Theo các nhà quan sát của hãng tin công giáo Ucanews, năm 2015 là một trong những năm xấu nhất của Trung Quốc về các vụ bách hại tôn giáo. Trong vòng hai năm nay, rất nhiều thánh giá của hơn 1.500 nhà thờ đã bị triệt hạ ở Chiết Giang.
Sau khi tuyên bố năm 2014 là năm tệ nhất trong các năm bị bách hại tôn giáo ở Trung Quốc, kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa, các nhà quan sát ở trong nước cũng như ở ngoài nước đã cho biết, tình trạng năm 2015 còn tệ hơn. Từ chế độ Mao Trạch Đông đến nay, các quan hệ giữa các nhóm tôn giáo và Đảng cộng sản chưa bao giờ căng thẳng như bây giờ.
Trong các tu viện ở Tây Tạng, các tu sĩ nam nữ than phiền càng ngày Đảng cộng sản càng can thiệp vào đời sống nội bộ của họ. Ở bang Tân Cương, nhà cầm quyền cấm người dân mặc sắc phục mang dấu hiệu tôn giáo bên ngoài.
Sự trấn áp củng cố mạnh thêm cho kitô giáo?
“Sau phong trào triệt hạ thánh giá, nhà cầm quyền đã làm mất lòng dân”, một nữ cựu ký giả ở Chiết Giang cho biết, bà xin được giữ ẩn danh.
Rất nhiều người cho rằng, từ vài năm nay, chính các cố gắng của chính quyền muốn loại các dấu hiệu tôn giáo nổi trội bên ngoài đã tạo phản ứng ngược lại, ngoài mong muốn của họ, đó là làm cho tín hữu có quyết tâm hơn và làm cho kitô giáo được người dân tìm hiểu hơn. Giáo hội Á Châu (EdA), cơ quan thông tin của Hội Thừa Sai Paris cho thấy, dù sao, với kết quả cuối tháng 12 vừa qua cho thấy có sự phát triển rất mạnh của Giáo hội tin lành ở Trung Quốc, dù khó mà ước định được con số chính xác của sự phát triển này.
Phong trào hạ thánh giá “đã giúp hàng giáo sĩ kết hiệp để đấu tranh cho quyền lợi của họ”, anh John, giáo lý viên ở Ôn Châu khẳng định, Ôn Châu là một trong các thành phố lớn của bang Chiết Giang. Khi phong trào hạ thánh giá lên cao vào giữa năm 2015, trong một hành vi hiếm thấy, các giám mục đã công khai lên tiếng chống nhà cầm quyền.
Cổ động bên trong nhà thờ
Ngoài việc phong trào hạ thánh giá đánh dấu một sự co cụm lại, từ mấy tuần nay, các tín hữu kitô ngày càng phải đối diện với tình trạng nhà cầm quyền can thiệp vào nhà thờ của họ. Ở Ôn Châu, các tín hữu cho biết, các nhân viên cao cấp của Đảng tham dự vào các buổi lễ ngày chúa nhật để làm im đi các lời chỉ trích. Ở các quận khác của bang Chiết Giang, nhà cầm quyền còn đặt các áp phích tuyên truyền ngay bên trong nhà thờ. Các hành động này ở trong chiến dịch tuyên truyền mới có tên là “Năm bước gia nhập và biến đổi”, mục đích là “hán hóa” nhà thờ để loại bớt ảnh hưởng của nước ngoài. Quyết tâm “hán hóa” các tôn giáo đã được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong bài diễn văn chính thức đọc vào tháng 5-2015.
100 triệu tín hữu kitô?
Theo hãng tin Ucanews, một vài nhà quan sát ước lượng con số tín hữu kitô giáo ở Trung Quốc lên đến 100 triệu người, đa số theo đạo tin lành. Đảng cộng sản muốn công cụ hóa sự phát triển này theo lợi ích riêng của họ. Tuy nhiên người ta không biết khuynh hướng chính trị này có thật sự là của Đảng và nó có kéo dài hay không, ông Fenggang Yang bình luận, ông Yang là Giám đốc Trung tâm về Tôn giáo và Xã hội Trung hoa của Viện Đại học Purdue, bang Indiana nước Mỹ.
Các viên chức cấp cao có vẻ như không đồng ý với ý tưởng kitô giáo có thể thích ứng với xã hội Trung Quốc, bà cựu ký giả giải thích. Người ta chưa thấy được đường lối chính trị chính xác, trước khi có cuộc gặp gỡ chính thức về vấn đề tôn giáo do Chủ tịch Tập Cận Bình điều khiển.
Ông Fenggang Yang giải thích, nhiều bản báo cáo của cuộc họp này cho thấy dấu hiệu bất bình của Chủ tịch Tập Cận Bình về công việc và chiều hướng của các công tác tôn giáo. Đó cũng là dấu hiệu có sự bế tắc trong các cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề này.
Raphael Zbinden (cath.ch) / Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)