MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Hội nghị thượng đỉnh liên tôn của Đức Giáo Hoàng tại Axixi là một cuộc cách mạng đang tiếp diễn

ĐGH Gioan Phaolô II tham dự cuộc họp hòa bình liên tôn tại Axixi, Ý ngày 27 tháng 10 năm 1986. (Ảnh: CNS / Osservatore Romano)
Khi Đức Phanxicô đến Axixi vào ngày thứ ba 20 tháng 9 để tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình, có khả năng sẽ có hai phản ứng khác biệt về các vấn đề khác nhau, mỗi phản ứng đều có nguy cơ mất trọng điểm.

Đối với những người không quen thuộc với lịch sử giáo hoàng gần đây, hành động này có thể được coi như sáng kiến bất thường của một giáo hoàng phá-vỡ-khuôn-khổ, một giáo hoàng từng được biết qua phong cách độc đáo là tiếp cận với những người từ rất xa Giáo hội Công giáo.

Ngược lại, những người đã hiểu những gì đã xảy ra dưới thời Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI thì có thể họ xem sự kiện 20 tháng 9 là đã quen thuộc. Dù sao, cuộc họp này đánh dấu kỷ niệm 30 năm hội nghị thượng đỉnh liên tôn có tính cách lịch sử năm 1986 của Đức Gioan Phaolô II tại Axixi, một sáng kiến ngài lặp lại năm 1993 và năm 2002, sau đó một hội nghị khác được Đức Bênêđictô chủ tọa năm 2011.

Cộng đồng Sant’Egidio là Cộng đồng Công giáo đảm trách việc giải quyết xung đột, đại kết và đối thoại giữa các tôn giáo, đã tổ chức các hội đồng liên tôn “trong tinh thần Axixi” mỗi năm, và là động lực chủ yếu đằng sau sự kiện ngày thứ ba 20 tháng 9 sắp tới.

Nói cách khác, người ta có thể nói rằng những cuộc hội họp bây giờ đã trở nên thông thường.

Khi sự việc thường hay xảy ra nhanh chóng, cả hai phản ứng này bắt gặp một cái gì đó thực sự.

Chắc chắn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ mang phong cách độc đáo riêng của mình để gặp các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác. Đó là ít tập trung vào việc hàn gắn vết thương của quá khứ, như Giáo hoàng Gioan Phaolô, hoặc khám phá các tương đồng và dị biệt thần học, như với Giáo hoàng Bênêđictô, nhưng trên hết là hành động thiết thực ở-đây-và-bây giờ về những mục tiêu nhân đạo và xã hội cùng chia sẻ với các tôn giáo khác.

Chắc chắn sự tiếp cận giữa các tôn giáo ngày nay đã trở thành một phần của công việc phải làm đối với bất kỳ giáo hoàng nào, phản ánh các giáo huấn của Công đồng Vatican II (1962-1965) và các tiền lệ được đặt ra bởi giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Tuy nhiên, cả “giáo hoàng Phanxicô bất tuân luật lệ” và “công việc là công việc” đều coi như phớt lờ điểm quan trọng nhất pp tất cả các điểm, đó là: Những gì được sắp đặt để mở ra tại Axixi vào ngày 20 tháng 9 là một chương mới trong một cuộc cách mạng đang tiến hành, cả về cách Giáo hội Công giáo tham gia vào thế giới lẫn vai trò của giáo hoàng.

Ba mươi năm sau sự kiện, thật dễ dàng để quên sự sáng tạo đến mức như thế nào và các tranh cãi mà cuộc họp liên tôn năm 1986 dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gây ra.

Việc tổ chức tại Axixi thay vì tại Roma là có chủ ý. Roma là thành phố của Giáo hoàng, trong khi Axixi là của Thánh Phanxicô, một khuôn mặt được mọi người ngưỡng mộ vì đã dấn thân cho hòa bình, đối thoại và bình dị. Đó là một cách để san bằng địa vị, cho thấy rõ giáo hoàng đến với các tôn giáo khác như người anh em và chứ không phải một tổng chỉ huy.

Nhóm họp hôm đó gồm có giáo sĩ Do Thái đội mũ chỏm và người Sikhs đeo khăn xếp, người Hồi giáo cầu nguyện trên thảm dày và người thờ thần lửa (Zoroastrian) đốt lửa thiêng. Tổng giám mục Anh giáo Robert Runcie, thuộc giáo phận Canterbury trò chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Giám mục Chính thống với Alan Boesak, nhà hoạt động chống chủ nghĩa kỳ thị của Nam Phi và chủ tịch của Liên minh Thế giới của Giáo Hội Cải cách.

Sau khi các đại diện các tôn giáo khác nhau cầu nguyện xong, các nhà lãnh đạo tinh thần tập trung tại tu viện dòng Phanxicô dùng bữa ăn với bánh mì, pizza, rau, Coke, và nước. (Trong một nhượng bộ hiếm có của người Ý, rượu vang không được phục vụ, để không xúc phạm những người coi rượu là vượt giới hạn.)

Phản ứng là tức thời, và khốc liệt. Một số phản ứng được thúc đẩy bởi các truyền thuyết đô thị như thông tin về việc hy tế động vật trên bàn thờ của nhà thờ Công giáo, nhưng phần lớn những chỉ trích đã được dựa trên những gì thực sự xảy ra.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống của Tổng Giám Mục Marcel Lefebre phát truyền đơn tố cáo Giáo hoàng Gioan Phaolô như một sự bỏ đạo khi cáo buộc ngài đặt Công giáo ngang hàng với các tôn giáo khác. Hai năm sau, khi phái ly giáo Lefebre nói rằng họ đã hành động để bảo vệ đạo Công giáo theo “tinh thần Vatican II và tinh thần Axixi.” Carl McIntire, người theo trào lưu chính thống Tin lành Mỹ, khuếch đại chuyện của Lefebre khi gọi cuộc họp Axixi là điều “ghê tởm duy nhất và lớn nhất trong lịch sử giáo hội.”

Thậm chí mối quan tâm đã gióng lên ngay ở bên trong nhóm thân cận của Đức giáo hoàng. Người sau-này-là Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là phụ trách Bộ Tín lý của Vatican, cho biết trong cuốn sách xuất bản năm 2003 rằng “không thể chối cãi là các cuộc họp Axixi, đặc biệt là năm 1986, đã bị nhiều người hiểu sai.”

Mặc dù tất cả những điều đó, Giáo hoàng Gioan Phaolô lặp lại sự kiện hai lần. Năm 2002, Hồng y Ratzinger đã tham dự và tuyên bố chính mình thấy “rất vui” với kết quả, và sau này chính ngài đã hướng dẫn một cuộc họp như thế trong cương vị giáo hoàng.

Vì vậy, khi Đức Phanxicô đi Axixi vào ngày thứ ba sắp tới, khẳng định rằng cam kết của Giáo Hội đối thoại liên tôn và hòa hợp là không thể làm ngược lại – một cái gì đó thậm chí không ai có thể nghĩ năm mươi năm về trước.

Nó cũng khẳng định vai trò mới của giáo hoàng, mà người tiên phong là Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Một điều nên nhớ, khi hội nghị thượng đỉnh năm 1986 tổ chức ở Axixi thì chiến tranh lạnh vẫn còn nóng, vì vậy ý tưởng cầu nguyện cho hòa bình không phải chỉ đơn giản là một hành vi đạo đức nhưng mang ý nghĩa chính trị trong thế giới thực sự. Cuộc họp năm 1993 trong lúc có cuộc chiến ở vùng Balkans, và lần họp năm 2002 diễn ra do hậu quả của vụ 9/11.

Ý tưởng là để đối phó với bạo lực bằng các hành vi của tình hữu nghị và hòa bình, qua đó minh định rằng tôn giáo không phải là nguyên nhân gây ra xung đột, nhưng là chìa khóa để giải quyết các dị biệt và thúc đẩy sự hiểu biết.

Quả vậy, đó là một cách để xác định cương vị giáo hoàng như một vị chủ tịch và người triệu tập các người ôn hòa thuộc các tôn giáo khắp nơi trên thế giới, mang lại sự trái ngược về nhận thức của sự thù địch và bạo lực được nuôi dưỡng bởi các khác biệt tôn giáo.

Năm 2002, khi kết thúc sự kiện Axixi do Đức Gioan Phaolô chủ tọa, giáo sĩ Israel Singer, lúc đó đứng đầu Đại hội Do Thái Thế giới, đã quay qua Đức giáo hoàng và ông nói ngoài bài diễn văn soạn sẵn, “Chỉ có ngài, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài mới có thể làm cho mọi người ngồi lại với nhau”, sau đó ông đã trân trọng chào Đức Giáo hoàng.

Do đó, khi Đức Phanxicô đi Axixi vào ngày thứ ba tới, một lần nữa ngài sẽ xác nhận sự thay đổi lớn trong thái độ của người Công giáo đối với các tôn giáo khác, và một sự bổ sung mang tính lịch sử cho khái niệm thế nào là một giáo hoàng.

Phải nói, tất cả những điều này đáng công để bỏ ra một ngày làm việc.

John L. Allen Jr (cruxnow.com) | Trương Ngọc Thạch chuyển ngữ

(Nguồn: phanxico.vn)