Tại Thượng Hội Đồng năm 2015, ngay từ những ngày đầu tiên, vấn đề phải sáng tạo ra một ngôn ngữ mới đã được nêu ra, để nói về hôn nhân và tính dục một cách tích cực và bao gồm hơn hầu chuyển tải thành công hơn sứ điệp của Giáo Hội cho con người thời nay. Hầu hết các Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Đồng đều nhấn mạnh tới vấn đề này, nhất là Nhóm C nói tiếng Anh do Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia, làm tường trình viên.
Tại một cuộc họp báo của Phòng Báo Chí mà ngài tham dự lần đầu, Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: là một biến cố có tính mục vụ, ngài hy vọng rằng thành quả hàng đầu của Thượng Hội Đồng sẽ là việc chấp nhận một ngôn ngữ thích đáng hơn về mục vụ. Công Đồng Vatican II là một “biến cố ngôn ngữ” như thế nào, ngài hy vọng Thượng Hội Đồng 2015 cũng là một biến cố giống như vậy. Thượng Hội Đồng sẽ thành công bao lâu nó có thể chuyển tải tín lý truyền thống bằng cỗ xe ngôn ngữ mới, dễ hiểu hơn đối với tín hữu bình dân, giúp cho cuộc đồng hành của Giáo Hội dễ dàng thành công hơn.
Liên quan tới khía cạnh trên, Đức Tổng Giám Mục Coleridge đưa ra hai thí dụ trong ngôn ngữ của Giáo Hội cần được cải thiện, đó là “tính bất khả tiêu” của hôn nhân và bản chất “vô trật tự từ nội tại” của các khuynh hướng đồng tính luyến ái. Ngài nhấn mạnh rằng ngài không cổ vũ việc bác bỏ giáo huấn của huấn quyền về các vấn đề này, nhưng ngài ủng hộ việc tìm ra một ngôn ngữ có thể vừa nói lên tính nguyên tuyền của giáo huấn vừa hữu hiệu chuyển tải được giáo huấn này tới người đương thời. Bất khả tiêu là một kiểu nói tiêu cực, mô tả hôn nhân không phải hay không thể là điều gì (không thể bị tiêu hủy); nó phát sinh từ lối nói bên trong Giáo Hội.
Về điều trên, Nhóm B nói tiếng Anh do Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, Anh, làm điều hợp viên, thì cho rằng: thay vì kiểu nói “bất khả tiêu” hoàn toàn có tính thần học và giáo luật, ta nên dùng kiểu nói “giao ước tình yêu suốt đời”.
Trong cuộc phỏng vấn dài của tờ Crux, cũng vị Tổng Giám Mục trên cho hay: ta cần có một lối nói mới khi đề cập tới hoàn cảnh những người bị lôi cuốn bởi người đồng phái tính hay những người đang sống trong các cuộc phối hợp đồng tính, và những người ly dị và tái hôn dân sự.
Ngài nói: “Bản thân tôi nghĩ rằng quả không đúng thực tế chút nào khi nói rằng không có điều gì tốt trong các mối liên hệ này. Theo tôi hiểu: nói rằng không có thể liên tục (continuum) nào giữa điều tốt và điều xấu, chỉ là chuyện lý thuyết. Thực tế là khi bạn gặp một ai đó đang sống trong các mối liên hệ này, thì nó không dứt khoát là trắng và đen, bất cứ vị mục tử nào cũng biết thế.
“Giữ cho giáo huấn của Giáo Hội nguyên vẹn vẫn có thể mở ra cả một phạm vi rộng lớn cho tinh thần sáng tạo mục vụ. Đây là một thách đố đối với óc tưởng tượng mục vụ. Đối với tôi, càng ngày, Thượng Hội Đồng này dường như càng là một cuộc triệu tập cho loại sự việc như thế. Mối nguy của chúng ta, không phải chỉ với các giám mục và với những người khác trong Giáo Hội, là nghĩ rằng chúng ta bị kết án phải nhẩy vòng vòng trừ phi thay đổi được giáo huấn của Giáo Hội.
“Đôi khi, ta mắc thứ bệnh lý Công Giáo chỉ nhận tất cả hay không nhận gì cả. Nếu điều gì đó không phù hợp với câu định nghĩa lý tưởng của ta về hôn nhân, thì phải coi nó không là gì cả. Đây quả là thứ tuyệt đối chủ nghĩa của Công Giáo”.
Chỉ nói chung chung
Chính Đức Tổng Giám Mục Coleridge không đề nghị được một ngôn ngữ nào cụ thể để thay thế những kiẻu nói mà ngài cho là không hợp thời nữa. Vì thế, nữ ký giả Inés San Martin cho rằng luận điểm của ngài chỉ quanh quẩn trong những từ ngữ chung chung, tổng quát, không có gì cụ thể hết.
Ngoài hai kiểu nói trên, ngày 19 tháng Mười, Đức Tổng Giám Mục Coleridge còn nói tới hai kiểu nói nữa cần được thay thế, đó là gọi việc ly dị và tái hôn dân sự là “ngoại tình” và câu châm ngôn xưa “yêu người tội lỗi nhưng ghét tội lỗi”.
Ngài cho hay: tuy những lối nói đó có chuyển tải “một điều rất quan trọng” nhưng vì chúng phát xuất từ “ngôn ngữ nhà thờ” nên không luôn luôn truyền đạt tốt trong nền văn hóa hiện thời.
Về câu châm ngôn “yêu người tội lỗi, ghét tội lỗi”, ngài bảo công thức này đã phục vụ ta rất tốt trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay, người ta không phân biệt như thế nữa nhất là trong phạm vi tính dục.
Trong cuộc phỏng vấn của NCR, ngài cho hay: “tôi không nghĩ ta còn có thể nói rằng ta kết án tội lỗi chứ không phải người tội lỗi. Vì, bạn thấy đó… người trong các nền văn hóa sẽ nói rằng bạn và tôi đều khởi đi từ điều này: tính dục không phải chỉ là một phần của tôi, nó là một phần của trọn cả con người tôi. Do đó, bạn không thể cô lập tính dục của tôi bằng cách đồng nhất nó với hành vi mà bạn gọi là vô trật tự từ nội tại này nhưng lại khác biệt hay tách biệt với chính tôi, người có tội.
Bởi thế, hiện nay, khi nói rằng hành vi này vô trật tự từ nội tại đương nhiên được người ta hiểu là cố ý nói tôi là kẻ vô trật tự từ nội tại.
Còn về ngoại tình, ngài lý luận “nói rằng mọi hoàn cảnh ly dị và tái hôn đều có tính ly dị có lẽ là điều quá bao quát”. Nhưng phải nói thế nào thì Đức Tổng Giám Mục không có gợi ý gì cụ thể. Ngài chỉ quanh quẩn nêu thêm môt số chi tiết về tính cách mạng của Công Đồng Vatican II trong việc sử dụng ngôn ngữ mới. Thí dụ thay vì gọi các Kitô hữu của các Giáo Hội và cộng đồng Kitô Giáo khác là “lạc giáo” hay “ly giáo”, Vatican II đã gọi họ là “anh em chia cách”. Việc thay đổi ngôn từ này phát xuất từ một xem xét sâu sắc hơn ý nghĩa của phép rửa chung. Nếu cả những người này cùng chịu phép rửa trong Chúa Kitô, thì họ quả thực là anh chị em của ta. Tuy thế, sự hiệp thông chưa được trọn vẹn, nên mới gọi họ “chia cách”. Việc thay đổi ngôn từ như thế đã nói lên một cách hiểu mới mẻ về mối liên hệ và điều này không những thay đổi tâm tính mà còn mở ra những cánh cửa mới và tạo ra nhiều khả thể mới mẻ. Nhưng nó không hề thay đổi bất cứ tín lý cốt lõi nào của Giáo Hội.
Mở rộng hơn, một số Nhóm Nhỏ trong Thượng Hội Đồng 2015 nhấn mạnh phải đặt cơ sở cho ngôn ngữ mới trong thực tại, chứ không trừu tượng, đầy tính qui phạm như hiện nay. Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha, chẳng hạn, kêu gọi Bản Tường Trình Sau Cùng “đừng nói tới gia đình một cách trừu tượng nhưng đúng hơn trong các thực tại khác nhau của nó”. Trong khi Nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha kêu gọi “một cuộc canh tân lớn lao, không những của người ta mà của cả các cộng đồng trong việc thận trọng sử dụng ngôn ngữ và cách trình bầy tín lý”. Nhóm B nói tiếng Anh cho rằng ngôn ngữ của Bản Tường Trình Sau Cùng nên đơn giản hơn, dễ hiểu đối với các gia đình, cho họ thấy rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng vốn lắng nghe và đã nghe thấy các đóng góp và nhận định của họ. Nhóm C nói tiếng Pháp khai triển chi tiết hơn nữa lời kêu gọi này, và nhấn mạnh rằng các nghị phụ đừng nói về gia đình như thể đây là một điều nằm ngoài kinh nghiệm của các ngài; trái lại, các ngài cũng là người của các gia đình, có cha mẹ, anh em, chú bác, họ hàng. Điều sau phải được phản ảnh rõ ràng trong ngôn ngữ ta dùng, trong cung giọng các bản văn của ta, trong mối quan tâm và trong lòng cảm thương của ta đối với mọi gia đình trên hành tinh này.
Sở Thông Tin của Tòa Thánh thì ghi nhận rằng một số Nhóm Nhỏ nhấn mạnh tới việc cần sử dụng ngôn ngữ Thánh Kinh nhiều hơn. Vì ngôn ngữ này “gần gũi hơn với các thực tại của kinh nghiệm hàng ngày trong các gia đình và có thể trở thành cây cầu nối liền đức tin và đời sống”, tránh các kiểu nói bị coi là quá “nhà thờ”. Việc này “sẽ giúp ta hiểu được bản chất giấc mơ của Thiên Chúa, một giấc mơ mà các gia đình được mời gọi biến thành của riêng họ và hiểu ra rằng trong các khó khăn của đời sống, họ có thể đặt niềm tín thác của họ vào một vị Thiên Chúa không làm ai thất vọng và không bỏ rơi bất cứ ai”.
Trong cuộc phỏng vấn của NCR, Đức Tổng Giám Mục Coleridge cũng còn đề cập tới hai kiểu nói nữa mà ngài coi là những kiểu nói rập khuôn (clichés) đó là “Giáo Hội tại gia” và “Tin Mừng Gia Đình”. Điều này hơi lạ vì “Giáo Hội tại gia” là kiểu nói do Vatican II tạo ra, một Công Đồng vốn được Đức Tổng Giám Mục Coleridge ca tụng như một “biến cố ngôn ngữ”.
Ngôn ngữ Thánh Kinh
Trong các đề nghị về ngôn ngữ trên đây, chỉ có đề nghị sử dụng ngôn ngữ của Thánh Kinh là đã được Bản Tường Trình Sau Cùng hay Bản Tường Trình Của Thượng Hội Đồng chấp thuận một cách hoan hỷ như nhận định của George Weigel.
Mà ngôn ngữ Thánh Kinh, như trên đã nói, là một thứ ngôn ngữ thực tại, không hề trừu tượng. Không gì thực tại bằng việc Đức Kitô không kết án người phụ nữ ngoại tình, nhưng rõ ràng bảo chị ấy đừng phạm tội nữa.
Ngôn ngữ Thánh Kinh cũng rất chí lý, không úp mở, hàm hồ, trình bầy cặn kẽ rằng ai rẫy vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình. Ngoại tình là ngoại tình, làm sao nói khác được khi hội đủ hai điều kiện ấy: rẫy vợ và cưới người khác. Chỉ rẫy vợ mà thôi chứ không cưới người khác, đâu đã phạm tội ngoại tình. Biện phân là biện phân như thế, như Đức Gioan Phaolô đã làm ở số 84 Tông Huấn Familiaris Consortio.
Nói tới Thánh Kinh, lời của Thánh Phaolô về đồng tính luyến ái trong Thư Rôma 1:24-27 không thể không trích dẫn: “Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men. Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình”.
Lẽ dĩ nhiên, xét về một phương diện, ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu luôn là điều đáng ca ngợi. Chính Thánh Tôma Aquinô cũng cho rằng một thầy cô tốt là người biết làm cho mình được hiểu rõ. Tuy nhiên, từ một vọng nhìn khác, bỏ ngôn ngữ thần học qui Kitô và Giáo Hội để chọn thứ ngôn ngữ hiện sinh và chủ quan là điều nguy hiểm.
Vì Thiên Chúa cung cấp cho ta ngôn ngữ gia đình. Bản chất gia đình buộc nó phải “trở về khởi nguyên của hành vi sáng tạo, nếu nó muốn đạt được việc hiểu chính mình và tự thể hiện chính mình phù hợp với sự thật nội tại không những về bản chất của nó và cả về điều nó làm trong lịch sử” (Familiaris Consortio, số 17). Tóm tắt, muốn là chính nó, muốn tự thể hiện trong lịch sử, gia đình phải suy niệm ý nghĩa thần học của mình. Vì thực ra, ơn gọi của gia đình là công bố Tin Mừng Tình Yêu. Và chính Chúa Kitô “mạc khải sự thật nguyên thủy của hôn nhân” (Familiaris Consortio, số 13).
Giáo huấn của Giáo Hội, vì thế, không được rút ra từ thứ ngôn từ nhân bản bị tách biệt khỏi mầu nhiệm Chúa Kitô. Nó học nói ngôn ngữ của Chúa Kitô. Ngôn ngữ này luôn soi sáng, vì chỉ có Chúa Kitô mới soi sáng kinh nghiệm nhân bản, thâm hậu hóa nó trong ánh sáng mầu nhiệm Thiên Chúa.
Việc chăm sóc mục vụ đúng đắn không chuộng thứ ngôn ngữ hiện sinh và chủ quan mà không rõ ràng dựa vào thực tại gia đình, vốn bắt rễ nơi Chúa Kitô và Giáo Hội. Trái lại, nó sẽ giúp đỡ các gia đình hiểu rõ tiềm năng của họ bằng cách giúp họ đào sâu ý nghĩa thần học của nó.
Hơn nữa, phạm vi nào có ngôn ngữ đó. Điều này đúng cho cả luật học lẫn y khoa. Muốn rõ ràng, phạm vi nào cũng cần một ngữ vựng chuyên biệt. Các luật sư không tới tòa án mà lại sử dụng một ngôn ngữ với nghĩa khác. Các y sĩ không dùng thứ ngôn ngữ ướt át trong khi chữa các căn bệnh hiểm nghèo. Người của Giáo Hội không dùng thứ ngôn ngữ ướt át, hàm hồ để nói về ơn cứu rỗi. Thứ ngôn ngữ ấy là thứ ngôn ngữ thế gian thích dùng đặc biệt để nói về luân lý.
Việc rõ ràng và đầy tin tưởng nhắc lại những gì Giáo Hội luôn luôn giảng dậy về hôn nhân và gia đình chính là thành quả đáng hoan nghinh nhất của Thượng Hội Đồng, xét vì bối cảnh văn hóa thù nghịch hiện nay và các bất trắc mà tín hữu vốn trải nghiệm tiếp theo vụ công bố Phúc Trình Giữa Khóa của Thượng Hội Đồng năm 2014.Việc một số vị giáo phẩm có thế giá ủng hộ Đề Xuất Kasper trong việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội không thoải mái với việc tiếp tục giảng dậy điều mình vẫn giảng dậy xưa nay về ngoại tình và bất khả tiêu.
Còn về sự hữu hiệu của ngôn ngữ trong giáo huấn Giáo Hội, ta cần phân biệt điều này: thông đạt sẽ không hữu hiệu khi người nghe không hiểu lời nói của ta. Thông đạt sẽ hữu hiệu khi lời lẽ của ta được người nghe hiểu, dù họ bác bỏ sự thật của lời ta nói. Về giáo huấn luân lý của Giáo Hội, vấn đề đối với nhiều người ngày nay không phải là việc họ không hiểu lời Giáo Hội dậy, mà đúng hơn, họ rất hiểu giáo huấn ấy, nhưng họ vẫn bác bỏ. Đây không hẳn là sự thất bại về thông đạt, mà đúng hơn là việc loan truyền thành công một kiến thức không được chào đón.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)