YANGON: Hôm 22 tháng 8 vừa qua 200 vị đại diện các tôn giáo, giới chức chính trị, dân biểu và nhân viên của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi hoà bình cho Myanmar.
Trong thông cáo công bố sau cuộc họp triệu tập những ngày vừa qua tại Yangon, các đại diện nói trên khẳng định rằng “Hội nghị tại Panglong ngày 31 tháng 8 này là cơ may giúp đạt một thoả hiệp cho thiện ích của dân nước Myanmar, đặc biệt cho các trẻ em là tầng lớp gánh chịu nhiều khổ đau nhất trong cuộc chiến đã kéo dài tại đây hơn 70 năm qua. Các trẻ em bao gồm một phần ba dân số toàn nước, vì thế chúng ta có bổn phận ngưng xung đột bây giờ và che chở tương lai của các em. Chiến tranh ngăn cản các em phát triển tiềm năng tràn đầy của chúng, và là chướng ngại cho sự lớn mạnh của quốc gia. Phần lớn tương lại của quốc gia tuỳ thuộc nơi điều mà xã hội sẽ có thể làm cho các trẻ em.”
Cuộc họp nói trên do “Hiệp hội Liên tôn Myanmar bảo vệ trẻ em” tổ chức. Hiệp hội này được thành lập năm 2014 với sự cộng tác của tổ chức phi chính quyền “Ratana Metta” và UNICEF của Liên Hiệp Quốc. Thành viên của hiệp hội bao gồm các tín hữu của các Giáo Họi Kitô, Hồi, Hindu và Phật giáo. Hiệp hội yêu cầu Hội nghị Panglong tập trung vào hai mục tiêu ưu tiên là chấm dứt các xung đột trong nước, bắt đầu giai đoạn hoà bình, và bảo vệ các nhu cầu và quyền lợi của các trẻ em.
Tưởng cũng nên biết rằng Myanmar có tới 135 nhóm chủng tộc đã luôn luôn gặp khó khăn trong việc chung sống hoà bình với nhau. Đặc biệt chính quyền trung ương gao gồm đa số là người thuộc chủng tộc Birma. Hội nghị Panglong là hội nghị đầu tiên có sự tham dự của đại điện các nhóm chủng tộc khác nhau trong nước, sau hội nghị do tướng Aung San, thân phụ tân thủ tướng Aung San Suu Kyi, tổ chức ngày 12 tháng 2 năm 1947 khai sinh nước Myanmar, trong đó bốn chủng tộc Bamar, Chin, Kachin và Shan đã ký kết thoả hiệp với nhau. Rất tiếc vào tháng 7 cùng năm 1947 tướng Aung San bị ám sát, và Myanmar đã bị lạc hướng, rơi vào tay các chính quyền quân đội độc tài và cuộc nội chiến kéo dài từ đó đến nay (ASIA NEWS 22-8-2016)
(Nguồn: Radio Vatican)