MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo hội Hàn Quốc với sứ vụ ở Bình Nhưỡng

WHĐ (05.12.2015) – Bảy mươi năm sau khi Triều Tiên bị chia cắt, một phái đoàn Công giáo cấp cao do bốn vị giám mục dẫn đầu đã đến thăm Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến viếng thăm chính thức có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với những người của Giáo hội.

Bảy mươi năm kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia đôi, một phái đoàn khá đông các đại diện của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc có thẩm quyền, lần đầu tiên đã vượt qua biên giới và khu phi quân sự qua ngả Trung Quốc và hiện đang ở thăm Bình Nhưỡng và các vùng khác của Bắc Triều Tiên, như một phần của chuyến viếng thăm chính thức có nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với những người của Giáo hội.

Phái đoàn 17 thành viên gồm 4 giám mục, trong số này có Đức Tổng giám mục Hyginus Kim Hee-joong – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, các linh mục và các đại diện của Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên của Giáo hội Hàn Quốc trong tất cả các giáo phận. Đan viện phụ của dòng Bênêđictô là Blasio Park Hyun-dong, một dòng vốn có trụ sở ban đầu tại Bắc Triều Tiên, cũng có mặt trong phái đoàn.

Chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12. Có nhiệm vụ đối thoại chính thức với phái đoàn khách là các viên chức của Hiệp hội Công giáo Bắc Triều Tiên, một trong những cơ quan được chế độ Bắc Triều Tiên thành lập để nguỵ tạo thái độ “cởi mở” của mình trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Nhưng theo dự đoán, các vị khách Hàn Quốc sẽ có thể có một số buổi gặp gỡ với các đại diện chính trị của Bắc Triều Tiên. Các giám mục và linh mục đến từ miền Nam cũng sẽ cố gắng cập nhật tình hình thực tế của các cộng đoàn Công giáo dường như vẫn còn hiện diện ở Bắc Triều Tiên. Các cộng đoàn này không còn linh mục để dâng lễ và giải tội trong nhiều chục năm qua. Giáo sư Byun Jin Heung cho biết, vào lúc Triều Tiên bị chia cắt, có ít nhất 55.000 người Công giáo ở Bắc Triều Tiên. Giáo sư Houng, người đã làm việc trong Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên, nói thêm: “Nhìn vào những năm vừa qua, vào những người đã trốn thoát và các giai đoạn đàn áp, thực tế có thể nói rằng một vài ngàn người trong số họ có lẽ vẫn còn còn sống và đã âm thầm sống đức tin, như đã được chứng kiến ​​trong các giai đoạn khác của lịch sử Triều Tiên”.

Phái đoàn Hàn Quốc cũng dự định lặp lại đề nghị gửi các linh mục Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên để chăm sóc mục vụ cho các tín hữu của miền Bắc, hoặc ít nhất là để cử hành Thánh lễ tại nơi thờ phượng của Công giáo được chỉ định mà chế độ đã xây dựng trong những năm 1980. Trong các cuộc thảo luận, các tham dự viên sẽ có thể khai triển các chương trình viện trợ cho người dân miền Bắc do các tổ chức bác ái Công giáo của miền Nam thực hiện. Các chương trình này sẽ được đẩy mạnh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Họ sẽ cố gắng tìm xem có cách nào để chính quyền Bình Nhưỡng đồng ý với khả năng tái thiết một nhà thờ Công giáo thật sự ở Bình Nhưỡng, nơi mà Nhà thờ chính toà đã bị phá hủy trong thời nội chiến hay không.

Chuyến viếng thăm chính thức của đoàn đại biểu Công giáo Hàn Quốc đặc biệt quan trọng vì Giáo hội Hàn Quốc muốn đóng vai trò ngày càng lớn trong bối cảnh hoà giải dân tộc và khả năng tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Bảy mươi năm kể từ khi Triều Tiên bị chia cắt, Giáo hội Công Giáo đã trở thành người tiên phong cho khả năng tái thống nhất đất nước; điều này cũng được khích lệ nhờ lời của Đức giáo hoàng Phanxicô nói về tầm quan trọng tối cần của sự hoà giải giữa những người anh chị em, khi ngài tông du đến Hàn Quốc vào tháng Tám 2014. Uỷ ban hoà giải đã thúc đẩy các tín hữu nhận thức rõ điều này thông qua các chương trình được phổ biến rộng rãi của các chi nhánh tại mỗi giáo phận. Liên quan đến vấn đề thống nhất đất nước đang gây tranh cãi, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo đang tham gia vào những nỗ lực để hướng dẫn lương tâm của toàn thể người dân Hàn Quốc.

Cha Timothy Lee Eun-hyung, Thư ký Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên đưa ra nhận định: “Không giống như những nước khác cũng bị chia cắt, như nước Đức chẳng hạn, chúng tôi đã trải qua một cuộc nội chiến khốc liệt. Hàng triệu người chết. Điều này để lại một vết thương hằn sâu đến mức nhiều người đã mất đi cảm thức về nỗi hoài mong một Triều Tiên thống nhất. Nhưng với thế hệ này, vết thương ấy có thể được chữa lành. Người Triều Tiên hôm nay có thể hướng về tương lai. Nhưng hiện nay, những người trẻ lại có nguy cơ trở nên dửng dưng với một quá khứ mà họ đã không trực tiếp trải nghiệm”. Cha Timothy là tuyên úy của “Nhà thờ Sám hối và Cứu chuộc”, khánh thành năm 2013, chỉ cách biên giới vài kilômét, nơi đây hằng tuần đều có các buổi cầu nguyện và phụng vụ xin ơn tái thống nhất đất nước. Ngoài ra còn có các khoá học nâng cao nhận thức cho các nhóm và các cộng đoàn ở khắp Hàn Quốc. Cha Timothy nói: “Trước hết và trên hết, chúng ta cần phải nhận ra những sai lầm của dân tộc Hàn Quốc. Rồi, phải kiên nhẫn trong khi tiến trình được thực hiện. Tái thống nhất đất nước sẽ chẳng bao giờ bỗng dưng diễn ra, hay theo kiểu quốc gia chậm tiến bị quốc gia tiên tiến nuốt chửng. Hoà giải sẽ chỉ diễn ra qua cuộc gặp gỡ giữa những con người biết mở lòng ra với nhau. Chúng ta cần loại bỏ mọi mặc cảm tự tôn và phải tôn trọng người khác. Đó là lý do tại sao Giáo hội có một vai trò rất quan trọng là làm trung gian hoà giải”.

Một số phần tử trong giới chính trị và xã hội Hàn Quốc vẫn còn chống lại ý tưởng hoà giải. Sự chống đối này bắt nguồn từ những tranh chấp về quân sự và ý thức hệ trong nhiều chục năm qua. Cha Timothy nói thêm: “Ngay từ khi còn bé, nền giáo dục của chúng tôi đã nhồi nhét vào đầu chúng tôi rằng phải coi khinh ‘kẻ thù’. Và lối ứng xử này vẫn còn gây ô nhiễm cho một số người trong Giáo hội. Ở đây cũng cần phải làm công tác mục vụ. Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp chúng ta rất nhiều, khi ngài mời gọi mọi người bắc những cây cầu chứ đừng dựng nên những bức tường và xây dựng các giá trị của nền văn hoá gặp gỡ, chứ không phải nền văn hoá loại bỏ”.

Ngay cả trong các cộng đồng Công giáo, các đoàn thể như Liên minh Giáo dân bảo vệ Hàn Quốc, vẫn sử dụng lối tuyên truyền chống Cộng để chống lại đề nghị tái thống nhất và chỉ trích mọi can thiệp của Giáo hội trong các lĩnh vực xã hội như một kiểu “chính trị hoá sứ điệp Kitô giáo”. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Cha Timothy nhấn mạnh: “Ở Hàn Quốc, ngay cả những người thiên tả, cũng không tìm thấy điều gì ở nhiều phương diện phi lý của chế độ Bình Nhưỡng, là hấp dẫn. Nhưng những ý tưởng phân cực xưa cũ không giúp chúng ta hiểu được hiện tại. Sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác, Bắc Triều Tiên cũng sẽ phải ra khỏi sự cô lập của mình. Chúng ta cần có tiến trình để tránh gây thêm đau khổ hơn nữa và để bảo đảm hạnh phúc cho dân chúng”. Bảy mươi năm sau khi Triều Tiên bị chia cắt, các giám mục Hàn Quốc đã công khai nhìn nhận rằng trong quá khứ, cộng đồng Giáo hội đã không thể hiện đủ tinh thần ngôn sứ trong việc hướng mọi người đến con đường hoà giải. Nay thì Giáo hội Hàn Quốc dường như muốn đóng một vai trò tiên phong trên con đường hướng tới tái thống nhất đất nước. Giáo sư Byun Jin Heung cho biết: “Một vài nhóm chính trị thuộc cánh hữu đối lập đòi phải đối thoại nhân danh một tâm thức chống cộng đã ăn sâu nơi nhiều người, gây lo ngại cho cả chính phủ. Nhưng nếu Giáo hội đi đầu về vấn đề hoà giải, điều này cũng có thể trấn an một số phần tử bảo thủ hơn, giúp các nhà lãnh đạo chính trị quyết tâm nắm lấy hy vọng của khả năng tái thống nhất đất nước”. (Theo Vatican Insider)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)