YEREVAN. Vào cuối cuộc viếng thăm tại Armenia chiều ngày 26-6-2016, ĐTC Phanxicô và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Armenia Tông Truyền đã ký và công bố một tuyên ngôn chung, toàn văn như sau:
Hôm nay tại Thánh Thánh Etchmiadzin, trung tâm tinh thần của tất cả mọi người Armenia, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Karekin II, Tổng Thượng Phụ của tất cả mọi người Armenia, nâng tâm trí lên để cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên lỷ và gia tăng trong đức tin và trong tình yêu giữa Giáo Hội Armenia Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo trong việc làm chứng tá chung cho sứ điệp Tin Mừng trong một giới bị xâu xé vì những cuộc xung đột, và đang mong ước được an ủi và hy vọng. Chúng tôi chúc tụng Chúa Ba Ngôi cực thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã cho chúng tôi đến phần đất Ararat này của Kinh Thánh, ngọn núi này vươn lên như để nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng bảo vệ và cứu độ chúng ta. Chúng tôi hài lòng nhắc lại rằng năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 1700 năm tuyên bố Kitô giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Armenia và đã chứng kiến một trang sử mới về quan hệ nồng nhiệt và huynh đệ giữa Giáo Hội Armenia Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi cảm tạ vì được ơn ơn cùng nhau trong buổi phụng vụ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma ngày 12-4-2015, trong đó chúng tôi đã quyết tâm chống lại mọi hình thức kỳ thị và bạo lực, và chúng tôi đã tưởng niệm các nạn nhân của điều mà Tuyên ngôn chung của ĐTC Gioan Phaolô 2 và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II đã gọi là “cuộc tiêu diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armenia, thường được gọi là cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20” (27-9-2001).
Chúng tôi chúc tụng Chúa vì ngày hôm nay, đức tin Kitô lại là một thực tại sinh động tại Armenia, và Giáo Hội Armenia tiếp tục thi hành sứ mạng của mình với một tinh thần cộng tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hòa bình.
Nhưng đáng tiếc là chúng ta đang chứng kiến một thảm trạng lớn lao đang xảy ra trước mắt chúng ta: vô số người vô tội bị giết, bị lưu đày hoặc phải lưu vong đau thương và bất định, vì những cuộc xung đột liên tục về chủng tộc, chính trị và tôn giáo tại Trung Đông và các nơi khác trên thế giới. Hậu quả là các nhóm thiểu số về chủng tộc và tôn giáo trở thành đối tượng cho các cuộc bách hại và đối xử tàn ác, đến độ những đau khổ ấy, vì lý do thuộc về một tôn giáo, đã trở thành một thực tại thường nhật. Các vị tử đạo thuộc tất cả các Giáo Hội và những đau khổ của họ tạo thành một “phong trào đại kết bằng máu” vượt lên trên những chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta hãy thăng tiến sự hiệp nhất hữu của mọi môn đệ Chúa Kitô. Cùng nhau chúng tôi cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Tađeo và Bartolomeo, để có một sự thay đổi trong tâm hồn của tất cả mọi người đã phạm những tội ác tầy đình như thế và nơi những người có khả năng chặn đứng bạo lực. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị nguyên thủ quốc gia hãy lắng nghe lời thỉnh cầu của hàng triệu người, đang lo âu chờ đợi hòa bình và công lý trên thế giới, đang yêu cầu tôn trọng các quyền mà Thiên Chúa ban cho họ, họ đang cấp thiết cần được cơm bánh chứ không phải võ khí. Đáng tiếc thay chúng tôi đang chứng kiến một sự trình bày tôn giáo và các giá trị tôn giáo trên thế giới một cách cực đoan, bị lạm dụng để biện minh cho sự phổ biến oán thù, kỳ thị và bạo lực. Sự biện minh cho các tội ác dựa trên các ý tưởng tôn giáo như thế là điều không thể chấp nhận được, vì “Thiên Chúa không phải là một chúa tể của xáo trộn, nhưng là của hòa bình” (1 Cr 14,33). Ngoài ra, sự tôn trọng những khác biệt về tôn giáo là điều kiện cần thiết để có sự sống chung hòa bình giữa các cộng đồng chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là Kitô hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và phát triển những con đường hòa giải và hòa bình. Về vấn đề này, chúng tôi cũng bày tỏ hy vọng một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến vùng Nagorno-Karabakh.
Nhớ lại điều Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ khi Ngài nói: “Ta đói và các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là ngoại kiều và các con đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi và các con đã cho Ta mặc, Ta bệnh tật và các con đã viếng thăm Ta, Ta ở tù và các con đã đến tìm Ta” (Mt 25,35-36), chúng tôi kêu gọi các tín hữu thuộc các Giáo Hội chúng tôi hãy mở rộng tâm hồn và đôi tay cho các nạn nhân chiến tranh và khủng bố, những người tị nạn và gia đình họ. Ở đây có liên hệ tới chính ý nghĩa tình người của chúng ta, tình liên đới, sự cảm thông và lòng quảng đại, chỉ có thể được diễn tả một cách thích hợp qua việc sử dụng ngay các tài nguyên một cách thực tiễn. Chúng tôi nhìn nhận tất cả những gì đã được thực hiện, nhưng chúng tôi tái khẳng định rằng các vị hữu trách chính trị và cộng đồng quốc tế được yêu cầu hãy làm hơn nữa để đảm bảo quyền của tất cả mọi người được sống trong hòa bình và an ninh, để hỗ trợ nhà nước pháp quyền, để bảo vệ các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số, để bài trừ nạn buôn người.
Sự tục hóa trong nhiều lãnh vực xã hội, sự kiện xã hội bị tha hóa khỏi những gì là tinh thần và thần linh, chắc chắn đưa tới một cái nhìn không có tính chất thánh thiên và duy vật về con người và gia đình nhân loại. Về điểm này chúng tôi lo ngại vì cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều nước. Giáo Hội Armenia Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo có cùng một quan niệm về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi nhưng không và yêu thương chung thủy giữa một người nam và một người nữ.
Chúng tôi vui mừng khẳng định rằng mặc dù vẫn còn những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, chúng tôi đã hiểu rõ hơn rằng điều liên kết chúng tôi thì nhiều hơn những gì làm chúng tôi chia rẽ. Đây là nền tảng vững chắc dựa trên đó sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô sẽ được biểu lộ, theo lời Chúa dạy: “Để tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21). Trong những thập niên qua, quan hệ giữa Giáo Hội Armenia Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo đã bước vào một giai đoạn mới với sự thành công, được củng cố nhờ cầu nguyện cho nhau và sự dấn thân chung để vượt qua những thách đố hiện nay. Ngày nay chúng tôi xác tín về tầm quan trọng chủ yếu của việc phát triển những quan hệ ấy, thi hành một sự cộng tác sâu xa và quyết liệt hơn không những trong lãnh vực thần học, nhưng cả trong kinh nguyện và sự cộng tác tích cực trên bình diện các cộng đoàn địa phương, trong viễn tượng chia sẻ sự hiệp thông trọn vẹn và những biểu hiện cụ thể sự hiệp nhất ấy. Chúng tôi nhắn nhủ các tín hữu của chúng tôi hãy làm viẹc trong sự hòa hợp để thăng tiến các giá trị Kitô trong xã hội, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng một nền văn minh công lý và hòa bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và huynh đệ mở rộng trước mắt chúng ta. Ước gì Chúa Thánh Linh, Đấng hướng dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn (Xc Ga 16,13), nâng đỡ mọi cố gắng chân thành để kiến tạo những cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.
Từ Thành Thánh Etchmiadzin chúng tôi mời gọi tất cả các tín hữu của chúng tôi hãy hiệp nguyện, với những lời của thánh Nerses... “Lạy Chúa Hiển Vinh, xin đón nhận những lời khẩn nguyện của tôi tớ Chúa và nhân từ đón nhận những lời cầu xin của chúng con, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Stephano vị tử đạo tiên khởi, thánh Gregorio Đấng Soi Sáng, các Thánh Tông Đồ, các Thánh “Thần Linh”, các vị Tử Đạo, các Thánh Thượng Phụ, các vị ẩn tu, các Thánh Đồng Trinh và tất cả các Thánh của Chúa trên trời và dưới đất. Lạy Chúa Ba Ngôi không bị phân rẽ, chúc tụng và tôn vinh Chúa đến muôn đời. Amen.”
Thành Thánh Etchmiadzin ngày 26 tháng 6 năm 2016
Ký tên: Phanxicô Giáo Hoàng - Karekin II Tổng Thượng Phụ
G. Trần Đức Anh OP chuyển ý
(Nguồn: Radio Vatican)