MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sự hiện diện của các nữ tu Đa Minh giữa những người di tản Iraq

Năm 2014, quân đội Nhà nước Hồi giáo đã tràn vào khắp vùng đồng bằng Ninive của Iraq. Hàng ngàn Ki-tô hữu đã phải đi lánh nạn ở những vùng đất do người Kurd kiểm soát. Các Ki-tô hữu tiếp tục chờ đợi trong các trại tị nạn chật cứng người và đối diện với một tương lai bất định. Điều duy nhất chắc chắn đối với họ là dù cho bất cứ điều gì xảy ra, các nữ tu Đa Minh sẽ vẫn luôn ở bên cạnh họ. “Chúng tôi không bao giờ rời bỏ người dân của chúng tôi. Dù cho họ đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi sẽ đi với họ.” Chị Luma Khudher, một thành viên của Hội dòng các nữ tu Đa Minh thánh Catarina Siena ở Iraq đã nói như thế.

Hội dòng các nữ tu Đa Minh thánh Catarina Siena được thành lập ở Mosul, Iraq vào cuối thế kỷ 19. Qua nhiều thập kỷ, các chị điều hành các trường học và các trạm y tế trên khắp lãnh thổ Iraq. Năm 2003 khi quân đội Mỹ tấn công vào Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, các cơ sở của các chị trở thành nơi cư trú cho các gia đình di tản vì chiến tranh. Năm 2014, khi bị Nhà nước Hồi giáo đuổi ra khỏi Mosul, các nữ tu đã đến Qaraqosh, nơi họ được bảo đảm là các chiến binh Kurd sẽ bảo vệ thành phố. Nhưng các chiến binh Kurd này đã bị đánh bật và các chị cũng ở trong số những người chạy nạn.

Hàng ngàn người Iraq chạy nạn đổ vào Irbil và các cùng khác, nhưng chính quyền trung ương của người Kurd không thể giúp họ được nhiều vì nguồn kinh tế thu được từ dầu hỏa bị suy giảm khi công nghệ dầu hỏa đang có nguy cơ bị sụp đổ. Chính quyền trung ương của Iraq thì ở tận Baghdad và họ cũng không quan tâm lắm đến các Ki-tô hữu và các nhóm thiểu số khác. Giáo Hội Công giáo Iraq đã dấn thân kêu gọi sự tài trợ từ khắp thế giới, nhưng cũng không cải thiện được tình hình bao nhiêu. Trong tình cảnh bi thảm này, sự hiện diện của các nữ tu Đa Minh đã mang lại hy vọng cho những người tị nạn.

Chính các nữ tu cũng bị sốc trước tình cảnh hiện tại nhưng các chị đã cố gắng can đảm để an ủi những người khác. Chị Tổng phụ trách Maria đề nghị các chị bắt đầu từ sữa và tả lót. Các chị đi đến các trại khác nhau và phân phát tả lót và sữa; tả lót trở thành chăn và sữa là thực phẩm. Các chị đã trở thành các nhà quản lý đồ viện trợ cho cộng đồng người di tản. Ông Michel Constantin, giám đốc địa phương của Hiệp hội Phúc lợi Công giáo vùng Cận Đông cho biết: “Các nữ tu có mặt ở mọi nơi. Khi chúng tôi hỏi về nhu cầu của các người di tản, không ai có thể trả lời như người có thẩm quyền, trừ các nữ tu.” Ông cũng cho biết có một lỗ hỗng trong Giáo hội địa phương vì họ không được chuẩn bị để đối phó với tình huống này. Các nữ tu có kinh nghiệm hơn; họ đã tham gia vào công tác xã hội với các trạm y tế, trường học và trại trẻ mồ côi, và họ đã tiếp xúc trực tiếp với dân chúng. Theo ông, cũng có nhũng Hội dòng khác nhưng các nữ tu Đa Minh thì thống nhất. Các chị nói: có một nhu cầu và chúng tôi làm việc ngày đêm để giải quyết.

Các nữ tu rất hi sinh, không bao giờ than vãn về điều kiện sống khổ cực của họ. Một số chị lớn tuổi đã chết trong những tháng đầu khó khăn ở Erbil. Các chị không bao giờ nói về nhu cầu của mình nhưng chỉ nói về nhu cầu của dân chúng. Các chị mở rộng hoạt động y tế của mình, thêm vào những trạm y tế lưu động để giúp các người tị nạn đang sống ở những vùng xa. Các chị mở các trường học và các trường mầm non dạy bằng tiếng Ả rập và Aramai cho các người di tản.

Chị Khudher cho biết trung tâm công việc của các chị là lắng nghe người khác và Chúa Thánh Thần. Các chị chia từng 2 người đi đến các trại và lắng nghe dân chúng chia sẻ về những điều họ đối diện hàng ngày. Phần lớn vấn đề của họ là nhà cửa, trường học cho con cái họ. Các chị tìm được sức mạnh trong việc giữ đời sống thiêng liêng. Chị cho biết các chị không bao giờ ngừng việc cầu nguyện hàng ngày. Từ khi các chị đến Erbil, các chị tham dự Thánh lễ và giờ Kinh sáng, lần hạt ban trưa và giờ Kinh chiều.

Khi các chị được trở về lại Qaraqosh và Mosul thì nền tảng thiêng liêng này sẽ giúp cho các chị và những người di tản trong việc giao tiếp với những người Hồi giáo đã cộng tác với Nhà nước Hồi giáo. Chị thú nhận các chị cũng là những con người chứ không phải các thánh. Các chị rất giận dữ khi những người được các chị giúp đỡ, chữa bệnh và giáo dục lại quay lại chống các chị. Nhưng chị nói: “khi chúng tôi trở về, những người này đến bệnh viện của chúng tôi, tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ không điều trị cho họ. Chúng tôi chỉ thực hành những điều Chúa Giê-su dạy: tha thứ cho kẻ thù, yêu kẻ thù.Nó thật khó khi nghĩ về nó nhưng tôi nghĩ dân chúng sẽ thực hành điều này. Chúng tôi không chỉ cầu nguyện rồi không thi hành những điều Chúa Giê-su bảo chúng tôi làm.” (Catholic News Service 20/04/2016)

Hồng Thủy OP

(Nguồn: Radio Vatican)