VATICAN. Sự chung sống giữa sự giàu có và sự nghèo khó, tại Phi châu và không chỉ mỗi Phi châu, nhưng tại khắp mọi nơi, đó là một “xì-căng-đan”. Đây là thông điệp của ĐTC trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 02.12.2015 tại quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương. Tuần này, ĐTC chia sẻ vắn gọn kinh nghiệm của mình về chuyến tông du ba nước Phi châu vừa qua.
Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, ngài nói:
“Anh chị em thân mến
Trong những ngày vừa qua tôi đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên của mình tại Phi châu. Châu Phi thật là đẹp phải không? Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì ân ban to lớn này của Người, khi đã cho phép tôi viếng thăm ba nứơc: đầu tiên là Kenya, rồi Uganda và cuối cùng là Cộng hoà Trung Phi. Tôi muốn diễn tả một lần nữa sự thân thiết của mình đối với chính quyền dân sự cũng như các giám mục của những quốc gia này vì đã tiếp đón tôi, và tôi cám ơn tất cả những ai đã cộng tác vào với nhiều cách khác nhau. Lời cảm ơn từ sâu thẳm cõi lòng tôi!”
Chia sẻ về kinh nghiệm tại Kenya, ĐTC nói:
“Kenya là một đất nước tiêu biểu cho thách đố mang tính toàn cầu trong thời kỳ của chúng ta: bảo vệ cho tạo thành bằng cách cải tổ mẫu hình của phát triển đó là công bình, bao gồm và có thể bảo vệ được. Tất cả điều này được thẩm tra tại Nairobi, thành phố lớn nhất của Đông phi, là nơi sự giàu có và sự nghèo khó chung sống cùng nhau: nhưng đây là một xì-căng-đan. Không chỉ ở Phi châu: nhưng ngay cả tại đây cũng vậy phải không? Đúng hơn là khắp mọi nơi. Sự chung sống giữa sự giàu có và sự khốn cùng là một xì-căng-đan, và là một sự xấu hổ cho nhân loại. Và cũng tại Kenya, tôi đã viếng thăm trụ sở của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về môi trường tại đây. Tại Kenya, tôi đã gặp chính quyền và ngoại giao đoàn, cũng như cả những cư dân trong khu vực; tôi đã gặp những lãnh đạo của những nhóm khác nhau tự xưng mình là Kitô giáo cũng như những tôn giáo khác, các linh mục và tu sĩ, và tôi cũng gặp cả những người trẻ, rất nhiều người trẻ! Trong mỗi dịp tôi đã khuyến khích đào sâu kho tàng của sự phong phú vĩ đại của đất nước này: sự giàu có về thiên nhiên và tinh thần, vốn được kiến tạo bởi tài nguyên thiên nhiên, bởi những thế hệ trẻ và những giá trị vốn định hình sự khôn ngoan của dân tộc này. Trong bối cảnh ấn tượng hiện tại như thế này tôi đã có được niềm vui vì mang lại lời hy vọng của Đức Giêsu: “Hãy kiên vững trong đức tin, đừng sợ hãi”. Đây là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm. Một khẩu hiệu được sống mỗi ngày bởi biết bao con người đơn sơ và khiêm tốn, với một phẩm giá cao quý; một khẩu hiệu được làm chứng trong cách thức bi thương và anh hùng bởi những người trẻ của Đại học Garissa, bị sát hại ngày 02.04 vừa qua chỉ bởi vì là Kitô hữu. Máu của họ là hạt giống của hoà bình và tình huynh đệ cho Kenya, cho Phi châu và toàn bộ thế giới.”
Đề cập đến Uganda, ĐTC lên tiếng:
“Và sau đó, tại Uganda, chuyến thăm viếng của tôi đã diễn ra trong dấu chỉ của các Vị Tử đạo của đất nước đó, nhân dịp kỷ niệm 50 năm các vị được phong thánh bởi Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI. Vì điều này nên khẩu hiệu của chuyến thăm viếng là “Anh em sẽ là những chứng nhân” (Cv 1, 8). Một khẩu hiệu vốn bao hàm những lời trước đó: “Anh em đã nhận lãnh sức mạnh từ Thần Khí”, bởi vì chính Thánh Thần thôi thúc cõi lòng và đôi tay của các môn đệ thừa sai. Và tất cả chuyến viếng thăm Uganda đều hướng về lòng sùng mộ đối với chứng tá gợi hứng bởi Thần Khí. Chứng tá theo nghĩa minh nhiên là sự phục vụ của các giáo lý viên, mà tôi đã cám ơn và khích lệ vì bổn phận của họ, và luôn luôn bao gồm cả những gia đình của họ nữa. Chứng tá là những việc làm bác ái mà tôi đã đụng chạm đến bằng đôi tay nơi Nhà Bác Ái của Nalukolongo, cũng như những việc làm của rất nhiều cộng đoàn và hiệp hội trong việc phục vũ những người nghèo khó, tật nguyền và đau ốm. Chứng tá của những người trẻ, bất chấp những khó khăn, vẫn gìn giữ món quà của hy vọng và nỗ lực để sống theo Tin Mừng chứ không sống theo thế gian, để đi ngược dòng đời. Chứng nhân là các linh mục, những tu sĩ nam nữ vốn ngày qua ngày canh tân lời thưa “xin vâng” triệt để đối với Đức Ki tô và họ dâng hiến mình cùng với niềm vui cho việc phục vụ dân thánh. Và có một nhóm chứng nhân khác mà tôi sẽ đề cập đến sau. Tất cả những chứng tá đa dạng này, gợi hứng bởi cùng một Thần Khí, như là nắm men cho toàn thể xã hội, như đựợc diễn tả bởi công việc hiệu quả được thực hiện ở Uganda để chống lại AIDS và tíêp nhận những di dân.”
Không bỏ sót kinh nghiệm tại Cộng hoà Trung Phi, ĐTC ngỏ lời:
“Giai đoạn thứ ba của chuyến đi là Cộng hoà Trung Phi, toạ lạc tại trung tâm địa lý của lục địa này: đó là con tim của Phi châu. Thực tế ra tôi nghĩ đến thăm nơi này trước, bởi vì đất nước này đang nỗ lực để thoát khỏi một giai đoạn hết sức khó khăn, của xung đột bạo lực và rất nhiều đau khổ cho dân chúng. Vì thế tôi đã muốn khai mở ngay tại Bangui, Cánh Cửa Thánh đầu tiên của Năm Thánh Lòng Thương xót dù vẫn còn một tuần nữa Năm Thánh mới bắt đầu. Đây là đất nước đã đau khổ quá nhiều. Và điều này, như dấu chỉ của niềm tin và hy vọng cho dân tộc tại đây, và mang tính biểu tượng cho tất cả các dân nước châu Phi đặc biệt là những nước đang thiếu thốn của cải và sự an ủi. Lời mời gọi của Đức Giêsu cho các môn đệ : “Chúng ta hãy sang bờ bên kia” (Lc 8, 22) đã là khẩu hiệu cho Trung Phi. “Hãy sang bờ bên kia”, trong ý nghĩa dân sự, có nghĩa là bỏ lại sau lưng chiến tranh, sự chia cắt, những đau khổ và hãy chọn lấy hoà bình, hoà giải, và sự phát triển. Nhưng điều này còn giả định một “biến đổi” xảy ra trong nhận thức, trong cách thức hành xử và trong ý định của con người. Và mức độ này được quyết định bởi các cộng đồng tôn giáo. Vì thế tôi đã gặp các cộng đồng Tin Lành và Hồi giáo, cùng chia sẻ trách nhiệm cầu nguyện và nghĩa vụ cho hoà bình. Cùng với các linh mục và tu sĩ, mà ngay cả những người trẻ, chúng tôi đã chia sẻ niềm vui cảm nhận rằng Chúa đã sống lại và ở cùng chúng tôi ở trên thuyền, và Ngài chính là Vị cầm lái để thuyền sang bờ bên kia. Và cuối cùng trong thánh lễ cuối cùng, tại sân vận động ở Bangui, nhân lễ Thánh Tông Đồ An-rê, chúng tôi đã làm mới lại bổn phận bước theo Đức Giêsu, hy vọng và hoà bình của chúng tôi, và là Dung Nhan cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.”
Sau đó, ĐTC cũng đã đề cập đến những thừa sai đang sống và làm việc tại những vùng đất của Phi châu, tiêu biểu là một nữ tu người Ý, 81 tuổi mà ĐTC đã gặp và trò chuyện tại Bangui. Sơ đã cống hiến cả cuộc đời mình làm thừa sai tại vùng đất này ngay từ khi sơ mới có 23 tuổi. Từ gương mẫu thừa sai của nữ tu này, ĐTC kêu gọi những người trẻ để đánh thức ước muốn và khao khát trở nên những thừa sai. Ngài kêu gọi họ cống hiến cuộc đời mình phục vụ tha nhân để làm chứng cho Thiên Chúa không phải bởi sự nhiệt tình lôi kéo nhưng bằng chính đời sống của họ và lời rao giảng về Chúa.
Kết thúc bài huấn dụ, ĐTC nói : “Chúng ta hãy cùng nhau chúc tụng Chúa vì chuyến hành hương đến vùng đất châu Phi này, và hãy để chúng ta được hướng dẫn bởi những từ khoá của Ngài: “Hãy kiên vững trong đức tin, đừng sợ hãi”, “Anh em hãy là những chứng nhân”, “Hãy sang bờ bên kia”. Xin cám ơn.”
Chuyển dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai
(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam)
(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam)