Khi một giáo hoàng mạnh mẽ với một nghị sự xã hội rõ ràng, giao nhau với một lãnh đạo thế giới cùng chung lập trường căn bản và sẵn sàng tạo điều kiện, thì có khi lịch sử có thể thay đổi.
Ví dụ như, với sự hỗ trợ của vua Philip II, thánh giáo hoàng Piô X đã thúc đẩy ‘Liên minh Thần thánh’ đẩy lùi cuộc xâm lược của đế chế Ottoman Hồi giáo trong trận Lepanto năm 1571. Bốn thế kỷ sau, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II và tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã chung sức và thành công trong nỗ lực hạ bệ Cộng sản Xô-viết.
Dù với các ưu tiên hàng đầu khác các bậc tiền nhiệm, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô có cùng một tham vọng định hình lịch sử. Ngài muốn tránh xa cái mà ngài gọi là ‘sự lãnh đạm toàn cầu hóa’ đối với người nghèo, người tị nạn, và các nạn nhân khác của ‘văn hóa thải loại’ và ngài muốn chấm dứt Thế chiến III mà ngài tin là đang diễn ra ‘phân mảnh’ trên khắp thế giới.
Vấn đề mà Đức Phanxicô phải đối diện trong năm 2016 là: Ai là đối tác chính trị có thể giúp ngài chuyển vần thế giới? Thực sự, đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Trong nhiều thế kỷ, Vatican theo bản năng tìm kiếm những người Công giáo có thể lực ở châu Âu làm đồng minh tự nhiên của mình. Ngày nay, lập luận này không còn đứng vững nữa.
Ở châu Âu Tây phương, các quốc gia Công giáo truyền thống như Pháp và Tây Ban Nha đang chìm trong các khó khăn đối nội, và đạo đức thế tục của họ cũng có phần hoài nghi cương vị lãnh đạo của giáo hội trong chính trị. Ở phương Đông, quốc gia Công giáo kiên định nhất, đang được dẫn dắt bởi một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc đi ngược lại với một vài ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô, từ cách đối xử với người tị nạn cho đến việc dùng nhiên liệu hóa thạch.
Gần đây, Vatican có vẻ bắt tay với Hoa Kỳ, nhưng dường như triển vọng này hơi mạo hiểm. Tổng thống Obama và Đức Phanxicô đã chung tay trong sự kiện lịch sử nối lại quan hệ với Cuba, nhưng nhà báo kỳ cựu Piero Schiavazzi đã có một nhận xét đáng chú ý rằng Đức Phanxicô có thể bị thất vọng như lúc trước Đức Gioan Phaolô II từng thất vọng sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ.
Đức Gioan Phaolô đã đưa Tây và Đông Âu về lại với nhau, hi vọng phía Đông sẽ phục hồi sự suy tàn tâm linh của phía Tây, nhưng rồi chỉ thấy chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa thế tục thắng thế. Ông Schiavazzi cho rằng Đức Phanxicô đã giúp tái gắn kết châu Mỹ, nhưng ngài có thể sẽ không vui với những chuyện về sau, khi một làn sóng chính trị bảo thủ đang ngày càng áp đảo xã hội dân chủ mà ngài mong muốn, chuyện đang diễn ra ở châu Mỹ La tinh, kể cả Argentina quê hương ngài, và cả Hoa Kỳ đang có khả năng bầu lên Donald Trump.
Ngay cả khi Hillary Clinton thắnh cử 2016, thì như thế cũng không thể nói lên dự đoán tốt đẹp trong tương lai được. Trong nhiệm kỳ của Bill Clinton, Vatican và Tòa Bạch Ốc đã có trận chiến căng thẳng về kiểm soát dân số và phá thai, trong hội nghị Liên hiệp quốc ở Cairo và Bắc Kinh.
Vậy thì còn ai nữa?
Một lựa chọn là Vladimir Putin, mới được Forbes bình chọn là người quyền lực nhất thế giới, và Đức Phanxicô đã có một số hợp tác với tổng thống Nga trên vài lĩnh vực. Tháng 9, 2013, cả hai đã liên kết để chống lại can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria, và lời Putin kêu gọi bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông là một điều Đức Phanxicô cảm kích.
Mặt khác, Đức Phanxicô cũng đã nhiều lần chỉ trích can thiệp của Nga vào Ukraine, và xét mọi khía cạnh, thì một sự kết hợp của ‘Giáo hoàng Lòng thương xót’ với nhân vật có lẽ là ít thương xót nhất trên thế giới, hẳn không khả dĩ cho lắm.
Đức Phanxicô có thể nhìn đến Trung Quốc, cường quốc đang nổi lên dưới quyền Tập Cận Bình. Nhưng hai người này lại không găp mặt nhau, dù hiện diện cùng thời điểm tại Hoa Kỳ, cho thấy một sự căng thẳng lâu dài giữa Bắc Kinh và Roma vẫn chưa thể tan băng, và cho đến khi nào Trung Quốc chưa nghĩ lại về chính sách của mình đối với tự do tôn giáo, thì mọi chuyện vẫn chỉ dậm chân tại chỗ.
Có người nghĩ, ‘Giáo hoàng Vùng ven’ hẳn sẽ tự nhiên hướng đến các nước đang phát triển để tìm kiếm đối tác chiến lược, và điều này có vẻ hứa hẹn. Các nước Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nigeria và Nam Hàn, tất cả đều có cộng đồng Công giáo đầy động năng, và đều là những nước có tư thế lãnh đạo.
Nhưng vì nhiều lý do, mỗi nước này đều không hợp làm đối tác tiềm năng. Ấn Độ, dưới quyền chính phủ Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc, đang thù địch với cộng đồng thiểu số Kitô giáo. Còn Nigeria thì đầy khốn cảnh, chủ yếu do phiến quân Boko Haram. Phi Luật Tân thì đang chuẩn bị bỏ phiếu bầu cử trong năm nay. Và chính sách đối ngoại của Nam Hàn thường mở ra và kết thúc với vấn đề lớn nhất là người anh em Bắc Hàn.
Có lẽ câu trả lời cho Đức Giáo hoàng Phanxicô là, không có một vua Philip II hay Ronald Reagan chờ sẵn cho ngài trong năm 2016, nghĩa là không có một lãnh đạo thế giới với lập trường và mục tiêu ăn khớp với ngài.
Dù cho Đức Phanxicô đúng về chuyện Thế chiến III phân mảnh, nhưng có lẽ những phản ứng từ các cường quốc sẽ là ngoại giao phân mảnh, những liên minh ngắn hạn với các nhân vật khác nhau về các chủ đề cụ thể khác nhau, không hợp nhau hoàn toàn.
Cho đến nay, chuyện thế chiến phân mảnh mà Đức Phanxicô lên án, dường như không thành vấn đề với các cường quốc. Vẫn cần phải chờ xem liệu một tinh thần kiến tạo hòa bình tự phát như của Đức Giáo hoàng, liệu có thể hiệu quả mà không cần một đối tác rõ ràng hay không.
John L. Allen Jr. (Crux) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)