MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Luôn có đối kháng trong Giáo hội chống lại Thánh Thần

VATICAN. “Ngày hôm nay trong Giáo hội cũng như xưa kia, luôn có những đối kháng chống lại Thánh Thần. Có những người không chấp nhận những đổi mới mà Thánh Thần mang đến. Nhưng Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng, tiến về phía trước và luôn kiên vững trên con đường của Đức Giêsu.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 28.04, tại nguyện đường Thánh Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại các cuộc tranh luận đang diễn ra ở ‘Công đồng’ Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Nhân vật chính hoạt động trong Giáo hội chính là Chúa Thánh Thần. Ngay từ buổi đầu, Ngài đã ban sức mạnh cho các Tông đồ để loan truyền Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện tất cả và khiến cho Giáo hội không ngừng tiến lên phía trước, cho dù có gặp phải những khó khăn và ngay cả khi những cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và lòng can đảm cho các tín hữu để họ kiên vững trong đức tin cho dù có gặp phải chống đối và sự giận dữ điên cuồng của những kinh sư, luật sĩ. Có một sự đối kháng kép chống lại hoạt đông của Thần Khí: Một là từ những người xác tín rằng Đức Giêsu chỉ đến với dân được tuyển chọn, chứ dân ngoại không có phần; hai là từ những người muốn áp đặt luật Mô-sê, gồm cả việc cắt bì, lên những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Hai sự đối kháng này ẩn chứa những nhầm lẫn lớn.

Thánh Thần đặt những tâm hồn bước đi trên một con đường mới. Đó là việc kỳ diệu của Thần Khí. Các Tông đồ đã bắt gặp những tình huống mà họ chưa nghĩ đến bao giờ. Đó là những hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ. Và họ đã đương đầu với những hoàn cảnh này như thế nào? Bài đọc một ngày hôm nay bắt đầu như thế này: ‘Trong những ngày ấy, đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi’, một cuộc tranh luận nảy lửa, vì họ đang thảo luận với nhau về vấn đề những người gốc dân ngoại quay trở lại với Thiên Chúa. Họ có sức mạnh của Thần Khí – nhân vật chính – Đấng thúc đẩy họ tiến lên. Nhưng Thần Khí cũng mang đến những điều mới mẻ, những điều chưa hề được ai thực hiện trước đây bao giờ và cũng chưa có ai nghĩ đến. Đó là việc người gốc dân ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần.

Các môn đệ nắm trong tay ‘ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng’ nhưng không biết phải làm gì. Bởi thế họ mới triệu tập một công nghị ở Giê-ru-sa-lem để mỗi người có thể thuật lại những kinh nghiệm của họ về việc dân ngoại đã được lãnh nhận Thánh Thần như thế nào. Và cuối cùng, họ đã đi đến sự đồng thuận. Nhưng trước đó, cả công nghị đã chìm trong thinh lặng và chăm chú lắng nghe khi Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại những dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa dân ngoại ngang qua các môn đệ. Chúng ta đừng sợ hãi khi lắng nghe với lòng khiêm tốn. Khi sợ hãi không dám lắng nghe, chúng ta không có Thánh Thần trong tâm hồn. Khi các Tông đồ lắng nghe, họ đã quyết định sai nhiều môn đệ tới Hy Lạp, các cộng đoàn dân ngoại, là những người đã trở lại với Chúa để củng cố họ.

Những người dân ngoại trở lại với Thiên Chúa không buộc phải cắt bì. Điều này đã được thông truyền đến với họ ngang qua lá thư, trong đó các Tông đồ nói rằng: ‘Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định rằng....’ Đây chính là cách thức mà Giáo hội đối mặt với những điều mới mẻ. Không phải những điều mới lạ thuộc kiểu thế trần nhưng là sự đổi mới của Thần Khí, Đấng luôn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng vui sướng. Giáo hội đã giải quyết những vấn đề này như thế nào? Giáo hội giải quyết bằng cách ngang qua những buổi gặp gỡ và thảo luận, lắng nghe và cầu nguyện, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đây chính là cách thức của Giáo hội khi Thánh Thần khiến chúng ta ngạc nhiên bởi những điều mới mẻ. Và chúng ta cũng nhớ lại những chống đối đã phát sinh trong thời gian diễn ra công đồng Vaticano 2.

Những chống đối ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay bằng cách này cách khác. Nhưng Thánh Thần vẫn đi tiên phong. Và cách thức Giáo hội diễn tả sự đồng thuận của mình là ngang qua công nghị với những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, cầu nguyện và đưa ra quyết định. Chúa Thánh Thần luôn là nhân vật chính và Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi khi Thánh Thần lên tiếng với chúng ta. Như khi xưa Thánh Thần đã dừng Thánh Phao-lô lại và dẫn ngài đi trên đường ngay nẻo chính, thì Thánh Thần cũng ban cho chúng ta sự can đảm và lòng kiên nhẫn để chúng ta vượt qua những đa dạng, khác biệt và kiên vững trong ơn phúc tử đạo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để hiểu Giáo hội đã hành xử như thế nào trước những đổi mới, ngỡ ngàng mà Thần Khí mang đến. Chúng ta cũng xin ơn được trở nên ngoan ngoãn và đi theo con đường mà Đức Kitô đã mời gọi chúng ta cũng như toàn thể Giáo hội.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

(Nguồn: Radio Vatican)