MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sứ điệp của năm tôn giáo ở Thái Lan gửi người dân Paris

WHĐ – Ngày thứ Năm 19-11, cùng với các tôn giáo lớn khác tham gia cuộc “Tuần hành vì Hòa bình”, người Công giáo Thái Lan đã dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Paris.

Phát biểu với hãng tin Công giáo CNA, Đức ông Vissanu Thanya-Anan nói: “Thế giới đã mệt mỏi vì thù hận và luôn khao khát hoà bình. Cuộc tuần hành vì hoà bình này, một biểu tượng của việc chung lời cầu nguyện cho các nạn nhân, cũng là một cơ hội để chứng tỏ rằng mọi tôn giáo có thể sống và làm việc hài hòa với nhau và làm việc vì lợi ích của xã hội và đất nước như những công dân tốt”.

Đức ông Vissanu hiện là Phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Thái Lan và đã từng là Phụ tá Thư ký của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn.

Ngày 19-11, Đức ông cùng với Đức giám mục Joseph Chusak Sirisut của Nakhon Ratchasima đã dẫn đầu phái đoàn Công giáo gồm các linh mục, tu sĩ và một nhóm học sinh tham gia cuộc tuần hành vì hoà bình trước Đại sứ quán Pháp tại Thái Lan.

Cuộc tuần hành được tổ chức để cầu nguyện và bày tỏ tình đoàn kết với người dân Pháp sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris vào đêm thứ Sáu 13-11 vừa qua do lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo ISIS gây ra, khiến 129 người chết và hơn 300 người bị thương.

Năm tôn giáo chính của Thái Lan gồm Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn Độ giáo và đạo Sikh đã tham gia sự kiện này. Đại diện mỗi tôn giáo lần lượt dâng lời cầu nguyện theo truyền thống đức tin của mình và ký tên trong Sổ Phân ưu.

Phụ trách phần cầu nguyện của giới Công giáo là Đức giám mục Chusak, người đứng đầu Văn phòng Đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục Thái Lan.

Tại cuộc tuần hành này, các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên tiếng bày tỏ nỗi đau đớn và khổ tâm trước thông tin về các cuộc tấn công khủng bố, và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Hồi giáo dung túng bạo lực.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gửi đến ông đại sứ Pháp Gilles Garachon một tuyên bố chung, trong đó viết: “Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện cho những người đã chết, người bị thương, và các gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Nguyện Đấng Tối Cao Xót thương cho các nạn nhân được nghỉ yên muôn đời, và ban ơn an ủi và hy vọng cho những người bị thương và gia đình của họ”.

“Cuộc tuần hành vì hoà bình của chúng tôi hôm nay là một biểu tượng hiệp nhất của năm truyền thống tôn giáo lớn ở Thái Lan. Chúng tôi cùng cầu xin Đấng Tối Cao ban cho chúng tôi hứng khởi và sức mạnh trong việc xây dựng hòa bình”.

“Bạo lực không giải quyết được gì, và chúng tôi cực lực lên án mọi hành vi bạo lực nhân danh tôn giáo. Chúng tôi mời gọi mọi người chung tay với chúng tôi xây dựng một nền hoà bình bền vững nhờ công lý, liên đới, và không phân biệt đối xử về quốc tịch, tôn giáo, địa vị và màu da”.

Đức ông Vissanu nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo rất gần gũi với các nạn nhân của đau khổ, của bách hại và thiên tai.

Nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi hòa bình, Đức ông nói: “Chúng tôi ghi nhớ giáo huấn của Đức Thánh Cha, giáo huấn ấy truyền cảm hứng cho chúng tôi... tìm kiếm con đường giải quyết xung đột và nỗ lực xây dựng hoà bình và đối thoại”.

Đức ông cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm chung và nói rằng: “Chúng tôi cần sự hợp tác và thiện chí của mọi công dân có trách nhiệm để bảo vệ các quyền căn bản và phẩm giá của mỗi con người”.

Nhắc lại vụ đánh bom tại Bangkok hồi tháng Tám vừa qua đã khiến 20 người thiệt mạng và 125 người bị thương, Đức ông Vissanu nói: “Thế giới đã hiệp nhất trong tình liên đới và cầu nguyện cho Thái Lan, và bây giờ chúng tôi có bổn phận cầu nguyện cho những người khác ... trong thời điểm đau thương khó khăn này”. (Theo CNA)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)