng các nguồn năng lượng ít hoặc không có carbon. Chúng ta đang đối mặt với một bổn phận kinh tế và chính trị là phải suy nghĩ lại và sửa đổi những biến chứng, méo mó của hình mẫu phát triển hiện thời. Hiệp ước Paris có thể là một dấu hiệu rõ ràng theo đường hướng này, và có thể đạt được nếu như chúng ta tránh mọi cám dỗ rơi vào thói duy danh, nói cho có để xoa dịu lương tâm mình.

Lời nói và các nguyên tắc được tuyên bố, là không đủ. Chúng ta cần bảo đảm rằng các cơ chế của chúng ta thực sự có hiệu quả.’ Vì lý do này, Đức Phanxicô bày tỏ hi vọng rằng COP21 sẽ đạt được một hiệp ước toàn cầu và mang tính ‘biến đổi’ dựa trên các nguyên tắc đoàn kết, công lý, công bằng và chung phần, một hiệp ước sẽ nhắm đến ba mục tiêu phức hợp và phụ thuộc lẫn nhau là, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đấu tranh với nạn nghèo đó, và bảo đảm tôn trọng phẩm giá con người. Nền kinh tế và chính trị cần phải đặt nền tảng trên việc phục vụ người dân, với kẻ quả là ‘khi hòa hợp với thiên nhiên, nhân loại cơ cấu một hệ thống toàn thể cho sản xuất và phân bổ.

Thay đổi nhất thiết này sẽ cần đến một sự tận tâm cho giáo dục và đào tạo, một tiến trình đào tạo đưa ra những cách sống mới. Một văn hóa mới. Cần phải có một tiến trình giáo dục bồi đắp được trong mỗi cô bé cậu bé, người trưởng thành nam nữ, một nền văn hóa chăm lo, chăm lo cho bản thân, cho người khác, cho môi trường.

Có những dạng sử dụng và thải loại xấu xa, sự loại trừ của xã hội, như các dạng nô lệ hóa mới, nạn buôn người, lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng. Còn những người di dân tìm cách trốn chạy khỏi cảnh nghèo do môi trường bị hủy hoại gây nên. Và thêm sự đô thị hóa nhanh chóng mặt khiến co các thành phố trở nên nơi không dung dưỡng sự sống, bởi bạn bạo lực và thuốc phiện.

Trong khi nhìn nhận nhiều điều được thực hiện ở khu vực này, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa đạt được một hệ thống thương mại quốc tế công bằng và hoàn toàn phục vụ trong trận chiến chống nghèo đói và loại trừ. Tôi mong muốn vang vọng mối bận tâm của tất cả những nhóm đang tận tụy với các dự án phát triển và chăm sóc sức khỏe có liên quan đến sở hữu trí tuệ, sự tiếp cận thuốc men và các chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Các hiệp định tự do thương mại trong vùng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học, không nên nằm ngoài phạm vi các quyền được trao cho chính phủ theo sự đồng thuận chung, mà phải là những khí cụ để bảo đảm tất cả mọi người đều được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận điều trị căn bản. Với những nước nghèo hơn, cần có sự linh hoạt và các ngoại lệ khi tuân thủ các quy định thương mại, sao cho đừng gây thiệt hại cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Các vấn đề sức khỏe nhất định, như việc chống bệnh lao và sốt rét, điều trị các chứng bệnh của trẻ em, và các dược phẩm cho vùng nhiệt đới, cần đến sự chú tâm khẩn thiết của giới chính trị, và đây là vấn đề vượt trên mọi lợi ích chính trị hay thương mại khác.

Còn vấn nạn buôn bán bất hợp pháp, vốn nảy sinh do nạn nghèo và dẫn đến cảnh nghèo và loại trừ còn tồi tệ hơn nữa. Việc buôn bán bất hợp pháp kim cương và đá quý, các kim loại quý, hay các loại gỗ, vật liệu sinh học, sản phẩm từ động vật như ngà voi, các việc này đang đổ dầu vào lửa cho những bất ổn chính trị, và lại tiếp sức cho các tổ chức tội ác và khủng bố.

Với nhiều nước châu Phi, những cảm nghiệm này như là một phần đời sống thực tế hằng ngày của họ vậy.’

Andrea Tornielli (Vatican Insider) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)