MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Phanxicô nói về Martin Luther và sự hiệp nhất

Đức Phanxicô và Nữ Giám mục Antje Jackelén của phái Luther trong buổi tiếp kiến ngày 4 tháng 5-2015
Trên chuyến bay từ Armenia về Roma, hôm chúa nhật, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có buổi phỏng vấn trên máy bay như lệ thường với các ký giả.

Ngài nói lên suy nghĩ về nhiều vấn đề, từ chuyến đi Armenia, đến các chuyến tông du sắp tới ở Azerbaijan và Ba Lan, đến vai trò của Đức Giáo hoàng Danh dự, sự hiệp nhất Kitô, phong trào kháng cách, Brexit, ý tưởng về nữ phó tế, và việc Giáo hội phải xin lỗi vì những kỳ thị với người đồng tính.

Tilmann Kleinjung (ARD, Đức): Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi cha một câu. Hôm nay, cha nói về những ơn của các Giáo hội chia sẻ, ơn mà các Giáo hội cùng chia sẻ. Bốn tháng nữa, cha sẽ đến Lund dự kỷ niệm 500 năm phong trào kháng cách, con nghĩ có lẽ bây giờ là lúc để chúng ta không chỉ nhớ về những vết thương trong quá khứ của cả hai bên, nhưng còn là lúc để nhận ra những ơn của phong trào kháng cách. Có lẽ, cũng đến lúc để hủy án phạt rút phép thông công với Martin Luther, hay một sự hòa giải nào đó. Con xin cảm ơn cha.

Cha nghĩ rằng những ý định của Martin Luther không sai. Ngài là một nhà cải cách. Có lẽ một vài phương pháp đã không đúng. Nhưng, thời đó, nếu chúng ta đọc chuyện đời của một mục tử, một người Đức, đã thay đổi khi thấy thực tế thời đó, thấy Giáo hội không thực sự là môt hình mẫu để noi theo. Trong giáo hội có tham nhũng, có trần tục, bám víu vào tiền bạc, quyền lực… thế là ngài phản kháng. Ngài thông minh và đã có những bước hướng về suy tư công chính hóa, và ngài đã làm. Ngày nay, người phái Luther, người Công giáo, Tin Lành, tất cả chúng ta đều đồng ý về giáo lý công chính hóa.

Về điểm này, một điều hệ trọng là, ngài đã không sai. Ngài đã chế thuốc cho Giáo hội, nhưng rồi thuốc này kết cấu thành một khuôn khổ, thành một đường lối đức tin, thành một đường lối hành động, một lối phụng vụ, và không chỉ có ngài, mà còn có Zwingli, có Calvin, mỗi người mỗi khác, và phía sau họ là ai? Các vua chúa. Chúng ta phải đi vào trong chuyện của thời đó. Đây là chuyện không dễ hiểu, không dễ.

Rồi thì mọi chuyện tiến tới, và ngày nay đối thoại rất tốt đẹp. Bản văn về công chính hóa, là một trong những văn bản đại kết phong phú nhất trong thế giới, một điểm mà hầu hết đều đồng thuận. Nhưng có những chia rẽ, cũng do các giáo hội. Ở Buenos Aires, có hai giáo hội Luther, và mỗi giáo hội nghĩ mỗi cách khác nhau… ngay cả trong cùng giáo hội Luther cũng không có sự hiệp nhất, nhưng họ tôn trọng nhau, họ yêu thương nhau, và điều khiến tất cả chúng ta rất đau đớn chính là sự khác biệt, và ngày nay chúng ta tìm cách để đi theo con đường gặp gỡ nhau sau 500 năm chia rẽ. Cha nghĩ chúng ta phải cầu nguyện với nhau, phải cầu nguyện. Cầu nguyện là điều quan trọng. Thứ hai, làm việc chung vì người nghèo, vì những người bị bách hại, vì nhiều người, vì các người tị nạn, vì nhiều người đau khổ, làm việc với nhau và cầu nguyện với nhau, các thần học gia cũng nghiên cứu với nhau, nhưng đây là con đường dài, rất dài.

Có lần cha đùa rằng: ‘Tôi chẳng biết khi nào sẽ có hiệp nhất trọn vẹn.’ Khi nào đây? ‘Ngày Con Người sẽ đến’, bởi chúng ta không biết… Thần Khí sẽ ban ơn, nhưng trong lúc này, chúng ta hãy cầu nguyện, yêu thương nhau và cùng làm việc với nhau. Trên tất cả, hãy vì người nghèo, vì người đau khổ, vì hòa bình và nhiều chuyện khác… chống lại nạn bóc lột và nhiều việc nữa mà chúng ta phải chung tay hành động. (CNA)

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)