MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Toàn văn bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Mễ Tây Cơ về Roma

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có bài phỏng vấn dài trên chuyến bay từ Ciudad Juarez, Mễ Tây Cơ, về Roma, và trả lời cho hàng loạt câu hỏi thuộc nhiều vấn đề, từ Donald Trump, mối quan hệ giữa Đức Gioan Phaolô II và một phụ nữ Mỹ, cho đến cuộc gặp với Thượng phụ Kirill và các phản ứng tiêu cực từ một vài người Công giáo ở Ukraine.

Lý do không gặp thân nhân các sinh viên bị mất tích ở Mễ Tây Cơ

Thưa Đức Thánh Cha, hàng ngàn người đã bị mất tích ở Mễ Tây Cơ, nhưng trường hợp 43 sinh viên ở Ayotzinapa mang tính tượng trưng rất lớn. Con muốn hỏi lý do vì sao cha không gặp các thân nhân, và con cũng xin cha gởi một thông điệp cho hàng ngàn người đã mất tích.

Nếu con có đọc các thông điệp của cha, liên tục cha nói đến …những việc giết người, tước đoạt mạng sống do tay những băng đảng buôn thuốc phiện và chuyển lậu người. Đây là một trong những vấn đề mà cha nói đến, một trong những vết thương mà người Mễ Tây Cơ phải chịu đựng. Đã có nỗ lực để gặp các nhóm này, nhưng có sự kèn cựa trong đó. Vậy nên cha quyết định là sẽ gặp tất cả trong thánh lễ ở Juarez, hay một thánh lễ khác. Trên thực tế, không thể sắp xếp gặp riêng tất cả được, và họ có kèn cựa nhau. Đây là một tình huống khó hiểu, nhất là với cha, một người từ nước ngoài đến, phải không? Xã hội Mễ Tây Cơ là nạn nhân của mọi tội ác sỉ nhục con người. Cha đã lên án chuyện này hết sức có thể trong các bài nói chuyện. Cha đau đớn vô cùng, bởi đất nước này không đáng phải bị như thế.

Giáo hội và vấn nạn ấu dâm

Nạn ấu dâm ở Mễ Tây Cơ có những gốc rễ rất nguy hiểm, và rất đau lòng. Vụ Maciel đã để lại một vết hằn rất sâu, đặc biệt trong các nạn nhân, những người vẫn cảm thấy mình không được bảo vệ. Một vài người trong số các nạn nhân vẫn rất đầy lòng đạo, một số làm linh mục. Cha có lúc nào nghĩ đến việc gặp các nạn nhân hay không? Cha nghĩ gì về việc chuyển các linh mục từ nơi này qua nơi khác, trong trường hợp phát giác ấu dâm?

Trước hết, trong trường hợp phát giác ấu dâm, mà một giám mục thuyên chuyển linh mục giáo xứ, thì giám mục đó là người mập mờ, và tốt nhất nên từ nhiệm. Rõ ràng là như thế?

Thứ hai, vụ Maciel, cha muốn nhắc tên của người đã đấu tranh, dù không có thân thế, nhưng đã tìm cách để mọi người biết về vụ việc của mình. Đức Ratzinger (các ký giả vỗ tay,) Hồng y Ratzinger đáng được tán thưởng. Ngài là Trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, có tất cả mọi tài liệu, ngài có mọi thứ trong tay mình, ngài chỉ đạo mọi cuộc điều tra, và cứ tiếp tục, tiếp tục, cho đến khi ngài không thể làm gì được nữa. Nhưng nếu con nhớ, 10 ngày trước khi thánh Gioan Phaolô II mất, ở Via Crucis trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài nói với toàn thể giáo hội rằng cần phải tẩy sạch nhơ uế của giáo hội, tẩy sạch những sự xấu xa. Và trong thánh lễ tiền mật nghị bầu giáo hoàng, dù biết mình là một ứng viên, nhưng ngài không lấp liếm, ngài vẫn nói chính xác những lời như thế.

Ngài là người dũng cảm đã giúp nhiều người mở cánh cửa này. Cha muốn nhắc nhớ về ngài, bởi chúng ta có lúc quên mất những công việc thầm lặng chuẩn bị cho các vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Thứ ba, chúng ta đã làm rất nhiều. Với Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và với nhóm 9 hồng y cố vấn, sau khi lắng nghe, cha quyết định đặt một thư ký thứ ba cho Thánh bộ Giáo lý Đức tin, để chỉ lo về các vụ này, bởi thánh bộ không lo xuể hết các vụ đệ trình lên.

Hơn nữa, một tòa án được thiết lập, trưởng là giám mục Sicluna. Tòa án này giải quyết các vụ phúc thẩm khi có kháng cáo. Bởi các vụ sơ thẩm được giải quyết vào ngày thứ tư trong tuần. Nhưng nếu có kháng cáo về kết quả sơ thẩm, thì tòa phúc thẩm sẽ giải quyết. cũng chiếu theo pháp lý, với luật sư biện hộ. Nhưng chúng ta cần phải đi nhanh hơn, bởi chúng ta chạy không kịp với các vụ án, bởi tiếp tục có các kháng cáo.

Ủy ban bảo vệ trẻ em cũng làm việc rất tốt. Ủy ban này không theo sát các vụ ấu dâm, nhưng làm công việc bảo vệ trẻ em. Cha đã có nguyên buổi sáng ngồi bàn với họ, 2 người Đức, 2 người Anh, và 2 người Ireland, các nạn nhân bị xâm hại khi còn nhỏ. Và cha cũng gặp các nạn nhân ở Philadelphia. Cha đã gặp gỡ họ một buổi sáng. Chúng ta đang làm việc. Nhưng cha tạ ơn Chúa, vì các vụ việc đã không bị che đậy, và chúng ta phải tiếp tục theo con đường này. Chúng ta cần phải nhận thức được tình trạng này.

Cuối cùng, cha muốn nói rằng, các vụ xâm hại là tai ác khủng khiếp, bởi một linh mục được hiến thánh để giúp trẻ em đến với Chúa, vậy mà người đó tự hủy hoại mình, đem mình tế lễ cho ma quỷ.

Về Maciel, thánh bộ đã có nhiều can thiệp, và cũng đã cải tổ cấp lãnh đạo, bầu ra Tổng và 2 phó ban. Về các cố vấn, thánh bộ bầu ra 2 người, và giáo hoàng chọn thêm 2 người nữa.

Donald Trump

Hôm nay, ở Mễ Tây Cơ, cha nói nhiều và hùng hồn về vấn đề di dân. Bên kia biên giới (ở Hoa Kỳ) đang có chiến dịch tranh cử rất gay gắt. Một trong các ứng viên vào Nhà trắng, Donald Trump, trong cuộc phỏng vấn mới đây, đã nói rằng cha là một nhà chính trị, và là con tốt của chính phủ Mễ Tây Cơ về chính sách nhập cư. Ông ta nói rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ xây một bức tường 2500km dọc biên giới. Ông muốn trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép, như thế là ly tán các gia đình và còn hơn nữa. Con muốn hỏi cha, trước hết, cha nghĩ gì về các cáo buộc này, và một người Công giáo Hoa Kỳ có thể bầu cho một người như thế hay không?

Tạ ơn Chúa, khi ông ta nói cha là một nhà chính trị, bởi Aristotle định nghĩa con người là một ‘động vật có tính chính trị.’ Như thế, ít nhất cha là một con người. Còn về việc cha có phải là con tốt hay không, thì cha không biết. Cha sẽ để chuyện này cho các con phán định. Và một người, chỉ nghĩ về việc xây tường, dù cho người đó có xây được cái cầu nào hay không, thì đó không phải là Kitô hữu. Đây không phải là theo Tin mừng. Còn về việc con hỏi cha liệu cha có khuyên mọi người bỏ phiếu hay không, cha sẽ không can dự vào việc này. Cha chỉ nói rằng người này không phải là Kitô hữu, khi ông ta nói những lời như thế. Chúng ta phải xem nếu ông ta nói những lời như thế, thì cha thấy nên hoài nghi về con người này.

Gặp gỡ với Thượng phụ Kirill và một vài phản ứng tiêu cực từ người Công giáo Hi Lạp ở Ukraine

Cuộc gặp với Thượng phụ Chính thống Nga Kirill, và ký tuyên bố chung, được cả thế giới chào đón là một bước đi lịch sử. Nhưng bây giờ, ở Ukraine, người Công giáo Hi Lạp cảm thấy mình bị phản bội. Họ nói rằng đây là văn kiện chính trị ủng hộ chính trị của Nga. Và chiến tranh lời lẽ đang bùng phát. Cha có nghĩ là cha có thể đến Matxcơva không? Thượng phụ có mời cha không? Hay, cha sẽ đến đảo Crete để gặp Hội đồng Chính thống trong mùa xuân này?

Cha sẽ bắt đầu từ cuối trở lên. Cha sẽ hiện diện… về mặt tinh thần. Với một thông điệp. Cha muốn đến chào những người ở hội đồng chính thống. Họ là anh em và cha phải tôn trọng họ. Cha biết là họ muốn mời các quan sát viên Công giáo và đây là một mối bắc nhịp cầu tốt đẹp, nhưng cha sẽ đứng sau các quan sát viên Công giáo và cầu nguyện cho Chính thống vận động tiến tới, bởi họ là anh em và các giám mục của họ cũng là các giám mục như chúng tôi.

Và, Kirill là anh em của cha. Chúng tôi hôn chào nhau, ôm nhau, và nói chuyện trong một giờ… (cha Lombardi đính chính là 2 giờ) Tuổi già không ăn thua gì cả (cười). Hai giờ, chúng tôi nói chuyện như anh em, chân thành và không ai biết chúng tôi nói chuyện gì, ngoại trừ cuối buổi chúng tôi tuyên bố về cảm giác của mình khi nói chuyện.

Thứ ba, tuyên bố này, có nói về Ukraine. Khi đọc tuyên bố này, cha hơi lo lắng bởi Tổng giám mục Svetoslav Schevchuk nói rằng người Ukraine, một vài người, nhiều người cảm thấy vô cùng thất vọng, cảm thấy bị phản bội. Cha biết rất rõ về Svetoslav. Ở Buenos Aires, chúng tôi có làm việc với nhau trong 4 năm. Khi ngài được bầu, ở tuổi 42, một người tốt, ngài được bầu làm tổng giám mục, ngài trở về Buenos Aires để lấy đồ đạc. Ngài đến gặp tôi và tặng tôi một bức tượng nhỏ hình Đức Mẹ Dịu dàng. Và ngài bảo tôi, ‘Bức tượng này đã đi cùng tôi cả đời. Tôi để lại nó cho cha, người đã đồng hành cùng với tôi suốt 4 năm qua.’ Tượng này là một trong số ít những vật cha đem theo từ Buenos Aires, và đặt trên bàn làm việc. Đức cha Svetoslav, ngài là một người cha tôn trọng và gần gũi. Chúng tôi dùng đại từ nhân xưng thân mật với nhau.

Vậy nên, chuyện này có vẻ lạ với cha, và cha nhớ lại một điều cha đã nói: để hiểu được một bài tin tức, một tuyên bố, cần phải nhìn vào lý giải của toàn bộ sự việc.

Nhưng, người ta thường theo kiểu rằng, ‘điều này được tuyên bố ngày 14 tháng 1, hay tháng 2 vừa qua, chúa nhật tuần trước… một bài phỏng vấn của người bạn… tôi không nhớ, … có một cha, một linh mục Ukraine, trả lời phỏng vấn và đăng báo.’ Người ta đọc tin tức như thế. Mà bài phỏng vấn đó phải dài 1 đến 2 trang, khoảng đó. Nhưng chỉ đăng ở trang cuối, một mục ngắn thôi.

Cha đã đọc cả bài phỏng vấn đó và cha sẽ nói rằng: Đức cha Schevchuk, về mặt giáo lý, tự nhận mình là con cái của Giáo hội, và thông hiệp với giám mục thành của Roma và giáo hội. Ngài nói về giáo hoàng và sự gần gũi giữa mình và giáo hoàng, về đức tin của mình và về những người Chính thống ở vùng đất với ngài. Phần giáo lý, không có gì là khó khăn. Ngài là người Chính thống, theo nghĩa tốt đẹp của từ này, ngài là người chính thống trong giáo lý Công giáo, phải vậy không?

Và rồi, với cuộc phỏng vấn như thế, mọi người có quyền nói những lời như ngài, và những lời như thế không xuất hiện trong buổi hội kiến, bởi gặp gỡ nhau là điều tốt đẹp và chúng ta phải tiến tới. Ngài đã không tác động đến buổi hội kiến, gặp gỡ là điều tốt đẹp và chúng ta phải tiến tới.

Đây, cha muốn nói đến các ý niệm riêng của một con người. Ví dụ như, những lời cha nói về các giám mục thuyên chuyển các linh mục ấu dâm thì tốt nhất nên từ nhiệm. Đây không phải là về giáo lý, nhưng đây là những gì cha nghĩ. Vậy nên, đức cha Schevchuk, có các ý niệm riêng của mình. Các ý niệm là để đối thoại, và ngài có quyền có ý niệm riêng.

Thứ ba, … à, tất cả những gì ngài nói đều có trong văn kiện, vấn đề là thế. Về cuộc gặp gỡ, Chúa chọn đẩy nó tiến tới, cái ôm và tất cả đều tốt đẹp. Văn kiện này. Là một văn kiện thảo luận, và cũng có bổ sung. Ở Ukraine, đang trong chiến tranh, đau khổ, với nhiều người diễn giải tình trạng này khác nhau. Trong nhiều buổi kinh Truyền tin và tiếp kiến chung, cha đã nói với người dân Ukraine xin lời cầu nguyện, gần gũi. Có sự gần gũi chung lòng. Nhưng sự thật lịch sử về một cuộc chiến, giống như là… cha không biết nữa, … mọi người đều có khái niệm riêng của mình về cuộc chiến này, về việc vì sao nó bắt đầu, ai châm ngòi, cần phải làm gì, và rõ ràng đây là một vấn đề lịch sử, nhưng cũng là vấn đề riêng, sống còn của quốc gia đó, và đây là một chuyện đau khổ.

Và, cha bài phỏng vấn cũng trong bối cảnh đó. Con có thể hiểu được các tín hữu, bởi đức cha Stanislav bảo cha là có rất nhiều tín hữu viết thư cho cha, nói rằng họ vô cùng thất vọng và cảm giác như bị Roma phản bội. Con có thể hiểu rằng một dân tộc đang trong hoàn cảnh đó sẽ có cảm giác như thế. Văn kiện đúc kết là một hiển thị rõ đôi điều. Về vấn đề này của Ukraine, tùy theo ý kiến mỗi người. Nhưng, văn kiện nói rằng phải chấm dứt chiến tranh, phải tìm được hiệp ước. Và, cha đã nói rằng hòa ước Minsk cần phải được thực thi và không được nhíu mày xem nhẹ những gì đã được ký kết.

Giáo hội Roma, giáo hoàng luôn luôn nói rằng, ‘Hãy tìm kiếm hòa bình.’ Cha cũng đã tiếp cả hai tổng thống. Tiếp như nhau, không phải sao. Và khi ngài nói là ngài nghe những lời thế này kia từ dân mình, thì cha hiểu. Cha hiểu. Nhưng, đây không phải là tin tức. Tin tức phải là toàn thể kia.

Nếu con đọc toàn bộ bài phỏng vấn của đức cha Stanislav, con sẽ thấy là có nhiều điểm giáo lý quan trọng, có khát khao hiệp nhất, tiến tới trong tình đại kết, và ngài là một con người đại kết. Có các ý kiến khác nữa. Ngài đã viết cho cha khi biết về chuyến đi, về buổi gặp gỡ… nhưng, là anh em, ngài cho các các ý kiến như một người anh em. Cha không quan tâm bài báo đó như thế nào. Cha không thích bài báo đó, theo ý là chúng ta cần phải tôn trọng mọi sự mà người khác có quyền tự do để suy nghĩ và trong trường hợp này rất là khó khăn.

Từ Roma, sứ thần tòa thánh đang ở nơi biên giới chiến tranh của Ukraine, nơi họ đánh nhau, để giúp đỡ cho các binh lính và người bị thương. Giáo hội Roma đã giúp đỡ rất nhiều. Luôn luôn có hòa bình, có hiệp ước. Chúng ta phải tôn trọng hòa ước Minsk và phải tiếp tục thế. Đây là sự toàn bộ. Nhưng đừng để mình e sợ bởi tình hình hiện thời. Đây là một bài học về một bài báo phải được diễn giải cho trọn vẹn toàn bộ chứ không phải chỉ một phần.

Còn Thượng phụ Kirill. Cha muốn nói rằng, bởi nếu cha nói một chuyện thì phải nói sang chuyện khác, cha muốn nói rằng những gì chúng tôi đã nói, chỉ là những gì chúng tôi đã tuyên bố công khai. Đây là một sự thật. Và nếu cha nói ra chuyện gì, thì rồi sẽ phải nói chuyện khác nữa… không! Những gì cha nói công khai, những gì ngài nói công khai. Đó là những gì trong cuộc nói chuyện riêng. Nói như thế, thì nó không còn riêng nữa. Nhưng cha nói là, nói chuyện xong, cha hạnh phúc và ngài cũng vậy.

Nghị viện Ý và hôn nhân đồng tính

Thưa Đức Thánh Cha, con hỏi về gia đình, một chủ đề mà cha đã nói đến trong chuyến tông du. Nghị viện Ý đang thảo luận về một luật hôn nhân dân sự, một chủ đề đã gây nhiều va chạm chính trị mạnh nhưng cũng được tranh luận nhiều trong xã hội và người Công giáo. Cách riêng, con muốn biết suy nghĩ của cha về vấn đề nhận con nuôi, và từ đó là về quyền của trẻ sơ sinh và trẻ em nói chung.

Trước hết, cha không biết suy nghĩ của Nghị viện Ý như thế nào. Giáo hoàng không xen vào chuyện chính trị của người Ý. Trong buổi gặp đầu tiên của cha với các giám mục Ý hồi tháng năm 2013, một trong số ba điều cha đã nói là: các cha tách biệt với chính phủ Ý. Bởi giáo hoàng là cho tất cả mọi người, và ngài không thể để mình kẹt trong chuyện chính trị nội bộ của một nước. Đây không phải là vai trò của giáo hoàng. Và cha nghĩ những gì giáo hội nghĩ, và cha đã nói ra điều này rất thường xuyên, bởi nước Ý không phải là quốc gia đầu tiên mà cha thấy như thế, có nhiều nước cũng theo kiểu như vậy. Cha nghĩ là giáo hội luôn luôn nói rõ về điều này.

Liệu phụ nữ Công giáo có thể dùng biện pháp tránh thai khi đối mặt với bệnh dịch Zika

Thưa Đức Thánh Cha, trong vài tuần qua, có rất nhiều quan ngại về virus Zika, ở các nước Mỹ La tinh và ở châu Âu nữa. Các phụ nữ đang mang thai là trong tình trạng nguy cơ nhất. Một vài nhà chức trách đã đề xuất phá thai, hoặc tránh thai. Về việc tránh thai, liệu Giáo hội có cân nhắc về khái niệm ‘cái đỡ xấu hơn trong ai sự dữ’ hay không?

Phá thai không phải là cái đỡ xấu hơn trong hai sự dữ. Nó là tội ác. Là giết một người để giữ mạng người khác. Là việc mà mafia làm. Đây là tội ác, một sự dữ cùng cực. Về sự dữ đỡ xấu xa hơn, việc tránh thai, chúng ta đang nói về sự xung đột giữa điều răn thứ năm và thứ sáu. Đức Phaolô VI, trong một tình huống khó xử ở châu Phi, đã cho phép các nữ tu dùng biện pháp tránh thai trong trường hợp bị hãm hiếp. Đừng nhầm lẫn sự dữ của tránh trai với phá thai. Tránh thai không phải là vấn đề thần học, mà là vấn đề nhân văn, vấn đề y khoa. Bạn giết một người để giữ mạng người khác, khả năng tốt nhất là thế. Mà cũng có khi là để sống cho thoải mái, phải không? Người bác sỹ phải thề hứa biết bao nhiêu lời thề Hippocrates? Phá thai là sự dữ, tự nó là sự dữ, nhưng đây không chỉ là sự dữ theo tôn giáo, mà là sự dữ từ khía cạnh nhân văn. Rõ ràng, như với tất cả mọi sự dữ nhân loại, mỗi việc giết người phải bị kết án.

Mặt khác, tránh thai không phải là sự dữ hoàn toàn. Trong vài trường hợp nhất định, như trong trường hợp mà Đức Phaolô VI đã quyết định. Cha cũng muốn thúc giục các bác sỹ hãy làm hết sức để tìm được vaccin chống lại loai muỗi mang bệnh. Cần phải làm.

Cuộc khủng hoảng trong Liên hiệp Âu châu

Cha sẽ sớm nhận giải Charlemagne, một giải chính của châu Âu. Cha nói gì với một châu Âu dường như đang rã ra từng mảnh, trước hết với cuộc khủng hoảng đồng euro và bây giờ là vấn đề tị nạn? Cha có lời nào cho chúng con về tình hình khủng hoảng của châu Âu?

Trước hết, giải Charlemagne. Cha có thói quen không nhận các giải thưởng hay tiến sỹ danh dự, không phải vì khiêm nhượng, nhưng là bởi cha không thích. Có lẽ hơi điên, nhưng điên cũng tốt, chỉ là cha không thích các giải thưởng. Nhưng trong trường hợp này, cha không nói là cha bị bắt buộc, nhưng là được thuyết phục bởi sự kiên trì của hồng y Kasper, người được ủy ban Aachen nhờ để thuyết phục cha. Cha đồng ý, nhưng là ở Vatican. Và cha nói là cha tặng giải thưởng này cho châu Âu, như là một tô điểm cho châu Âu, để châu Âu làm những gì mà cha đã khát mong trong bài diễn văn Strasbourg, và để châu Âu không còn là bà châu Âu, nhưng là mẹ châu Âu.

Thứ hai, về tin tức khủng hoảng, cha đọc báo ít thôi, chỉ lướt qua một tờ báo duy nhất. Cha sẽ không nói tên, bởi sẽ gây ghen tỵ. Cha chỉ đọc 15 phút. Rồi cha lấy thông tin từ Quốc vụ khanh và các nguồn khác, và có một từ mà cha thích, và cha không biết người ta có thuận từ này hay không, nhưng cha muốn nói đến ‘tái thành lập Liên hiệp Âu châu.’ Cha nghĩ về các bậc tổ tiên, và thời nay có Schuman, Adenauer, những con người vĩ đại này đã lập Liên hiệp Âu châu sau chiến tranh. Cha thích ý tưởng tái thành lập Liên hiệp Âu châu, có lẽ có thể làm được, bởi châu Âu, cha không nói rằng châu Âu là độc nhất vô nhị, nhưng nó có nguồn lực, văn hóa, một lịch sử không thể bị bỏ phí, và chúng ta phải làm mọi việc để Liên hiệp Âu châu có sức mạnh, có hứng khởi để tiến tới. Đó là những gì cha nghĩ.

Thái độ của Giáo hội về người li dị rồi tái hôn

Một vài người thắc mắc, làm sao mà giáo hội kêu gọi thương xót, lại dễ tha thứ cho một người giết người hơn là người li dị rồi tái hôn?

Cha thích câu hỏi này. Hai hội đồng đã bàn về gia đình. Và giáo hoàng đã nói suốt năm qua về gia đình trong các buổi Giáo lý Tiếp kiến chung. Vấn đề này có thật, con đã nêu ra rất tốt.

Trong văn kiện hậu hội đồng, sẽ được phát hành, có lẽ là trước Phục Sinh, trong một chương nêu ra sự thật là nhiều gia đình xung đột và tổn thương. Đây là một trong những mối bận tâm. Và một việc nữa là chuẩn bị tiền hôn nhân. Nếu con nghĩ đến chuyện làm linh mục, thì con có 8 năm học hành và chuẩn bị, và rồi sau một thời gian theo học, con muốn từ bỏ, thì cứ xin về, mọi việc tốt đẹp. Nhưng còn về bí tích hôn phối, vốn là cả cuộc đời, thì lại chỉ có vài ba cuộc trò chuyện. Chuẩn bị tiền hôn nhân rất quan trọng. Đây lại là điều mà giáo hội không xem trọng, ít nhất là ở quê hương của cha, ở Mỹ La tinh, việc này không được xem trọng cho lắm.

Vài năm về trước, ở quê hương cha, có một thói gọi là ‘accasiamento de apuro’ hay cưới chạy, bởi đứa trẻ trong bụng đã lớn, và để giấu diếm về mặt xã hội, phải cưới chạy vì danh dự gia đình. Như thế, hai người không tự do. Nhiều lần, các cuộc hôn nhân như thế là vô hiệu. Là giám mục, cha cấm các linh mục chuẩn cho các cuộc hôn nhân này. Khi có những chuyện như thế, cha muốn nói rằng, cứ để đứa bé ra đời, và hai người cứ trong tình trạng đính hôn, và khi họ thấy có thể tiếp tục với nhau trọn đời, thì cứ tiếp tục và kết hôn.

Một chương nữa đáng chú ý là về giáo dục cho trẻ em, các em là nạn nhân của những vấn đề trong gia đình. Ngay cả những vấn đề mà người chồng hay người vợ đều không mong muốn. Ví dụ như, các nhu cầu của công việc. Khi người cha không có thời gian rãnh rỗi để nói chuyện với con cái, khi người mẹ không có thời gian nói chuyện với con cái.

Khi cha giải tội cho các vợ chồng, cha hỏi xem họ có bao nhiêu con? Một vài người sợ cha sẽ hỏi tại sao không sinh thêm? Rồi cha hỏi câu thứ hai: ‘Con có chơi với con cái mình không?’ Đa số nói, ‘nhưng thưa cha, con không có thời gian. Con làm việc cả ngày.’ Con cái là nạn nhân của một vấn đề xã hội gây tổn thương cho gia đình.

Đây là vấn đề… cha thích câu hỏi của con. Cha mẹ không có thời gian chơi với con cái, và con cái là nạn nhân của vấn đề xã hội này.

Một điều đáng chú ý nữa, là trong buổi gặp với các gia đình ở Tuxtla, có một cặp vợ chồng, đã kết hôn lại sau khi li dị. Họ được chung phần trong giáo hội. Từ khóa của công đồng, mà cha muốn nhắc lại, đó là ‘chung phần’ vào đời sống của giáo hội, các gia đình bị tổn thươn, những người tái hôn vv… chung phần trong giáo hội. Và không được quên các trẻ em. Các em là nạn nhân đầu tiên, cả về sự tổn thương, về tình trạng nghèo khổ, về công việc vv…

Nhưng liệu họ có được rước lễ không?

Đây là điều cuối cùng. Chung phần họ trong giáo hội, không có nghĩa là họ được rước lễ. Cha biết nhiều người Công giáo đi nhà thờ, một hay hai lần mỗi năm, và họ nói tôi muốn rước lễ, như thể rước lễ là một phần thưởng danh dự vậy.

Phải làm việc hướng đến sự chung phần, tất cả mọi cánh cửa đều mở, nhưng chúng ta không thể nói ‘từ đây họ có thể rước lễ.’ Làm như thế sẽ là tổn hại đến hôn nhân, đến cặp vợ chồng. Làm như thế sẽ không đưa họ theo con đường chung phần thực sự.

Đức Gioan Phaolô II và người bạn nữ giới của ngài

Vô số truyền thông đã đưa tin, và làm ầm ĩ, về tình bạn khắng khít giữa Đức Gioan Phaolô II và một triết gia Mỹ, Anna Teresa Tymieniecka, được cho là có tình cảm với ngài. Theo cha, liệu một giáo hoàng có thể có mối quan hệ thân thiết với một người phụ nữ? Và nếu cha cho phép, thì cha có sự thân thiết như thế trong các thư từ hay không?

Cha đã biết về tình bạn này giữa thánh Gioan Phaolô II và nữ triết gia này, từ thời cha còn ở Buenos Aires. Chuyện ai cũng biết. Các sách của bà khá nổi tiếng. Đức Gioan Phaolô II là một người luôn luôn thao thức.

Cha thấy rằng một người đàn ông không biết cách có tình bạn tốt đẹp với một người đàn bà – cha không nói về những người ghét kết hôn, đó là bệnh rồi – thì người đó thiếu mất đi một sự gì đó.

Và theo kinh nghiệm riêng của cha, khi cha cần lời khuyên, cha sẽ hỏi một đồng sự, một người bạn, nhưng cha cũng muốn nghe ý kiến một phụ nữ, bởi họ có sự phong phú, họ nhìn mọi việc theo cách khác. Cha thích nói rằng phụ nữ là những người làm nên cuộc đời từ dạ của mình. Họ có đặc sủng đem lại cho bạn những sự mà bạn có thể cùng chung tay xây dựng.

Một tình bạn với một phụ nữ không phải là tội, mà là tình bạn. Một mối quan hệ yêu đương với một phụ nữ không phải vợ mình, thì đó là tội. Như vậy con đã hiểu chưa?

Giáo hoàng là một con người. Giáo hoàng cũng cần các suy nghĩ của các phụ nữ nữa. Và giáo hoàng, có một tâm hồn có thể có tình bạn lành mạnh thánh thiện với một phụ nữ. Có các tình bạn thánh, như Phanxicô và Clara, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, đừng sợ.

Nhưng phụ nữ vẫn chưa được xem trọng, chúng ta chưa hiểu được sự tốt lành mà một phụ nữ có thể làm cho đời sống một linh mục, và cho giáo hội, theo nghĩa khuyên bảo, giúp đỡ và một tình bạn lành mạnh.

Nghị viện Ý và hôn nhân đồng tính

Thưa Đức Thánh Cha. Con trở lại chủ đề bộ luật đang được bỏ phiếu ở Nghị viện Ý. Luật này cũng liên quan đến các nước khác nữa, bởi nhiều nước đã có luật về hôn nhân giữa những người đồng giới tính. Có một văn bản từ Thánh bộ Giáo lý Đức tin, từ năm 2003, đã chú tâm nhiều về việc này, và có cả một chương về quan điểm của các nghị sỹ Công giáo khi đối mặt với vấn đề này. Chương này nói rằng các nghị sỹ Công giáo không được bỏ phiếu cho các luật này. Có nhiều mơ hồ về chuyện này. Và cha muốn đặt vấn đề, trước hết là liệu văn bản 2003 này có còn hiệu lực không? Và một nghị sỹ Công giáo phải có lập trường thế nào?

Và rồi có một chuyện nữa, có còn có người nói về chuyện đến đền thờ Hồi giáo ở Cairo, và một buổi hội kiến mà giáo hoàng muốn gặp một giáo hoàng khác, giáo hoàng của người Sunni?

Về điều này, đức cha Giusto đã đến Cairo hồi tuần trước để lần thứ hai gặp mặt giáo chủ hồi giáo… Cha muốn gặp người này. Cha biết là giáo chủ cũng muốn như thế. Chúng tôi đang tìm cách, luôn luôn là qua hồng y Tauran, bởi đó là con đường…

Còn về Nghị viện Ý, cha không nhớ về văn kiện đó lắm… nhưng một nghị sỹ Công giáo phải bỏ phiếu theo lương tâm đúng đắn của mình. Cha chỉ có thể nói như thế. Cha tin thế là đủ, bởi cha nói là lương tâm đúng đắn, chứ không phải kiểu lương tâm cho có.

Cha nhớ khi luật hôn nhân cho những người đồng giới tính được đưa ra bỏ phiếu ở Buenos Aires, có ít người chịu đi bỏ phiếu. Cuối cùng, có người nói: ‘Nhưng anh có cần phải tuyên bố điều này, hay là không? Tôi cũng không. Mặc nó. Nhưng nếu không đi thì sẽ không có đủ số đại biểu quy định.’

Người kia nói: ‘Nếu chúng ta có đủ số đại biểu, thì chúng ta sẽ bỏ phiếu cho Kirchner. Tôi thích Kirchner, chứ đừng Bergoglio.’

Đây không phải là một lương tâm đúng đắn. Về những người đồng tính, cha lặp lại những lời cha đã nói trong chuyến đi Rio de Janeiro, những lời từ giáo lý của Giáo hội Công giáo.

Các chuyến tông du trong tương lai

Chúng con đang nghĩ về các chuyến đi trong tương lai, để chuẩn bị hành lý nữa mà. Thưa Đức Thánh Cha, khi nào cha định đi Argentina, nơi mà mọi người đã trông đợi cha một thời gian dài rồi? Khi nào cha trở lại châu Mỹ La tinh? Hay đi Trung Quốc? Và một câu ngắn, là cha đã nhiều lần nói về giấc mơ, vậy cha mơ thấy điều gì không? Và ác mộng của cha là chuyện gì?

Trung Quốc? Đến đó ư. Cha thích được làm thế. Cha muốn nói đôi điều về người dân Mễ Tây Cơ. Đây là một dân tộc giàu có, rất giàu có, một dân tộc đầy kinh ngạc. Họ có văn hóa, một nền văn hóa hàng thiên niên kỷ. Con có biết là ngày nay, ở Mễ Tây Cơ, họ nói 65 ngôn ngữ, kể cả các tiếng thổ dân, 65. Đây là một dân tộc với đức tin lớn. Họ đã chịu bắt đạo đau đớn. Có các bậc tử đạo, cha sẽ sớm phong thánh hai vị. Đây là một dân tộc không diễn tả nổi, không thể diễn tả bởi từ ‘dân tộc’ không thuộc phạm trù lý luận, mà là huyền thoại. Dân tộc Mễ Tây Cơ, không thể nào tả nổi sự giàu có của họ, lịch sử, niềm vui, khả năng vui mừng ngay cả trong bi kịch. Cha có thể nói một điều nữa, là sự hiệp nhất, dân tộc này đã tìm cách để không ngã gục, để không kết thúc trong các cuộc chiến, những chuyện đang xảy ra. Ở thành phố Juarez, các băng đảng thỏa thuận ngừng bắn trong 12 tiếng để cha đến viếng thăm. Sau đó họ lại tiếp tục đấu với nhau. Không ư? Những kẻ buôn bán ma túy đó. Nhưng một dân tộc vẫn gắn kết với nhau, bất chấp tất cả những chuyện này, và chỉ có thể giải thích nhờ Guadalupe. Và cha mời các con hãy nghiên cứu thật nghiêm túc các chuyện về Guadalupe. Đức Mẹ ở đó. Cha không thể tìm ra được lời giải thích nào khác. Và thật tốt, nếu nhà báo các con, làm được, có nhiều sách giải nghĩa về tấm vải hình Đức Mẹ, và qua đó các con có thể hiểu rõ hơn về dân tộc đẹp đẽ và vĩ đại này.

Đức Mẹ Guadalupe

Có hai điều: Con muốn biết cha đã xin gì với Đức Mẹ Guadalupe, bởi cha đã cầu nguyện hồi lâu với Đức Mẹ. Và một chuyện nữa: Trong giấc mơ của cha là tiếng Ý hay tiếng Tây Ban Nha?

Cha phải nói là cha mơ bằng tiếng quốc tế ngữ Esperanto! Cha không biết phải nói ra sao nữa. Có lúc cha nhớ được vài giấc mơ bằng thứ tiếng khác, nhưng mơ với ngôn ngữ ư? Không, mà cha mơ về các nhân vật, tâm lý của cha như thế. Giấc mơ của cha ít lời lắm.

Còn về Guadalupe: Cha đã xin cho thế giới, xin hòa bình và nhiều sự khác. Cha xin được tha thứ. Cha xin cho giáo hội lớn lên lành mạnh, cha xin cho người dân Mễ Tây Cơ, và một điều nữa, cha xin rất nhiều là cho các linh mục được là các linh mục đích thực, các nữ tu là nữ tu đích thực, và các giám mục là các giám mục tốt, theo ý Chúa muốn. Cha xin điều này rất nhiều, còn những chuyện khác cha xin thì không nói được, đó là bí mật nho nhỏ của con cái thì thầm với Mẹ.

Gerard O’Connell (America Mag) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)