Rõ ràng, dù cho truyền thông tập trung chú ý về từ ‘diệt chủng’ mà Đức Phanxicô dùng để nói đến cuộc thảm sát thanh trừng người Armenia cách đây một thế kỷ, nhưng ý của Đức Phanxicô trong mọi thông điệp của ngài ở Armenia đều đơn giản là muốn bảo đảm rằng ký ức về quá khứ không phải là nguyên do để nảy sinh những xung đột mới, nhưng là cơ hội để xây cầu, để thực thi tha thứ và hòa giải. Kitô hữu thuộc mọi phái khác nhau vẫn có thể làm chứng cho sự hiệp nhất và hợp tác.
Trong bài diễn văn đầu tiên ở Armenia, khi đến nhà thờ chính tòa Etchmiadzin, Đức Giáo hoàng đã nói, ‘Sự dấn thân nhẫn nại và bền chí hướng đến hiệp nhất trọn vẹn, sự lớn mạnh của các khởi xướng và cộng tác chung giữa mọi môn đệ Chúa, nhằm phục vụ lợi ích chung, tất cả như ánh sáng chiếu tỏa trong đêm tối và là lời hiệu triệu để cảm nghiệm cả những khác biệt của chúng ta trong tinh thần đức mến và thông hiểu lẫn nhau. Tinh thần đại kết, con đường đối thoại và cộng tác, có một giá trị gương mẫu không chỉ trong phạm vi cộng đoàn hội thánh, mà còn cho tất cả mọi người thấy một lời kêu gọi mạnh mẽ muốn giải quyết những sai biệt bằng đối thoại, và cảm kích tất cả những gì hiệp nhất chúng ta.’
Trong thánh lễ ở Gyumri, ngày thứ bảy 25-6, Đức Phanxicô đã mời mọi người, ‘Xây dựng những nền tảng cho ký ức, cho đức tin, nhưng còn cho tình yêu của lòng thương xót, bởi tình yêu cụ thể là tấm danh thiếp của người Kitô hữu, mọi cách giới thiệu khác đều có thể sai lầm và vô ích, bởi chính qua tình yêu thương chúng ta dành cho người khác, mà mọi người sẽ biết chúng ta là môn đệ Chúa. Chúng ta được kêu gọi, trên tất cả, là để xây dựng và tái thiết những con đường thông hiệp, không ngừng xây cầu hiệp thông và làm việc thắng những chia rẽ.’
Đức Giáo hoàng còn thúc đẩy chủ đề này thêm trong cùng tối hôm đó, trong buổi hội đại kết ở Quảng trường Cộng hòa tại Yerevan, khi ngài nói rằng, ‘Chỉ mình đức mến mới có thể hàn gắn ký ức và chữa lành những vết thương quá khứ. Chỉ có ký ức mới xóa đi những định kiến và cho chúng ta thấy rằng, khi mở ra với anh chị em mình, thì những xác quyết của chúng ta mới được thanh tẩy và thăng tiến. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi tìm can đảm cần có để xóa bỏ những quan điểm khắc nghiệt và những ham mê cá nhân nhân danh tình yêu, một thứ …tình yêu hạ giá.
Ký ức, thổi bùng lên với tình yêu, có thể vạch ra những con đường mới và không ngờ đến, nơi những thiết kế của hận thù trở thành dự án của hòa giải. Chúng ta tất cả đều được vui hưởng từ những nỗ lực mong mỏi đặt nền tảng cho một tương lai không chấp nhận bị kìm kẹp trong mãnh lực báo thù phi lý, một tương lai với những nỗ lực không ngừng để tạo điều kiện cho hòa bình, là công việc phẩm giá cho tất cả, chăm lo những người cùng quẫn nhất, và chiến đấu không ngừng để xóa bỏ tham nhũng thối nát.’
Cuối cùng, cuối buổi phụng vụ hôm chúa nhật 26-6 do thượng phụ Karekin II chủ trì, Đức Phanxicô nói rằng: ‘Chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi của các thánh, hãy lắng nghe tiếng nói của người khiêm nhượng và nghèo hèn, của nhiều nạn nhân bị thù ghét, thậm chí trao đi mạng sống vì đức tin. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các thế hệ trẻ tuổi hơn, những người tìm kiếm một tương lai không có những chia rẽ quá khứ. Từ nơi thánh này, mong sao một ánh sáng chiếu tỏa xa hơn nữa, ánh sáng đức tin đã chiếu rọi mảnh đất này từ thời thánh Gregory, người cha trong Tin mừng của anh em, nguyện xin cho chúng ta hòa chung trong ánh sáng của tình yêu biết tha thứ và hòa giải.’
Khi ký ức đi kèm với đức tin và lòng thương xót, thì nó trở thành tha thứ và hòa giải hơn là một nguyên do gây chia rẽ và xung đột. Đức Giáo hoàng Phanxicô, chung lòng hiệp thông sâu sắc với những người anh em trong Giáo hội Tông tòa Armenia, tưởng nhớ những nạn nhân vụ diệt chủng Armenia cách đây một thế kỷ, cũng chính trong tinh thần này. Ký ức phải có Tình yêu thương.
Andrea Tornielli (Vatican Insider) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)