MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Spotlight: Một phim các hồng y, các giám mục phải xem


Đức Tổng Giám mục Charles Jude Scicluna, cựu công tố viên của Vatican dự buổi chiếu phim Spotlight ra mắt lần đầu tiên ở Ý. Rất xúc động, ngài khuyên các anh em tu sĩ nên đi xem phim này để đấu tranh chống với “bản năng im lặng đồng lõa mà, tiếc thay bây giờ vẫn còn trong Giáo hội.”

Cuốn phim Spotlight kể câu chuyện các linh mục phạm tội ấu dâm đã làm rúng động nước Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI. Lần đầu tiên, một giám chức cao cấp của Tòa Thánh đã bẻ gãy im lặng để lên tiếng trong dịp cuốn phim này trình chiếu ở Ý. Đó là Đức Tổng Giám mục Charles Scicluna, trước đây ở trong Bộ Tín Lý thời các sự kiện này được nói đến trong phim, ngài nổi tiếng trong vai trò đấu tranh chống nạn ấu dâm trong Giáo hội.

Được biết đến qua quan điểm chống “phủ nhận, dửng dưng hoặc cấm nói” đứng trước các thủ đoạn của các linh mục ấu dâm, Đức Tổng Giám mục Scicluna đã không ngần ngại bẻ gãy im lặng nặng nề theo sau cuốn phim: khi “đoạn phim giới thiệu diễn viên đang được chiếu lên” và “không ai đứng lên”, Đức Tổng Giám mục Malta, cựu công tố viên Vatican đã đứng dậy phát biểu: “Tất cả các hồng y, các giám mục phải đi xem phim này, bởi vì họ phải hiểu chính sự tố cáo mới cứu Giáo hội, chứ không phải sự im lặng đồng lõa cứu,” ký giả người Ý Paolo Rodari của báo La Repubblica nói với hãng tin Sismografo. Linh mục người Úc Anthony Randazzo cũng có mặt trong phòng chiếu, vào thời đó cha làm việc ở Bộï Tín Lý. Cả hai đều nhớ tất cả các tên được kể trong phim.

Một phim chống luật cấm nói

Spotlight lần theo bước chân của các ký giả báo Boston Globe, những người đã mở cuộc điều tra vào mùa hè năm 2001. Walter V. Robinson và Mike Rezendes được hai diễn viên Michael Keaton và Mark Ruffalo đóng. Năm 2002, ban biên tập Mỹ đã công bố 6000 bài báo về vụ này. Nhờ cuộc điều tra mà 249 linh mục bị tố cáo trước quần chúng. Năm 2008, con số nạn nhân lên đến gần 1 500. Được hỏi về các con số này, Đức Tổng Giám mục Scicluna cho biết đó là những con số “ấn tượng”, nhưng những gì ngài cảm nhận qua cuốn phim này và những gì đánh động ngài nhất chỉ tóm gọn trong một chữ: “cấm nói”, đó là im lặng đồng lõa. Ngài nhấn mạnh, cuốn phim “cho thấy bản năng bảo vệ danh giá tác hại đến độ nào, tiếc thay bản năng đó đã ở trong Giáo hội hồi đó và là một sai lầm nặng nề. Sẽ không có lòng thương xót nếu không có công chính”.

Vào đoạn giữa phim, một câu rất quan trọng đã làm cho Đức Tổng Giám mục Scicluna chú ý, đó là khi ký giả Walter Robinson nói: “Phải có cả một làng để giúp một em bé được lớn lên, thì cũng phải có cả một làng mới lạm dụng cũng em bé này.” Giám mục Scicluna giải thích, “tóm lại, chúng ta hiểu các tội ác này sẽ không xảy ra nếu không có đồng lõa. Đứa bé bị một người lớn lạm dụng, trong trường hợp này là một linh mục, đó là điều chắc chắn. Nhưng những người khác, những người biết mà không nói, họ cũng phạm tội. Trong các vụ ở Boston, theo các nhà điều tra thì có 6% các linh mục ở đây lạm dụng trẻ em, và trong số các người đồng lõa còn có cả các ký giả”, như một cảnh trong phim cho thấy, mười năm trước khi các vụ này đưa ra ánh sáng, báo Boston Globe gặp khủng hoảng khi biết vụ lạm dụng của linh mục James Porter. Cuối cùng tin tức chỉ được loan ở một cột nhỏ ở bên dưới trong phần tin địa phương, và do chính ký giả Walter Robinson… tự đăng!

Sự đau khổ của Đức Bênêđictô XVI

Cuộc điều tra của báo Boston Globe được đăng ngày 6 tháng 1- 2002. Đức Tổng Giám mục Scicluna vừa về Bộ Tín Lý và Đức Gioan-Phaolô II vừa có một loạt biện pháp đưa ra để theo trong các trường hợp phạm tội nặng. Giám mục Scicluna còn nhớ: Giáo hội vừa đi vào một kỷ nguyên mới. “Bốn tháng sau khi bài báo được đăng, Đức Giáo hoàng đã triệu tập các hồng y Mỹ và nói với họ: ‘Mỗi người phải biết không có chỗ cho hàng giáo sĩ và cho đời sống tôn giáo bất cứ ai gây tội ác cho người trẻ’”.

Và với những người cáo buộc Đức Bênêđictô XVI đã che đậy một số việc, Đức Giám mục Scicluna lên án họ nặng nề: “Những cáo buộc này là hoàn toàn bất công và không căn cứ (…). Khi còn là hồng y, chính ngài là người đầu tiên đã nói với chúng tôi, ngài không xem những lạm dụng này chỉ là một tội thường, nhưng là một trọng tội, một tội ác (…). Mọi người đều thấy ngài quá đau khổ, ngài không tìm ra chữ để nói… Ngài phẫn nộ và xúc động tận cùng… Làm sao quên chặng đường thánh giá năm 2005 khi ngày tố cáo những chuyện bẩn thỉu đang có trong Giáo hội”.

Isabelle Cousturié (aleteia.org) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)