MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Ngày 15 tháng 4 Đức Phanxicô và Thượng phụ Báctôlômêô I sẽ đến đảo Lesbos, Hy Lạp


Ngày 15 tháng 4-2016, Đức Phanxicô và Thượng phụ Báctôlômêô I của Constantinople sẽ đến đảo Lesbos, Hy Lạp, nơi các người tị nạn sống chen chúc trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Đầu tuần này, một giám chức cao cấp của Vatican đã cực lực lên án thỏa hiệp giữa Hội đồng Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ về việc gởi trở lại người tị nạn đã đến Hy Lạp về lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin đồn về việc Đức Phanxicô có thể sẽ đến đảo Lesbos nay đã được xác nhận: Đức Phanxicô sẽ đến đảo Lesbos để tỏ tình tương trợ với người tị nạn đang sống ở đây.

Thượng phụ đại kết Báctôlômêô I sẽ tháp tùng Đức Giáo hoàng. Theo bản tin của Thượng Hội đồng Giáo hội Hy Lạp loan đi ngày thứ ba, Đức ông Iéronymos cho biết họ “mong muốn gặp Đức Phanxicô ở Hy Lạp để gây ý thức cho cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các xung đột” ở Trung Đông, và “làm sáng tỏ vấn đề trọng đại của nhân loại”, vấn đề làn sóng người tị nạn. Thượng Hội đồng “chấp nhận lời đề nghị của Đức Phanxicô, ngài muốn đến thăm một đảo ở vùng biển Égée, nếu đây là cuộc viếng thăm vài giờ, ngoài nghi thức và có tính cách nhân đạo và biểu tượng”. “Thượng hội đồng khẳng định, nhân cách và uy tín của Thượng phụ đại kết ở Istanbul, cũng như sự hiện diện của Đức Phanxicô sẽ gởi một sứ điệp quan trọng để thức tỉnh lương thức cộng đồng quốc tế”.

Hôm qua 5 tháng 4, linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh đã trả lời cho hãng tin Ý SIR là “Vatican không phủ nhận có các liên lạc, nhưng chưa xác nhận được ngày giờ và chương trình cuộc viếng thăm.” Chiều thứ ba, thủ đô Athènes đã chính thức loan báo chuyến đi của Đức Phanxicô và Thượng phụ Báctôlômêô I.

“Người tị nạn không phải là các kiện hàng bưu điện”

Tin được loan ra sau khi Vatican tỏ thái độ cương quyết về cơn khủng hoảng di trú. Ngày 4 tháng 4, sau khi có thỏa hiệp giữa hội đồng Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng y Antonio Maria Vegliò đã tố cáo trên làn sóng của Đài Phát Thanh Vatican các vụ gởi trả người tị nạn mà không có một “tổ chức kiểm soát” nào và các khó khăn trong việc đoàn tụ gia đình, hãng tin I.Media cho biết.

Đức Hồng y Vegliò đã có những lời nói gay gắt với thỏa hiệp này: các người tị nạn không phải là những “kiện hàng bưu điện”, cũng không phải là hàng hóa nhưng là những con người. Ngài kêu gọi phải phân biệt giữa người di dân và người tị nạn, người tị nạn được bảo vệ bởi một thỏa hiệp quốc tế.

Ngày 18 tháng 3 vừa qua, Hội đồng Âu Châu đã ký một thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó tất cả những người di dân hay tị nạn đã vượt biển Egée một cách bất hợp pháp sẽ bị gởi về Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi người tị nạn Syria bị đưa về Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng Âu Châu sẽ đón tiếp một người khác từ Thổ Nhĩ Kỳ. (lavie.fr)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)